Từ tháp Phật đến tháp Mộ- Một biểu tượng của hành trình giải thoát

phatgiaonguyenthuy.com In trang

Theo Phật học từ điển của Đoàn Trung Còn thì tháp (stupa), pagoda, tháp bà, đâu bà, du bà, tụy đồ ba, tụy đô bà, phù đồ… đều là những tên gọi theo Phạn ngữ thường đọc là “tháp”. Ấy là những tòa kiến trúc cao, nhiều tầng, dưới lớn trên nhỏ, để thờ xá-lị (tro tàn) của chư Phật hoặc của các bậc thành đạo như Bồ-tát, Duyên-giác, A-la-hán; hoặc để táng di cốt của các bậc tôn túc từng hành đạo trong các ngôi chùa. Có cảnh tháp cất riêng một mình. Song phần nhiều cốt trong vườn nhà chùa

Từ tháp Phật đến tháp Mộ- Một biểu tượng của hành trình giải thoát - thap-sanchi.jpg (84498 KB)

Với người phương Đông, nhất là với đạo Phật thì “sinh ký tử quy”, người xưa đã từng dạy như vậy. Nhưng trong cùng một cái chết cũng có hàng ngàn cách quay về. Có sự quay về ồn ào, hào nhoáng, đôi khi thấm đẫm cả máu, xương, nước mắt của hàng vạn người như sự quay về của các vị vua. Với Pharaon, sự quay về đó để mãi vẫn là Pharaon, vì vậy Kim thự tháp được xây trường tồn với thời gian. Tần Thủy Hoàng cũng vậy, sống là vua và chết cũng sẽ là vua nên cả giang sơn, cung điện, quan lại, thị tỳ đã theo ông về thế giới bên kia…Các vị vua triều Nguyễn tuy không ồn ào, hoành tráng như các Pharaon hay Tần Thủy Hoàng nhưng cũng tốn khá nhiều tiền của và thời gian để lo cho sinh phần lúc nằm xuống. Cho nên chết có nghĩa là được quay về, quay về để không còn ở kiếp trầm luân. Sự quay về đó chỉ cốt được giải thoát. Hành trình giải thoát là một lối đi dài nhẹ nhàng như hình hài của ngôi tháp mộ, đầy màu sắc triết lý và thấm đượm tính nhân văn của Phật giáo. Từ ngôi tháp Phật giáo đơn sơ ở Ấn Độ được cải biến để hình thành những phức hệ tháp “vương giả” đa dạng về kiến trúc và mỹ thuật của Trung Hoa đến những ngôi tháp huyền bí theo phong cách Tây Tạng và tháp mộ của chư vị thiền sư ở Huế thể hiện vừa sự tiếp biến vừa ý thức bảo tồn phong thái của người Việt trong kiến trúc và mỹ thuật.

Tháp là gì?

Theo Phật học từ điển của Đoàn Trung Còn thì tháp (stupa), pagoda, tháp bà, đâu bà, du bà, tụy đồ ba, tụy đô bà, phù đồ… đều là những tên gọi theo Phạn ngữ thường đọc là “tháp”. Ấy là những tòa kiến trúc cao, nhiều tầng, dưới lớn trên nhỏ, để thờ xá-lị (tro tàn) của chư Phật hoặc của các bậc thành đạo như Bồ-tát, Duyên-giác, A-la-hán; hoặc để táng di cốt của các bậc tôn túc từng hành đạo trong các ngôi chùa. Có cảnh tháp cất riêng một mình. Song phần nhiều cốt trong vườn nhà chùa [6:46].

Còn theo Nguyễn Tường Bách thì tháp trước hết là nơi chứa đựng Xá-lị (s:sarira) các vị Phật hoặc các bậc Thánh. Tháp cũng được xây dựng tại các thánh tích quan trọng, kỷ niệm cuộc đời của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni (Lâm-tì-ni, Giác Thành, Câu-thi-na, Vương Xá) (…). Tháp không nhất thiết là nơi chứa đựng Xá-lị mà còn có thể là nơi chứa đựng kinh điển, tranh tượng. Tháp cũng là một trong những đối tượng thiền quán, thường có nhiều ý nghĩa tượng trưng. Các bậc thang lên tháp đôi lúc biểu hiện cho các khái niệm Đại thừa, như bốn bậc là từ, bi, hỷ, xả hay mười bậc là Thập địa [3: 2530].

