Từ pháp nạn 1963 nhìn về tinh thần bất hại (ahiṃsa) trong Phật giáo và các tôn giáo khác (Định Phúc Spuñño)
Tinh thần đấu tranh của Tăng Ni và Phật tử trong pháp nạn 1963 trở thành một vấn đề đáng suy gẫm về tinh thần bất bạo động trong Phật giáo. Không chỉ thế, các tôn giáo khác, đặc biệt ở Ấn Độ là Hindu giáo và Kỳ-na giáo cũng đều chủ trương về tinh thần bất hại như thế. Giáo lý của đức Phật tuyên thuyết và giảng dạy cũng hướng đến một thế gian hòa bình, an lạc bằng con đường trung đạo, không làm tổn thương chúng sanh khác. Bài viết trình bày về tư tưởng bất hại trong giáo lý của Hindu giáo, Kỳ-na giáo, Phật giáo và tinh thần bất hại trong phương hướng đấu tranh của nhà lãnh đạo vĩ đại Mahātmā Gandhi, tất cả đều ảnh hưởng và xuất phát từ Ấn Độ.
Tóm tắt
Tinh thần đấu tranh của Tăng Ni và Phật tử trong pháp nạn 1963 trở thành một vấn đề đáng suy gẫm về tinh thần bất bạo động trong Phật giáo. Không chỉ thế, các tôn giáo khác, đặc biệt ở Ấn Độ là Hindu giáo và Kỳ-na giáo cũng đều chủ trương về tinh thần bất hại như thế. Giáo lý của đức Phật tuyên thuyết và giảng dạy cũng hướng đến một thế gian hòa bình, an lạc bằng con đường trung đạo, không làm tổn thương chúng sanh khác. Bài viết trình bày về tư tưởng bất hại trong giáo lý của Hindu giáo, Kỳ-na giáo, Phật giáo và tinh thần bất hại trong phương hướng đấu tranh của nhà lãnh đạo vĩ đại Mahātmā Gandhi, tất cả đều ảnh hưởng và xuất phát từ Ấn Độ.
Từ khóa: bất hại, bất bạo động, Phật giáo, pháp nạn, 1963, ahiṃsā, avihiṃsā
DẪN NHẬP
Biến cố Phật giáo năm 1963 trở thành một pháp nạn và là một cuộc khủng hoảng về chính trị, xã hội trầm trọng nhất trong chế độ độc tài của Chính phủ Ngô Đình Diệm. Biến cố 1963 đã lan tỏa rộng rãi từ những những chính sách đàn áp về tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo và kết quả dẫn đến một cuộc đấu tranh khắp miền Nam Việt Nam. Không chỉ là giới tu sĩ Phật giáo mà tinh thần đấu tranh còn lan tỏa đến các thanh niên, học sinh, sinh viên, những nhà trí thức thời bấy giờ. Cao trào của pháp nạn chính là sự kiện Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân giữa lòng Sài Gòn đã gây chấn động thế giới. Từ đó, tinh thần “ngọn lửa từ bi” và “trái tim bất diệt” trở thành biểu tượng cao quý của Phật giáo Việt Nam với tinh thần từ ái và bất bạo động. Trong bài viết này, từ biến cố 1963, tác giả không bàn về tình hình lịch sử biến cố 1963 và ý nghĩa bài học lịch sử sau pháp nạn mà chỉ trình bày về tinh thần bất bạo động (ahiṃsā) trong hệ thống giáo lý thuộc các tôn giáo khác và tinh thần của Phật giáo, đặc biệt là những lời dạy của đức Phật trong Tam tạng kinh điển Pāli.
- GIÁO LÝ BẤT HẠI TRONG GIÁO LÝ CỦA CÁC TÔN GIÁO
Không chỉ có Phật giáo mới chủ trương về tinh thần bất bạo động hay bất hại (ahiṃsā) mà các tôn giáo khác ở Ấn Độ cũng có những lời dạy về tinh thần này, đặc biệt là Hindu giáo và Kỳ-na giáo. Ahiṃsā gồm hai thành phần cấu tạo là na + hiṃsā. Na là tiền tố từ mang ý nghĩa phủ định, khi na được ghép vào một căn động từ thì thường bị rút gọn lại thành a, nghĩa là không. Hiṃsā bắt nguồn từ căn động từ √hiṃs, cấu tạo nên động từ hiṃsati, nghĩa là giết hại, làm tổn thương, làm hại. Như vậy, ahiṃsā nghĩa là sự không giết hại, sự không làm hại, hay còn được gọi là bất bạo động, bất hại.
