Bốn Pháp Chúc Mừng

Thường tôn trọng, kính lễ, Bậc kỳ lão trưởng thượng; Bốn pháp được tăng trưởng: Thọ, sắc, lạc, sức mạnh. (Pháp cú kinh 109)

unnamed.jpg (1.10 MB)

 

Theo truyền thống Phật giáo, sau khi các Phật tử cúng dường vật thực hay các món vật dụng đến chư Tăng, một vị sẽ đại diện chư Tăng nói lời tùy hỷ (anumodāna) với phước thiện mà chư thí chủ đã làm và sau đó chư Tăng sẽ tụng kinh chúc phúc đến các Phật tử. Lời kinh chúc phúc của chư Tăng như là lời chúc tụng và ước nguyện cho chư thiện tín được thành tựu những điều hạnh phúc, an lạc. Thông thường, những bài kinh hoặc kệ chúc tụng được chọn lọc ra từng Tam tạng kinh điển Pāḷi hoặc do các vị cao Tăng tiền bối thuở xưa soạn ra để chúc tụng cho chư thiện tín. Một trong những bài kệ do chính kim khẩu đức Thế Tôn thuyết giảng còn được chúc tụng thường ngày chính là bài kệ nói về bốn pháp chúc mừng. Đức Thế Tôn dạy rằng:

Abhivādanasīlissa, niccaṃ vuḍḍhāpacāyino;

Cattāro dhammā vaḍḍhanti, āyu vaṇṇo sukhaṃ balaṃ.

Thường tôn trọng, kính lễ, Bậc kỳ lão trưởng thượng;

Bốn pháp được tăng trưởng: Thọ, sắc, lạc, sức mạnh.[1]

81.jpg (65 KB)

Việc nói lên lời tùy hỷ sau khi thọ dụng cúng dường hoặc vật thực hay chúc tụng đến gia đình thí chủ là việc nên làm của người thọ dụng vật cúng dường. Từ thuở xưa, theo kinh điển ghi lại, sau khi thọ trai xong, đức Phật sẽ tùy thời mà “nói lời tùy hỷ (công đức). Ngài nói lời tùy hỷ (công đức), không chỉ trích bữa ăn ấy, không mong bữa ăn khác; trái lại, Ngài với pháp thoại khai thị hội chúng ấy, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Ngài sau khi với pháp thoại khai thị hội chúng ấy, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi[2]. Chính vì thế, việc nói lời tùy hỷ và chúc phúc công đức đến các thí chủ đã cũng dường vẫn còn được chư Tăng tiếp nối cho đến ngày nay. Và trong nội dung bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau khảo sát về bốn pháp chúc tụng mà chư Tăng thường hay chúc tụng đến các Phật tử. Bốn pháp chúc mừng gồm: tuổi thọ (āyu), dung sắc (vaṇṇa), an lạc (sukha), và sức mạnh (bala).

anh-vo-chong-gia.jpg (57 KB)

  1. Tuổi thọ (āyu): sự sống lâu, trường thọ (dīghāyuko).

Sự trường thọ thì không phải ai muốn cũng được. Từ xưa, biết bao vị vua chúa đã bỏ công bỏ của để tầm cầu phương thuốc trường sinh bất tử, nhưng rồi vẫn chưa có ai thành công và bất tử cả. Con người trên thế gian này, không phải ai cũng đủ phước báu để sống lâu trăm tuổi hay răn long đầu bạc. Dĩ nhiên rằng, việc sống lâu còn đồng nghĩa là sống khỏe, không bệnh tật thì việc sống lâu mới có giá trị. Còn như sống trăm tuổi già mà bệnh tật liên miên, đau nhức vật vờ thì còn gì ý nghĩa nữa. Có rất nhiều nguyên nhân, điều kiện để có thể đạt được sự sống lâu trong cuộc đời:

