Sự Kiện Bồ-tát Đản Sanh Trong Kinh Tạng Nikāya

Một người, này các Tỳ-khưu, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Chính một người này, này các Tỳ-khưu, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.

Sự xuất hiện của một người, này các Tỳ-khưu, khó gặp được ở đời. Của người nào? Của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Sự xuất hiện của một người này, này các Tỳ-khưu, khó gặp được ở đời.

04.jpg (3.51 MB)
Hiếm thay! Sanh được làm người!

Hiếm thay! Sống được một đời lành trong!

Hiếm thay! Nghe pháp chánh tông!

Hiếm thay! Vị Phật trần hồng giáng sinh![1]

Trong bốn cái khó của thế gian mà đức Phật đã dạy, chúng ta hữu duyên tạm gọi là vượt qua được ba cái khó đầu tiên. Chỉ có điều thứ tư là chúng ta không đủ duyên lành diện kiến đức Phật và nghe Pháp từ kim khẩu của Ngài. Dù sao, cũng tự an ủi cho chính bản thân mình vì được sanh làm thân nhân loại, được biết Phật Pháp, được nghe và tu tập theo những lời Thế Tôn đã dạy.

Một người, này các Tỳ-khưu, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Chính một người này, này các Tỳ-khưu, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.

Sự xuất hiện của một người, này các Tỳ-khưu, khó gặp được ở đời. Của người nào? Của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Sự xuất hiện của một người này, này các Tỳ-khưu, khó gặp được ở đời.[2]

Yesaṃ ve dullabho loke Pātubhāvo abhiṇhaso Sohaṃ brāhmaṇa sambuddho Sallakatto anuttaro. Hỡi này bà-la-môn Ta, bậc Chánh Đẳng Giác Bậc Tối Thượng Y Vương Người xuất hiện như vậy Thế gian thật hiếm thấy.[3]

Chính vì Ngài là bậc vĩ đại như thế và khó gặp như thế nên sự kiện ra đời của Ngài cũng trở thành một sự kiện hy hữu, hiếm thấy và rất vi diệu. Không mang hình thức thần thánh và cũng không dính đến vấn đề huyền bí, sự kiện ra đời hay sự đản sanh của đức Bồ-tát được ghi chép lại qua nhiều bài kinh thuộc hệ tạng Nikāya.

Trong Trường Bộ Kinh[4], Đức Phật đã giảng về một số phương pháp thông thường khi một vị đại Bồ-tát đản sanh khác với một phàm phu bình thường, tức loài người chúng ta. Chẳng những Đức Phật Cồ-đàm (Gotama) trong thời hiện tại mà chư Phật trong quá khứ như Đức Phật Tỳ-bà-thi (Vipassī), Đức Phật Thi-khí (Sikhī), Đức Phật Tỳ-xá-bà (Vesabhū), Đức Phật Câu-lưu-tôn (Kakusandha), Đức Phật Câu-na-hàm (Konāgamana), Đức Phật Ca-diếp (Kassapa)… cũng có một số hiện tượng siêu xuất giống nhau khi các Ngài vừa giáng sanh ra khỏi bào thai của các thân mẫu. Các phương cách đản sanh của chư Phật đều giống nhau như sự xuất hiện của các Ngài giữa thế gian này đã cảm ứng đến thế giới chư thiên và các loài khác; các Ngài đều giáng sanh dưới gốc cây giữa thiên nhiên bao la; các Ngài đều từ hông mẹ bước ra và tuyên bố các Ngài là bậc tối thượng trong tam giới; các Ngài đều có hảo tướng với 32 tướng tốt và 80 tướng phụ và thông điệp của các Ngài ở đời là cứu khổ cho chúng sanh. Đức Phật diễn tả cụ thể phương pháp đản sanh của chư Phật trong quá khứ và hiện tại qua hình ảnh đầy màu sắc của Bồ-tát Tỳ-bà-thi và thân mẫu của ngài.

Phần Nidānakathā[5] (Thuyết Duyên Luận) mở đầu của Chú giải Chuyện tiền thân Jātaka-aṭṭhakathā được xem như là một bài nghiên cứu đề cập khá chi tiết về lịch sử cuộc đời của đức Phật trong hệ thống Tam tạng kinh điển Pāli ghi lại rằng:

Gần mười tháng mang thai, Hoàng hậu biết mình sắp đến thời kỳ lâm bồn, theo phong tục bấy giờ, Hoàng hậu phải trở về quê hương ở Devadaha[6] để chuẩn bị cho sự ra đời của hoàng nam. Đức vua truyền lệnh cho sửa sang đường phố, chuẩn bị chu đáo mọi thứ từ kiệu đưa rước Hoàng hậu cho đến những nhóm tỳ nữ, người hầu đi theo để sai bảo không thiếu sót một thứ gì. Ngày lên đường đã đến, Hoàng hậu Mahāmāyā ngự trên một chiếc kiệu thật nguy nga và cao quý. Đoàn người chào đón tung hô hai bên đường ngập tràn với cờ xí ngộp trời. khắp nơi, muôn chim ca hót, muôn hoa đua nở như sắp sửa chào đón một sự kiện vô cùng trọng đại chưa từng xảy ra bao giờ.