Giáo lý bất hại được thuyết giảng và ghi nhận trong giáo lý của nhiều tôn giáo tại Ấn Độ thời xưa nhưng mỗi tôn giáo đều có chủ trương riêng và dần dần tạo nên sự khác biệt rõ rệt.
I.1. Hindu giáo
Giáo lý ahiṃsā phát triển thành một khái niệm đạo đức trong các văn bản Vệ-đà nhưng không được nhấn mạnh lắm. Về sau, khi các bản kinh Hindu giáo được sửa đổi về nghi lễ thì khái niệm ahiṃsā ngày càng được hoàn thiện và trở thành một nét đạo đức cao thượng vào cuối thời Vệ-đà (khoảng 500 trước Tây lịch). Thuật ngữ ahiṃsā xuất hiện trong bản kinh Taittiriya Shakha của Yajurveda đề cập đến việc không gây thương tích cho người hiến tế.
Theo học giả John Bowker, thuật ngữ này xuất hiện trong Upaniṣad (Áo nghĩa thư) nhưng không phổ biến. Theo đó, trong Chāndogya Upaniṣad (thế kỷ thứ 8 hoặc thứ 7 trước Tây lịch) là một trong những Upaniṣad lâu đời nhất, là bằng chứng sớm nhất về việc sử dụng thuật ngữ ahiṃsā trong thời kỳ Veda theo nghĩa quen thuộc trong Hindu giáo như là một quy tắc ứng xử: Nó ngăn chặn bạo lực đối với tất cả các sinh vật và người thực hành theo thuyết bất hại được cho là thoát khỏi vòng luân hồi. Cũng trong bộ này, giáo lý bất hại là một trong năm đức tính cần thiết, bốn điều còn lại là sự chân thật (sacca), sự chân thành, sự hào phóng và nhiệt tâm (thiền định).
Ngoài ra, một sử thi nổi tiếng của Hindu giáo tên là Mahabharata có một đoạn đề cao và khẳng định vai trò quan trọng của giáo lý bất hại như sau:
“Ahiṃsā là giáo lý cao thượng , Ahiṃsā là sự tự chủ cao thượng,
Ahiṃsā là món quà thượng, Ahiṃsā là thực hành thượng,
Ahiṃsā là sự hy sinh thượng, Ahiṃsā là sức mạnh thượng,
Ahiṃsā là người bạn thượng, Ahiṃsā là niềm hạnh phúc thượng,
Ahiṃsā là sự thật cao thượng, và Ahiṃsā là lời dạy thượng”.
Giới lý bất hại của Hindu giáo yêu cầu phải tránh sự chiến tranh bằng đối thoại chân thành và trung thực. Vũ lực chỉ được xem là biện pháp cuối cùng. Nếu chiến tranh trở nên cần thiết, phải có một nguyên nhân chính đáng, mục đích của nó phải dựa trên tình thần đạo đức với mục tiêu là kiềm chế kẻ ác. Do đó, mục đích của chiến tranh phải là sự hòa bình và hợp pháp. Chiến tranh chỉ có thể được bắt đầu và dừng lại bởi một cơ quan có thẩm quyền hợp pháp. Vũ khí sử dụng phải tương xứng với đối thủ và mục đích chiến tranh, không sử dụng bừa bãi các vũ khí hủy diệt. Tất cả các chiến lược và vũ khí được sử dụng trong chiến tranh phải nhằm đánh bại đối thủ, không được thiết kế để gây đau khổ cho đối thủ; ví dụ, được phép sử dụng mũi tên, nhưng không được phép sử dụng mũi tên tẩm chất độc gây đau đớn. Các chiến binh phải khéo léo vận dụng sự phán đoán trên chiến trường. Đối xử tàn ác với đối thủ trong chiến tranh là bị cấm. Các chiến binh của đối thủ không có vũ khí hoặc bị thương thì không được tấn công hoặc giết chết họ, phải được đưa đến vương quốc và điều trị y tế. Không được để trẻ em, phụ nữ và thường dân bị thương. Trong khi chiến tranh đang diễn ra, quá trình đối thoại chân thành vì hòa bình phải được tiếp tục.
Các kinh văn Hindu giáo cổ đại thảo luận về giáo lý bất hại đối với đời sống không phải động vật, nghĩa là không khuyến khích việc phá hoại thiên nhiên một cách bừa bãi, bao gồm cả cây mọc hoang dại và cây trồng. Các ẩn sĩ được khuyến khích sống theo chế độ ăn trái cây để tránh sự tàn phá của thực vật. Một số nhà học giả khẳng định các nguyên tắc bất bạo động sinh thái là giáo thuyết căn bản trong truyền thống Hindu giáo, và nguồn gốc khái niệm bất hại trở thành một đức tính cơ bản của họ.
Như vậy, tư tưởng bất hại được đề cập từ kinh văn đến học thuyết của Hindu giáo qua nhiều giai đoạn kinh Veda. Qua đó, có thể thấy được tinh thần bất hại của Hindu giáo cũng là nền tảng để đức Phật thuyết giảng giáo lý ảnh hưởng của tư tưởng bất hại trong đời sống của tu sĩ và cư sĩ Phật giáo.
I.2. Kỳ-na giáo (Jain)
Trong Kỳ-na giáo, việc tìm hiểu tinh thần bất hại được thực hành một triệt để, cẩn trọng và toàn diện hơn bất kỳ tôn giáo nào khác. Giết bất kỳ sinh vật sống nào vì sự thích thú được gọi là làm tổn hại (hiṃsā) và tránh hành động như vậy là bất hại (ahiṃsā) Trong việc thực hành, đối với cư sĩ đã phát nguyện thọ trì những học giới nhỏ thì ít khắt khe, nghiêm khắc hơn so với những tu sĩ đạo Kỳ-na bị ràng buộc bởi những học giới lớn của Mahavrata. Một lời dạy được tìm thấy khắc trên các bức tường của các ngôi đền Kỳ-na giáo ghi rằng: “ahimsā paramodharmaḥ” nghĩa là sự vô hại là đức hạnh tối thượng.
Vào thời Mahavīra và trong những thế kỷ tiếp theo, Kỳ-na giáo mâu thuẫn với cả Phật tử và tín đồ của Hindu giáo, họ cáo buộc những tôn giáo khác là phóng túng và không nhất quán trong việc thực hiện giáo lý bất hại. Khái niệm giáo lý bất hại của đạo Kỳ-na nổi bật qua một số khía cạnh như là việc giết hại động vật để làm thực phẩm bị ngăn cấm hoàn toàn. Tín đồ Kỳ-na giáo cũng nỗ lực đáng kể để không làm tổn thương các loài thực vật trong cuộc sống hàng ngày càng nhiều càng tốt. Mặc dù họ thừa nhận rằng thực vật phải bị phá hủy để lấy thức ăn, nhưng họ chỉ chấp nhận việc làm hại thực vật như vậy vì nó là điều không thể thiếu đối với sự sống còn của con người và có những hướng dẫn đặc biệt để ngăn chặn bạo lực không cần thiết đối với thực vật. Các tu sĩ và nữ tu Kỳ-na giáo sẽ tránh đường để không làm tổn thương ngay cả côn trùng nhỏ và các động vật cực nhỏ khác. Những vị tu sĩ và cả cư sĩ theo đạo Kỳ-na đều từ chối ăn các loại thịt, cá, rượu và mật ong vì những thứ này được cho là có hại cho các mạng sống lớn hoặc nhỏ.
