Năm Dậu nói chuyện Gà
NAM MÔ THẾ TÔN ỨNG CÚNG CHÁNH BIẾN TRI
NĂM DẬU NÓI CHUYỆN GÀ
Kinh thưa toàn thể đại chúng,
Hôm nay là ngày sinh hoạt đầu tiên trong năm mới của đạo tràng Giác Bảo Hoa do cô Nguyễn Thị Cúc làm trưởng đạo tràng, là ngày sinh hoạt lần thứ 84. Năm rồi chúng ta tất niên là lần thứ 83, như vậy là chúng ta đã trải qua một chặng đường khá dài trong việc lập đạo tràng tổ chức nghe thuyết pháp và đã tồn tại cho tới năm Đinh Dậu. Cho nên, công đức của Phật tử Nguyễn Thị Cúc quả thật là vô lượng vô biên đã gieo duyên lành rất lớn cho toàn thể anh chị trong công ty giày da Thái Bình. Xin quý vị cho tràng pháo tay tán dương công đức của cô. Và xin cho tràng pháo tay nữa để tự tán dương công đức mà mình đến đây nghe thuyết pháp để làm thiện sự trong cuộc sống.
Cuộc sống của chúng ta ai cũng phải bận rộn công việc, và đôi lúc mình bận rộn quá, cực nhọc quá nên phải nổi cáu. Con người mình càng giận dữ, càng nổi cáu, càng bực chừng nào thì chúng ta hỏng việc chừng đó. Mà nếu trong đời sống gia đình chúng ta nổi cáu hoài thì cũng có lúc sẽ ra tòa ly dị. Cho nên, những giây phút chúng ta trở về mái chùa thân thương để tụng kinh, ngồi thiền, niệm Phật, nghe thuyết pháp là giây phút chúng ta lắng lòng thanh tịnh. Chính những giây phút đó là cực kỳ quý cho đời sống tâm linh hằng ngày của chúng ta tại cơ quan và gia đình. Có như vậy thì chúng ta mới có sự bình tĩnh, sáng suốt, thông cảm và tha thứ cao. Cuộc sống này có thông cảm, tha thứ nhiều thì cuộc đời đầy ý nghĩa và vô cùng quý giá. Năm nay là năm Đinh Dậu nên tôi giảng về đề tài: năm Dậu nói chuyện gà.
Con gà nằm trong 12 con giáp theo văn hóa dân tộc của Trung Hoa và Việt Nam. Nền văn hóa Á đông của chúng ta có cái ngộ là chúng ta là con người nhưng mà tuổi của tất cả chúng ta đều tính theo con thú. Năm nay là năm con gà cũng là con thú. 12 con giáp bắt đầu từ con chuột tới con heo. Đầu tiên là con chuột, thứ 2 là con trâu, thứ 3 là con hổ, cọp, thứ 4 là con mèo, thứ 5 là con rồng, thứ 6 là con rắn, thứ 7 là con ngựa, thứ 8 là con dê, thứ 9 là con khỉ, thứ 10 là con gà, thứ 11 là con chó, thứ 12 là con lợn. Miền Nam nói con heo, miền Bắc nói lợn. Thì như vậy, tất cả chúng ta là người mà tất cả các anh chị đây đều tuổi con thú. Thầy tuổi con chó. Nói tuổi chó thì kỳ nên nói văn hoa là tuổi Tuất chứ thực ra là tuổi con chó. Ở đây anh chị nào tuổi con gà xin giơ ngón tay lên. Con gà thường gọi là Dậu. Dậu cũng là gà thôi. Nói bóng bẩy là Dậu.
Trong văn hóa của Việt Nam, quý vị thấy con gà cũng xuất hiện trong văn hóa dân gian rất nhiều. Chẳng hạn chúng ta thấy thời Thục Phán An Dương Vương cứ xây thành lên là đổ, cứ xây lên là đổ, rồi người ta nói ở trong núi có con gà trắng lâu năm, phải giết con gà đó vì nó làm thành đổ. Trong truyện vua Hùng, quý vị thấy chuyện các vị thần đến cầu hôn Mỵ Nương, vua Hùng kêu người nào lấy Mỵ Nương phải đem đến voi 9 ngà, gà 9 cựa. Con voi làm sao có 9 ngà, gà làm sao có 9 cựa. Hay trong trống đồng Đông Sơn cũng thấy xuất hiện gà. Trong dân gian, ai sinh tuổi con gà vào thời khắc ban ngày thì sướng, ai sanh ban ngày thì cực vì con gà vào ban ngày bươi bươi kiếm mồi nên cực. Chuyện đó đúng hay không là chuyện của dân gian. Con gà còn có cái tên hoa mỹ nữa là kê. Kê là gà.