Đoàn người đi đến vườn cây Sālā thuộc hoa viên Lumbini[7], ở giữa biên giới giữa hai dòng tộc Sākya và Koliya, Hoàng hậu thấy trăm hoa đua nở, thơm nức cả một vùng, lòng cảm thấy hân hoan nên bà ra lệnh đoàn người tạm nghỉ ngơi để bà có thời gian tham quan du lãm.

Lúc Hoàng hậu Mahāmāyā đi vào khu vườn Lumbini, thì tất cả chư thiên đều công bố vang rền khắp mười ngàn thế giới: “Ngày hôm nay Bồ-tát sẽ sanh ra khỏi bụng mẹ”. Chư thiên, chư phạm thiên, tay cầm những món quà từ cõi trời như vật thơm trời, những đóa hoa trời, nhạc trời trỗi lên để cúng dường Bồ-tát cùng với những chiếc lọng trắng che phủ khắp không gian.

Hoàng hậu Mahāmāyā ngự đến một cây Sālā có thân to, đầy hoa đang nở rộ. Khi đứng đưa cánh tay phải lên, thì cành cây tự nhiên sà xuống, bà đưa tay nắm lấy cành cây với tư thế dáng đứng rất đẹp và rất vững vàng. Liền lúc ấy, hoàng hậu trở dạ, các cung nữ lập tức che màn xung quanh nơi đang đứng[8]; khi ấy, Đức Bồ-tát cao quý đản sinh ra đời khỏi lòng hoàng hậu Mahāmāyā một cách nhẹ nhàng, thảnh thơi với bàn chân phải bước xuống trước, ví như một vị pháp sư rời khỏi pháp tòa. Khi ấy, là vào ngày thứ sáu, ngày trăng tròn tháng Vesākha (nhằm ngày rằm tháng tư) năm 623 trước tây lịch, đúng mười tháng trụ thai trong lòng mẹ.

Ngay khi ấy, mười ngàn thế giới rung chuyển. Chư thiên và phạm thiên đồng thanh reo mừng và tung rải những nắm hoa trời; tất cả các loại nhạc khí đều tự nhiên phát ra những âm thanh kỳ diệu. Toàn thể thế giới trở nên thông thấu, trong suốt, khắp các hướng mà không bị ngăn ngại. Tất cả ba mươi hai hiện tượng kỳ diệu đồng loạt xảy ra để báo hiệu sự đản sanh của Bồ-tát.

Khi vị Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, khi ấy một hào quang vô lượng thần diệu, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra cùng khắp thế giới, gồm có các thế giới trên chư Thiên, thế giới của các Ma vương và Phạm thiên, và thế giới ở dưới gồm các vị Sa-môn, Bà-la-môn, các vị hoàng tử và dân chúng. Cho đến các cảnh giới ở giữa các thế giới, không có nền tảng, tối tăm, u ám, những cảnh giới mà mặt trăng, mặt trời với đại thần lực, đại oai đức như vậy cũng không thể chiếu thấu, trong những cảnh giới ấy, một hào quang vô lượng, thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra. Và các chúng sanh sống tại những chỗ ấy, nhờ hào quang ấy mới thấy nhau mà nói: “Cũng có những chúng sanh khác sống ở đây”. Và mười ngàn thế giới chuyển động, rung động, chuyển động mạnh. Và hào quang vô lượng thần diệu ấy thắng xa oai lực của chư Thiên hiện ra ở thế giới.[9]

Lúc Bồ-tát đản sanh, có hai cột nước thuần khiết ấm và mát từ trên hư không đổ xuống trên người của Bồ-tát và mẹ của Ngài như là một dấu hiệu tôn kính.

Khi vị Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, Ngài sanh ra thanh tịnh, không bị nhiễm ô bởi nước nhớt nào, không bị nhiễm ô bởi loại mủ nào, không bị nhiễm ô bởi loại máu nào, không bị nhiễm ô bởi bất cứ sự vật bất tịnh nào, thanh tịnh, trong sạch. 

