Bồ tát đản sanh, thành đạo và Phật nhập Niết bàn

Nhận thấy đã nhiều năm từ khi có Phật giáo Nguyên Thủy du nhập vào lãnh thổ Việt Nam đến nay, chư Phật tử tích cực tổ chức ngày rằm tháng tư âm lịch, để kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Đản sanh, Thành đạo và Niết bàn của đức Phật tổ GOTAMA.

 

THERAVᾹDA

PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY

__________

KỶ NIỆM

BỒ TÁT ĐẢN SANH, THÀNH ĐẠO

PHẬT NHẬP NIẾT BÀN

 

Soạn giả:

Tỳ khưu NGÔ BỬU ĐẠT

PHÁP DANH HỘ GIÁC

___________

PHẬT HỌC ĐƯỜNG

PHÁP QUANG TỰ

GIA ĐỊNH

PHẬT LỊCH 2505 - DƯƠNG LỊCH 1961

 

 

LỜI TỰA

Nhận thấy đã nhiều năm từ khi có Phật giáo Nguyên Thủy du nhập vào lãnh thổ Việt Nam đến nay, chư Phật tử tích cực tổ chức ngày rằm tháng tư âm lịch, để kỷ niệm một lúc 3 thời kỳ: Đản sanh, Thành đạo và Niết bàn của đức Phật tổ GOTAMA. Song có một điều đáng tiếc là chư Phật tử bỏ quên không viết một cuốn sách nhỏ trình bày tổng quát ý nghĩa cuộc lễ VISᾹKHA, ngỏ hầu giúp cho toàn thể Phật giáo đồ ý thức giá trị của việc làm, khỏi sợ sai lạc.

Nhân dịp nầy, tôi xin thành kính thắp nén hương lòng, long trọng lật lại từng trang lịch sử và xin mượn những giòng chữ kém sắc sảo cũng như lời văn kém điêu luyện ghi lại đây ba đoạn đời của đức Giáo chủ có tánh cách liên quan mật thiết với ngày rằm tháng tư; gọi là để tỏ tất lòng tri ân Tam Bảo.

Tôi xin hồi hướng phần phước pháp thí nầy đến các bậc ân nhân của các thí chủ và của tôi đã quá vãng được thoát khỏi các điều thống khổ và được thọ sanh về nhàn cảnh. Bằng như các bậc ân nhân ấy đang ở nơi chốn an vui thì sự an vui càng tăng tiến thêm.

Còn các bậc ân nhân của chúng tôi sanh tiền hằng được trường thọ sống lâu, mẹ hiền, con thảo, cha lành, đến ngày trăm tuổi.

Cầu cho tất cả chúng sanh sớm quay về với ánh đạo từ bi cứu khổ.

Pháp Quang Tự, ngày 19 tháng 5 năm 1961

Tỳ khưu: Ngô Bửu Đạt - Pháp danh: Hộ Giác

NAMATTHU SUGATASSA

Đệ tử xin thành kính đảnh lễ đức Như Lai.

 

GABBHᾹBHINIKKHAM-ANAKATHᾹ

ĐẢN SANH TRƯỚC THUẬT

Sau khi được biết đứa hài nhi trong thai bào là một hòn ngọc tương lai của thành Ca Bì La Vệ (Kapilavatthu), hoàng hậu Ma Da (Māyā) cũng như đức vua Tịnh Phạn (Suddhodana) lấy làm vui sướng và toại nguyện.

Đoán biết hoàng hậu sẽ hạ sanh hoàng nam vào ngày rằm tháng tư âm lịch, đức vua Tịnh Phạn bèn truyền lịnh cho toàn dân trong khắp bờ cõi Ca Bì La Vệ tích cực tham gia mở hội hoa đăng và các cuộc vui để mừng ngày thái tử chào đời.

HOÀNG HẬU NẰM MỘNG

Chỉ còn 7 hôm nữa là đến ngày sanh nở, hoàng hậu Ma Da tắm gội điểm trang lộng lẫy trong bộ triều phục sang trọng, quý phái với những hột xoàn, kim cương chói lọi nhiều màu. Hương thơm ngào ngạt từ thân hình tha thướt của hoàng hậu phát ra làm tăng vẻ đẹp đẽ và duyên dáng.

Hoàng hậu rất được lòng sủng ái của quân vương từ ngày sơ ngộ. Hôm nay gần ngày lịnh bà sanh nở, đức vua lại càng đem dạ mến thương.

Bà hoàng hậu Ma Da mặc dù mang thai đức Bồ Tát song không có vẻ chi là nặng nhọc cả vì cái thai ấy không lớn như của thường nhơn. Lịnh bà dòm thấy rõ đức Bồ Tát ngồi xếp bằng ở bên trong, day mặt ra trước thay vì úp mặt vô lưng như muôn triệu hài nhi phàm tục.

Thế là suốt thời gian bảy ngày, đức vua Tịnh Phạn thường xuyên thăm viếng hoàng hậu để an ủi, săn sóc và làm vui lòng hoàng hậu.

Đức vua cũng như hoàng hậu đều trông ngày đêm, cầu cho mau tối, mau sáng để nhìn tận mặt đứa con yêu quý mang giòng máu của hai người.

Ngày thứ sáu, lịnh bà thức thật sớm, tắm gội, trang sức và chính tay bố thí bốn triệu cho đồng bào nghèo khó tật nguyền trước giờ điểm tâm sáng.

Sau khi điểm tâm, lịnh bà phát nguyện thọ trì Bát quan trai giới và trở vào phòng loan tịnh niệm.

Màn đêm từ từ bao trùm vạn vật. Thành Ca Bì La Vệ chìm trong bóng tối mông lung. Đêm càng khuya, trời càng lạnh, lịnh bà vẫn triền miên trong giấc ngủ yên lành.

Vừa bước sang canh ba bỗng lịnh bà nằm mộng thấy bốn vị thiên thần: KUVERA (Cú quê rắc), DHATARATTHA (Thắc tắc rắch thắc), VIRŪPAKKHA (Quí ru pắc khắc) và VIRULHAKA (Quí rul ha cắc) hiện lên khiêng lịnh bà luôn cả giường ngủ đem đến ngọn núi HIMAVANTA (Hi mã lạp sơn) mời lịnh bà ngồi trên một tảng đá to, đẹp đẽ, chỉnh tề, rộng độ 60 do tuần, dưới gốc cây dừng cao 100 do tuần xong, bèn lui ra đứng một bên. Tiếp đến bốn vị nữ Thiên Thần đem lịnh bà đi tắm tại ao ANOTATTA (Ắc nô tách tắc) nơi mà xưa kia chư Phật tổ thường quan lâm đến đó tắm rửa.

Sau khi cho lịnh bà tắm gội xong, bốn vị nữ Thiên Thần trao khăn choàng tiên cho lịnh bà thay, đồng thời trang điểm lịnh bà bằng các tràng hoa thơm quý và nhiều màu sắc. Trước mặt lịnh bà hiện lên 1 ngọn núi bạc và một cái điện bằng vàng rực rỡ. Trong điện, các nàng tiên thoăn thoắt dọn riêng cho lịnh bà một cái giường thật trang nhã, day mặt hướng đông và mời lịnh bà lên an nghỉ. Nằm trên giường, lịnh bà thấy một con bạch tượng lớn cao hùng vĩ, hai ngà trắng như ngọc, bốn chân màu đỏ rực như son, cuống vòi thì có bó hoa sen màu vàng lóng lánh, từ trên mây bay xuống đứng trên ngọn núi bạc, tiếng rống như xé mây, và từ từ khoan thai bước đến điện vàng, đi vòng quanh giường ngủ ba lần, thình lình chui vào hông phải của lịnh bà một cách an toàn mau lẹ.