Một số văn bản của đạo Kỳ-na có những quy định cấm những tín đồ làm nghề chăn nuôi, nông nghiệp và buôn bán các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật. Một số người Kỳ-na giáo kiêng tránh việc làm ruộng vì chắc chắn nó sẽ dẫn đến việc vô tình giết hoặc làm tổn thương các loài động vật nhỏ, chẳng hạn như giun và côn trùng. Chính vì những giáo lý này, một phần trở thành lý do đã khiến cộng đồng tín đồ Kỳ-na giáo chủ yếu tập trung vào việc buôn bán, thương mại, làm giáo sĩ và nghề nghiệp hành chính để giảm thiểu và tránh xa những nghề nghiệp làm tổn hại đến các loại động vật khác.
Mahātmā Gandhi nhận xét về giáo lý bất hại của đạo Kỳ-na như sau: “Không tôn giáo nào trên thế giới giải thích giáo lý ahiṃsā sâu sắc và có hệ thống như đã được thảo luận về khả năng ứng dụng của nó trong đời sống mỗi con người trong Kỳ-na giáo. Cũng như khi nào nguyên tắc nhân từ Ahiṃsā hay bất bạo động sẽ được áp dụng để thực hành bởi mọi người trên thế giới để đạt được mục đích cuối đời của họ trong thế giới này và hơn thế nữa, Kỳ-na giáo chắc chắn có địa vị cao nhất và Mahāvīra chắc chắn sẽ được tôn trọng là người có thẩm quyền cao nhất đối với giáo lý Ahiṃsā”.
Như vậy, mặc dù là ngoại đạo đương thời với Phật giáo, đôi khi có những điều thuyết giảng chống trái với Phật giáo nhưng tinh thần của tư tưởng bất hại trong đạo Kỳ-na cũng tương đồng với Hindu giáo và Phật giáo. Điều này chứng tỏ tư tưởng đạo đức của người Ấn Độ thời xưa
- TƯ TƯỞNG BẤT HẠI TRONG PHONG TRÀO CỦA MAHĀTMĀ GANDHI
Trong thế kỷ 19 và 20, những nhân vật nổi bật của nền tâm linh Ấn Độ như Shrimad Rajchandra (11/11/1867 – 09/04/1901) và Swami Vivekananda (12/01/1863 – 04/07/1902) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tư tưởng ahimsā. Đặc biệt nhất ở Ấn Độ, phải kể đến Mohandas Karamchand Gandhi (02/10/1869 – 3-/01/1948) hay còn được tôn xưng là Mahātmā Gandhi là người đã thúc đẩy thành công tư tưởng Ahiṃsā trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, đặc biệt là chính trị ở Ấn Độ đương thời. Phong trào phản kháng bất bạo động của ông đã có tác động to lớn đến Ấn Độ, gây ấn tượng với dư luận ở các nước phương Tây và ảnh hưởng đến các nhà lãnh đạo của các phong trào dân quyền và chính trị khác nhau.
Trong tư tưởng của Gandhi, tinh thần ahiṃsā không chỉ là tránh xa những hành động gây thương tích về thể chất mà còn bao gồm việc loại bỏ các trạng thái tinh thần như ý nghĩ xấu xa và thù hận, hành vi không tử tế như lời nói thô bạo, không trung thực và dối trá, tất cả những điều mà ông coi là biểu hiện của bạo lực đều không phù hợp với tinh thần ahiṃsā. Gandhi tin rằng: Ahiṃsā là một nguồn năng lượng sáng tạo, bao gồm mọi tương tác dẫn dắt bản thân con người tìm đến chân lý thiêng liêng. Gandhi tuyên bố niềm tin của mình rằng: “Ahiṃsā có trong Hindu giáo, nó có trong Cơ đốc giáo cũng như trong Hồi giáo. Bất bạo động là phổ biến đối với tất cả các tôn giáo, nhưng nó đã được thể hiện và ứng dụng cao nhất trong Hindu giáo (tôi không coi Kỳ-na giáo hay Phật giáo là tách biệt với Hindu giáo)”.
Như vậy, phong trào đấu tranh do Mahātmā Gandhi lãnh đạo theo tinh thần bất bạo động nhằm đem đến sự giải phóng cho đất nước Ấn Độ thoát khỏi sự thống trị của thực dân Anh mà không phải hy sinh bất cứ một mạng sống hay giọt máu nào. Dù ông là người theo Hindu giáo nhưng tinh thần bất hại của ông đã tạo nên một cuộc cách mạng vĩ đại và đem đến sự thành công tốt đẹp cho toàn thể nhân dân Ấn Độ.
III. TINH THẦN BẤT HẠI TRONG PHẬT GIÁO
Trong kinh điển Phật giáo, tinh thần bất hại được thể hiện rõ nhất trong giới đầu tiên của ngũ giới (pañcasīla) là tránh xa sự sát sanh (pāṇātipātā veramaṇī). Điều học này không chỉ dành riêng cho người tại gia cư sĩ mà luôn cả tu sĩ xuất gia. “Mọi người sợ hình phạt / Mọi người sợ tử vong / Lấy mình làm ví dụ / Không giết không bảo giết”. Giáo lý ahiṃsā trong giới bổn Tỳ-khưu (bhikkhupaṭimokkha) và ngũ giới của cư sĩ không phải là một điều răn hay là một nguyên tắc xử phạt mà chính là một tư tưởng xuyên suốt trong toàn bộ cuộc sống của người tu Phật. “Chư Phật thường giảng dạy / Nhẫn khổ hạnh tối thượng / Níp-bàn quả tối thượng / Xuất gia không phá người / Sa-môn không hại người”.
Tư tưởng giáo lý ahiṃsā căn bản dựa trên tinh thần từ ái và thương xót đối với những chúng sanh khác, ban đầu là những loài vật bị đem đi làm lễ tế đàn, vốn là một loại nghi lễ cúng tế có từ lâu đời và được phổ biến tại Ấn Độ thời xưa. Đức Phật là người tiên phong công khai chỉ trích việc sát hại động vật làm vậy hiến tế và Ngài giảng giải cho mọi người loại bỏ đi những tà kiến như thế vì không những các loại tế đàn không cần thiết mà cũng chẳng đem đến lợi ích gì cho người cúng tế. Ðối với Đức Phật, súc vật là mọi loài chúng sanh có toàn quyền sống và lòng từ bi của Ngài trải rộng đến chúng không kém gì đối với loài người. Ngài không chủ trương cho việc giết chúng để làm thức ăn cho người, mặc dù Ngài là người có đầy đủ óc thực tiễn để thấy rằng chế độ dinh dưỡng toàn rau quả là điều không thể áp đặt chung cho mọi người.
Đức Phật phản đối các đại tế lễ bằng máu theo kinh Vệ-đà bằng cách nêu rõ sự vô dụng của chúng. Khi vua Pasenadi nước Kosala chuẩn bị đại tế đàn gồm năm trăm bò mộng, năm trăm bò đực, năm trăm bò cái, năm trăm dê và năm trăm cừu cùng bắt buộc đám nô tỳ đi thâu góp đám súc vật này từ các chủ buôn, có lẽ là không trả tiền, Đức Phật bình luận rằng không có tế lễ bằng người hay vật nào đem lại kết quả gì cả. Bậc trí tránh xa các đại tế đàn có bầy dê, cừu, trâu... bị giết. Trái lại, các tế đàn không đẫm máu và không hao tốn nhiều sẽ giúp đỡ người cúng tế và làm vui lòng chư Thiên.
“Lễ cúng ngựa, cúng người, Quăng cọc, rượu chiến thắng,
Không chốt cửa, đại lễ, Chúng không phải quả lớn.
Chỗ nào có giết hại, Dê, cừu và trâu bò,
Lễ tế đàn như vậy, Bậc Ðại Thánh không đi.
Tế đàn không rộn ràng, Cúng dường được thường hằng,
Không có sự giết hại, Dê, cừu và trâu bò,
Lễ tế đàn như vậy, Bậc Ðại Thánh sẽ đi.
Bậc trí tế như vậy, Tế đàn vậy, quả lớn.
Ai tế lễ như vậy, Chỉ tốt hơn, không xấu,
Là tế đàn vĩ đại, Ðược chư Thiên hoan hỷ”.
Ngoài ra, tư tưởng giáo lý ahiṃsā còn là một loại niềm tin về nhân quả nghiệp báo (kammavipāka). Sát hại sinh mạng chúng sanh khác sẽ dẫn đến việc người đó sẽ bị đọa sanh vào những cảnh giới khổ đau. Hơn nữa, việc cứu động vật khỏi việc sát hại cũng là một cách thức vun bồi công đức, phước báo. Qua đó, có thể thấy rằng, việc thực hành tư tưởng bất hại trở thành một tinh thần tự giác trong giáo lý của đức Phật thông qua niềm tin về nghiệp và tái sanh. “Chúng sanh cầu an lạc / Ai dùng trượng hại người / Để tìm lạc cho mình / Đời sau không hưởng lạc”. Ngoài ra, đối với người cư sĩ, ngoài việc không làm tổn hại chúng sanh khác, đức Phật còn khuyên dạy họ tránh xa những nghề nghiệp, buôn bán có ảnh hưởng hoặc góp phần cho việc tổn hại hoặc tàn hại chúng sanh khác, như là tránh xa năm việc buôn bán: vũ khí, chúng sanh, thịt, chất say và thuốc độc.
Một lần, vua Pasenadi xứ Kosala đem quân đánh nhau với cháu của mình là vua Ajātasattu xứ Magadha và bị bại trận. Đức Phật hay tin đã dạy rằng: “Thắng trận sanh thù oán / Bại trận nếm khổ đau / Ai bỏ thắng bỏ bại / Tịch tịnh hưởng an lạc”. Khi vua Pasenadi tái chiến với vua Ajātasattu và chiến thắng, bắt được Ajatasattu cùng toàn bộ binh mã, đức Phật đã dạy như sau: “Sát người bị người sát / Thắng người bị người thắng / Mắng người, người mắng lại / Não người, người não lại / Do nghiệp được diễn tiến / Bị hại, lại hại người”.
Tiến sĩ Babasaheb Ambedkar (14/04/1891 – 06/12/1956) có những nhận xét về tinh thần bất hại trong giáo lý Phật giáo như sau: Ahiṃsā hay sự không sát hại là một phần rất quan trọng trong giáo lý của đức Phật, có sự liên kết mật thiết với tâm từ (mettā) và tâm bi (karuṇā). Tư tưởng ahiṃsā của đức Phật hoàn toàn phù hợp với con đường trung đạo mà Ngài đã thuyết giảng. Đức Phật đã tạo ra một sự khác biệt giữa nguyên tắc và quy tắc. Ahiṃsā trở thành một nguyên tắc sống đạo đức.
Như vậy, Phật giáo cũng như các tôn giáo như Hindu giáo và Kỳ-na giáo đều có nền tảng là bảo vệ sự sống của sinh vậy, kể cả động vật và thực vật. Bằng bất cứ hành động nào, nói ra, hành động hay suy nghĩ thì tinh thần từ ái (mettā) và bất hại (ahiṃsā) đều là nền tảng của toàn bộ cuộc sống tu tập. Đặc biệt hơn, đức Phật đã chủ trương về giáo lý nghiệp và quả của nghiệp cũng trên tinh thần đó. Tư tưởng bất hại vừa là tránh xa những điều ác xấu và còn là cách để tạo ra một tương lai tốt đẹp ở đời sau kiếp kế trong con đường sanh tử luân hồi.
KẾT LUẬN
Không bàn về chiến tranh, không nghĩ đến việc tranh đấu hay hơn thua, tinh thần bất hại trong các tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo đã trở thành một nguyên tắc sống nhằm đem đến sự an lạc, hòa bình cho chúng sanh. “Hận thù diệt hận thù / Đời không không có được / Không hận diệt hận thù / Là định luật ngàn thu”. Đem tình thương yêu đối xử với nhau để kiến tạo nên một thế giới an lạc và hạnh phúc, đó là điều mà các tôn giáo đều hướng đến. Vì thế, tinh thần bất hại cần được lan tỏa thêm nữa để thế giới, các quốc gia, mỗi gia đình, cá nhân càng tiến nhanh đến sự an lạc cả nội tâm và ngoại thân.
NCS. ĐỊNH PHÚC SAMĀDHIPUÑÑO
(bài tham luận trong Hội thảo khoa học
"Phong trào Phật giáo 1963 và 60 năm Bồ-tát Thích Quảng Đức tự thiêu")
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam – Tam tạng Thượng tọa bộ (2020), tập 3, Kinh Tương ưng bộ, Thích Minh Châu (dịch), NXB Hồng Đức, Hà Nôi.
Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam – Tam tạng Thượng tọa bộ (2021), tập 3, Kinh Tăng chi bộ, Thích Minh Châu (dịch), NXB Hồng Đức, Hà Nôi.
Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam – Tam tạng Thượng tọa bộ (2021), tập 5, Kinh Tiểu bộ, Thích Minh Châu (dịch), NXB Hồng Đức, Hà Nôi.
Babasaheb Ambedkar (1957), The Buddha and His Dhamma, Siddharth College Publication, New Delhi.
Balkaran, R., Dorn, A. W. (2012), Violence in the Vālmı̄ki Rāmāyaṇa: Just War Criteria in an Ancient Indian Epic, Journal of the American Academy of Religion, 80 (3), Oxford University Press, England.
Borman William (1986), Gandhi and Non-violence, State University of New York Press, Albany.
Chapple, C. (1990), Ecological Nonviolence and the Hindu Tradition in Perspectives on Nonviolence, Springer-Verlag, New York.
Dundas Paul (2002), The Jains, 2nd ed., Routledge, London.
Jackson William (2008), Gandhi’s Art: Using Nonviolence to Transform Evil in Religion East & West, Journal of the Institute for World Religions, Vol. 8, Berkeley University Press, CA.
Jindal K.B. (1988), An Epitome of Jainism, Munshiram Manoharlal Publishers, New Delhi.
John Bowker (1975), Problems of Suffering in Religions of the World, Cambridge University Press, England.
Klaus K. Klostermaier (1996), The Pacifist Impulse in Historical Perspective, University of Toronto Press, Canada.
Laidlaw James (1995), Riches and Renunciation: Religion, Economy, and Society among the Jains, Clarendon, Oxford.
Lodha R.M. (1990), Conservation of Vegetation and Jain Philosophy, in Medieval Jainism: Culture and Environment, New Delhi.
McFarlane Stewart (2001), Buddhism, Peter Harvey (ed.), Bloomsbury Publishing, New York.
Padmannabh Jaini (2004), Ahimsā, Anekānta and Jaininsm, Tara Sethia (ed.), Motilal Banarsidass Publications, New Delhi.
Pandey Janardan (1998), Gandhi and 21st Century, Concept Publishing Company, New Delhi.
Paul F. Robinson (2003), Just War in Comparative Perspective, Ashgate Publishing, England.
Prabhu and Rao (1966), The Mind of Mahatma Gandhi - Encyclopedia of Gandhi's Thoughts, Jitendra T Desai Navajivan Mudranalaya, India.
Ravindra Kumar (2008), Non-Violence and Its Philosophy, Dynamic Publications, Meerut.
Rod Preece (1998), Animals and Nature: Cultural Myths, Cultural Realities, University of British Columbia Press, Canada.
Subedi, S. P. (2003), The Concept in Hinduism of Just War, Journal of Conflict and Security Law, 8 (2), Oxford University Press, England.
Unto Tähtinen (1964), Non-Violence as an Ethical Principle, PhD. Thesis, Turun Yliopisto, Finland.
Van Horn, G. (2006), Hindu Traditions and Nature: Survey Article, Worldviews: Global Religions, Culture, and Ecology, 10 (1), Brill Publishers, Netherlands.
Nguồn:
- [15/07/2023] Mối Liên Hệ Giữa Bồ Tát Thích Quảng Đức và Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam Trong Phong Trào Phật Giáo Miền Nam 1963
- [20/06/2021] Hình ảnh
- [02/11/2019] Lịch Sử Xá Lợi Của Đức Phật Gotama
- [19/06/2019] Con người đến từ đâu?
- [07/05/2019] Cội Giác Ngộ Huyền Thoại
- [21/01/2019] Xá Lợi của Đức Phật