Ý nghĩa rằm tháng giêng
Đại đức Thiện Minh giảng vào ngày sinh hoạt đạo tràng Giác Bảo Hoa, tại chùa Bửu Quang, ngày 17 tháng Giêng năm Mậu Tuất (4/3/2018). Bài giảng cuối cùng của Đại đức Thiện Minh trong cuộc đời này.
Kính thưa cô Nguyễn Thị Cúc, trưởng Đạo tràng Giác Bảo Hoa, hôm nay là năm Mậu Tuất, kỳ sinh hoạt lần này là lần thứ nhất tại Tổ đình Bửu Quang năm 2018, xem như ngày pháp hội hôm nay mở đầu khai trương cho năm sinh hoạt Đạo tràng Giác Bảo Hoa vào năm 2018. Chúng tôi vô cùng hoan hỷ thuyết giảng hôm nay nhằm tán dương công đức tất cả các anh chị em trong đạo tràng mặc dù bận sinh nhai nhưng vẫn nuôi dưỡng đời sống tinh thần tâm linh của mình. Giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần ở chừng mực nào đó, đời sống tinh thần vô cùng quý báu. Hằng năm, ở Việt Nam thống kê mỗi năm hơn 100 người chết vì tai nạn giao thông, hơn 120 người chết vì tự tử, hơn 120 ngàn người chết vì ung thư. Vấn đề chết vì tai nạn gao thông, ung thư, chúng tôi không muốn đề cập; hôm nay, chúng tôi muốn đề cập đến nạn chết vì nguyên sinh. Có thể vì một việc nào đó nên họ chán nản, thất tình, áp lực công việc có những người mượn liều thuốc độc để giải quyết cuộc đời, cũng có người nhảy xuống sông để giải quyết cuộc đời của họ nhưng là người Phật tử biết đạo, hiểu được Phật pháp thì chắc chắn chúng ta không bao giờ mượn liều thuốc giải quyết hay nhảy sông để kết liễu cuộc sống của chúng ta. Cho nên, chúng tôi muốn nói đời sống tinh thần vô cùng quan trọng. Nếu quý vị biết đạo, có quy y, biết pháp thì quý vị điều chỉnh tác ý của mình, suy nghĩ của mình thay đổi thì chúng ta sẽ không làm những điều đó. Ngày hôm nay, trong dịp rằm tháng giêng, chúng tôi nói về ý nghĩa của rằm tháng giêng.
Rằm tháng giêng theo dân gian có tên gọi tết Nguyên tiêu. ‘Nguyên’ là đầu, ý nói tháng đầu tiên của năm, ‘tiêu’ là dạ có nghĩa là đêm. Tết nguyên tiêu là đêm rằm nguyên vẹn, là ngày rằm xem như là ngày rằm đầu tiên của một năm, và ngày rằm đó xem như là ánh sáng cho cả một năm. Ngày trăng tròn đó là ngày trăng tròn đầu của một năm gọi là tết nguyên tiêu. Việt nam chúng ta có câu: tết nguyên đán đi ra quận 1, tết nguyên tiêu về quận 5. Tết nguyên đán ra quận 1 xem pháo bông, xem người đi chơi tết nguyên đán tấp nập. Tết nguyên tiêu về quận 5 vì có trang hoàng đèn, cờ xí sáng rực rỡ, cho nên, tương bừng náo nhiệt. Tết nguyên tiêu ảnh hưởng từ Trung Quốc. Sau này, một số nước như Nhật, Triều Tiên, Đại Hàn và Việt Nam vui chơi tết nguyên tiêu.
Theo Phật giáo Phát triển (Bắc Tông), ngày rằm tháng giêng còn gọi là rằm thượng ngươn, tháng 7 là trung ngươn, tháng 10 là hạ ngươn. Cho nên, có 3 cái rằm lớn. Còn theo Phật giáo Nguyên Thủy thì rằm tháng giêng có ba ý nghĩa: một là ngày đại hội thánh tăng gồm 1250 vị tỳ khưu ehi bhikkhu; hai là ngày Đức Phật thuyết patimokkha và giáo giới Chư tăng và Phật tử; ý nghĩa thứ ba là Đức Phật tuyên hứa và khẳng định với Ma Vương ngày nhập Níp-bàn.