Sau khi thức giấc, lịnh bà đợi cho bình minh trở lại hoàng thành, bèn đem điềm mộng lạ tường thuật lại cho đức vua nghe đầu đuôi mạch lạc và khúc chiết.

ĐOÁN MỘNG

Chăm chú nghe qua câu chuyện, đức Tịnh Phạn nhơn buổi lâm trào hôm ấy, truyền lịnh mời thỉnh tất cả 64 nhà khâm thiên đại tài đến triều đoán dùm mộng triệu của chánh cung.

Các nhà tiên tri, trước sân rồng, đồng thanh trần tấu: Tâu hoàng thượng, chiếu theo mộng triệu mà bàn, thì chắc chắn hoàng hậu sẽ hạ sanh được hoàng nam. Đông cung sẽ làm cho tông môn rạng rỡ với tài ba xuất chúng và chức vị đế hoàng. Bằng nếu xuất gia tìm đạo thì Đông cung sẽ được thành Phật cứu độ chúng sanh.

HOÀNG HẬU TRỞ VỀ QUÊ NGOẠI

Ngày giờ qua mau như tên bắn, thấm thoát đã đến ngày rằm tháng tư, hoàng hậu Ma Da tâu xin phép lịnh vua để được trở về sanh nở bên quê ngoại.

Vì lòng sủng ái chánh cung, đức vua Tịnh Phạn vui vẻ nhận lời.

Một tờ sắc lệnh được ban hành. Các cấp dân, quân, chánh phải tuyệt đối dọn đường tiễn đưa hoàng hậu.

Thế rồi hôm ấy, trên con đường dài hồi hương, người ta thấy một đoàn xa rân rộ lăn bánh. Theo sau đoàn xa, binh sĩ trên mười ngàn vẹo hậu tập đồng hành ủng hộ lịnh bà, khiến bụi cát tung bay mịt trời, làm tăng vẻ uy quyền sang trọng của một ngôi chánh cung thời thượng cổ.

TẠI VƯỜN LUMBINĪ

Khi đoàn xa đến giáp giới của hai nước: KAPILAVATTHU và DEVADAHA, lịnh bà hạ lịnh dừng xa và rảo bước ngắm nhìn phong cảnh. Cây đua nhau trổ hoa như khoe khoan hương sắc, như dụng ý đón rước lịnh bà. Cỏ dại của rừng hoang cũng nứt mộng, đâm chồi, mọc lá, như đồng tình tham gia mừng ngày lịch sử.

Đứng trước cảnh vật hữu tình, lịnh bà cảm thấy cõi lòng rộn lên một niềm vui khó tả, như hăng hái, như mơ màng. Dường như có một sức mạnh huyền bí thúc đẩy, lịnh bà thay đồ triều phục sang trọng, mặc đồ vải thường và từ từ tiến gần đến một gốc cây dừng hùng vĩ, đơm đầy hoa trắng, vói tay hái lấy chùm bông, thì cũng vừa lúc ấy lịnh bà hạ sinh đức Bồ Tát đúng ngày rằm tháng tư năm Tuất, nhằm ngày thứ sáu; nghĩa là 623 năm trước Gia Tô kỷ nguyên.

Theo bộ Sambhāravipāka và bộ Sāratthasangaha thì lúc sanh nở, lịnh bà không mệt nhọc dã dượi, trái lại rất khỏe mạnh và sáng suốt. Lịnh bà lấy làm ngạc nhiên trước cảnh tượng khác phàm. Trước mắt lịnh bà, thân mình hài nhi sơ sanh đã không hoen ố đồ nhơ uế mà còn tươi sáng như màu mặt trời buổi bình minh quang đãng.

Đức Đại Phạm Thiên Suddhāvāsa rước đức Bồ Tát bằng một tấm lưới vàng ẵm đưa ngay mặt lịnh bà và phúc chúc: “Xin lịnh bà mãi mãi vui tươi bên vì Cứu Thế, con của lịnh bà sẽ là một bậc siêu nhân không ai bì kịp”. Sau lời phúc chúc của vị Đại Phạm Thiên, từ trên trời có hai giọt nước ria xuống, hạt nước nhỏ xinh xinh mịn màng rửa đức Bồ Tát và hoàng hậu.

Tắm xong, Tứ Đại Thiên Vương bèn đem tấm da gấu mềm dịu ấm áp tiếp rước đức Bồ Tát từ tay của Đại Phạm Thiên.

Kế đó, các cung nữ tiếp rước đức Bồ Tát bằng vải của cõi phàm.

Sau cùng, đức Đại Phạm Thiên tặng 5 món quà mừng ngày sanh nhựt của đức Bồ Tát. Năm món quà ấy là:

  1. Khaggo =    Cây kiếm
  2. Chattaṃ =    Cây lọng
  3. Muṇhisaṃ =    Giáp trụ
  4. Pādukā =    Đôi hài
  5. Vālavijanī =    Quạt lông

Tất cả biến cố xảy ra tại vườn Lumbīnī, từ lúc đức Bồ Tát đản sanh cho đến các vị thiên thần tiếp rước, tặng quà; mỗi mỗi đều rõ rệt trước muôn triệu cặp mắt của thường nhân xa, gần chứng kiến trực tiếp trong ngày hôm ấy. Chỉ trừ đức Đại Phạm Thiên là thường nhân không trông thấy mà thôi.

ĐỨC BỒ TÁT KHAI KHẨU

Sau đó, đức Bồ Tát liền mở mắt ngó về hướng đông thấy chư Thiên từ trên trời rải bông tiên xuống cúng dường. Ngài day mặt về hướng bắc và đứng lên bước đi bảy bước, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, cất tiếng vang vang xuất khẩu thành một câu kệ như vầy:

Aggohamasmi lokasmiṃ

Seṭṭhohamasmi lokasmiṃ

Ayānca antimā jāti

Natthidāni punabbhavo.

Trong vòng trời đất, ta là bậc siêu đẳng, đây là kiếp chót của ta, ta sẽ không luân hồi nữa.

Sau khi thốt xong câu kệ, Ngài bèn nằm xuống như muôn triệu hài nhi khác.

 

 

THỜI KỲ THỨ NHÌ

THÀNH ĐẠO

Rồi 33 năm sau, cũng vào ngày rằm tháng tư đức Bồ Tát thành Phật.

Trước đó một ngày, tức ngày 14 tháng tư năm Dậu, mọi cảnh vật rung rinh huyền ảo như ẩn hiện dưới bầu trời trăng sáng.

Đêm nay, trên không gian tuyệt nhiên chẳng qua một tiếng động nhỏ. Trong cánh rừng Uruvela, đức Bồ Tát chỉ còn lại một mình vì năm đồ đệ Kiều Trần Như đã bỏ Ngài ra đi không một lời từ giã. Ngài kiên nhẫn tọa thiền, tập trung tư tưởng vào hơi thở để truy tầm nguyên lý của vấn đề sinh tử, mà chính Ngài đã có chủ định khám phá nó từ lâu.

Mãi đeo đuổi mục đích, Ngài quên đêm đã về khuya, sương bắt đầu nặng hột, hơi lạnh của núi rừng càng làm tăng vẻ huyền bí của vũ trụ. Thế mà đức Bồ Tát vẫn điềm nhiên ngồi không lay động. Mãi đến canh hai, Ngài mới xả thiền và nằm tịnh dưới cội cây mặc cho sương tuyết phủ phàng, Ngài vẫn trơ gan cùng tạo hóa.