Thứ nhất, phải nói đến là nhân quả nghiệp báo. Trường thọ hay yểu mệnh một phần là do nhân quả quyết định. Nếu một người cứ sát sanh, giết hại chúng sanh không biết sợ tội lỗi thì người ấy sau khi chết bị sanh vào cõi dữ, ác thú, địa ngục. Nếu như được sanh làm người thì chắc chắn do nghiệp ác dư sót, kẻ ấy không thể nào được trường thọ, sẽ phải bị đoản thọ (appāyuko), yểu mệnh. Chính đức Phật đã dạy thanh niên Subha Todeyyaputta như sau:

Con đường ấy đưa đến đoản mạng, này Thanh niên, tức là sát sanh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loài hữu tình.[3]

Vì vậy, mong muốn được sống lâu thì phải biết giữ giới, nhất là không sát sanh, không bảo sát hại, không đánh đập, hành hạ chúng sanh khác.

Thứ hai, nhân tố quyết định tuổi thọ là vật thực. Sabbe sattā āhāraṭṭhitikā – Tất cả chúng sanh duy tồn nhờ vật thực[4]. Chính vật thực là nguồn sống cần thiết cho mỗi chúng sanh. Nhờ ăn uống đầy đủ chất mới tạo nên một thân thể tráng kiện, và do đó mới con người mới đủ sự nhanh nhạy, minh mẫn và trí tuệ. Tuy nhiên, không phải chỉ có vật thực là được, mà phải biết lựa chọn hợp lý. Người ta thường bảo: "Họa tùng khẩu xuất, bệnh tùng khẩu nhập" nghĩa là tai họa từ miệng mà ra, bệnh tật từ miệng mà vào. Vì vậy, ăn uống là một vấn đề vô cùng quan trọng đối với sức khỏe con người. Khi một người đã mang căn bệnh hiểm nghèo, thi mới thấy sức khỏe là quý. Ārogyaparamā lābhā - Không bệnh lợi tối thượng[5]. Cho dù một người đang ở trong nhà cao cửa rộng, xe hơi lộng lẫy đắt tiền, có nhiều tiền lắm của, sự nghiệp cao sang nhưng đang mang một căn bệnh dày vò, uể oải thì con người đó vẫn luôn bất an, buồn lo và chán nản. Vì vậy, Yathābhuttañca bhuñjatha – Hãy ăn uống cho thích nghi[6]. Đức Phật dạy trong kinh Tăng chi bộ, có năm pháp làm tăng tuổi thọ (āyussadhamma) như là: làm việc thích hợp (sappāyakārī) tức là làm việc không quá phí sức; tiết độ trong sự thích hợp (sappāye mattaññū) là biết vừa phải trong việc ăn uống sao cho thích hợp; ăn đồ dễ tiêu hóa (pariṇatabhojī) là tránh ăn những thức ăn khó tiêu hóa làm cho cơ thể mệt mỏi; sở hành hợp thời (kālacārī) là sự đi, đứng, nằm, ngồi đúng lúc và điều hóa; và sống phạm hạnh (Brahmacārī) là không trụy lạc, không đam mê sắc dục[7]. Hãy học theo gương của Thế Tôn, Ngài thọ dụng vật thực không phải để hưởng thụ món ngon mà Ngài ăn đồ ăn vừa phải với cơm, không có bỏ miếng cơm, chỉ lựa miếng thức ăn, Ngài đưa miếng cơm quanh miệng hai ba lần rồi mới nuốt, không hột cơm nào được vào trong thân không bị nghiến nát, và không một hột cơm nào còn lại trong miệng trước khi ăn miếng cơm khác, Thế Tôn thưởng thức vị ăn khi ăn đồ ăn, không thưởng thức lòng tham vị, ăn không phải để vui đùa, không phải để đam mê…[8] Và chính đức Phật khuyên dạy đức vua Pasenadi từ bỏ thói ham ăn và ăn uống hợp lý hơn để có sức khỏe và tuổi thọ:

Manujassa sadā satīmato, Mattaṃ jānato laddhabhojane; 

Tanukassa bhavanti vedanā, Saṇikaṃ jīrati āyupālayaṃ.