- Đại hội Thánh tăng.
Trước nhất, chúng tôi giải thích ý nghĩa thứ nhất là Đại hội Thánh tăng gồm 1250 vị tỳ khưu và địa điểm diễn ra ở chùa Trúc lâm tại Ấn Độ. Quý vị sau này có đi Ấn Độ, đi các chỗ động tâm của Đức Phật là nơi đản sanh, thành đạo và nhập Níp-bàn và đi thăm một số ngôi chùa thời Đức Phật còn sinh tiền thì chùa Trúc Lâm còn tồn tại. Hằng năm, chúng tôi dẫn Phật tử đi hành hương Ấn Độ đều ghé nơi đây để thăm di tích. Đây là ngôi chùa đầu tiên sau khi Đức Phật thành đạo, đức vua Bình Sa Vương hiến cúng cho Đức Phật và Tăng đoàn để làm nơi hoằng pháp và trú ngụ. Tại đây có hồ nước khoảng chừng một mẫu đất mà ngày xưa chư tăng sử dụng để sinh hoạt hằng ngày. Mặc dù trải hơn 25 thế kỷ mà hồ nước này vẫn tồn tại. Miếng đất mà đức vua hiến cúng khoảng 20 ha, rộng mênh mông. Quý vị biết một vị vua hiến cho Đức Phật và tăng đoàn miếng đất cực lớn và rộng mà di tích đó trải qua 25 thế kỷ tới ngày nay vẫn còn tồn tại với sự bảo bộc Unesco. Và tại ngôi chùa này có 1250 vị tỳ kheo đắc ehi bhikkhu tức là những vị này có tuệ phân tích và có pháp thần thông. Và thường thường, cái đại hội đều có thiệp mời thông báo nhưng Đại hội Thánh tăng này không có thiệp. Người nào đắc lục thông, có ehi bhikkhu thì sẽ tự động hay biết Đức Phật triệu tập đại hội đó. Cho nên, đúng giờ, đúng địa điểm, không có hội ý nhau mà tất cả đều quy tụ về ngôi chùa Trúc Lâm đúng con số 1250 vị tỳ khưu. Và ở đây chúng tôi nói thêm đắc được quả vị ehi bhikkhu là người đó trong nhiều tiền kiếp có bố thí y phục trong ngày đại lễ dâng y. Bên Nam tông thì người làm chủ lễ Kaṭhina cúng dường chúng tăng, do phước duyên này mà đắc ehi bhikkhu, là có tuệ phân tích, có quả báo đặc biệt. Cho nên, ý nghĩa Đại hội Thánh tăng 1250 vị tỳ khưu là vậy.
- Thuyết Pháp và giáo giới.
Ý nghĩa thứ 2 là trong đại hội này, Đức Phật thuyết lên ba câu kệ vô cùng quan trọng. Hồi nãy, quý vị nghe vị MC xướng lên chỉ là một câu kệ thôi. Trong kinh điển nói trong đại hội này, Đức Phật đề cập đến ba câu kệ.
Câu kệ thứ nhất:
“Sabbapāpassa akaraṇaṃ kusalassa upasampadā
Sacittapariyodapanaṃ etaṃ buddhāna sāsanaṃ”
Tức là: “Không làm mọi điều ác,
Thành tựu mọi việc lành,
Giữ tâm ý trong sạch
Chính lời Chư phật dạy.”
Có nghĩa là các đời Chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai ra đời đều dạy chung câu Phật ngôn này. Câu này rất quan trọng, nói lên nền tảng đạo đức của con người Phật tử chúng ta.
Câu Phật ngôn này để giáo dục người Phật tử tránh dữ, làm lành, giữ tâm trong sáng. Cô Nguyễn Thị Cúc rất hiểu thâm ý câu này và hay cúng dường ghế đá có khắc câu này vào ghế đá. Nhưng chỉ khắc:
“Không làm mọi điều ác,
Hãy làm các việc lành.”