Như vậy, tháp có nhiều chức năng và công dụng khác nhau nhưng chức năng sơ khai ban đầu của nó là an trí Xá lợi hay nhục thân của Đức Phật của Bồ-tát.

Từ tháp Phật

Tháp Phật là nơi chứa Thánh tích, di vật của Đức Thích-ca Mâu-ni hoặc các vị Tổ sư có công đức lớn. Theo truyền thuyết Phật giáo, tháp là sự kết hợp ba vật bất ly thân của một vị tu sĩ Phật giáo, đó là Tam tạng kinh, bình bát và cây tích trượng. Tam tạng kinh giúp vị tu sĩ bám sát lộ trình giới định tuệ và luôn xác định bước đường đi đến Chánh pháp; bình bát giúp vị nuôi sống thân mạng; và cây tích trượng nâng đỡ bước chân mỗi lúc sức khỏe suy giảm. Sống là vậy; và lúc qua đời những vật bất ly thân ấy cũng kết thành hình ảnh nấm mồ nơi chư vị nằm xuống. Dù chỉ là truyền thuyết nhưng không phải là không có lý. Trên thực tế, tháp Phật nguyên thủy có hình hài như gò mộ táng xa xưa của người Ấn Độ. Sau khi Đức Phật Thích ca nhập diệt, kiểu gò mộ này lần lần được dung hợp vào Phật giáo như là nơi chứa thánh tích của Phật và chư tôn giả, đồng thời được xem như phương tiện nhắc nhở đến sự giác ngộ của Ngài và là biểu tượng của nhục thân cũng như lời dạy của Ngài. Loại gò mộ ấy được gọi là Phức Bát Thức Tô Đồ Ba [4:335]. Bảo tháp Sanchi còn tồn tại khá hoàn chỉnh hiện nay ở Ấn Độ là một ví dụ. Đó là một kiến trúc hình bán cầu xây trên nền hình tròn bằng đá. Trong tháp có những hộp đựng Xá lợi, các hộp đó cũng có hình tháp, làm bằng vật liệu quý, đặt ngay giữa bán cầu hoặc trên đỉnh.

Trong một thời gian dài sau đó, kiến trúc tháp trải qua quá trình biến đổi. Xuất phát từ Gandhara (Tây Bắc Ấn Độ), tháp nền hình tròn bằng phẳng được thay thế bằng một nền hình ống, chia thành nhiều đoạn. Phần bán cầu được kéo dài ra, nhưng so với nền ống thì nhỏ hơn trước. Phần nằm trên bán cầu cũng được kéo dài, chia thành nhiều tầng, biến thành hình nón. Khoảng giữa những năm 150 và 400 sau Tây lịch, phần gốc hình ống lại biến thành hình vuông và trở nên phổ biến tại vùng Nam Á.

Hành trình đi về phía Bắc của ngôi bảo tháp chứa đựng nhiều điều thú vị. Ở Tây Tạng, bảo tháp Phật giáo được gọi là Chorten. Các Chorten nơi đây có hình dáng gần giống với các bảo tháp ở Ấn Độ, cụ thể là phong cách Bắc Ấn. Hình dáng có ba phần chủ yếu, phần đáy dưới cũng rộng, phần thân chính hình tròn vươn lên cao, mặt nghiêng mở rộng về phía trên (được gọi là anda), bên trên người ta đặt phần chính thứ hai. Cách xây dựng này cùng các thành phần hỗ trợ (được gọi là harmika) đánh dấu sự chuyển tiếp sang phần cuối cùng gồm có một cột với các chồng đĩa tròn hoặc những chiếc dù có kích thước nhỏ dần, số lượng chênh lệch từ tám đến mười ba cái [8: 107]. Với ý nghĩa truyền thống của Phật giáo, các Chorten Tây Tạng, bên cạnh việc được coi là cái cốt tủy của chính Đức Phật, còn có ý nghĩa về vũ trụ, đặc biệt là phần đỉnh. Đỉnh chorten được cấu tạo bởi năm hình thể kỷ hà biểu thị cho ngũ hành. Phần đế vuông biểu thị cho sắc, trong khi vòng tròn bên trên biểu thị cho thức. Tiếp đến, hình tam giác tượng trưng cho tinh thần và nửa vòng tròn biểu thị cho Phật pháp. Trên cùng của kiến trúc là một viên bảo châu rực lửa tượng trưng cho nguyên lý tối thượng. Kiến trúc và những chi tiết trang trí này phần nào nói lên sự đa dạng của bảo tháp Phật giáo, nói thể hiện được sự tiếp biến và việc bảo tồn phong cách đặc thù của mỗi nền văn hóa. Tuy nhiên, cũng cần phải nhấn mạnh rằng những ngôi tháp này vẫn chưa thể hiện được sự đa dạng và phần nào còn chịu ảnh hưởng của hình mẫu nguyên thủy.