Khi vị Bồ-tát từ bụng mẹ sanh ra, hai dòng nước từ hư không hiện ra, một dòng lạnh, một dòng nóng. Hai dòng nước ấy tắm rửa sạch sẽ cho vị Bồ-tát và cho bà mẹ.[10]

Bốn vị đại phạm thiên, những bậc đã xa lìa phiền não dục, đầu tiên đón nhận Bồ-tát trong một tấm lưới vàng vào lúc Ngài sanh ra. Rồi họ đặt Ngài trước mặt người mẹ và nói rằng:

“Hoàng hậu hãy hoan hỷ. Hoàng hậu sanh một bậc vĩ nhân”.[11]

Tiếp theo, bốn vị thiên vương đón nhận Bồ-tát từ tay của bốn vị phạm-thiên bằng tấm da màu đen của con sơn dương, được xem là vật may mắn. Lại nữa, các cung nữ tiếp nhận Bồ-tát từ tay của bốn vị thiên vương bằng tấm vải trắng.

Rời khỏi tay của các cung nữ, Bồ-tát bước xuống mặt đất, bước đi bảy bước, bắt đầu bằng chân phải, rồi ngài dừng lại, nhìn về các hướng, và cuối cùng ngài dừng lại ở hướng bắc rồi thốt lên câu kệ[12]:

Aggohamasmi lokassa, Jeṭṭhohamasmi lokassa, Seṭṭhohamasmi lokassa, Ayamantimā jāti, Natthidāni punabbhavo. “Ta là bậc tối thượng ở trên đời. Ta là bậc tối tôn ở trên đời. Ta là bậc cao nhất ở trên đời. Nay là đời sống cuối cùng, Không còn phải tái sanh ở đời này nữa”.[13]

Một điểm đặc biệt cần quan tâm là khi ngài bước đi, Ngài thực sự bước đi trên đất, nhưng loài người thì trông thấy Ngài đang lướt đi trên hư không. Bồ-tát bước đi với thân trần truồng của một đứa bé mới sanh, nhưng loài người thì thấy Ngài bước đi với y phục đầy đủ. Bồ-tát bước đi với hình hài của một đứa bé mới sanh, nhưng loài người lại trông thấy Ngài qua một chàng thanh niên tuấn tú ở tuổi mười sáu.[14]

Khi Bồ-tát bước đi, có vị vua của các phạm thiên, theo hầu Ngài tay cầm cái lọng trắng, có vị chư thiên chúa tể cõi Suyāma theo hầu tay cầm cái phất trần bằng lông đuôi của con bò tây tạng. Các vị thiên thiên thì tay cầm những biểu tượng của vua như đôi hia, bảo kiếm và vương miện theo hầu Bồ-tát. Là năm bảo vật của lễ phong vương. Nhân loại lúc ấy không thể trông thấy các vị chư thiên này, họ chỉ có thể trông thấy các biểu tượng của vua mà thôi.

Theo chú giải, những sự kiện khi đức Bồ-tát đản sanh đều có ý nghĩa và được giải thích như sau: Khi sanh đức Bồ-tát ra, có bốn vị phạm thiên đến tiếp rước đây là hiện tượng chỉ rằng Ngài sẽ đắc được tứ thiền vô sắc. Rồi đến bọn phi tần tiếp, là hiện tượng của Ngài đắc thiền hữu sắc. Ngài đứng trên mặt đất là hiện tượng Ngài đắc được bốn phép nguyện vọng pháp mầu. Ngài đi bảy bước là hiện tượng sau này Ngài đắc được Thất Bồ-đề phần và truyền bá Phật giáo khắp xứ lớn trong thời kỳ ấy. Ngài được chư thiên che lọng là hiện tượng sau này Ngài đắc được phép giải thoát. Có chư thiên cầm năm món đồ của vị Chuyển Luân Vương theo hầu Ngài là hiện tượng sau này Ngài đắc được năm phép giải thoát. Ngài nói câu kệ ấy là hiện tượng Ngài không còn luân hồi nữa.

Trong chú giải ghi lại rằng, do phước báu của đức Bồ-tát kiếp cuối cùng này, khi ngài đản sanh, có bảy nhân vật đồng sanh với ngài là:

Yasmiṃ pana samaye amhākaṃ bodhisatto lumbinīvane jāto tasmiṃyeva samaye rāhulamātā devī ānando channo kāḷudāyī amacco kaṇḍako assarājā mahābodhirukkho catasso nidhikumbhiyo ca jātā, tattha eko gāvutappamāṇo eko aḍḍhayojanappamāṇo eko tigāvutappamāṇo eko yojanappamāṇo ahosi. Ime satta sahajātā nāma honti.[15]