Con người thường chánh niệm, Ðược ăn, biết phải chăng,

Chừng mực, cảm thọ mạnh, Già chậm, tuổi thọ dài.[9]

Ngoài ra, việc bố thí cúng dường vật thực và phóng sanh cũng là một cách để giúp gia tăng tuổi thọ. Người thí chủ đã xả tài, bố thí với bàn tay rộng mở thì người ấy đã dẹp bỏ tính ích kỷ, bỏn xẻn, hẳn nhiên tâm trí sẽ được an lạc với sự không dính mắc ấy. Người sống mà không buồn phiền, chấp thủ thì chắc chắn sẽ sống vui vẻ, sống tốt. Nhất là người bố thí mạng sống cho chúng sanh khác thì lại càng có phước báu hơn. “Sau khi cho thọ mạng, người cho được chia phần thọ mạng, thuộc chư Thiên hay loài Người[10].

Aggasmiṃ dānaṃ dadataṃ, aggaṃ puññaṃ pavaḍḍhati; 

Aggaṃ āyu ca vaṇṇo ca, yaso kitti sukhaṃ balaṃ.

Bố thí bậc tối thượng, Phước tối thượng tăng trưởng,

Tối thượng về thọ mạng, Dung sắc và danh văn.[11]

Như vậy, người nào muốn được sống lâu, sống thọ thì phải biết sống tốt, sống khỏe, không nên tham đắm trong việc ngủ nghỉ, cũng không nên phí công bỏ sức tầm cầu một loại thuốc trường sinh hay nguyện cầu vô ích. “Sabbe saṅkhārā aniccā – Tất cả hành vô thường[12] thì không thể nào tránh khỏi sự biến hoại, đổi thay. Tuổi thọ mỗi loài chúng sanh đều có hạn định riêng, sự chết chắc chắn phải xảy ra. Việc quan trọng là sống phải có ích, sống tốt và xứng đáng kiếp sống của mình.

Yo ca vassasataṃ jīve, apassaṃ udayabbayaṃ;

Ekāhaṃ jīvitaṃ seyyo, passato udayabbayaṃ.

Dẫu một trăm năm sống, Không thấy pháp vô thường

Chẳng bằng một ngày sống, Mà thấy pháp vô thường.[13]

hinh-em-be-cute-de-thuong-anh-baby-girl-va-boy-dep-nhat.jpg (14 KB)

  1. Dung sắc (vaṇṇa): sắc đẹp, nhan sắc thù thắng.

Ông bà ta dạy “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” để dạy con cháu hãy quan trọng vào chất lượng của nội dung bên trong chớ đừng chú ý vào số lượng bên ngoài. Con người dù có đẹp nhưng phẩm chất đồi bại, tính nết xấu xa thì không nên thân cận. Như thế, đạo đức con người mới là thứ quan trọng nhất. Tuy nhiên, trong phép giao tiếp ban đầu, cái nhìn đầu tiên của chúng ta thường để ý xem về hình thức nhiều hơn. “Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân”, vì vậy hình tướng bên ngoài đôi khi cũng là một phần vai trò trong việc đóng góp sự thành công trong giao tiếp. Bởi vì, họ có được sắc đẹp tức là họ có phước, họ đã từng tạo thiện nghiệp nên giờ họ mới có được dung sắc thù thắng hơn người như thế.

Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, không phẫn nộ, không nhiều phật ý, dầu cho bị nói đến nhiều, cũng không bất bình, phẫn nộ, sân hận, chống đối, và không tỏ lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, người ấy được sanh vào thiện thú, Thiên giới, ở đời. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào thiện thú, Thiên giới, ở đời, nếu người ấy đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy đẹp sắc. Con đường ấy đưa đến đẹp sắc, này Thanh niên, tức là không phẫn nộ... không bất mãn.[14]