Có thể nói rằng, đạo Phật ra đời ở Ấn Độ nhưng lại phát triển rực rỡ ở đất nước Trung Hoa. Ngôi tháp Phật giáo cũng vậy. Theo bước chân truyền bá đạo Phật vào Trung Hoa, ngôi Phật tháp xuất hiện ở vùng đất này đã khoác lên mình một phong cách mới, phong cách lầu các. Sở dĩ có sự thay đổi này là vì theo quan niệm của người Trung Hoa, tháp là nơi chôn cất Xá lợi Phật, thiêng liêng và thần thánh, phải dùng hình thức kiến trúc cao quý để tôn trí. Trung Quốc vào các thời kỳ Tần Thủy Hoàng và Hán Vũ Đế đã xây dựng lầu cao gác lớn để nghênh hầu thần tiên, nên khi thờ phụng Phật, người Trung Hoa cũng dùng loại kiến trúc vương giả này. Ngoài ra, khi ngửa đầu chiêm bái tháp cao, con người tự nhiên có lòng kính trọng và ngưỡng vọng; xây tháp cao để thờ Xá lợi Phật là vì thế [4: 337]. Tuy nhiên hình thức tháp Phức Bát của Ấn Độ không mất đi khi vào Trung Hoa. Nó đã được cải biến thành một kiểu tháp mới chia thành ba phần: Địa cung nền tháp, thân tháp và tháp sát. Tháp được dùng để an trí Xá lợi Phật nên áp dụng phương thức lăng mộ địa cung để cải táng. Nền tháp làm nền tảng cho tòa tháp, phủ úp lên trên địa cung. Thân tháp là kết cấu chủ yếu của tòa tháp, có thể rỗng hoặc đặc. Tháp sát nằm ở đỉnh của tháp, bản thân giống một tòa tháp nhỏ, chia làm sát tọa, sát thân và sát đỉnh. Loại hình kiến trúc này dần dần phổ biến và được tiếp thu ở nhiều nước theo dấu chân của Chánh pháp.

Ở Trung Hoa, tháp Phật có nhiều loại hình và kết cấu. Nêu chia theo hình dáng, có tháp hình vuông, hình lục giác, hình bát giác, hình tròn…Nếu chia theo hình khối sẽ có tháp đơn tầng (tháp mộ gọi là Bảo châu), thấp 3 tầng, 5 tầng, 7 tầng, 9 tầng…(trong thực tế tháp mộ có cả 6 tầng). Nếu chia theo vật liệu kiến trúc thi có tháp gỗ, tháp gạch, tháp sắt, tháp lưu ly…Có thể đơn cử một vài loại hình tiêu biểu như sau:

* Tháp kiểu lầu các: Bắt nguồn từ lầu các trong kiến trúc truyền thống Trung Quốc. Loại tháp này có lịch sử lâu đời, hình thể cao lớn. Tuy nhiên do dễ bị hỏa hoạn nên từ thời Tùy Đường trở đi, loại tháp lầu các bằng gỗ ít xuất hiện mà thay vào đó là những vật liệu bằng gạch, đá.

* Tháp kiểu mật thiềm: Là loại tháp có rất nhiều tầng hiên ở bên ngoài. Tháp Đăng Phong, chùa Tung Nhạc (Hà Nam) là một ví dụ.

* Hoa tháp: Là loại hình tháp được trang trí phức tạp như một đóa hoa ở phần nửa trên. Tồn tại chủ yếu vào thời Tống, Liêu, Kim.