  1. Công chúa Yasodharā Bhaddakaccānā, là công chúa của vua Suppabuddha và Hoàng hậu Amittā, cũng là thân mẫu của Rāhula nên được gọi là Rāhulamātā.
  2. Hoàng tử Ānanda, là hoàng tử của hoàng thân Amitodana, em trai của vua Suddhodana.
  3. Quan thận cần Kāḷudāyi, người bạn thân của Thái tử từ lúc nhỏ và sau này được xuất gia, lập công lớn trong việc thỉnh cầu đức Phật trở về quê hương sau bảy năm.
  4. Người hầu cận Channa, là người cùng đức Bồ-tát trốn khỏi hoàng thành đi xuất gia.
  5. Ngựa Kaṇṭhaka, đồng hành cùng Bồ-tát trong đêm xuất gia, ngựa Kaṇṭhaka đã đưa Bồ-tát hơn 30 do tuần, vượt dòng Anomā để đi xuất gia tầm đạo.
  6. Cội đại thọ Bồ-đề, tên thật là cây Assattha, vì Bồ-tát thành đạo dưới cội cây này nên đây được gọi là cội Bồ-đề (mahābodhirukkha).
  7. Bốn hầm châu báu, là biểu tượng của những vị đại phước báu, mỗi một hầm châu báu có tên và kích thước khác nhau, lần lượt có đường kính từ một gāvuta, hai gāvuta, ba gāvuta và một yojana. Khi số vàng được lấy đi thì nó lại đầy ắp trở lại, như không hề bị lấy ra. Bốn hầm châu báu này sẽ không hiển lộ ra như bình thường, nó chỉ hiện ra khi thái tử lên ngôi vua, trở thành vị Chuyển luân vương; còn khi Thái tử đi xuất gia thì bốn hầm châu báu này sẽ tự nhiên biến mất.

Ngoài ra, trong chú giải bộ Phật sử, cũng ghi lại những sự kiện đặc biệt xảy ra và được giải thích như là những điềm báo trước trong tương lai:

  • Vào lúc đản sanh của Bồ-tát, mười ngàn thế giới chấn động là điềm báo Ngài sẽ chứng đắc Nhất thiết trí (sabbaññū).
  • Chư thiên và phạm thiên trong mười ngàn thế giới tụ hội lại trong vũ trụ này là điềm báo sự tụ hội của chư thiên và phạm thiên để nghe đức Phật thuyết kinh Chuyển pháp luân.
  • Phạm thiên và chư thiên đầu tiên tiếp nhận Bồ-tát vào lúc Ngài mới đản sanh là điềm báo Ngài sẽ chứng đắc bốn tầng thiền sắc giớ
  • Nhân loại đón nhận Bồ-tát từ tay của phạm thiên và chư thiên là điềm báo Ngài sẽ chứng đắc bốn tầng thiền vô sắc giớ
  • Các loại đàn dây tự nhiên phát ra tiếng nhạc là điềm báo Ngài sẽ chứng đắc tứ thiền hữu sắc , tứ thiền vô sắc và Diệt thọ tưởng đị
  • Những loại nhạc cụ bằng da, trống lớn và trống nhỏ cũng tự nhiên phát ra tiếng nhạc là điềm báo đức Phật sẽ gióng lên tiếng trống bất tử để nhân loại và chư thiên cùng nghe.
  • Nhà tù, trại giam và các gông xiềng trói buộc con người đều tự nhiên vỡ ra từng mảnh là điềm báo Ngài sẽ đoạn diệt hoàn toàn ngã kiến về ‘cái ta’.
  • Tất cả các loại bệnh đều biến mất khỏi người bệnh là điềm báo nhân loại sẽ chứng đắc Tứ thánh đế, đoạn diệt khổ luân hồ
  • Người mù bẩm sinh có thể nhìn thấy mọi hình mọi sắc như người bình thường là điềm báo nhân loại sẽ được chứng đắc Thiên nhãn.
  • Người điếc bẩm sanh nghe được mọi âm thanh như người bình thường là điềm báo nhân loại sẽ được chứng đắc Thiên nhĩ.
  • Người què có được đôi chân bình thường và có thể đi lại như mọi người là điềm báo sự chứng đắc Tứ thần túc.
  • Người câm bẩm sinh có được sự ghi nhớ và có thể nói được là điềm báo Tứ niệm xứ sẽ được sanh khở
  • Những chiếc thuyền đang trôi dạt mất định hướng ngoài biển cả đều trở về cảng của chúng một cách an toàn là điềm báo sự chứng đắc Tứ vô ngại giải trí.
  • Tất cả các loại ngọc quí ở cõi chư-thiên và nhân loại đều phát sáng lấp lánh là điềm báo oai lực ánh sáng của Phật Pháp, sáng chói của đức Phật, bậc toả chiếu ánh sáng của chánh pháp đến những ai muốn lãnh hội nó.
  • Pháp bác ái được toả rộng trong tất cả chúng sanh đang thù nghịch lẫn nhau là điềm báo sự chứng đắc Tứ vô lượng tâm.
  • Những ngọn lửa địa ngục đều lịm tắt là điềm báo sự chấm dứt mười một loại lửa như tham, sân…
  • Ánh sáng xuất hiện trong địa ngục Lokantarika, nơi thường xuyên tối tăm là điềm báo về khả năng diệt trừ bóng tối của vô minh và chiếu toả ánh sáng của trí tuệ.
  • Nước sông thờng xuyên lưu chuyển bỗng ngưng chả Đây là điềm báo sự hoạch đắc Tứ vô uý trí.
  • Tất cả các con nước trong đại dương đều chuyển qua vị ngọt là điềm báo sự hoạch đắc hương vị ngọt ngào độc nhất của sự an lạc do sự chấm dứt các phiền não.
  • Thay vào những cơn cuồng phong bão táp, những luồng gió nhẹ thổi qua mát mẻ và dễ chịu là điềm báo sự biến mất sáu mươi hai loại tà kiế
  • Tất cả các loại chim ở trên không trung hay trên các ngọn cây hoặc ở trên núi đều bay xuống đậu dưới mặt đất là điềm báo nhân loại sẽ quy Tam bảo suốt đời sau khi nghe pháp của đức Phậ
  • Mặt trăng chiếu sáng hơn bình thường là điềm báo trạng thái hân hoan của nhân loạ
  • Mặt trời có sức nóng vừa phải và hào quang tươi sáng tạo ra khí hậu ôn hòa là điềm báo nhân loại sẽ được an lạc về thân lẫn tâm.
  • Chư thiên đứng ở ngưỡng cửa trước lâu đài của họ, vỗ tay, huýt sáo và vui mừng tung vẫy y phục của họ là điềm báo sự chứng đắc đạo quả Phật Chánh biến tri của Ngài và ngâm lên bài kệ khải hoàn.
  • Mưa đổ xối xả xuống khắp bốn châu là điềm báo sẽ có cơn mưa của pháp bất tử đổ xuống khắp chúng sanh do sức mạnh vĩ đại của trí tuệ.
  • Tất cả chúng sanh đều không thấy đói là điềm báo họ sẽ chứng đắc pháp bất tử bằng pháp niệm thân (kāyagatāsati) mà trong đó thân là để mục của niệm, hay sự thoát khỏi cơn đói thèm các phiền não sau khi đã ăn vào món ăn bất tử của pháp niệm thân.
  • Tất cả chúng sanh đều không cảm thấy khát là điềm báo họ sẽ chứng đắc sự an lạc của thánh quả A-la-hán.
  • Những cánh cửa được đóng tự nhiên mở tung là điềm báo những cánh cửa đi vào Níp-bàn sẽ được mở ra, đó là bát thánh đạ
  • Cây ra hoa và cây ăn trái tự nhiên ra hoa và ra trái là điềm báo chúng sanh sẽ mang vào những bông hoa giải thoát và những quả của bốn tầng thánh.
  • Tất cả mười ngàn thế giới đều được che phủ bởi một lá cờ hoa duy nhất, mười ngàn thế giới được che phủ bởi lá cờ chiến thắng là điềm báo về sự trải rộng của Thánh đạo.

Như vậy, tin vui Hoàng hậu hạ sanh Thái tử được loan truyền khắp nơi từ nhân loại đến các cõi chư thiên. Dân chúng hai bên tung hô chào mừng đón chào Hoàng hậu và Thái tử trở về lại kinh thành Kapilavatthu với cờ hoa ngập trời. Đoàn người đi đến đâu thì từng đợt mưa hoa rớt xuống đó. Dân chúng lũ lượt theo sau, hòa khúc vui mừng của nhà vua và cả nước. Cũng hôm ấy nhà vua truyền lệnh cho dân chúng mở tiệc vui mừng.

Khi đức Bồ-tát đã đản sanh nơi vườn Lumbini, đạo sĩ Asita, còn được gọi là Kāḷadevila, là vị quốc sư, vị thầy khả kính của đức vua Suddhodana nghe được tiếng hò vang, reo mừng của chư thiên khắp nơi, ngài thấy những chư thiên hân hoan ca tụng, tán dương những ân đức của Bồ-tát nên liền hỏi thăm nhân duyên thế nào.

Kiṃ devasaṅgho atiriva kalyarūpo, dussaṃ gahetvā ramayatha kiṃ paṭicca. Vì sao chúng chư Thiên Lại nhiệt tình hoan hỷ? Họ cầm áo vui múa, Là do nhân duyên gì?[16]

Các chư thiên trả lời như sau:

So bodhisatto ratanavaro atulyo, manussaloke hitasukhatthāya jāto; Sakyāna gāme janapade lumbineyye, tenamha tuṭṭhā atiriva kalyarūpā. Tại xứ Lumbini (Lâm-tì-ni) Trong làng các Thích-ca, Có sanh vị Bồ-tát, Báu tối thắng, vô tỷ, Ngài sanh, đem an lạc, Hạnh phúc cho loài Người, Do vậy chúng tôi mừng, Tâm vô cùng hoan hỷ. So sabbasattuttamo aggapuggalo, narāsabho sabbapajānamuttamo; Vattessati cakkamisivhaye vane, nadaṃva sīho balavā migābhibhū. Ngài, chúng sanh tối thượng, Ngài loài Người tối thắng, Bậc Ngưu vương loài Người, Thượng thủ mọi sanh loại; Ngài sẽ chuyển Pháp Luân, Trong khu rừng ẩn sĩ, Rống tiếng rống sư tử, Hùng mạnh nhiếp loài thú.[17]

Sau khi được nghe câu trả lời như vậy, đạo sĩ Asita từ giã cõi trời tam thập tam và đến thẳng hoàng cung để gặp đức vua Suddhodana. Nghe tin vị thầy khả ái khả kính của mình đến, vua Suddhodana hân hoan tiếp rước rất chu đáo và thỉnh mời ngồi tại một chỗ ngồi trang trọng. An vị xong, đạo sĩ liền hỏi đức vua:

– Thưa đại vương, nghe rằng hoàng hậu của đại vương vừa hạ sanh được một hoàng nam phải chăng?

– Bạch ngài, đúng là như thế.

– Thưa đại vương, chẳng hay thái tử đang ở đâu? Có thể cho tôi diện kiến qua được không?

Đức vua truyền lệnh cho người trang điểm cho thái tử và bồng thái tử ra tỏ lòng tôn kính đối với quốc sư. Khi thái tử được bồng ra để ra mắt vị đạo sĩ, trên không trung, chư thiên cầm lọng trắng, phất trần, quạt để tỏ lòng tôn kính với vị Bồ-tát, nhưng tất cả những sự kiện này không có một người nào thấy được, ngoại trừ vị quốc sư trưởng lão.

Anekasākhañca sahassamaṇḍalaṃ, chattaṃ marū dhārayumantalikkhe; Suvaṇṇadaṇḍā vītipatanti cāmarā, na dissare cāmarachattagāhakā. Chư Thiên cầm ngôi lọng, Ðưa lên giữa hư không, Cây lọng có nhiều cành, Có hàng ngàn vòng chuyền. Họ quạt với phất trần, Có tán vàng, lông thú, Nhưng không ai thấy được, Kẻ cầm lọng, phất trần.[18]

05.jpg (2.72 MB)

Khi thái tử được đưa ra trước mặt đạo sĩ, chân của thái tử chợt xoay lên, đạp trên búi tóc của đạo sĩ một cách nhanh chóng, như là tia chớp xẹt qua những đám mây. Mọi người đều kinh hoảng vì không một ai dám xúc phạm đến vị quốc sư khả kính của đức vua. Nhưng ngược lại, đạo sĩ Asita đã đứng dậy, rời khỏi chỗ ngồi và chấp tay đảnh lễ đức Bồ-tát một cách tôn kính.[19] Đức vua Suddhodana chứng kiện sự kiện vô cùng phi thường như thế, vua cũng đã chấp tay lên và cúi mình trước đứa chính con trai của mình.[20] Đây là lần đầu tiên đức vua quỳ đảnh lễ Bồ-tát.

Đạo sĩ Asita là một vị quốc sư tinh thông tướng pháp, đoán số và biết cả quá khứ, vị lai nên sau khi xem xét kỹ 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp trên người của thái tử, đạo sĩ suy gẫm xem thái tử sẽ thành Phật hay không?

Disvā kumāraṃ sikhimiva pajjalantaṃ, tārāsabhaṃva nabhasigamaṃ visuddhaṃ; Sūriyaṃ tapantaṃ saradarivabbhamuttaṃ, ānandajāto vipulamalattha pītiṃ. Sau khi thấy Thái tử Chói sáng như lửa ngọn, Thanh tịnh như sao Ngưu Vận hành giữa hư không, Sáng chiếu như mặt trời Giữa trời thu, mây tịnh, Ẩn sĩ tâm hân hoan Ðược hỷ lạc rộng lớn.[21]

Và bằng trí tuệ biết rõ tương lai, đạo sĩ thấy rằng thái tử chắc chắn sẽ thành Phật chánh đẳng giác vô thượng. Đạo sĩ bật ra tiếng cười trong nỗi vui mừng to lớn.