Không đâu xa xôi, chính đức Thế Tôn của chúng ta, từ vô lượng kiếp quá khứ, Ngài đã vun tạo nhiều phước thiện nên kiếp cuối này sanh ra, Ngài đầy đủ 32 đại nhân tướng (mahāpurisalakkhaṇa) và 80 vẻ đẹp (anubyañjana), như là: lòng bàn chân bằng phẳng, gót chân thon dài, ngón tay ngón chân suông dài, tay chân mềm mại, mắt cá chân dáng như vỏ sò, ống chân thon thả như chân hươu, da màu sáng như vàng ròng, da thật láng mịn, bụi bặm không bám, thân hình ngay thẳng như thân Phạm thiên, trên thân có bảy chỗ thịt đầy đặn không khuyết lõm, nửa thân trên tựa như mình sư tử, lưng bằng phẳng, thân cân đối như cây bàng, thân cao bằng sải tay và sải tay dài bằng thân, cần cổ tròn trịa, thẳng đều, cằm tròn như cằm sư tử, có 40 cái răng, mỗi hàm 20 cái, răng mọc đều và bằng, không có cao thấp, răng mọc khít khao, không hở, bốn cái răng nhọn thật trắng sạch , lưỡi rộng và dài, tiếng nói trong và ấm, rõ ràng như tiếng nói Phạm thiên, hay như tiếng chim Karavika, tròng mắt đen huyền, lông mi dài mịn như mi mắt con bê…[15] Để có được tướng hảo thù thắng như vậy, đức Bồ-tát đã tạo vô số thiện pháp từ vô lượng kiếp, như là sống chừng mực, kiên trì và không dao động đối với các thiện pháp, tam nghiệp thiện hạnh, hiếu kính với mẹ cha, cúng dường Sa-môn, cúng dường Bà-la-môn, từ bỏ nói dối, từ bỏ nói hai lưỡi, tránh nói lời độc ác, từ bỏ sát sanh, sống thương xót đến hạnh phúc của tất cả chúng sanh và loài hữu tình, không sân hận… Đó là một sốt ít trong vô số thiện hạnh mà đức Bồ-tát đã phải thực hành trong quá khứ và cũng là nhân để Ngài nhận được kết quả là những tướng hảo thù diệu không ai có. Có những người đến với đức Phật vì niềm tin, vì nghe tiếng tốt về Thế Tôn, vì giới hạnh của Ngài, vì Ngài thuộc dòng vua chúa, và cũng có những người đến với đức Phật vì hảo tướng của Ngài, vì tò mò về dung sắc của Ngài, điển hình là Tôn giả Vakkali[16]. Nhan sắc đặc thù như vậy cũng nhờ vậy mà Thế Tôn đã thu phục được nhiều hạng ngoại đạo như Bà-la-môn Brahmāyu[17] chẳng hạn. Không những thế, một trong Bốn như ý đức (catu-iddhisamannāgata) của một vị Chuyển luân vương là đẹp trai, khả ái, cử chỉ thanh lịch, sắc diện tuyệt luân, thấy xa hơn mọi người (abhirūpo ahosi dassanīyo pāsādiko paramāya vaṇṇapokkharatāya samannāgato ativiya aññehi manussehi)[18].

Để có được dung sắc thù thắng, khả ái, khả hỷ, chúng ta phải sống với tâm niệm thiện không sân hận, không ác ý, không nên phẫn nộ, bất bình, không nên chấp giữ sân hận trong tâm. Trong cái nhìn đầu tiên, người có dung sắc hiền từ, mát mẻ, nhân hậu thì sẽ dễ gây cảm tình cho đối phương hơn. Để được như thế, chúng ta hãy tu tập tâm từ (mettā), vì sống với tâm từ thì tâm của chúng ta sẽ luôn luôn mát mẻ, an lạc. Hơn thế nữa, việc tu tập tâm từ sẽ đem đến mười một lợi ích như là: ngủ an lạc; thức an lạc; không ác mộng; được loài người ái mộ; được phi nhân ái mộ; chư Thiên bảo hộ; không bị lửa, thuốc độc, kiếm xúc chạm; tâm được định mau chóng; sắc mặt trong sáng; mệnh chung không hôn ám; nếu chưa thể nhập thượng pháp (A-la-hán quả) thì được sanh lên Phạm thiên giới[19].