Đề nghị cô sau này có khắc thì khắc đầy đủ vì đây là Phật ngôn nên mình làm đầy đủ. Và dụng ý của câu này là giới thiệu đạo đức người Phật tử chúng ta là mình không làm những điều ác. Câu 2 là hãy làm các điều lành, rồi giữ tâm ý trong sạch. Điều quan trọng là giữ tâm ý trong sạch. Nhiều khi mình xa làm điều ác, mình làm các điều lành nhưng tâm mình bị ô nhiễm. Mà tâm mình cực kỳ quan trọng. Có thể quý vị đi chùa thì mỗi người có nhận thức khác nhau. Có nhiều người gặp nhà sư cực kỳ hoan hỷ, cung kính nhưng có người cũng ánh mắt đó, con người đó lại nhìn các nhà sư xuất gia với tâm không cung kính. Cho nên, mình giữ tâm ý trong sạch. Mà tâm là dẫn đầu các pháp, tâm là chủ, tâm tạo tác, nói hay làm với tâm thiện thì hạnh phúc sẽ theo ta như bóng không rời hình. Tâm là dẫn đầu các pháp, tâm là chủ, tâm tạo tác, nói hay làm với tâm bất thiện thì đau khổ theo ta như bóng với hình. Cho nên, tâm vô cùng quan trọng. Vì vậy, chúng ta đi chùa, nghe pháp, tụng kinh, ngồi thiền, tất cả là để chúng ta thanh lọc tâm mình. Nếu mình không thanh lọc tâm thì tâm mình như con khỉ sẽ chạy đầu này đầu nọ, mình không chấp nhận được. Cho nên, Đức Phật dạy:
“Giữ tâm ý trong sạch
Chính lời Chư Phật dạy.”
Trong đại hội Thánh tăng này, trước 1250 tỳ khưu ehi bhikkhu, Đức Phật thuyết câu kệ ngôn thứ 2 mà trong kinh Pháp cú là câu 184 có nội dung thế này:
“Khantī paramaṃ tapo titikkhā
Nibbānaṃ paramaṃ vadanti buddhā
Na hi pabbajito parūpaghātī
Samaṇo hoti paraṃ viheṭhayanto.”
Nghĩa là: “Chư Phật thường giảng dạy.
Nhẫn khổ hạnh tối thượng.
Níp-bàn quả tối thượng.
Xuất gia không phá người.
Sa môn không hại người.”
Ở câu kệ ngôn này, Đức Phật đề cập đến hai hàng tại gia cư sĩ và hàng xuất gia. Câu kệ thứ hai này cũng đề cập đến hai vấn đề mà tất cả Chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai đều dạy chung đó là:
“Chư Phật thường giảng dạy.
Nhẫn khổ hạnh tối thượng.
Níp-bàn quả tối thượng.
Xuất gia không phá người.
Sa môn không hại người.”
Nhẫn khổ hạnh tối thượng - nhẫn tức là mình nhịn nhục. Trong cuộc đời này, mình có những gì khó khăn vất vả không giải quyết được thì mình từ từ giải quyết, không nên nóng vội. Hôm nay giải quyết không được thì ngày mai giải quyết. Hôm nay không học được này mai học. Người nào nhẫn nại được thì người đó là khổ hạnh tối thượng. Mình không nhẫn nại, không kiên nhẫn, không chịu đựng thì mình không thành đạt được. Giống như mình học hết lớp 12 cũng là cực kỳ khó. Học xong 12 xong thì học 4 năm đại học. Ai trải qua 4 năm đại học thì cũng cực kỳ khó. Sau 4 năm đó thì 2 năm thạc sĩ. Ai mà trải qua 2 năm thạc sĩ thì cũng cực kỳ khó. Có người trải qua 2 năm, 5 năm, 10 để học tiến sĩ. Cho nên, mình nghe danh một người mà đã trải qua một giai đoạn học thì quý vị thấy là cả một thử thách, cả một sự phấn đấu, cần cù, siêng năng. Ông bà nói thiên tài chỉ là một chuỗi dài của sự kiên nhẫn. Cho nên, trong một công ty mà mình thấy giới thiệu đây là tổng giám đốc, đây là phó tổng giám đốc, đây là trưởng phòng, đây là giám đốc điều hành, v..vv… thì mình nghe chức danh đó là mình biết họ có sự phấn đấu nổ lực trong công ty đó lâu dài, chứ không phải là một ngày một bữa họ bước lên chức vụ đó. Cho nên, chúng ta đang làm việc ở cương vị của mình dù khó khăn đến đâu, dù vất vả đến đâu, ngang trái phủ phàng đến đâu thì chúng ta cũng phải siêng năng cần cù vì chúng ta nhớ lời Đức Phật dạy nhẫn nại là khổ hạnh tối thượng.
Điều thứ hai Đức Phật dạy Níp-bàn là quả tối thượng. Níp-bàn là mình không ham muốn nhiều. Nhiều khi mình đang làm công nhân mà ham muốn làm tổng giám đốc thì hơi khó. Vì làm tổng giám đốc, thứ nhất phải có tiền nhiều, thứ hai phải có bằng cấp học vị, kinh nghiệm, vốn liếng, học tập và rèn luyện nhiều. Có câu: biết đủ là giàu sang. Cho nên, mình làm công nhân mà mình vui thích trong công nhân, sáng đi làm, chiều về, tới tháng lãnh lương, tối về ngủ khỏe ru, không lo nghĩ gì hết. Phải không. Chứ bây giờ mình đang làm công nhân mà mình mơ làm giám đốc điều hành, làm trưởng phòng này, trưởng phòng kia trong khi mình không có bằng cấp học vị gì hết. Cho nên, cái muốn làm mình đau khổ thêm. Níp-bàn là không còn ham muốn. Níp-bàn là biết dừng lại đúng chỗ. Níp-bàn là biết đứng lại đúng vị trí của mình. Níp-bàn là vô tham, vô sân, vô si. Quý vị sống trong giữa đám đông mà có người nào đang tức giận, đang chửi mắng um sùm mà mình vẫn bình tĩnh, vẫn sáng suốt, vẫn biết thông cảm, biết tha thứ đó là mình đã trải nghiệm Níp-bàn giữa thế gian. Một người chủ mà chửi mình, nhục mạ mình, la hét mình mà quý vị biết dừng lại. Mình biết người ta đang nóng giận mà mình dừng lại là hơn người ta. Chứ người ta chửi mình mà mình chửi lại là chuyện bình thường. Chẳng hạn, chồng la vợ thì vợ nhịn, vợ la chồng thì chồng nhịn là gia đình hạnh phúc. Đó gọi là tiên nam sống với tiên nữ. Còn trong gia đình, vợ la chồng mà chồng nhịn gọi là tiên nam sống chung với quỷ cái. Người chồng chửi vợ, mắng vợ mà vợ biết nhịn gọi là tiên nữ sống chung với quỷ đực. Mình nghe danh từ quỷ thì hơi kỳ nhưng thực ra con người hay uống rượu xỉn, mắng vợ, chửi chồng nhìn mặt như quỷ. Cho nên, chúc mừng vợ chồng nào biết yêu thương nhau. Ông bà mình có câu:
“Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon.”
Hay “Chồng giận thì vợ bớt lời
Cơm sôi bớt lửa thì đời nào khê.”
Tất cả những câu ca dao, tục ngữ đó mà chúng ta phải ghi nhớ trong tấm lòng của chúng ta. Để chi. Để nhắc nhở trong đời sống hôn nhân chúng ta phải biết chung thủy, tin tưởng và tha thứ. Đó là bí quyết xây dựng hạnh phúc gia đình.
Ở câu 3: xuất gia không phá người. Người xuất gia là người cạo đầu, mặc áo cà sa, ở trong chùa. Quý vị thấy người đó phá người, nói xấu người ta, chửi người ta, hay nói xiên xỏ người ta thì đó không là người xuất gia. Sa môn không hại người. Người nào mà hại người thì không phải là sa môn. Bây giờ, quý vị cùng chúng tôi đọc lại những câu này cho thuộc:
“Chư Phật thường giảng dạy.
Nhẫn khổ hạnh tối thượng.
Níp-bàn quả tối thượng.
Xuất gia không phá người.
Sa môn không hại người.”