Sambodhiyaggaṃ phusissatāyaṃ kumāro, so dhammacakkaṃ paramavisuddhadassī; Vattessatāyaṃ bahujanahitānukampī, vitthārikassa bhavissati brahmacariyaṃ Thái tử này sẽ chứng Tối thượng quả Bồ-đề, Sẽ chuyển bánh xe pháp, Thấy thanh tịnh tối thắng, Vì lòng tử thương xót, Vì hạnh phúc nhiều người, Và đời sống Phạm hạnh, Ðược truyền bá rộng rãi.[22]

Cũng đề cập đến tướng hảo của đức Bồ-tát, kinh văn ghi lại những vần kệ của một vị Bà-la-môn tên Sela đã xưng tụng và tán thán Ngài như sau:

Paripuṇṇakāyo suruci Sujāto cārudassano; Suvaṇṇavaṇṇosi bhagavā Susukkadāṭhosi vīriyavā. Thân trọn đủ chói sáng,  Khéo sanh và đẹp đẽ,  Thế Tôn sắc vàng chói,  Răng trơn, láng, tinh cần. Narassa hi sujātassa Ye bhavanti viyañjanā; Sabbe te tava kāyasmiṃ Mahāpurisalakkhaṇā. Đối với người khéo sanh,  Những tướng tốt trang trọng,  Đều có trên thân Ngài,  Tất cả đại nhân tướng.  Pasannanetto sumukho Brahā uju patāpavā; Majjhe samaṇasaṅghassa Ādiccova virocasi. Mắt sáng, mặt tròn đầy,  Cân đối, thẳng, hoàn mỹ,  Giữa chúng Sa-môn Tăng,  Ngài chói như mặt trời.[23]

Như vậy, chúng ta thấy có rất nhiều điềm cát tường và vi diệu hiện ra khi một bậc vĩ nhân đản sanh. Nếu các Ngài chọn làm tại gia thì sẽ trở thành bậc Chuyển Luân Thánh Vương, trị vì khắp bốn châu thiên hạ với sự giàu có thịnh vượng, của cải vật chất phong phú, binh hùng tướng mạnh và danh tiếng lẫy lừng mà thế gian mong muốn; nhưng các Ngài đã từ bỏ các hạnh phúc ngũ dục đó để tìm một hạnh phúc cao thượng và giải thoát khổ miên viễn cho tất cả chúng sanh, tức là tìm con đường xuất gia học đạo, làm một mẫu mực đạo đức cho thế gian, một bậc thầy của trời người, một bậc tối tôn tối thượng giữa thế gian này. Cho nên sự xuất hiện của các ngài là một điểm sáng cho nhân loại noi theo, để thoát khỏi cảnh khổ trong sáu đạo. Vì thế, thật may mắn và phước báo cho chúng ta gặp được Tam Bảo, và để hôm nay chúng ta có cơ hội chào đón một vĩ nhân, một vị cứu tinh của nhân loại đã ra đời.

Nhân Đại lễ Vesak năm nay, chúng ta cùng ngồi lại tham khảo và nghiên cứu những điềm lành kỳ lạ tốt đẹp của đức Bồ-tát lúc giáng sanh vào cõi nhân gian. Thiết nghĩ đó cũng là bài pháp đầy ý nghĩa mà Đức Thế Tôn giảng dạy cho tất cả chúng ta về tinh thần sống của người con Phật, cả xuất gia và tại gia, trong cuộc đời này: Hãy luôn sống vì sự an lạc, vì hạnh phúc của số đông; nếu không làm được vậy thì đừng bao giờ gây nên sự phiền toái, tổn hại cho mình, cho tha nhân, cộng đồng, xã hội và môi trường sinh thái.

Qua đó, chúng ta nỗ lực, tinh tấn thanh lọc tâm ý, hướng thiện và hướng thượng, tích tụ nghiệp tốt để một ngày nào đó có thể làm chủ được sự tái sanh, chủ động trong luân hồi sanh tử trầm luân đầy những bất trắc, để trọn vẹn đi trên con đường tự giác và giác tha.

Trích CUỘC ĐỜI VÀ NHỮNG LỜI DẠY CỦA ĐỨC PHẬT

Bhik. Samādhipuñño Định Phúc

 

_______________________________

[1] Dhp.82 – Pháp Cú Kinh số 182, trích Kinh Lời Vàng (TT. Giới Đức)

[2] Tăng Chi Bộ Kinh, Chương Một Pháp, Phẩm Một Người, Phần Như Lai (A.i.18)

[3] Tiểu Bộ Kinh, Kinh Tập, Chương Ba – Đại Phẩm, Kinh Sela (Sn.565).

[4] Trường Bộ Kinh, Kinh Đại Bổn (D.ii.14).

[5] JA.i.53

[6] Devadaha là kinh thành của dòng tộc Koliya do vua Suppabudda trị vì, tức là quê ngoại của Bồ-tát. Sở dĩ có tên Devadaha là vì có nhiều truyền thuyết nói về nguồn gốc tên này như sau: thuở xa xưa, vùng đât này có một hồ nước tự nhiên chảy ra từ trong Hy-mã-lạp sơn, nước hồ luôn trong sạch và mát lạnh, các tiên nữ thường đến hồ này tắm nên gọi là hồ thiên (Sayañjāta vā so daho tasmā pi Devadaho – Hồ tự hiện ra, nên gọi là hồ thiên). Ngoài ra, có một cách giải thích khác là: các vị vua thường đến nơi này để hưởng an lạc của hồ nước thiên nhiên, cảnh trí quanh hồ rất thu thái, yên bình nên hồ nước có tên là Devadaha (Devā vuccanti rājano tesaṃ maṅgaladaho – Các vị vua đến hồ để được hạnh phúc, nên gọi là hồ thiên). (SA.ii.186)

[7] Ngày nay Lumbini được gọi là công viên Rummindei, thuộc quận Rupandehi của nước Cộng Hòa Dân Chủ Liên Bang Nepal, cách Bhagavanpura hai dặm về phía Bắc và cách biên giới Sonauli của Ấn Độ 36 km. Về sau, chính tại nơi này, vào năm 245 trước tây lịch, vua Asoka đã ngự đến đây và cho xây dựng một thạch trụ cao 6,5m với những hàng chữ Brahmi được dịch như sau: “Hai mươi lăm năm sau khi lên ngôi, quốc vương Devànampiya Piyadasi (Thiên Ái Thiện Kiến, tức A-dục) ngự đến đây chiêm bái, vì đức Phật Thích-ca Mâu Ni, bậc Hiền Nhân của bộ tộc Thích-Ca, đã đản sinh tại đây. Nhà vua ban lệnh khắc một tượng bằng đá và dựng một thạch trụ. Ngài miễn thuế đất ở làng Lumbini và giảm thuế hoa lợi từ 1/4 theo lệ thường xuống 1/8″ (theo The Historical Buddha, H.W. Schumann – Ðức Phật Lịch Sử, Nguyên Tâm Trần Phương Lan dịch Việt).

[8]Trong khi các người đàn bà khác, hoặc ngồi, hoặc nằm mà sanh con, mẹ vị Bồ-tát sanh vị Bồ-tát không phải như vậy. Mẹ vị Bồ-tát đứng mà sanh vị Bồ-tát” – Trường Bộ Kinh, Kinh Đại Bổn (D.ii.14).

[9] Trường Bộ Kinh, Kinh Đại Bổn (D.ii.14).

[10] Trường Bộ Kinh, Kinh Đại Bổn (D.ii.14).

[11] Trường Bộ Kinh, Kinh Đại Bổn (D.ii.14).

[12] Đức Bồ-tát khi sanh ra chỉ có ba kiếp là có thể nói liền, đó là kiếp sanh làm hiền trí Mahosadha, kiếp sanh làm đức vua Vessantara và kiếp cuối này.

[13] Trường Bộ Kinh, Kinh Đại Bổn (D.ii.15).

[14] The Great Chronicle of Buddhas, migun sayadaw (Đại Phật Sử – Mahābuddhavaṃsa, TK. Minh Huệ dịch Việt).

[15] BvA.275

[16] Tiểu Bộ Kinh, Kinh Tập, Chương Ba – Đại Phẩm, Kinh Nālaka (Sn.685).

[17] Tiểu Bộ Kinh, Kinh Tập, Chương Ba – Đại Phẩm, Kinh Nālaka (Sn.688-689).

[18] Tiểu Bộ Kinh, Kinh Tập, Chương Ba – Đại Phẩm, Kinh Nālaka (Sn.693).

[19] Theo Chú giải Bộ Phật sử, trong kiếp cuối của vị Bồ-tát, không ai có thể xứng đáng để ngài đảnh lễ. nếu như đặt đầu của Bồ-tát dưới chân của vị đạo sĩ thì tức khắc đầu của vị ấy sẽ vị vỡ ra thành bảy mảnh.

[20] Rājā taṃ acchariyaṃ disvā attano puttaṃ vandi. (JA.i.54)

[21] Tiểu Bộ Kinh, Kinh Tập, Chương Ba – Đại Phẩm, Kinh Nālaka (Sn.692).

[22] Tiểu Bộ Kinh, Kinh Tập, Chương Ba – Đại Phẩm, Kinh Nālaka (Sn.698).

[23] Tiểu Bộ Kinh, Kinh Tập, Chương Ba – Đại Phẩm, Kinh Sela (Sn.553-554-555).

Bình luận
| Mới nhất