Như vậy, sắc đẹp là chính là sự cân đối giữa cái đẹp của hình thức bên ngoài và vẻ đẹp bên trong nội tâm. Căn cứ vào một loạt kinh điển đã đề cập đến, nếu như bất cứ một ai biết từ bỏ sát sanh, từ bỏ sát hại sanh linh, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc của tất cả chúng sanh và loài hữu tình, luôn sống với tâm từ ái thì ở hiện đời sẽ có được một dung sắc khả ái, và tương lai sẽ sở hữu những phước tướng tốt đẹp về cả hình thức bên ngoài và nội tâm bên trong.

12592166321232113430-574-574-ohay-tv-38064dfe.jpg (33 KB)

  1. An lạc (sukha): thân tâm an lạc, hạnh phúc.

Đi tìm nguồn hạnh phúc, an lạc luôn là một ước vọng chính đáng của nhân loại đã có từ xa xưa. Tại Ấn Độ xưa, người ta đã tự họp nhau lại bàn bạc xem cái gì là hạnh phúc nhất. Những cuộc tranh luận, cãi cọ cuối cùng không xác định được cái gì mới là hạnh phúc nhất. Ví như người khiếm thị nói là thấy được trời xanh là hạnh phúc, người đau răng thì cho là ăn được mía là hạnh phúc, người ngồi xe lăn thì cho là đi đứng, leo núi là hạnh phúc… tất cả chỉ là ước vọng của từng cá nhân mà thôi. Câu chuyện tranh cãi ấy kéo dài suốt 12 năm trời. Cho đến khi đức Thế Tôn truyền bá Chánh pháp, có vị trời xuống đảnh lễ Ngài và xin Ngài giản giải những pháp đem đến hạnh phúc. Và do đó, đức Thế Tôn giảng giải về 38 pháp hạnh phúc cao thượng[20], là những pháp hạnh phúc từ thấp đến cao. Những pháp hạnh phúc này còn giúp tạo nên một đời sống hạnh phúc giữa xã hội, các mối quan hệ cho tới việc dạy dỗ tâm tính cho thanh tịnh, không để cho tâm bị tiền tài danh lợi lung lay, và cao hơn hết là chấm dứt phiền não, thành tựu Níp-bàn, là nơi an vui tuyệt đối.

Sự an lạc, hạnh phúc đối với người tại gia cư sĩ, đức Phật dạy có bốn điều: lạc sở hữu (atthisukha) là sự an lạc vì có được tài sản thu hoạch hợp pháp, bằng sự nỗ lực làm nghề nghiệp; lạc hưởng thụ (bhogasukha) là sự an lạc khi thọ dụng tài sản của chính mình để nuôi mạng, nuôi gia đình, làm các công đức; lạc vô trái (anaṇasukha) là sự an lạc do không bị mắc nợ ai, khiến tâm tự do thoải mái; và lạc vô tội (anavajjasukha) là sự an lạc do không làm điều ác, điều bất thiện, không lo sợ người khác chê trách về hành vi của mình. Trong bốn điều an lạc này, lạc vô tội là điều an vui có giá trị cao nhất vì nó khiến cho con người đc an lạc thật sự, không phải nơm nớp lo sợ vì lỗi lầm, vì việc ác đã làm; hơn hết nữa, mình không phải lo sợ bị sanh vào cõi khổ sau khi mạng chung.

Ānaṇyasukhaṃ ñatvāna, Atho atthisukhaṃ paraṃ; 

Bhuñjaṃ bhogasukhaṃ macco, Tato paññā vipassati.

Vipassamāno jānāti, ubho bhoge sumedhaso; 

Anavajjasukhassetaṃ, kalaṃ nāgghati soḷasin

Ðược lạc không mắc nợ, Nhớ đến lạc sở hữu,

Người hưởng lạc tài sản, Với tuệ, thấy như thị,

Do thấy, vị ấy biết, Sáng suốt cả hai phần,

Lạc vậy chỉ bằng được, Bằng một phần mười sáu,

Lạc không có phạm tội.[21]

Một lần nọ, vương tử Hatthaka đi đến yết kiến Thế Tôn khi Ngài đang trú trong rừng Siṃsapā ở Gomagga. Vương tử Hatthaka thấy Thế Tôn trú trong rừng trong đêm đông rét lạnh, đất cứng do trâu bò giẫm đạp, nệm làm bằng lá mỏng manh, những lá cây lưa thưa, mà tấm vải cà-sa thì mỏng, và gió thổi lạnh nên hỏi Ngài có được an lạc chăng? Thế Tôn xác nhận: Ta sống được an lạc. Và những ai cảm thấy an lạc ở đời, Ta là một trong số những người ấy[22]. Qua cuộc đàm luận giữa rừng với đức Phật, vương tử đã rút ra được bài học: dầu sống trong cung vàng điện ngọc, gác tía lầu son nhưng nội tâm còn nhiệt não do tham ái chi phối thì không thể nào cảm nhận được sự an lạc thật sự.

Như đã nói ở trên, sự an lạc về vật chất chỉ bằng một phần mười sáu của sự an lạc về tinh thần, điều này chính là con đường mà đức Phật muốn hướng đến cho chúng đệ tử của Ngài: sự an lạc, hạnh phúc nơi thân tâm không nên lệ thuộc vào vật chất. Để được điều đó, phải biết sống trong hiện tại, đừng nuối tiếc về quá khứ đã xảy ra cũng chớ ngóng trông về tương lai chưa đến. Khi sống với hiện tại, tâm thân ta trở nên an lạc với cái chúng ta đang có.

Atītaṃ nānusocanti, nappajappanti nāgataṃ; 

Paccuppannena yāpenti, tena vaṇṇo pasīdati.

Anāgatappajappāya, atītassānusocanā; 

Etena bālā sussanti, naḷova harito luto.

Không than việc đã qua, Không mong việc sắp tới,

Sống ngay với hiện tại, Do vậy, sắc thù diệu.

Do mong việc sắp tới, Do than việc đã qua,

Nên kẻ ngu héo mòn, Như lau xanh rời cành.[23]

heart-3405558_1280-1024x682.jpg (45 KB)

  1. Sức mạnh (bala): thể lực, khỏe mạnh.

Sức mạnh ở đây chính là cơ thể khỏe mạnh, vô bệnh, thân thể tráng kiện. Để có được những điều này, cần phải có một chế độ ăn uống hợp lý, sinh hoạt phù hợp, làm những việc vừa sức. Ngoài ra, gìn giữ cho tinh thần thoải mái, an lạc cũng là một điều khiến cho cơ thể được khỏe mạnh.

Hơn thế nữa, trong kinh điển, đức Phật dạy về sức mạnh có rất nhiều loại, điển hình là tám loại sức mạnh sau: sức mạnh của trẻ thơ là tiếng khóc, sức mạnh của nữ nhân là hờn dỗi, sức mạnh của kẻ cướp là vũ khí, sức mạnh vua chúa là uy quyền, sức mạnh của kẻ ngu là áp đảo, sức mạnh của bậc hiền trí là cảm hóa, sức mạnh của bậc nghe nhiều là thẩm sát, sức mạnh của Sa-môn, Bà-la-môn là nhẫn nại[24]. Hoặc là năm hữu học lực như: tín lực, tàm lực, quý lực, tấn lực, tuệ lực[25]. Tín lực là sức mạnh không dao động trước sự vô tín; là đạt niềm tin trọn vẹn vào Tam bảo, nhất là đức Phật. Tàm lực là sức mạnh khi hổ thẹn tội lỗi, hổ thẹn đối với các ác bất thiện pháp. Quý lực là sức mạnh ghê sợ đối với tội lỗi, đối với các ác bất thiện pháp. Tấn lực là sức mạnh không dao động trước sự lười nhác. Nỗ lực thực hành bốn pháp Chánh cần. Tuệ lực là sức mạnh không dao động trước vô minh (avijjā).

Một cơ thể khỏe mạnh, có sức đề kháng thì không vi khuẩn nào có thể tấn công, bệnh không thể phá hoại; cũng vậy, người nào có được những sức mạnh đề cập ở trên thì sẽ không bị phiền não hoặc những pháp chướng ngại làm cản trở con đường tu tập.

Tóm lại, việc chư Tăng tụng kinh chúc phúc sau khi thiện tín cúng dường như là một lời chúc tụng dành cho nhau. Cũng nên biết rằng: chư Tăng tụng chúc phúc như vậy chứ không hẳn mình chắc chắn sẽ được như vậy. Vì nếu có chúc tụng cả ngày, cả tuần mà người ấy vẫn ăn chơi sa đọa, không tri túc trong ăn uống, dính mắc mọi thứ thì làm sao được an lạc, được khỏe mạnh. Cho nên, tụng kinh là một chuyện mà người muốn được thành tựu hay không cũn là do người chứ không phải do chư Tăng. Các vị xuất gia chỉ là ruộng phước để người có tín tâm gieo trồng thiện pháp, còn họ gieo gì thì phải do hành động của họ mà thôi.

Nhân dịp năm mới, kính chúc quý vị một năm mới an khang, tràn đầy hỷ lạc và thành tựu được cả bốn pháp chúc mừng: sống lâu, sắc tốt, an vui và sức mạnh.

Xuân Kỷ Hợi 2019.

Bhik. Samādhipuñño Định Phúc

_________________________________________

[1] Kinh Pháp cú, kệ 109 (Dhp.109).

[2] Kinh Trung bộ, kinh Brāhmāyu (M.ii.139).

[3] Kinh Trung bộ, kinh Tiểu nghiệp phân biệt (M.iii.203).

[4] Kinh Trường bộ, kinh Thập thượng (D.iii.273).

[5] Kinh Pháp cú, kệ 204 (Dhp.204).

[6] Kinh Trường bộ, kinh Đại Thiện Kiến vương (D.ii.173).

[7] Kinh Tăng chi bộ, chương Năm pháp, phẩm Bệnh, kinh Tuổi thọ (A.iii.145).

[8] Kinh Trung bộ, kinh Brāhmāyu (M.ii.138f).

[9] Kinh Tương ưng bộ, tương ưng Kosala, phẩm thứ hai, phần Ðại thực, kinh Ăn nhiều (S.i.81).

[10] Kinh Tăng chi bộ, chương Bốn pháp, phẩm Nguồn sanh phước, kinh Sudatta (A.ii.64).

[11] Kinh Tăng chi bộ, chương Bốn pháp, phẩm Bánh xe, kinh Các lòng tin (A.ii.35).

[12] Kinh Pháp cú, kệ 277 (Dhp.277).

[13] Kinh Pháp cú, kệ 113 (Dhp.113).

[14] Kinh Trung bộ, kinh Tiểu nghiệp phân biệt (M.iii.203).

[15] Kinh Trường bộ, kinh Tướng (D.iii.143ff).

[16] Kinh Tương ưng bộ, tương ưng Uẩn, phẩm Trưởng lão, kinh Vakkali (S.iii.119ff).

[17] Kinh Trung bộ, kinh Brāhmāyu (M.ii.133ff).

[18] Kinh Trường bộ, kinh Đại Thiện Kiến vương (D.ii.177).

[19] Kinh Tăng chi bộ, chương Mười một pháp, phẩm Tùy niệm, kinh Từ (A.v.342).

[20] Tiểu tụng, kinh Điềm lành (Kp.2ff).

[21] Kinh Tăng chi bộ, chương Bốn pháp, phẩm Nghiệp công đức, kinh Không tội (A.ii.69).

[22] Kinh Tăng chi bộ, chương Ba pháp, phẩm Sứ giả của trời, kinh Hatthaka (A.i.136f).

[23] Kinh Tương ưng bộ, tương ưng Chư thiên, phẩm Cây lau, kinh Rừng núi (S.i.9).

[24] Kinh Tăng chi bộ, chương Tám pháp, phẩm Gia chủ, kinh Sức mạnh (S.iv.223).

[25] Kinh Tăng chi bộ, chương Bốn pháp, phẩm Đạo hành, kinh Bất tịnh (S.ii.151).

Bình luận
| Mới nhất