* Ngoài ra còn có các loại hình khác như tháp kiểu đình các, tháp kiểu Kim Cang bảo tòa, Qúa Nhai tháp, Thiết tháp, Phồn tháp…

Những loại hình này đã làm cho ngôi tháp vốn đơn sơ của Ấn Độ trở nên phong phú và có tính thẩm mỹ hơn. Tháp Phật giáo giờ đây không chỉ còn là nơi an trí Xá lợi Phật mà nó đã chuyển tải được những ý nghĩa nhân sinh của Phật giáo qua các chi tiết kiến trúc, họa tiết trang trí trên ngôi tháp. Việt Nam có dấu chân của chư vị tôn giả từ thế kỷ thứ II, cũng từ đó ngôi tháp Phật xuất hiện với những hình hài đa dạng.

Từ tháp Phật đến tháp Mộ- Một biểu tượng của hành trình giải thoát - Dai-Nhan-thap.jpg (121748 KB)

đến tháp mộ chùa Huế

Tháp mộ chùa Huế tiếp thu các kiểu dáng từ ngôi tháp Trung Hoa, Tây Tạng…, theo thời gian đã có sự cải biến cho phù hợp. Có những kiến trúc tháp mộ mang dáng vóc của tháp lầu các, cũng có tháp mộ mang hình hài của tháp kiểu mật thiềm và cả hình dáng của chorten Tây Tạng. Chỉ có điều, những ngôi tháp mộ này có vóc dáng vừa phải, nương mình dưới bóng cây, hài hòa giữa không gian vườn chùa, ít khi vươn cao lộ vẻ thách thức. Dù có xuất hiện trên đồi cao thì tháp mộ cũng thể hiện vẻ nhún nhường vốn có của phong cách kiến trúc Việt, như từ tâm của giáo lý nhà Phật. Điểm khác biệt rõ nhất là chi tiết tháp sát. Tháp sát ở tháp mộ xứ Huế không còn sát tọa, sát thân và sát đỉnh mà thay vào đó là đóa sen thuần khiết mang nhiều ý nghĩa.

Xuất hiện từ cuối thế kỷ XVII, tháp mộ ngày càng nhiều lên theo dấu chân hoằng pháp của các vị thiền sư và đến nay đã có hàng trăm ngôi tháp mộ lớn nhỏ tồn tại trên mảnh đất xứ sở này với những phong cách kiến trúc và mỹ thuật đặc trưng. Tháp mộ Giác PhongLão Tổ (chùa Báo Quốc) tuy không còn nguyên vẹn, chỉ là một di tích lịch sử, nhưng đó là di tích đầu tiên ghi dấu về sự xuất hiện ngôi tháp mộ. Tháp mộ Tổ Liễu Quán (chùa Thuyền Tôn) lại mang dáng dấp đặc trưng của kiến trúc mật thiềm đến những ngôi tháp mộ mang hình hài nguyên thủy trên đồi Yết Ma (chùa Tường Vân), chùa Thiền Lâm Theravada..và nhiều tháp mộ theo kiến trúc lầu các cảu Trung Hoa phổ biến sau này. Tất cả như một phức thể quy tụ lại để thể hiện sự đa dạng và dung hòa các phong cách thật ngẫu nhiên.

Từ tháp Phật đến tháp Mộ- Một biểu tượng của hành trình giải thoát - thap-mo-Lieuquan-Hue.jpg (135835 KB)