Câu kệ thứ 3 trong kinh Pháp cú số 185, cũng trước 1250 vị tỳ khưu mà Đức Phật tuyên bố như sau:
“Anūpavādo anūpaghāto pātimokkhe ca saṃvaro
Mattaññutā ca bhattasmiṃ pantañca sayanāsanaṃ
Adhicitte ca āyogo etaṃ buddhāna sāsanaṃ.”
Tức là: “Không phỉ báng phá hoại
Hộ trì giới căn bản
Ăn uống có tiết độ
Sàng tọa chỗ nhàn tịnh
Thiên trú tăng thượng tâm
Chính lời Chư Phật dạy.”
Đây là câu kệ ngôn có nhiều nội dung vô cùng quan trọng. Đức Phật dạy không phỉ báng phá hoại. Người nào phỉ báng, phá hoại thì người đó không phải là Phật tử, không phải là người xuất gia, không phải là sa môn. Phỉ báng, phá hoại ở nơi đây có nghĩa là phỉ báng cha mẹ, phỉ báng thầy tổ, phỉ báng những bậc trưởng thượng trong gia đình mình hay phỉ báng Phật, pháp, tăng. Người nào có tư tưởng đó, có tâm ý đó thì không phải là Phật tử, không phải là sa môn, không phải là người xuất gia.
Câu 2 trong bài kệ này, Đức Phật dạy hộ trì giới căn bản. Cho nên, người Phật tử phải có ngũ giới, thập thiện; người xuất gia phải có 10 giới, 227 giới. Quý vị đi chùa thấy trong ngày rằm và 30, chư tăng thường quy tụ tụng những điều giới luật. Đó là giới căn bản của người xuất gia. Ăn uống có tiết độ - cách đây 25 thế kỷ, Đức Phật dạy ăn uống có tiết độ. Bây giờ thức ăn, thức uống có quá nhiều. Biết bao nhiêu loại thức uống. Rồi thức ăn, quý vị thấy là cho dù ăn chay hay mặn thì bây giờ xét giữa độc tố, không biết cái nào nhiều hơn cái nào. Nhiều khi đồ chay để trong tủ lạnh 1 tháng, 2 tháng rồi lấy ra mà ăn. Ăn như vậy thì thật nguy hiểm cho sức khỏe. Ngày nào chúng ta cũng nạp xì-tin, sáng uống xì-tin, trưa uống xì-tin, tối uống xì-tin thì đảm bảo 3 tháng là quý vị tiểu đường liền, trở thành đường tăng ngay lập tức. Cho nên, ăn uống phải có tiết độ. Chừng nào chúng ta vào nằm trong bịnh viện rồi mới thấy câu ông bà hồi xưa nói đúng: sức khỏe là vàng. Ngày xưa, khi còn khỏe thì chúng ta xem thường sức khỏe, còn lúc bịnh rồi mới thấy sức khỏe là vô cùng quý báu. Tài sản, sự nghiệp, công danh, tình yêu chúng ta trong một hơi thở có thể mất tất cả. Ngủ qua một đêm, sáng ngày hôm sau, chúng ta phát hiện mắc bịnh ngặt nghèo có thể một tháng, hai tháng tử vong, bỏ lại tất cả tình yêu, công danh, sự nghiệp dang dở, biết bao nhiêu chuyện đều vô nghĩa. Cho nên, chúng ta phải tiết độ trong việc ăn uống.
Sàng tọa chỗ thanh tịnh - tức là nơi của mình, chỗ ngồi làm việc của mình phải thanh tịnh. Có những người ngồi làm việc nơi nào đó để phù hợp thích nghi với mình.
Câu cuối là chuyên trú tăng thượng tâm. Tức là Đức Phật dạy người nào làm chủ tâm mình thì người đó hạnh phúc. Đó chính là lời Chư Phật dạy.
- Tuyên hứa với Ma Vương.