Khi đêm vừa bước sang canh ba, bỗng đức Bồ Tát nằm thấy 5 điềm mộng lạ:

  1. Ngài thấy mình nằm ngửa trên mặt đất, gối đầu trên ngọn Hi Mã Lạp Sơn, tay mặt trầm dưới biển hướng đông, tay trái trầm biển hướng tây, chơn mặt thòng xuống biển nam và chơn trái thòng xuống biển hướng bắc.
  2. Ngài thấy có một cọng tranh mọc từ rún Ngài và từ từ cao lên một gang, một hắt, một sải, một dặm, một do tuần, mười trăm do tuần và cuối cùng đụng lưng trời cao thẳm.
  3. Ngài thấy có nhiều loại sâu, mình trắng, đầu đen loi nhoi bò từ bàn chân lên tới đầu gối không tưởng tượng.
  4. Ngài thấy nhiều đoàn chim bốn màu khác nhau là xanh, đỏ, đen, vàng từ bốn phương trời bay đến quần tụ gần chơn Ngài, cúi đầu lễ bái xong liền đồng hóa ra một màu trắng đều nhau cả.
  5. Ngài thấy đi kinh hành trên một ngọn núi phẩn cao độ một do tuần; tuy nhiên, chân Ngài không lấm phẩn.

TỰ ĐOÁN MỘNG

Sau khi giật mình thức giấc, đức Bồ Tát lập tức ngồi thiền và kế đó, Ngài bắt đầu bàn năm điềm mộng một mình. Bản tánh thông minh và trí tuệ xuất chúng cho Ngài biết:

  1. Điềm thứ nhứt, thấy nằm trên đất là biểu hiệu Ngài sẽ thành Phật. Thấy gối đầu trên ngọn núi Hi Mã Lạp Sơn là biểu hiệu Ngài sẽ đắc Túc Mạng Thông và Thiên Nhãn Thông.

Thấy nằm ngửa là biểu hiệu tất cả chúng sanh trong Tam giới sẽ hoan nghinh hưởng ứng hướng về Ngài, và Ngài sẽ cứu vớt khỏi bốn hầm trầm nịch.

Thấy hai tay và hai chơn trầm dưới bốn bể là biểu hiệu Ngài sẽ chuyển bánh xa Pháp, độ tận chúng sanh hữu duyên với Ngài.

  1. Thấy tranh mọc từ rún thấu lên lưng trời là biểu hiệu Ngài sẽ thuyết giáo con đường Bát Chánh Đạo cho Chư Thiên và nhân loại được thấm nhuần hồng ân pháp vũ.
  2. Thấy các loài sâu loi nhoi bò từ bàn chân lên tới đầu gối là biểu hiệu sau khi thành Phật sẽ có rất nhiều thiện nam, tín nữ phát tâm quy y theo Ngài.
  3. Thấy bốn loài chim màu sắc khác nhau từ bốn phương trời bay đến quần tụ gần chơn Ngài rồi bỗng nhiên hóa thành màu trắng là biểu hiệu sau nầy bốn giai cấp xã hội sẽ hưởng ứng quy hành theo giáo pháp của Ngài và tự nhiên nhờ đó mà họ trở thành Phật tử sống chung trong một đại gia đình không còn phân chia giai cấp, màu sắc nữa.
  4. Thấy đi kinh hành trên núi phẩn mà không dính chân là biểu hiệu sau khi thành Phật lợi lộc sẽ phát sanh dồi dào mà Ngài thì tuyệt nhiên không ham mê trước nhiễm.

Sau khi tự đoán mộng, Ngài biết chắc chắn rằng mình sẽ thành Phật không trở ngại.

Sáng lại, Ngài bèn lần hồi xuống bờ sông Neranjarā tắm gội sạch sẽ và trở lại ngự dưới gốc cây dừng vĩ đại nơi mà nàng Sujātā đã có lần đến đó cầu tự.

NÀNG SUJᾹTᾹ TRẢ LỄ

Trời vừa tờ mờ sáng, nàng Sujātā đã thúc hối người tớ gái tên Punnā mau đến dọn quét gốc cây da cho tươm tất để nàng đem lễ vật đến trả lễ.

Không dám chậm trễ, nàng Punnā nhắm hướng cây da đi thật lẹ. Khi vừa tới nơi thì nàng hoa cả mắt và không biết mình tỉnh hay mê vì trước mắt nàng, đức Bồ Tát phong nhã, phúc tướng sắc diện quang minh, hào quang từ trong cơ thể chiếu diệu nhiều màu trang nghiêm tọa thiền dưới gốc cây da.

 Nàng tự nhủ: Phải rồi, chắc chắn không còn nghi ngờ chi cả, vị Thọ Thần hiện ra đón chờ thọ lễ của cô chủ ta chẳng sai…!

Sau khi nghĩ thế, nàng khấp khởi mừng, chạy lẹ về nhà báo hỉ tín cho cô chủ.

Thoáng nghe qua, nàng Sujātā lộ vẻ vui mừng ra mặt, lập tức sắp lễ vật vào mâm vàng cùng nàng tớ gái vừa đi vừa khấn nguyện nhắm gốc Đại Thọ rảo bước.

Trông thấy đức Bồ Tát từ xa, nàng Sujātā ngỡ là vị Thọ Thần thị hiện, nỗi mừng khấp khởi nàng lập tức đến trước nghiêng mình quỳ dâng lễ vật cho đức Bồ Tát.

Khi nàng Sujātā đi rồi, đức Bồ Tát đứng dậy, bưng mâm vật thực lần bước đến bờ sông Nerañjarā. Sau khi tắm xong, Ngài vắt cơm sữa trong mâm thành 49 vắt không hơn không kém, mỗi vắt bằng một trái thốt nốt, và bắt đầu dùng từng vắt một cho đến khi hết. Nhờ bữa ngọ trai hôm ấy, Ngài đủ sức nhịn đói liên tục trong vòng 49 ngày sau.

THẢ MÂM XUỐNG SÔNG

Sau buổi ngọ trai, Ngài rửa mâm thật sạch, cặp mắt sáng long lanh ngó theo giòng nước chảy phát nguyện: Nếu tôi tuyệt đối sẽ được thành Phật thì xin cho cái mâm vàng nầy trôi ngược giòng sông.

Nguyện xong, Ngài thả mâm xuống nước. Thật lạ lùng làm sao! Cái mâm vô tri kia cứ phăng phăng trôi ngược nước độ 80 hắt, và cuối cùng chìm xuống lòng sông chạm phải những cái mâm của chư Phật Tổ quá khứ.

Tiếng khua vang phát ra do sự va chạm giữa mâm cũ và mâm mới, khiến vị Long vương tên Kāla có phận sự bảo vệ tại đây giựt mình nói lên trong sự kinh ngạc: Thật mau quá! Mới hôm qua một vị Phật đắc đạo, bữa nay lại một vị nữa.

TRỞ LẠI CỘI BỒ ĐỀ

Được chứng kiến chuyện lạ xảy ra trước mắt, đức Bồ Tát tin chắc thế nào rồi đây Ngài cũng sẽ thành Phật.

Đã tin tưởng càng thêm vững dạ, Ngài bèn quay gót trở về cội Bồ Đề. Nữa đường, Ngài gặp một người Bà La Môn tên Sotthiya dâng cho Ngài tám nắm rơm với tất cả lòng kính cẩn.

Được rơm, Ngài bèn đem trải dưới cội Bồ Đề hướng đông và phát đại nguyện: Nếu ta thành Phật thật sự, thì xin những nắm rơm nầy hãy biến thành bồ đoàn quý báu.

Ngài nguyện vừa dứt lời thì hết sức lạ lùng, trước mặt Ngài một bồ đoàn vô cùng trang nhã, cao độ 18 gọc tay, kết thành bằng các thứ ngọc quý nhất trần gian.

Đức Bồ Tát từ từ leo lên ngồi xếp bằng kiết già trên bồ đoàn và bắt đầu niệm số tức quan. Nghĩa là Ngài theo dõi hơi thở ra vô, dài vắn, lâu mau, mạnh nhẹ, bắt buộc trí nhớ chuyên niệm liên tục không cho gián đoạn.

Đây là lời nguyện biểu lộ đức độ hy sinh và kiên nhẫn hiếm có của đức Bồ Tát: Dù cho da, thịt, xương, máu của ta có teo cạn không còn chăng nữa, ta nhứt định không rời khỏi chốn nầy nếu ta chưa thành Phật.

CẢM THẮNG BA ÁI NỮ CỦA MA VƯƠNG

Nói về Ma Vương, một tay địch thủ khá lợi hại của đức Bồ Tát, hằng lo lắng đêm ngày sợ không thắng nổi đức Bồ Tát. Nên khi bắt đầu từ ngày đức Bồ Tát vượt thành xuất gia tìm đạo đến giờ, không một hành động nhỏ lớn hoặc ý nghĩ sâu kín nào của đức Bồ Tát mà Ma Vương không tìm hiểu để làm cản trở thánh quả giải thoát của Ngài.

Hôm nay, cũng như thường lệ, Ma Vương đích thân mục kích đức Bồ Tát thả mâm trôi ngược giòng nước, trải rơm thành ra bồ đoàn quí báu và phát đại nguyện không rời cột Bồ Đề v.v… Tất cả ngần ấy điều lạ đều khiến Ma Vương khó chịu bực tức vô cùng. Càng bực tức, Ma Vương càng mù quáng làm liều. Tuy nhiên Ma Vương chưa tìm ra một biện pháp thích ứng khả dĩ giúp mình thành công trên phương diện chặn đứng đà tiến của vị Cứu Thế.

Dịp may ở đâu đưa đến, trong khi Ma Vương đang chấm chút từng chén thất bại của mình, bỗng ba ái nữ yêu quý cũng vừa đến thăm cha. Thấy gương mặt buồn rười rượi của cha, ba nàng tiên bèn hỏi: Thưa cha, chẳng hay có chuyện chi khó giải quyết mà xem cha buồn ra mặt thế?

_ Nầy các con, chắc các con còn nhớ mối thù bất cộng đoái thiên giữa cha và thái tử Si Đạt Ta chớ?

_ Thưa cha, chúng con vẫn chưa quên. Nhưng tại sao cha lại buồn?

_ Các con ơi! Các con đâu rõ nỗi khổ lòng của cha. Cha sẽ thất bại một cách nhục nhã, trong khi thái tử Sỉ Đạt Ta thành công một cách vẻ vang. Vì cha không làm sao phá vỡ chương trình của Sỉ Đạt Ta, vả lại, cha tự xét cha không phải là tay đối thủ con người siêu đẳng ấy.

_ Thưa cha, ba con xin hứa danh dự trước mặt cha là sẽ bẻ gãy chương trình của thái tử. Xin cha hãy yên lòng và tin rằng các con sẽ thành công.

Sau khi từ giã vua cha, ba ái nữ của Ma Vương lập tức họp bàn, thảo luận một chương trình để mê hoặc Bồ Tát. Ba cô tiên đồng ý: phải biến hóa đủ hình vóc xinh xắn của các thiếu nữ trong thời son sắc. Chắc chắn dù sao đức Bồ Tát cũng phải động tình.

Thế rồi trước mặt đức Bồ Tát, những thân hình tuyệt đẹp uyển chuyển thướt tha, hở hang gần như khêu gợi, những tưởng lay chuyển được lòng sắt đá của đấng Đại Hùng. Nhưng sự thật thì ba nàng tiên nào ngờ, trước cảnh lố lăng tình tứ, liếc mắt đưa mày ấy, đức Bồ Tát đã chẳng không đem dạ nhiễm ố mà còn chán nản, thương hại.

Ngài cất tiếng hỏi:

_ Nầy nàng kia! Nàng tên chi, và đến đây định cám dỗ ta đi vào con đường nào?

_ Thưa thái tử, em tên là Rāgā, và đến đây để xin thái tử ban cho em một chút hương tình.

_ Nầy Rāgā, nàng dùng bí quyết chi để cám dỗ người?

_ Em dùng tình tứ làm cho người khác phát dục tình khiến lương tâm họ mù quáng, và lẽ dĩ nhiên họ là những kẻ chiến bại, còn em là người chiến thắng.

_ Nầy Rāgā, tất cả bí quyết nàng vừa trình bày, ta hoàn toàn nhìn nhận. Nhưng Rāgā nầy, ta đã biết được dã tâm của nàng rồi và cạm bẫy tham ái của nàng không thể gài được ta đâu. Ta nhứt định bẻ gãy cạm bẫy ấy bằng bất cứ giá nào, dù cho ta phải đổi mạng sống. Nàng đã nghe rõ chưa? Nàng hãy lánh xa ta đi vì ta là một chiến sĩ chưa từng nếm mùi thất bại.

Trước lời nói đầy nghị lực gần như kiêu ngạo ấy, nàng Rāgā cảm thấy tủi thẹn và tuyệt vọng.

Kế đó, đức Bồ Tát hỏi nàng Aratī.

Nàng Aratī trình bày bí quyết chi phối chúng sanh bằng phương pháp làm cho chúng sanh nóng nảy, bực tức, căm thù, buộc oan trái và lẽ dĩ nhiên sự sân hận ấy sẽ làm cho họ mù quáng, chỉ biết trả thù nhau, hãm hại nhau bằng cách nầy hoặc cách khác. Chúng sanh là những tội nhơn ở trong cái ngục oán thù của nàng vậy.

Đức Bồ Tát nhìn nhận đấy là sự thật. Tuy nhiên, Ngài kết luận: Nầy nàng Aratī, nàng không thể nhốt ta trong cái ngục oán thù ấy được nữa đâu. Vì ta đã tự giải thoát ra khỏi ngục ấy một sớm một chiều. Ta là gió thì nàng làm sao nhốt được ta, hãy lui đi.

Cuối cùng, đức Bồ Tát day hỏi nàng Taṇhā, từ tên họ, mục đích và bí quyết.

Nàng Taṇhā cho biết, nàng đến đây không ngoài mục đích như hai chị. Tuy nhiên, bí quyết để thành công có chỗ dị đồng tương đối.

Bí quyết của nàng Tanhā là mê hoặc chúng sanh bằng phương cách làm cho chúng thèm khát không bao giờ no đủ. Mà một khi đã thèm khát thì tức nhiên chúng phải tìm tòi. Càng cố thỏa mãn nhu cầu bao nhiêu, thì càng thiếu hụt bấy nhiêu. Vì nàng là hiện thân của sự thèm khát.

Theo đây thì ta thấy rằng bí quyết của nàng Taṇhā thật nguy hiểm không vừa.

Nghe nàng Taṇhā trình bày, đức Bồ Tát kết luận: Nầy Taṇhā, nàng có thể áp dụng bí quyết ấy với những hạng người còn mắc trong vòng thèm khát, chớ đối với ta, một người đã tự khắc kỷ từ lâu và sắp bước chân vào vòng thánh vức thì nàng đừng hòng đầu độc được ta, vì ta là một kẻ không bao giờ thèm khát. Nàng hãy đi đi đừng quyến rũ ta vô ích.

Sau khi bị đức Bồ Tát thẳng thắng cự tuyệt, ba nàng tiên nhìn nhau thì hỡi ôi, mặt mày mỗi người đều nhăn nheo, móm sọm như bà già tám mươi tuổi.

Quá hổ thẹn, ba nàng không ai bảo ai, vội vã lánh mặt đức Bồ Tát và trở về phúc trình cho Ma Vương hay đầu đuôi tự sự.

Ma Vương nổi nóng phừng phừng lập tức hạ lịnh quy động toàn thể binh ma, tướng quỷ kéo đến bồ đoàn bao vây chặt chẽ quyết tâm ăn thua lần chót với đức Bồ Tát.

Sau nhiều lần đòi đức Bồ Tát phải rời khỏi Bồ Đoàn nếu muốn bảo tồn sanh mạng mà đức Bồ Tát vẫn điềm nhiên tọa thiền, khiến Ma Vương như lửa đang cháy gặp dầu.

Giữa lúc ấy, chư Thiên khắp cõi sa bà kinh hoàng sợ sệt trước sức tấn công ồ ạt và khốc liệt của Ma Vương. Vì Thiên Ma Vương là một tay tài phép vào hàng thượng đẳng. Một mình cai trị một nửa giang san ở cung trời Tha Hóa Tự Tại, đủ sức làm mưa làm gió đánh bại bất cứ vị tiên nào dám ngang nhiên chống lại mình. Thế nên dù muốn dù không tầng lớp các tiên đều đem nhau bỏ chạy không dám chậm trễ giây phút nào cả.

Ma Vương bèn hạ lịnh tổng quản công. Được lịnh, các binh ma tướng quỷ liền biến hóa muôn hình vạn trạng, kẻ thì mình chó đầu rồng, mình xanh đầu đỏ, cặp mắt mọc vòi, thòi lòi thấy ngán, bọn thì hóa rắn cắn Ngài, hóa voi hóa cọp chực chà đạp ăn tươi nuốt sống. Một tốp hả miệng nhăn nanh, lưỡi le thè lè ra lửa, trong mũi, dòi bò, trong tai rắn khoét, chung từ lỗ tai trổ ra lỗ mũi, chung từ con mắt trổ xuống cuống họng, v.v… tất cả đều đáng hãi hùng khủng khiếp.

Riêng Ma Vương thì tiến hóa một ngàn cánh tay, cầm đủ ngàn thứ khí giới, cỡi voi Grimekhala cao 150 do tuần, hung dữ vô song, phép mầu cũng vào hàng trung đẳng. Chính voi nầy đã bao phen giúp Ma Vương chiến thắng vẻ vang trước Thiên, Ma, Càn Thát Bà, Hung Thần, Long Vương, A Tu La và Kim Sủy Điểu. Nó có thể chà đạp ngọn núi Hy Mã Lạp Sơn thành bình địa trong nháy mắt.

Ma Vương đã tài lại thêm có voi hợp sức thì còn coi trời đất vào đâu. Ma Vương ngó đức Bồ Tát gần như muốn nẩy lửa, nhứt định phải bắt cho được Ngài cho voi chà và chính tay Ma Vương có dịp moi tim móc phổi.

Binh tướng tiên phong có đến 36 do tuần, còn hậu tập lan rộng đầy nghẹt khắp mười muôn triệu sa bà thế giới. Càn khôn vũ trụ giờ phút ấy đối với Ma Vương chỉ là một nắm tay không hơn không kém vì người thừa sức chinh phục.

Trước đội binh Ma Vương quá hùng hậu, đức Bồ Tát thấy mình trơ trọi cô đơn, cha mẹ cũng không, binh gia tướng sĩ cũng chẳng ở gần, tin tưởng các vị chư Thiên thì nay các vị ấy cũng bỏ Ngài chạy trốn cả.

Dòm quanh dòm quất chẳng có ai, đức Bồ Tát liền nhớ ngay đến ba chục đội binh bất khả xâm phạm là 30 phép Ba La Mật mà Ngài tập luyện và nuôi dưỡng từ lâu nên rất trung thành với Ngài.

Tới đây, Ngài cảm thấy ấm áp và vững dạ lạ thường, không còn cô thân nữa.

Ngài liền lớn tiếng kêu cứu với 30 đội hùng binh bằng câu kệ như vầy:

Ᾱyantu bhonto dānasīlā

Nekkhammapaññā viriyādhikhantī

Saccādhiṭṭhānamettā upekkhā

Yuddhāya vo ganhatha āvudhāni.

Ba chục đại đội sau đây: Bố Thí, Trì Giới, Xuất Gia, Trí Tuệ, Tinh Tiến, Nhẫn Nại, Chơn Thật, Nguyện Vọng, Từ Ái, và Hỉ Xả hãy võ trang và tập trung đến đây gấp, chuẩn bị tác chiến.

Vừa lúc ấy, trong không gian vô tận, như có muôn triệu tiếng hoan hô “xin tuân lịnh” vang lên như tiếng sét xé mây đáp lời kêu gọi của đức Bồ Tát.

Thấy thái độ bình tĩnh gần như tự phụ của đức Bồ Tát, Ma Vương càng sôi máu, lồng lộng trên lưng voi như điên cuồng, hết lên như tiếng sét, hạ lịnh phải bắt giết cho được Sĩ Đạt Ta.

Uy thủ lịnh truyền vừa dứt, các binh ma tướng quỷ muốn chiếm đầu công, lướt trận xung phong quyết bắt bằng được vì Cứu Thế.

Song lạ lùng làm sao, trong tay đức Bồ Tát chẳng một tấc sắc tự vệ, thế mà bao triệu binh tướng không tài nào đá động tới mình của Ngài được.

Thấy binh tướng thất bại một cách nhục nhã, Ma Vương lập tức hóa phép thần thông dụng ý giết Ngài cho rảnh. Nào là hóa ra mưa đá, mưa gươm đao, mưa than hồng, mưa tro nóng, mưa bùn lửa, mưa sạn, mưa cát, mây đen bao phủ càn khôn vũ trụ, giông gió trốc núi lở non, hư không như đảo lộn trước phép lạ của Ma Vương. Song cuối cùng, Ma Vương vẫn nếm mùi thất bại, vì đức Bồ Tát đã chẳng không bị hại mà còn tươi tỉnh trang nghiêm điềm nhiên trong chiến thắng.

Bao nhiêu phép mầu đều đem ra dùng cả mà vẫn không đánh bại được đức Bồ Tát, Ma Vương cảm thấy gần như tuyệt vọng.

Bỗng một tia sáng hy vọng lóe lên, Ma Vương tự nhủ: chả sao, vì ta còn thừa khôn khéo để chiến thắng Sỉ Đạt Ta bằng cách đối khẩu.

Thế là Ma Vương bắt đầu hỏi đức Bồ Tát:

_ Thái tử là một người luôn luôn giữ chơn thật, hữu lý phải chăng?

_ Phải.

_ Vậy tại sao thái tử cướp bồ đoàn tôi một cách vô lý?

_ Ai bảo với ngươi thế?

_ Chính ta.

_ Tại sao ngươi lại buộc tội ta?

_ Vì bồ đoàn của ta.

_ Ai làm chứng cho ngươi?

_ Binh tướng của ta.

_ Ngươi chớ nên nói càng làm quấy. Vì từ xưa đến giờ có ai đem binh tướng của mình ra làm chứng cho mình.

_ Nếu thái tử nói thế thì bồ đoàn nầy của thái tử?

_ Đúng thế.

_ Ai là nhơn chứng của thái tử?

Trong khi ấy đức Bồ Tát cất tiếng kêu gọi Trái đất và phân trần:

Địa cầu hỡi! Sao ngươi im thế

Không thốt lời minh lý chứng giùm ta

Nếu trắng đen không minh bạch chánh tà

Nhân loại sẽ mãi đắm chìm trong bể khổ

Vì ta là người ra tay tế độ

Còn Ma Vương là kẻ phá hoại muôn đời

Hãy nói lên đi, cho vang dội đất trời

Cho Ma, Phật đôi đường cùng minh bạch.

Khi ấy mặt quả địa cầu rung chuyển dường như tỏ ý tán đồng. Trong không gian như có tiếng người phúc đáp:

“Đức Cứu Thế hỡi xin người đừng lo ngại

Có tôi đây là nhơn chứng cho Ngài

Mỗi một phen người thí mắt, thí đầu

Thì chính lúc tôi cúi đầu, kính phục

Hơn thế nữa, Ngài còn lóc thịt

Đem máu đào giải khát kẻ cô đơn.

Đức hy sinh đã chấn động đất trời

Thủ hỏi mấy ai là người chẳng biết?

Sau tiếng nói huyền bí ấy, thì bỗng nhiên nước lũ từ đâu nổi dậy ào ào rồi một trận đại hồng thủy dâng cao hơn ngàn trượng, binh ma tướng quỷ đều bị trận hồng thủy cuốn phăng không phương cứu vãn. Đến cả voi Girimekhala cao 150 do tuần cũng không làm sao đứng yên được. Trong một phút hoảng hốt nó nhảy dựng lên khiến Ma Vương mất thăng bằng rớt khỏi lưng tượng.

Thấy cơn nguy đã đến, Ma Vương không dám chần chờ, lập tức chắp tay nghiêng mình đảnh lễ đức Bồ Tát: Xin Ngài mở lượng khoan dung tha cho kẻ điên cuồng một phen lầm lỗi.

Sau lời sám hối của Ma Vương, thì nước tự nhiên rút khô trời tạnh mây quang mừng ngày đức Bồ Tát cảm thắng vẻ vang, đức trùm tam giới.

Ma Vương đọc câu kệ tán dương thâm diệu công đức của vì cứu thế như vầy:

Namo te purisāsañña

Namo te purisuttama

Sadevakasmiṃ lokasmiṃ

Natthi te patipuggalo

Tuvaṃ buddho tuvaṃ satthā

Tuvaṃ mārābhibhū muni

Tuvaṃ anusaye cheko

Tiṇṇo tāresi maṃ pajam

Kính thưa bậc siêu nhơn, tôi xin đảnh lễ Ngài. Ngài là bậc vô thượng sĩ, trong tam giới chẳng ai bì kịp. Ngài là Phật, là Thầy, là đấng minh triết đã cảm thắng được Ma Vương, là bậc sáng suốt trên phương diện tiểu trừ các pháp trầm nịch để tự cứu mình và tế độ chúng sanh.

Sau khi tỏ lời tán dương đức Bồ Tát, Ma Vương liền kéo binh trở về thiên giới.

THÀNH PHẬT

Đức Bồ Tát bắt đầu tham thiền chỉ quán, tìm nguyên lý vấn đề sanh tử mãi đến gần hết canh một, Ngài liền đắc được Túc Mạng Thông. Ngài thấy rõ trong bao A tăng kỳ kiếp qua, con của ai tên gì, nghèo giàu, nam nữ, có vợ mấy con, sanh sống bằng cách nào, rồi sau khi chết sanh về đâu? Mỗi mỗi Ngài đều nhớ rõ không dư sót.

Canh hai, Ngài đắc Thiên Nhãn Thông: Thấy rõ tất cả chúng sanh, từng cá nhân một, sanh ở đâu và chết ở đâu, hồi nào, bao giờ, thân thế của mỗi người trong tam thế lục đạo luân hồi, thai sanh, noãn sanh, thấp sanh và hóa sanh đều không lọt ngoài tầm Thiên nhãn của Ngài. Dù cho ở thật xa, trốn thật kín, Ngài cũng đều thấy cả.

Sang canh ba, Ngài đắc được Lậu Tận Thông: Thấy rõ bánh xe nhân duyên là một động cơ chính yếu thúc đẩy chúng sanh lăn tròn trong guồng máy sanh tử luân hồi. Bánh xa nhân duyên ấy là:

  1. Vô minh – nơi đây ám chỉ tứ đại: Đất, nước, lửa, gió. Vì có tứ đại nên phải có:
  2. Hành – Hành đây là ám chỉ cái hành trình trong phạm vi của vô minh. Chẳng hạn như đất thì cao, thấp, mềm, cứng, lớp lớp vô cùng. Chỗ nào cứng quá thì thành cát, sạn, sỏi, đá, sắt, v.v…Còn chỗ nào mềm thì thành đất sét, bùn già, bùn non, bùn nhão v.v…

Nước thì lĩnh lảng hòa mình, lưu thông cùng khắp, nhiều sắc nhiều màu, mùi vị dị đồng, thường nhơn khó hiểu. Chẳng hạn như nước biển thì màu xanh, vị mặn, nước mưa thì màu trong vị ngọt, nước giếng có chỗ ngọt, chỗ lạt, chỗ chua, màu đen, màu bạc khác nhau không giống.

Nước lưu thông từ dưới đất lên tận non cao, thành thác lũ nước nguồn, chảy vội xuống thung lũng, đồng bằng, xuôi thành sông thành rạch, đổ trút ra đại dương để rồi từ đại dương bốc khói quyện lên nền trời, đông lại thành khối để rồi gặp gió đánh tan thành mưa.

Nói đến gió, ai ai cũng phải nhìn nhận là khó hiểu nhưng không kém linh động và hữu dụng. Chẳng hạn như gió lướt mình khắp càn khôn vũ trụ, để điều hòa đất và nước. Vì nước không gió thì nước sẽ ứ đọng một chỗ chẳng làm sao lưu thông đặng, và trái đất sẽ ướt át nhão nhẹt tan lần theo nước. Tuy nhiên, nhờ gió tiếp tay nên trái đất vừa rao ráo, nước cũng vừa lưu thông tùy gió đưa đẩy. Nhờ đó nên ta cảm thấy dễ chịu khi luồng gió thoảng qua, lá cây rung động, mây trên trời cũng đi theo gió. Gió nhẹ mây bay chậm, gió mạnh mây bay mau, để rồi gặp nhau va chạm rớt ra từng hột mà chúng ta gọi là mưa. Nhờ có nước mưa nên nhân loại và vạn vật mới sống còn. Nếu không có mưa thì trời hạn hán cây cỏ úa sầu, nhân loại và thú vật phải đói khổ.

Giải sơ lược bấy nhiêu để chúng ta ý thức được cái hành của vô minh là thế. Nếu đã có Hành, tức sự tác động tự nhiên của mỗi phần đại mà khoa học gọi là đà tiến của vũ trụ. Thì lẽ dĩ nhiên chúng có cái tác dụng của chúng như trong đất phải có nước vì nếu không nước thì đất khô khan nứt nẻ, bể thành miếng nhỏ to, v.v…

Nếu chỉ có nước mà không có gió giúp vào thì nước sẽ làm cho đất chảy ra nhão nhẹt thành bùn. Nên chi phải có gió thổi điều hòa để cho trái đất khỏi tan thành nước.

Mà nếu chỉ có gió không lửa, thì gió sẽ thổi riết làm cho đất khô lần và cuối cùng sẽ thành bụi bay theo gió cũng không còn. Vì thế nên phải có lửa hầm hầm âm ấm để giữ đất khỏi khô khan.

Theo đây ta nhận thấy tứ đại có cái tác dụng của chúng. Và lẽ dĩ nhiên, cái tác dụng ấy là Thức.

  1. Thức tức sự hiểu biết vi tế của tứ đại như tôi vừa giải cái tác dụng của chúng. Và chính cái hiểu biết vi tế của chúng đã phân chúng ra làm hai: Danh và Sắc.
  2. Danh và Sắc đã có thì phải có Lục Nhập.
  3. Lục nhập tức mắt, mũi, tai, lưỡi, thân và ý. Cái lục nhập thuộc loại thai sanh, noãn sanh, thấp sanh và hóa sanh đều nhau không khác. Nếu đã có Lục nhập thì phải có Tiếp xúc.
  4. Xúc tức là sự đụng chạm giữa mắt với sắc, tai với tiếng, mũi với mùi, lưỡi với vị, thân với xúc, ý với pháp. Đã có sự tiếp xúc thì phải thọ lãnh.
  5. Thọ tức là sự nhận lấy theo sáu cửa. Đã nhận lấy thì tức nhiên phải có sự đắm mê, gọi là Ái.
  6. Ái tức là sự ưa thích thèm khát không ngừng nghỉ. Đã có sự thèm khát thì phải có sự chấp lấy gọi là Thủ.
  7. Thủ tức là sự ôm cứng không chịu buông cái Ái. Nghĩa là Ái hòa, Ái không thôi, gọi là Thủ. Đã có Thủ thì phải có Hữu.
  8. Hữu tức là có Nghiệp, có Uẩn. Có Nghiệp có Uẩn thì có:
  9. Sanh
  10. Tử

Như thế muốn diệt tận vấn đề sanh tử thì ta phải diệt Hữu.

Muốn đừng cho có Hữu thì phải diệt Thủ.

Muốn đừng cho có Thủ thì phải diệt Ái

Muốn đừng cho có Ái thì phải diệt Thọ

Muốn đừng cho có Thọ thì phải diệt Xúc

Muốn đừng cho có Xúc thì phải diệt Lục Nhập

Muốn đừng cho có Lục Nhập thì phải diệt Danh và Sắc

Muốn đừng cho có Danh và Sắc thì phải diệt Thức

Muốn đừng cho có Thức thì phải diệt Hành

Muốn đừng cho có Hành thì phải diệt gốc Vô Minh

Diệt được Vô Minh là diệt tất cả.

Giờ phút ấy, đức Bồ Tát cảm thấy giải thoát toàn diện không còn mảy may vi tế phiền não bám ở trong Ngài. Nghĩa là Ngài đã hoàn toàn giác ngộ, thành bậc chánh đẳng chánh giác. Những lẽ nhiệm mầu của tạo hóa đối với Ngài không thành vấn đề nữa. Để tán dương thành quả vẻ vang sau 20 A tăng kỳ khổ công tu luyện, đức Giáo chủ tự nói lên công trận tự giác của Ngài bằng một câu kệ như vầy:

Anekajātisamsāram

Sandhāvissam anibbisaṃ

Gahakāraṃ gavesanto

Dukkhā jāti punappunaṃ

Gahakaraka ditthosi

Puna geham na kāhasi

Sabbā te phāsuka bhaggā

Gahakūtaṃ visankhataṃ

Visankhāragataṃ cittaṃ

Tanhanaṃ khayamajjhagātī.

Nầy anh thợ Ái Dục, trong khi Như Lai bôn ba lặn lội tìm anh thợ cất nhà thì bị sự sanh dìm ta trong đau khổ không ngừng. Nầy anh thợ Ái Dục, ta đã thấy rõ dã tâm của ngươi rồi, ngươi đừng hòng cất nhà cho ta được nữa, vì một lẽ rất dễ hiểu là sườn nhà phiền não, cái nóc vô minh tất cả đều bị ta dở tung phá nát, tâm ta đã giải thoát và đã liễu ngộ Niết Bàn.

 

 

THỜI KỲ THỨ BA

NIẾT BÀN

Trên giường bịnh tại vườn thượng uyển của đức vua Malla, nước Kusinārā, đức Thế Tôn đã kiệt quệ lắm rồi.

Đêm nay, con trăng của ngày rằm tháng tư vẫn vằng vặc soi sáng khắp vũ trụ. Trong bầu trời trăng sáng, cảnh vật rất hữu tình và nên thơ, thế mà trên lầu vọng nguyệt lại vắng bóng đức vua Malla. Ngài đi đâu? Thưa, Ngài đang buồn thắm thía khi tiếp được ai tin do đại đức Ananda đích thân loan báo hồi chiều rằng: Đức Thế Tôn xin phép nhà vua được nằm lần chót tại vườn thượng uyển.

Còn chi đau đớn cho đức vua bằng, vì đức vua vốn rất sùng mộ đấng Như Lai. Tưởng đâu trên bước đường truyền đạo, nhà vua sẽ có dịp hạnh ngộ đức Thế Tôn. Nào ngờ, ngày tái ngộ lại là ngày vĩnh biệt.

Đức vua, hoàng hậu và bá quan trào thần, văn võ sửa sang lễ vật và dưới ánh trăng ngày rằm, người ta thấy đoàn người từ từ tiến về vườn thượng uyển.

Đêm về khuya, chư phàm tăng cũng như hàng thiện tín có mặt hôm ấy càng thêm buồn thắm thía, nhứt là Đại Đức Ananda đau khổ nhiều hơn hết.

Không chịu đựng được nữa, Ananda bỏ đi ra đứng dựa cửa khóc than thật là thảm thiết.

Nghe Anan khóc, đức Thế Tôn liền cho gọi vào và để lời khuyên nhủ: Nầy A-nan hỡi, người chớ quá khóc than thương tiếc. Như Lai đã chẳng nói từ lâu với ngươi rằng: Các pháp hành không bao giờ bền vững, hữu hình, hữu hoại là lẽ đương nhiên. Vậy A-nan hãy cố gắng đè nén lòng đừng để thường tình pháp lung lạc.

Công phụng sự Tam Bảo nói chung, săn sóc phục dịch Như Lai của ngươi nói riêng, sẽ mãi mãi sống với thời gian. Vì công đức vô lượng ấy rất hiếm người làm được. Mặc dù hiện tại ngươi chưa thành đạo chứng quả, nhưng sau khi Như Lai nhập diệt ba tháng thì chư tăng sẽ triệu tập đại hội kết tập Tam Tạng cho đúng theo lời di giáo của Như Lai, giờ phút ấy, A-nan sẽ đắc quả A La Hán chẳng sai.

Phủ dụ Anan xong, đức Thế Tôn mặc dầu đã kiệt sức, song giờ phút cuối cùng, Ngài vẫn tỏ ra hoạt động và gương mẫu. Ngài cho gọi các hàng Tỳ khưu và trối trăn:

“Nầy các thầy Tỳ khưu, Như Lai xin nói với các thầy một lần chót, từ nay các thầy sẽ không còn nghe Như Lai nói nữa đâu. Nếu các thầy kính mến Như Lai thì các thầy hãy ráng phụng hành theo những pháp giải thoát cao siêu mà Như Lai đã thuyết giáo trong 45 năm dài không ngừng nghỉ.”

Kịp lúc ấy, đại đức Ananda cúi đầu bạch hỏi Phật:

_ Bạch đức Thế Tôn, sau khi đức Thế Tôn nhập diệt, chúng đệ tử phải lấy ai làm thầy?

Đức Phật dạy: Phải lấy Giới luật làm thầy, Giới luật sẽ đại diện cho Như Lai ở lại với các thầy. Vậy các thầy chớ nên dể duôi xem thường phận sự.

Đại đức Ananda tiếp lời bạch hỏi vấn đề tống táng Thánh thể.

Đức Thế Tôn dạy nên lấy vải trắng bao bọc nhiều lớp, rưới nước hoa khắp cả trong ngoài, liệm thi hài vào trong Thọ vàng, theo phong tục của các vị đế vương và sau đó nên làm lễ hỏa táng. Còn phần tro tàn xương sót thì lượm cất vào tháp tôn thờ, để làm nơi chiêm bái cúng dường công cộng.

Sau khi căn dặn đủ điều, đức Thế Tôn liền bắt đầu nằm tịnh. Ngài nhập từ thiền hữu sắc cho đến thiền vô sắc. Mỗi lần nhập lên một nấc thiền mới thì Ngài lại xả thiền, và cứ thế cho đến Phi tưởng phi phi tưởng thiền. Đến đây, đức Thế Tôn lại xả thiền một lần chót.

Sau lần xả thiền chót nầy, đức Giáo chủ bắt đầu nhập từ sơ thiền, nhị thiền…đến Phi tưởng phi phi tưởng thiền và bỏ Phi tưởng phi phi tưởng thiền nhập vào thiền Vô lậu, nghĩa là Ngài đã nhập vào đại định Niết Bàn không còn luân hồi tử sanh trong vòng tam giới nữa.

Biết rõ đức Toàn giác đã nhập diệt thật sự, chư phàm tăng cầm lòng không được đều ré lên khóc than thảm thiết. Tiếng khóc của chư tăng như hòa lẫn trong không gian vô tận, truyền cảm mau trong khắp vũ trụ càn khôn. Chư thiên đem nhau đến chia buồn cùng hàng tăng lữ. Trời đang sáng bỗng nhiên tối sầm lại, núi chuyển đất rung, đại dương nổi sóng ào ào như gầm thét chia buồn cùng vì Cứu Thế.

Tin đức Giáo chủ Thích Ca nhập diệt truyền đi mau không tưởng tượng, từ miệng người nầy qua miệng người khác, từ làng nọ qua làng kia, tỉnh gần đến tỉnh xa, quốc gia nhỏ đến quốc gia lớn, lớp gởi xứ giả đến phân ưu, lớp gởi thơ chia buồn, lớp bộ, lớp thuyền, lớp ngựa, lớp voi, lớp xe bò từ trăm ngàn nẻo lũ lượt kéo đến chia buồn cùng tăng chúng.

Nội nhựt hôm ấy, Thánh lễ đức Thiên nhơn sư được hoàng gia Malla cung thỉnh về triều tẩn liệm.

Suốt bảy ngày, từ ngày 16 đến 22, tại quốc nội của vua Malla người ta đen như kiến cỏ. Cờ trắng rợp trời biểu hiệu một mùa tang tóc.

Sau bảy ngày lưu hoàn Thánh thể, hôm nay là ngày hỏa tang, đức vua và bá quan trào thần văn võ đều mặc tang phục, đau đớn cung nghinh linh cửu ra khỏi thành hướng về hướng Bắc. Tại đây, một hỏa đài rất trọng thể được nhà vua sắp đặt tươm tất từ trước. Linh cửu của đức Thế Tôn được nhà vua và văn thần võ tướng cung nghinh đi ba vòng hỏa đài rồi mới đem an vị trên giàn hỏa.

Mặc dù hoàng gia đã nhiều lần nhiều lượt châm lửa, nhưng lửa vẫn không bắt cháy.

Trong lúc chư tăng cũng như hoàng gia, dân chúng đang hoang mang và tuyệt vọng ấy, bỗng từ xa bóng Đại Đức Ca Diếp cùng 500 tỳ khưu đồ đệ đang hấp tấp trở về.

Đến nơi, Ngài Đại Đức Ca Diếp và 500 vị tỳ khưu đồng chấp tay quanh linh cửu 3 vòng và cuối cùng phủ phục đảnh lễ phía chân đức Phật. Thì lúc ấy hai bàn chân của đức Đại Từ Bi bỗng ló ra khỏi hòm vàng như dụng ý an ủi Đại Đức Ca Diếp và 500 vị tỳ khưu về trễ.

Sau khi đó thì hỏa đài tự nhiên phát hỏa. Thế là một lần nữa, tiếng khóc lại vang lên khiến cho trời sầu đất thảm. Trong không gian chẳng qua một tiếng động nhỏ, dường như vũ trụ cũng đồng mặc niệm ngày đức Giáo chủ vĩnh biệt cõi đời.

 

 

TỔNG KẾT

Đã là một Phật tử chân thành, ta không nên quên ngày kỷ niệm của đức cha lành.

Ngày lễ đức Phật nhập Niết Bàn đã được Phật giáo quốc tế thừa nhận là ngày rằm tháng tư năm Tỵ.

Vậy mỗi độ rằm tháng tư về, là Phật tử quốc tế đồng nhau tổ chức cuộc lễ kỷ niệm ngày đức Thích Ca nhập Niết Bàn.

Ngoài ra, ngày rằm tháng tư lại còn là ngày Bồ Tát đản sanh và Bồ Tát đắc đạo.

Nhắc thế có nghĩa là chư Phật tử tổ chức kỷ niệm ngày rằm tháng tư là chánh thức kỷ niệm một lúc ba thời kỳ: Đản sanh, Thành đạo và Nhập Niết Bàn.

Tôi ước mong đêm nay tăng đồ cũng như tín đồ, già trẻ, nam nữ, nên hy sinh cúng dường đức Phật một giấc ngủ, bằng cách phát nguyện thọ trì hạnh Đầu Đà 3 oai nghi: Đi, đứng và ngồi suốt đêm không nằm. Trước để tạo cho cá nhân mình duyên lành giải thoát vì phước báu của hạnh Đầu Đà là cao thượng nhứt đối với tăng cũng như tục, sau để gọi là tỏ tất lòng tri ân đức Phật tổ. Luôn tiện, tôi xin mạng phép đại khái ghi lại đây những ngày kỷ niệm đúng theo Tam Tạng pháp bảo đã được Quốc tế thừa nhận:

Đức Bồ Tát giáng sanh ngày rằm tháng sáu, năm Đinh Dậu nhằm ngày thứ năm.

Đản sanh ngày rằm tháng tư, năm Mậu Tuất, nhằm ngày thứ sáu.

Lên ngôi ngày rằm tháng sáu năm Quý Sửu, nhằm ngày thứ bảy.

Xuất gia ngày rằm tháng sáu năm Đinh Mão, nhằm ngày thứ năm.

Thành đạo ngày rằm tháng tư năm Quý Dậu, nhằm ngày thứ tư.

Chuyển pháp luân ngày rằm tháng sáu năm Quý Dậu, nhằm ngày thứ bảy.

Niết Bàn ngày rằm tháng tư năm Đinh Tỵ, nhằm ngày thứ ba.

-CHUNG-

Bồ tát đản sanh, thành đạo và Phật nhập Niết bàn - icon-pdf-2.jpg (28552 KB)

 

 

 

Bình luận
| Mới nhất