Và sự giải thoát

Vốn chỉ là ngôi tháp mộ nhưng kiểu thức và họa tiết của nó không đơn điệu, vẫn lộ được vẻ thuần phát của phong cách nguyên thủy, vẻ đài các của phong thái Trung Hoa và đâu đó là chút huyền bí của người Tây Tạng. Ở đây chỉ xin nhắc đến hai chi tiết đặc trưng toát lên nhiều ý nghĩa; đó là thân tháp và đóa sen (thay cho tháp sát) trên đỉnh của tháp mộ. Thân tháp của tháp mộ Phật giáo xứ Huế chịu ảnh hưởng của loại hình bảo tháp thớ Xá lị và được xây theo hình bát giác như tên gọi ban đầu là tháp Phức Bát. Bình đồ dạng tháp Phức Bát là kiểu dáng phổ biến trong hệ thống tháp mộ chùa Huế, thỉnh thoảng có thêm hình lục giác (duy nhất tháp mộ của Thiền sư Tổ Ấn-Mật Hoằng ở chùa Quốc Ân). Với quan niệm của nhà Phật, ý nghĩa của hình bát giác không chỉ gói gọn trong nhu cầu sở thích. Tháp có 8 mặt biểu hiện cho 8 hướng trong ý thức Phật pháp viễn chiếu tám phương. Số 8 trong triết lý nhà Phật còn được hiểu rõ hơn trong thuật ngữ “Bát chánh đạo”. Vốn Phật giáo xem cuộc đời này là bể khổ, sự khổ ấy xuất phát từ sự mê muội của con người, của tham-sân-si. Để con người thoát khỏi tham-sân-si thì việc tu tập theo Bát chánh đạo là con đường đi đúng đắn nhất. Với Bát chánh đạo, vị tu sĩ sẽ nghiêm trì được giới luật, quán định được tư duy để khi viên tịch có thể được đến cõi Niết-bàn. Quá trình tu tập là một quá trình dài lâu, vì vậy ngay cả khi viên tịch thì ước vọng tu theo con đường đã chọn để đạt chánh quả vẫn là một ước vọng cần phải thực hiện. Phải chăng hình hài tháp mộ cũng có dụng ý như vậy?

Nhưng nếu tháp Phật ở Trung Hoa có nét giống với ngôi tháp từ Ấn Độ do còn lưu giữ hình ảnh tòa phù đồ trên đỉnh tháp thì vào Việt Nam, đặc biệt là những tháp mộ ở Huế, chi tiết ấy đã mất hẳn và thay vào đó là đóa hoa sen. Hoa sen trở thành chi tiết trang trí độc tôn của tháp mộ Phật giáo xứ Huế không những vì nó có hình dáng trang nhã mà còn vì với đạo Phật, hoa sen nói lên nhiều điều hơn cả hình hài đượm vẻ hiền dịu ấy.

Hoa sen là biểu hiện của sự nẩy nở Tinh Thần, của Linh Thiêng và của Thuần Khiết. Chuyện truyền kỳ của Phật giáo kể lại rằng ngay khi cậu bé Siddhartha, Đức Phật tương lai, vừa chạm đất và đi bảy bước thì bảy hoa sen từ dưới đất mọc lên. Như vậy, mỗi bước của Bồ-tát là một động tác làm nẩy nở tinh thần. Chư Phật nhập định lại được trình bày ngồi trên tòa sen và sự nảy nở của Thiền định cũng được tượng trưng bằng hoa sen nở, mà ở trung tâm và nơi các cánh hoa có các biểu tượng hay hình vẽ của chư Phật và Bồ-tát khác nhau.

Ý nghĩa căn nguyên của hoa sen tồn tại như chính quá trình sinh trưởng của nó. Sen mọc từ bùn đen, vươn lên mặt nước, và ra khỏi mặt nước mới nở hoa. Mặc dù lớn lên từ trong lòng đất, nước, hoa sen không vướng bận bởi những điều hôi tanh. Tinh thần cũng vậy, sinh ra ở thế giới này, trong thân thể con người, nhưng sẽ nở các cánh hoa của đức hạnh sau khi đã thoát khỏi làn sóng bùn dơ của đam mê và ngu dốt, sau khi đã biến đổi các lực mù quáng trong các chiều sâu thành nhụy thanh kiết của hoa-trí huệ Giác ngộ (Bồ đề tâm) hay viên ngọc Như ý (Mani). Nếu sức mạnh hướng về ánh sáng ngủ yên trong mầm sen ẩn dưới lòng đất, thì sẽ không có liên đài vươn mình đón vầng thái dương. Nếu trong sự hoàn toàn vô trí, trong sự ngu dốt cùng cực, mà ngủ yên lòng mong ước mãnh liệt muốn hiểu biết tất cả thì sẽ không bao giờ trong đêm dài sinh tử lại có bậc Giác ngộ đứng lên.