Và trong đại lễ rằm tháng giêng, ý nghĩa thứ ba là Ngài tuyên hứa với Ma Vương còn ba tháng nữa Ngài nhập Níp-bàn. Theo quý vị, Ma Vương là ai mà ngay cả Đức Phật còn phải hứa với ông Ma Vương ngày nhập Níp-bàn. Ông Ma Vương là chủ cõi trời Tha Hóa Tự Tại. Cõi dục có Tứ Đại Thiên Vương, Đạo Lợi, Dạ Ma, Đấu Xuất, Hóa Lạc, Tha Hóa Tự Tại. Ông nảy ở cõi trời thứ 6, làm chủ cõi Dục. Ai nằm trong 6 cõi trời Dục giới này là phải qua bàn tay quản lý của Ma Vương. Đức Phật Thích Ca là vị giáo chủ ra đời trên thế giới có hồng danh Satthādevamanussānaṃ, là thầy chư thiên và nhân loại. Ngài trở thành vị Chánh đẳng Chánh giác là Ngài đã vượt ra cõi Tha Hóa Tự Tại, vượt ra ngoài Ma Vương. Quý vị đi chùa thấy có bức tranh Ma Vương cưỡi voi, dùng mỹ nhân kế, dùng binh ma tướng sĩ chiếm cội bồ đề của Đức Phật. Ở đây nói lên điều là tâm Đức Phật không còn tham, sân, si nên Ngài vượt ra khỏi tam giới, vượt ra khỏi tầm lưới Ma Vương. Ngày nào chúng ta còn tham dục, sân hận, hôn trầm, trạo hối, còn nghi thì chúng ta còn nằm trong bàn tay quản lý của Ma Vương. Còn ngày nào mà tâm của chúng ta không còn tham, không còn sân, không còn si, không còn cố chấp, không còn ngã mạn, không còn tự cao thì chúng ta đã thoát ra khỏi lưới Ma Vương. Đức Phật đã thoát ra khỏi bàn tay của Ma Vương. Cho nên, từ đó về sau, Ma Vương theo Đức Phật để xem hành vi tư tưởng Ngài còn nằm trong trần tục hay không, còn tham, sân, si, ích kỷ, tỵ hiềm, nhỏ mọn, kiêu căng, hay không. Suốt thời gian dài Ma Vương đi theo Đức Phật thì thấy Ngài không còn lầm lỗi gì hết. Cho nên, khi Đức Phật thành đạo, Ma Vương đến xin Đức Thế Tôn nhập Níp-bàn. Mới thành đạo xong chưa đi hoằng Pháp mà đến thỉnh Ngài nhập Níp-bàn, quý vị mới nghe là dễ nổi nóng liền. Đức Phật nói: Như Lai chưa nhập Níp-bàn được vì Như Lai còn phải thuyết Pháp độ đời. Rồi từ đó về sau, Ma Vương cứ tiếp tục theo Đức Phật để tìm lỗi lầm. Lần thứ hai, Ma Vương vào gặp Đức Phật xin Thế Tôn nhập Níp-bàn. Thế Tôn nói là Như Lai hứa với Ma Vương khi nào đệ tử Như Lai đông, thiện nam, tín nữ, tỳ khưu, tỳ khưu ni đông và có thể vững vàng trong Phật pháp, có thể thay thế Như Lai thuyết lên Chánh pháp thì lúc đó Như Lai sẽ nhập Níp-bàn. Lần thứ ba, đúng vào ngày trăng tròn tháng giêng, Ānanda là thị giả hầu Đức Phật, hôm đó Ānanda cảm thấy buồn ngủ thì xin về ngủ. Ānanda vừa về phòng ngủ thì Ma Vương từ xa lù lù kéo đến đảnh lễ Đức Thế Tôn và bạch Đức Thế Tôn rằng đệ tử của Như Lai, thiện nam, tín nữ, tỳ khưu, tỳ khưu ni đã đông, xin Đức Thế Tôn hãy nhập Níp-bàn. Trong một giây lát, Đức Phật nhập từ bi quán và quán rằng tuổi Ngài tròn 80 đúng theo tuổi thọ của Ngài, hàng thiện nam, tín nữ, tỳ khưu, tỳ khưu ni đã đông nên Đức Phật thấy duyên đã đến, thời đã đủ nên Ngài đồng ý với Ma Vương còn ba tháng nữa, đúng vào ngày trăng tròn tháng 4, Như Lai sẽ Níp-bàn ở tại Kusināra. Khi Ngài tuyên hứa với Ma Vương xong thì quả địa cầu này rung chuyển, bình địa nổi phong ba, sao bắt đầu mờ nhạt, bông hoa bắt đầu héo tàn, đánh dấu sự ra đi vĩnh viễn của một đức đại từ đại bi, chí tôn chí thánh đã đem lại tình thương bao la cho nhân loại, sẽ chỉ còn ba tháng ngắn ngủi nữa thôi thì Ngài sẽ vĩnh viễn ra đi. Ānanda đang ngủ bỗng nghe tiếng bình địa nổi phong ba thì ra đảnh lễ Đức Thế Tôn và hỏi duyên cớ gì quả địa cầu chấn động. Đức Phật nói: này Ānanda, có những sự kiện quả địa cầu chấn động, đó là ngày Như Lai ra đời, ngày Như Lai thành đạo, ngày Như Lai chuyển pháp luân và ngày Như Lai hứa với Ma Vương nhập Níp-bàn. Vừa qua, quả địa cầu rung chuyển vì Như Lai hứa với Ma Vương chỉ còn ba tháng nữa Như Lai sẽ nhập diệt. Ānanda quỳ lạy khóc năn nỉ. Trước đây, Đức Thế Tôn có dạy là vị Phật tổ đắc được quả tứ thần túc thông có thể sống nhiều hơn bình thường, có thể sống thêm 10 ngàn tuổi, 5 ngàn tuổi thì xin Đức Thế Tôn vì lòng từ bi thương tưởng chúng sinh hãy ở lại thêm thời gian nữa để hoằng dương chánh pháp vì lợi lạc cho Chư thiên và nhân loại. Đức Phật nói: Đã muộn rồi Ānanda, trước đây Như Lai có gợi ý Ānanda là một vị Phật tổ đắc được pháp tứ thần túc có thể sống nhiều hơn tuổi thọ của mình, thay vì tuổi thọ Như Lai có 80 tuổi, có thể sống 100 tuổi, 160 tuổi. Quý vị thấy đằng trước cây bồ đề có một thượng ngài Pakkula, đệ tử Đức Phật, sống 180 tuổi. Thời đó, có những vị sống thọ như thế.
Cho nên, ngày hôm nay bàn về ý nghĩa rằm tháng giêng, chúng tôi có đề cập đến vấn đề về dân gian, Phật giáo Phát triển, riêng theo truyền thống Phật giáo Nam tông thì rằm tháng giêng có ba ý nghĩa là đại hội Thánh tăng 1250 vị tỳ khưu; và ngày Đức Phật giáo giới cho thiện nam, tín nữ, tỳ khưu và tỳ khưu ni qua ba câu kệ ngôn mà chúng tôi vừa trình bày; và ý nghĩa thứ ba là ngày Đức Phật tuyên hứa với Ma Vương ngày nhập Níp-bàn. Bài Pháp đến đây vừa phải lẽ với thời gian. Trước khi dứt lời, cầu nguyện hồng ân Tam bảo, Đức Phật, giáo pháp và tăng già gia hộ cho cô Nguyễn Thị Cúc, pháp danh Giác Bảo Hoa cùng toàn thể các anh chị em cán bộ công nhân viên công ty giày da Thái Bình luôn được sức khỏe an vui, thành đạt và mọi việc hanh thông trong cuộc sống, luôn thành tựu năm pháp chúc mừng sống lâu, sắc đẹp, an vui, sức mạnh và luôn có trí tuệ sáng suốt.
Nam mô Phật, Pháp, Tăng - Tam bảo.
- [24/08/2021] Tứ diệu đế kinh
- [03/12/2020] Bản Chất Đời Sống
- [02/12/2020] Chỉ Dẫn Bản Đồ Cứu Cánh Níp-Bàn
- [04/11/2020] Thi hóa Trung bộ kinh
- [04/11/2020] Giới luật của hàng xuất gia-Bhikkhu Khantipālo
- [13/09/2018] Ba phúc lành cao thượng
- [30/08/2018] Xuân Mậu Tuất nói về loài chó
- [10/06/2018] Đóa Hoa Mùa Hạ
- [15/05/2018] Chớ hối tiếc về sau
- [25/04/2018] Khái quát Tam tạng Pāli Nikāya