Cuộc sống hằng ngày, ở thành thị chúng ta thì gà không có giá trị, nhưng ở miền quê hẻo lánh thì gà rất có ý nghĩa. Đa số người sống ở quê cái thời đồng hồ không có thì phải nhờ tiếng gà gáy. Gáy hiệp 1, hiệp 2, hiệp 3 thì thức dậy để ra đồng. Mình phải đi về dưới quê thấy mấy con gà gáy, mà đồng ruộng xa xa, gáy nghe mát trời ông địa, yên ả, lanh lót. Mà con gà gáy là con gà trống chứ gà mái không gáy. Năm nay chính quyền, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương vào cuối năm có mời các vị giáo phẩm cấp cao của Tôn giáo về ủy ban để tặng một món quà là con gà trống màu trắng nhưng hai cái chân và cái mồng bằng vàng thiệt. Chúng tôi cũng được mời đến nhận con gà trống. Chúng tôi để trong phòng thỉnh thoảng ngó con gà trống mà hoan hỷ thành quả mình đạt được.
Trong Phật giáo có kể lại một câu chuyện trong Bổn sanh, có con gà gáy phi thời nên nó phải chết. Con gà có những lúc cũng khùng, nhiều khi sau 12h mới gáy, nhưng con này khoảng 10h gáy nên gọi là gáy phi thời. Cũng có những con gà gáy bậy, nhiều khi ngủ giựt mình thức dậy thấy trăng sáng quá nên gáy, con gà này gọi là gáy phi thời. Cho nên nhiều khi chết sớm vì gáy bậy làm người ta ngủ không được, nên đập nó chết. Thứ hai nữa là nhiều khi người ta sống nhờ tiếng gà báo thức mà bây giờ anh gáy bậy hoài nên chết sớm. Thời đó, có con gà gáy phi thời làm cho nhóm học sinh học bài không được nên họ nghiên cứu giết con gà gáy bậy. Điều đó nói lên điều gì? Chúng ta sống trong xã hội này, công ty này, mái nhà này thì chúng ta phải thận trọng trong lời nói. “Lưỡi không xương nhiều đường lắc léo, miệng không vành thì méo lung tung”. Cho nên, trong cuộc sống phải có chân thật ngôn. Có nhiều người sống trong đời này thích nổ, thích đi moi móc chuyện người khác, thích nói xấu về công ty mình, về bạn mình, về người thân mình, nhiều khi họ nói cho nó đã. Con gà gáy phi thời trong kinh để nhắc chúng ta biết rằng nói phi thời dễ chết. Con người chúng ta sống không thật, nói lung tung về chuyện của người khác, nói không đúng sự thật cũng giống gà gáy phi thời. Quý vị thấy bây giờ có mạng internet, facebook, viber, zalo, mình tưởng đất trời mênh mông nên muốn nói gì thì nói, muốn chửi ai thì chửi, muốn nói xấu ai thì nói. Thì những người có những thái độ, tư tưởng, hành động đó thì phải sửa ngay nếu không là coi chúng ta như con gà chết vì gáy phi thời trong kinh điển của Phật giáo.
Trong kinh Tứ niệm xứ, Đức Phật có sử dụng hình ảnh về con gà mái. Quý vị biết là con gà mái có nhiệm vụ đẻ và ấp trứng, và có một sự bao dung che chở đàn con. Tình thương của nó cũng dạt dào như người mẹ thương con. Quý vị thấy khi con gà con đang ăn mà mình xăm xăm tới là con gà con chạy vô mẹ, là gà mẹ xòe hai cánh ra bảo vệ con. Hình ảnh trong kinh có nói con gà này đẻ trứng. Sau khi nó đẻ 6 trứng, 10 trứng hay 12 trứng, và khi con gà mái đẻ đủ trứng thì nó phải ấp. Mà con gà ấp trứng đủ ngày, đủ tháng rồi nở. Chẳng hạn ấp 8 trứng mà nở 8 con thì con gà mái đó rất chuẩn, rất đàng hoàng tức là độ ấp của chị ta là đúng độ. Còn có con ấp mà chỉ nở 4 trứng, còn lại bị thúi vữa, còn lại không nở con được. Lý do là con gà này làm biếng ấp, ấp không đều, không phủ cánh đều đủ che chắn cho phủ kín thì cái trứng còn lại bị thúi, chết trong trứng. Đức Phật lấy hình ảnh đó ví dụ người tu trong giáo pháp của Ngài. Nếu người tu trong giáo pháp của Ngài thực hành giáo pháp của Ngài, tu thiền quán tứ niệm xứ mà không thực hiện tròn đủ pháp độ, không thực hiện đúng phương pháp tứ niệm xứ, không có vị thầy khả kính khả ái, không chuyên cần trong pháp môn thì không đạt đạo quả, và có thể giữa chừng gãy gánh, giữa chừng không bình thường. Lúc tu thì bình thường mà càng tu tâm linh không bình thường giống như con gà ấp không đúng cách, không điều độ, không đúng thời lượng thì bị hư. Còn nếu con gà mái mà ấp đúng độ, đúng lúc, đúng thời, đúng phương pháp thì nở con tốt. Pháp môn chúng ta tu, pháp thiền tứ niệm xứ chúng ta tu có mục tiêu là sát trừ phiền não, bớt tham lam, sân hận và si mê. Nếu mà tu pháp môn này mà tham sân si không giảm thiểu, trái lại gia tăng có nghĩa là mình bị sai phương pháp, sai đường lối nên phải điều chỉnh lại.
Quý vị thấy trong thời Đức Phật có ông Cấp Cô Độc, là người mua đất xây dựng chùa Kỳ Viên bên Ấn Độ cúng cho Đức Phật. Đức Phật an cư kiết hạ và ở đó 19 năm. Đa số kinh điển Đức Phật giảng tại Kỳ Viên tịnh xá. Cho nên, thường thường quý vị đọc thấy mở đầu các bài kinh có câu: “Như vầy tôi nghe, một thời Thế Tôn ngự tại Kỳ Viên tịnh xá của Trưởng giả Cấp Cô Độc…” là Phật giảng tại chùa Kỳ Viên tịnh xá. Ông này có phước giàu trên vua dưới ổng. Đây là phước đặc thù tiềm ẩn trong con người của ông. Tài sản, của cải của ông chỉ có ông hưởng, không một ai cướp đoạt được. Một hôm, có ông bà-la-môn vào nhà ông Cấp Cô Độc tìm hiểu của quý của ông ta, lộc của ông Cấp Cô Độc ở đâu. Bằng phép thuật của ổng, ổng thấy ông Cấp Cô Độc có con gà trên gậy của ông ta nên nghĩ con gà là lộc của ông này. Nên bà-la-môn xin cây gậy vì trên cây gập có con gà. Ông Cấp Cô Độc rộng rãi, bao dung nên ổng cho cây gập. Vừa cho cây gập thì con gà bay ra chỗ khác. Ông xin cái khác thì con gà bay lên búi tóc ông Cấp Cô Độc. Nên ông bà-la-môn nghĩ ra một điều là cái này là cái lộc của ổng rồi, mình cũng không chiếm đoạt được, không lấy được. Câu chuyện nghe qua cảm thấy khó hiểu tại vì tự nhiên lộc nằm trên cây gập là sao, xin cây gập là bay qua búi tóc là sao. Trong cuộc sống hằng ngày, có gia đình cực kỳ khó khăn, tự nhiên sanh đứa con ra lại trở nên giàu. Nhưng cũng có gia đình đang giàu có mà sanh đứa con ra thì tự nhiên cuộc sống đi xuống. Cũng có gia đình đang nghèo khó tự nhiên mua cái nhà đó, miếng đất đó thì giàu lên, đẻ ra bốn năm cái nhà, bảy tám miếng đất. Cho nên, họ xem cái nhà đầu tiên đó, miếng đất đầu tiên đó là lộc, là tài sản của họ nên không bao giờ bán. Giống như bên chùa Bát Chánh Đạo ở Tam Bình này nè, ở đằng trước có miếng đất ngang 4m, dài 12m. Chùa ngó ra thấy miếng đất đó trống, bỏ hoang, lúc đó họ cũng quăng rác tùm lum nên mình thấy xót xa nên nhiều lần bên chùa đi thương lượng với bà chủ đất để mua cho chùa có cái mặt tiền. Nhưng nhiều người đến hỏi mà bà không bán. Bà này rất quý chúng tôi. Ở nhà có lễ gì thì mời chúng tôi. Chúng tôi cũng chưa bao giờ mở miệng xin mua. Có một hôm, bà qua thăm chúng tôi ở chùa Bửu Quang, tôi hỏi thiệt bà: Tại sao bà giàu, khá giả, của nhiều, đất đai nhiều mà bên chùa Bát Chánh Đạo yêu cầu bán miếng đất có 4m, 12m mà tại sao không bán. Bả nói: Thầy hỏi thiệt thì con trả lời thiệt, gia đình nhà con hồi xưa nghèo lắm, con mua miếng đất đó đẻ ra nhiều căn nhà, ăn nên làm ra, con không biết có mê tín dị đoan không nhưng con sợ bán thì con tiêu. Bả nói vậy thôi thì mình im chứ có chuyện gì thì bả đổ thừa mình sao.
Nhưng trong đời sống xã hội, mỗi người đều có phước. Chẳng hạn như bây giờ, mình đi chùa, mình làm phước, mình làm lành lánh dữ, hiếu thảo với cha mẹ, giúp đỡ anh em v.v... và làm điều tốt thì mỗi người chúng ta có một tiềm ẩn công đức. Ông bà nói: “Đức trọng quỷ thần kinh”. Có những người đức trọng không phải là ông thầy tu hay người xuất gia mà ngay cả quý vị cũng vậy. Đức của quý vị đủ trọng rồi thì dù đi đến đâu là thông đến đó, dù nơi đó tà ma hắc ám, không có ai ở được mà mình đến ở đó bình thường, nơi nào mình đến là nơi đó thông, việc của mình muốn làm là tự nhiên thành. Còn người kém phước, kém đức tự động mình ngó hành động và việc làm của mình, nhiều khi mình làm thì thất bại. Thấy người ta buôn bán đắt, mình mở cửa hàng ra bán cái này cái nọ, rồi xong, tháng sau dẹp. Rồi có người bán gì đâu đắt bán không kịp, khách vô ào ào trong khi có người cũng bán nhưng ngồi thấy tội. Nhiều khi người ta mát tay, có phước, chẳng hạn như mình đi buôn bán mà nhiều khi sáng sớm họ mở hàng cái là bán lẹ thiệt lẹ, nhanh thiệt nhanh, được về sớm. Còn bữa nào gánh hàng xôi đi mà gặp cái ông lù khù, bà hắc ám mua, cái rồi trời ơi, gánh oằn vai mà không hết. Giống như bây giờ chùa chiền mở đạo tràng thì ai cũng mở nhưng được một tháng thì đóng cử, lý do không có giảng sư, không có ai đến nghe. Còn đạo tràng Giác Bảo Hoa này, 84 kỳ vẫn chưa đóng cửa, vẫn còn ngồi đông chứng tỏ cô Cúc này mát tay, phước báu nhiều. Có kỳ, chúng tôi đi giảng pháp bên chùa quận 3, có ông thầy hồi xưa đi học ở học viện, giờ tốt nghiệp rồi. Chúng tôi qua bên đó giảng pháp thấy ổng ngồi trong phòng khách. Khách vô ổng tiếp. Người ta cúng dường thì ổng ghi. Chúng tôi hỏi: Thầy tốt nghiệp xong thì thầy còn nhiều chuyện cao siêu làm hơn nữa chứ sao giờ thầy ngồi tiếp khách hoài. Ông thầy nói: Con đâu có muốn ngồi đây đâu, con ngồi đây thì đông, người ta cúng dường nhiều, mà đưa ông khác ngồi thì người ta cúng dường ít, nên mấy thầy kêu con ngồi đây hoài. Cho nên nhiều khi ông này có phước, có đức gọi là mát tay.
Trong kinh Mi Tiên vấn đáp có đề cập đến 5 đặc tính con gà trống. Điều thứ nhất là đi nghỉ đúng lúc. Người ta nói: ngủ sớm như gà. Người nào ngủ sớm người ta nói ngủ như gà. Chẳng hạn 7 giờ nó ngủ là ngủ, 9 giờ ngủ là ngủ. Con gà trống ngủ đúng lúc.
Trong bộ kinh này Đức Phật ám chỉ người tu chúng ta hằng ngày phải siêng năng việc quét dọn lau chùi. Giống như ở chùa, ở nhà mà không quét không dọn thì hầm bà lằng. Cái chùa có quét, có dọn, có lau chùi thì vô thấy sạch sẽ tươm tất. Trong nhà mà chủ nhà có quét dọn, có lau chùi thì nhà ngăn nắp, sạch sẽ. Và thêm một vấn đề nữa về ẩn dụ trong việc con gà trống đi ngủ đúng lúc là người tu phải có truyền thông qua lại lẫn nhau. Chúng ta phải thăm hỏi, nói chuyện đàm đạo với bậc trưởng lão, người bạn hữu gần gũi chúng ta để ta cần thông tin, cần sự liên hệ, cần kiến thức trong đời sống.
Điều thứ hai là con gà gáy đúng lúc, thức dậy đúng lúc. Ví dụ đúng 12 giờ gáy là nó phải gáy chứ gáy bậy là con gà này gáy phi thời. Đức Phật dạy người tu phải siêng năng. Chẳng hạn ở chùa phải siêng năng quét dọn chùa, bảo tháp, trú xứ chứ không phải đi tu mà làm biếng, quanh năm suốt tháng không dám cầm chổi lên là không được. Và đồng thời Đức Phật cũng ám chỉ mình phải quan tâm cơ thể mình. Trong một ngày mình phải quan tâm, phải theo dõi nó chứ bịnh hồi nào không hay. Cơ thể chúng ta có báo hiệu hết như tay chân thường nhức, hết nhức thì chuyển qua tê, tê chuyển qua mất cảm giác thì đi bịnh viện ngay lập tức, chứ không là bán thân bất toại. Cho nên, mỗi ngày mình phải quan tâm đến cơ thể của mình.
Điều thứ ba là con gà trống mà nó đi tìm ăn thì nó bươi dữ lắm. Nó bươi khí thế hơn con gà mái để tỏ vẻ mình là trống. Đức Phật nói người tu chúng ta lúc ăn cần phải quán chiếu cái thức ăn mà mình đang ăn giống như người tu quán tưởng thức ăn này, món ăn này, vật thực này ăn để nuôi mạng sống này, ăn để bảo vệ mạng sống này ngày nay và đêm nay để đủ sức khỏe, để sống đời sống phạm hạnh, để phục vụ cho cộng đồng, lợi ích cho chúng sinh. Mặc dù con gà trống bươi bươi nhưng gặp thứ nó ăn, thứ nó không ăn. Thì chúng ta cũng vậy, mặc dù thức ăn quá nhiều, thức uống quá nhiều nhưng phải biết ăn cái nào, uống cái nào. Chúng tôi có quen gia đình đó, có đứa nhỏ mới 6 tuổi mà bị bịnh tiểu đường rồi vì sáng nó đòi xì tin, trưa đòi xì tin, chiều đòi xì tin, đưa nước trắng nó không uống. Mẹ cha chiều, ngày đến đêm cho uống xì tin cho nên tiểu đường. Lỗi do ai. Do đứa nhỏ hay do bố mẹ nó. Cơ thể chúng ta là cơ thể sinh học. Chúng ta phải biết ăn cái gì, uống cái gì để phù hợp cơ thể này, chứ đàn ông cứ nhập rượu bia hoài thì gan tanh bành, thay vì hưởng thọ 80 mà giờ hưởng dương 45 tuổi. Thời buổi này ốm thì khó, người nào ốm là người biết sống. Thời buổi này biết uống nước suối là người đó khôn. Phụ nữ mà cứ đói là ăn, đói là ăn rồi mai mốt đi không nổi, ú quay. Có kỳ chúng tôi ở bên Mỹ, có người dẫn chúng tôi ăn buffe, ăn có 1 đĩa là no cành hông rồi vì bên đó đồ ăn có 12$ mà 80 món. Mình ăn xong ngưng rồi, ngó qua bên bàn kia thấy bà Mỹ đen ăn hết đĩa này đến đĩa kia, để trên bàn 5 đĩa rồi mà còn ăn. Mình thấy vậy dường như kích thích mình nên mình đứng lên lấy ăn tiếp. Mình ăn xong thì ngó qua thấy bả ăn nữa. Nhưng mà lần này mình thấy bả mập quá chừng mập, mập kiểu này ăn nhiều là phải rồi, mình mà ăn nhiều chắc mai mốt mập giống như bả. Mình mà mập chắc người ta nói mình đại sư phụ Trư Bát Giới. Cho nên mình phải biết vừa đủ và biết dừng đúng lúc. Bây giờ ăn uống nhiều quá nhiều nhưng mình phải biết dừng lại.
Điều thứ tư là con gà trống có mắt tuy sáng nhưng về đêm sẽ mờ và mù. Đức Phật dạy người tu chúng ta đôi lúc cũng phải mù, câm và điếc. Người ta nói là: Muốn tu thì phải giả ngu, có mắt cũng như mù, có tai như điếc đành câm lặng. Đối với người tu chúng ta, đôi lúc mình phải mù, điếc đối với sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Tại sao. Tại vì những phiền não, cấu uế phát sanh từ mắt thấy cảnh sắc, tai nghe âm thanh, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm. Tự nhiên có nhiều người quýnh nhau đổ máu. Những nhà chức trách hỏi tại sao quýnh. Trả lời vì nó nhìn tui mà nhìn đểu. Không hiểu nhìn đểu là nhìn sao, sao là nhìn đểu. Cho nên, phiền não cấu uế. Nhiều khi mình nghe người ta nói sầm xì cái bắt đầu mình nổi máu anh hùng lên. Phiền não, cấu uế, phức tạp mà nó phát sanh lên từ mắt thấy cảnh sắc, tai nghe âm thanh, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm. Nhiều khi mình ghét cái mùi dầu thơm mà người ta xức thì mình chửi thề liền. Vô duyên, người ta xức mùi gì kệ người ta chứ, đâu có dính dáng gì đến mình. Cho nên, đối với người tu là phải mù, điếc đối với mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm vì phiền não cấu uế phát sanh từ đó.
Và cái điều thứ năm là con gà trống thường xuyên bị tấn công bởi những con gà bạn của nó, bởi những người không ưa nó dùng gậy, dùng đá chọi nó nhưng nó vẫn quân bình, vẫn điều hòa, vẫn trốn tránh. Đức Phật dạy con người chúng ta hằng ngày va chạm rất nhiều, công việc áp lực rất nhiều, Phật sự rất nhiều, xây dựng rất nhiều, lo toan rất nhiều nhưng chúng ta phải khéo tác ý, phải khéo giữ tâm của chúng ta tịnh. Đó là năm đặc tính của con gà và đặc tính của người tu.
Có một truyền thuyết của người Trung Hoa nói là có người đó sống thọ 200 tuổi, ông đó có để lại một bí quyết sống thọ 200 tuổi: 1 là tập tâm tĩnh lặng, 2 là ngồi thẳng, 3 là đứng ngay, 4 là đi như gà, 5 là ngủ như chó. Tâm tĩnh lặng thì dễ hiểu rồi. Ngồi phải thẳng vì ngồi gù là 60 tuổi thành bà lão. Đi như gà là đi sao? Ngủ như chó là sao? Ai biết trả lời đúng có thưởng. Thưởng tiền 100 ria, tiền Campuchia có tượng Phật, có cái chùa. Ở đây mình không hiểu ý sao nhưng thường thường mình thấy con chó nằm đâu ngủ đó nhưng ngủ rất tỉnh. Chẳng hạn bây giờ nó đang ngủ mà quý vị đi ình ình vô là nó thức dậy sủa. Cho nên, mình phải tỉnh. Đức Phật Thích Ca ngủ rất tỉnh trong tư thế nằm nghiêng, mà nghiêng bên phải chứ không nằm trên trái vì sẽ bị ép tim.
Một vấn đề nói về chuyện con gà ở đây chúng tôi muốn gửi gắm quý vị một điều là tuổi thọ con gà sống không nhiều, thân phận nó không biết lúc chết bất cứ lúc nào, và khi nó lớn lên, đủ da đủ thịt thì bị thịt ăn. Cho nên con gà sống trong tư thế sẵn dàng chết. Chúng tôi có xây cái chùa trên Bình Dương. Đất chùa mênh mông, mấy ông thợ xây mua gà thả. Con gà càng ngày càng lớn, ú quay. Chúng tôi thấy đàn gà lụi dần theo ngày tháng. Thì thân phận con gà sống đó, chết đó, sự bấp bênh biến đổi nhưng ngày ngày nó vẫn vui chơi với gà mái, với đàn con của nó, rồi phục vụ tiếng gà gáy sáng, sống lần sống mòn để rồi đi đến cái chết. Thân phận con người chúng ta cũng vậy. Suốt cuộc đời chúng ta quần quật trong cuộc sống. Khi còn nhỏ thì chúng ta sống bên cha mẹ, lớn lên phấn đấu ở học đường, hết học đường chúng ta lại phấn đấu bên công sở, hết công sở chúng ta lại chăm lo gia đình, sự sống, những người thân yêu chúng ta để rồi một ngày nào đó chúng ta bỏ thân ra đi. Chúng ta nhìn, quán chiếu cuộc sống xoay vần là như vậy để rồi chúng ta hiểu cái kiếp người thật sự của chúng ta là như vậy. Hiểu không có nghĩa là chán đời, hiểu không nghĩa là bỏ cuộc mà hiểu thân phận của chúng ta bấp bênh như vậy đó để sống ở gia đình, sống tại cơ quan, sống với người bạn của chúng ta làm sao cho có tình, có nghĩa, có trái tim vì tất cả mọi người đều chết như nhau. Nhưng có những người chết để lại trong tim của người sống nhiều kỷ niệm và nhiều tấm gương tốt. Rồi có những người chết đi mà họ bị miệng đời nguyền rủi, lên án. Và chúng ta quán chiếu thân phận của chúng ta giống như con gà phải chết nhưng sống vui để có tình có nghĩa, có lòng nhân ái, có lòng vị tha với người chung quanh, đừng vì ích kỷ quá, đừng vì nhỏ mọn quá, đừng vì danh lợi quá mà đánh mất đi tình người, mất đi trái tim hiếu đạo, mất di nhân cách của chúng ta. Tất cả chúng ta còn lại ở nhân cách, còn lại một cái gì đó chúng ta cống hiến cho gia đình, cho đạo pháp, cho dân tộc này.
Thời thuyết pháp hôm nay chúng tôi nói về chủ đề năm Dậu nói chuyện gà. Chúng tôi đã trình bày một số vấn đề trong kinh điển Đức Phật dạy trong bổn sanh và trong Mi Tiên vấn đáp và tăng chi bộ kinh, tứ niệm xứ để nói về sự tu tập của chúng ta có liên quan tới gà. Mà năm gà có sự kiện là Đức Phật từ cung trời Đấu Xuất giáng vào bào thai của bà Māyā đúng vào năm Dậu. Đức Phật xuất gia thành quả vị Phật năm 35 tuổi, và năm đó được ghi nhận là năm Dậu. Sau khi thành đạo xong, Ngài từ Bồ Đề Đạo Tràng qua vườn Lộc Uyển Ba-la-nại, tức là gần sông Hằng ngày nay để thuyết bài pháp chuyển pháp luân đề tài tứ thánh đế, khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế vào năm Dậu.
Thời pháp đến đây cũng vừa phải lẽ với thời gian, trước khi dứt lời cầu nguyện hồng ân Tam bảo gia hộ cho các anh chị em trong công ty giày da Thái Bình, cũng như thành tâm cầu nguyện cầu an cho ông tổng giám đốc, Nguyên Đức Thuấn cũng như cô Nguyễn Thị Cúc, toàn thể thân quyến, cán bộ công nhân viên, ban giám đốc luôn có nhiều sức khỏe và công ty phát triển tốt, mọi việc được hanh thông. Xin cầu siêu cho chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn, những chúng sinh khuất mặt khuất mày thọ lãnh phần phước này được an vui trong nhàn cảnh
NAM MÔ PHẬT PHÁP TĂNG TAM BẢO.
- [24/08/2021] Tứ diệu đế kinh
- [03/12/2020] Bản Chất Đời Sống
- [02/12/2020] Chỉ Dẫn Bản Đồ Cứu Cánh Níp-Bàn
- [04/11/2020] Thi hóa Trung bộ kinh
- [04/11/2020] Giới luật của hàng xuất gia-Bhikkhu Khantipālo
- [10/01/2017] Thành tựu lòng tin vào Tam bảo và ngũ giới