Cũng như thế, chư vị Tăng Ni trong bảo tháp kia là những thần thức đã thoát khỏi nhục thân, hình hài tạm bợ để vươn lên cùng ánh sáng trí huệ, của đạo Pháp như đóa sen nở trên chóp tháp vậy.

Trong không gian thanh nhàn, êm đềm và yên ả của vườn chùa, giữa tiếng cầu kinh, tiếng chuông vẫn hôm sớm vang lên xua tan những buồn lo u uẩn, tháp mộ của chư vị thiền sư hiện hữu một cách nhẹ nhàng ngày đêm mang điềm lành đến cho đồ chúng và Phật tự thập phương. Như đóa sen đã vươn mình lên khỏi bùn nhơ tăm tối và đạt đến trí huệ, đến sự viên mãn, lúc tàn đi vẫn trữ lại nguồn dinh dưỡng giúp nảy mầm những đóa sen tương lai. Thần thức của chư vị thiền sư đã đến với thiên giới, với cõi Phật nhưng với bảo tháp kia chư vị như vẫn nhắc nhở đồ chúng một điều rằng: hãy tu tập để nở đóa hoa trí huệ, không ngừng tinh tấn để đạt tới Niết-bàn. Vốn cuộc đời là vô thường, tạm bợ vì vậy phải làm sao để lúc viên tịch một chút hương vẫn còn lưu lại với đời, giúp cuộc đời trần thế này thêm phần hương sắc. “Đàm hoa lạc khứ hữu dư hương”, câu thơ ở cổng vào tháp mộ Tổ Liễu Quán đã dạy như vậy.

Hành trình của tháp Phật giáo cũng là hành trình tìm đến sự hoàn mỹ cho ước nguyện được giải thoát. Hành trình ấy qua không gian và thời gian đã mang theo mình những chi tiết nghệ thuật cũng như kiến trúc thể hiện rõ phong cách của từng nền văn hóa. Trên nền tảng của sự vi diệu trong giáo lý nhà Phật, tháp Phật mang đến sự an lạc cho toàn thể chúng sinh và niềm an lành cho mỗi kiếp nhân sinh trong từng tháp mộ.

Từ tháp Phật đến tháp Mộ- Một biểu tượng của hành trình giải thoát - thap-mo-e1439338871782.jpg (33765 KB)

Tài liệu tham khảo

  1. Meher Mc Arthur (2005), Tìm hiểu mỹ thuật Phật giáo, Nxb Mỹ Thuật (Phan Quang Định dịch)

  2. Thích Hải Ấn, Hà Xuân Liêm (2001), Lịch sử Phật giáo xứ Huế, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh.

  3. Chân Nguyên-Nguyễn Tường Bách (1999), Từ điển Phật học, Nxb Thuận Hóa (Nguồn: Đạo Uyển http://www.daouyen.com)

  4. Nguyễn Tuệ Chân (biên dịch) (2008), Nghệ thuật Phật giáo, Nxb Tôn Giáo

  5. Nguyễn Tuệ Chân (biên dịch) (2008), Toàn tập giải thích hình tượng hoa sen Phật giáo, Nxb Tôn Giáo

  6. Đoàn Trung Còn (1997), Phật học từ điển , quyển II, Nxb Tp. Hồ Chí Minh.

  7. Kiêm Đạt (?), Mỹ thuật Phật giáo, ĐH Đông Phương-California-USA .(http://www.quangduc.com/vanhoa/36kientruc12html).

  8. Robert E. Fisher (2004), Mỹ thuật và kiến trúc Phật giáo, Nxb Mỹ Thuật (Huỳnh Ngọc Trảng và Nguyễn Tuấn dịch).

  9. Robert E. Fisher (2002), Mỹ thuật và kiến trúc Phật giáo, Nxb Mỹ Thuật (Huỳnh Ngọc Trảng và Nguyễn Tuấn dịch).

  10. Nguyễn Bá Lãng (1972), Kiến trúc Phật giáo Việt Nam, tập 1, Viện Đại học Vạn Hạnh.

  11. Hà Xuân Liêm (2000), Những ngôi chùa Huế, Nxb Thuận Hóa, Huế

  12. Trần Đại Vinh, Nguyễn Hữu Thông, Lê Văn Sách (1993), Danh lam xứ Huế, Nxb Hội Nhà Văn.

Theo: Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo