Cảm tưởng nhân ngày khánh thành chùa Đại Lộc - Ấn Độ

Chùa Nam Tông đầu tiên của GHPGVN tại Ấn Độ

THƯ CHÚC MỪNG LỄ BỔ NHIỆM TRỤ TRÌ CHÙA ĐẠI LỘC - ẤN ĐỘ

- Kính gửi tới sư trụ trì chùa Đại Lộc và quý vị Tăng, Ni, Phật tử;
- Kính gửi tới chư vị quan khách các nước.

Tôi rất trân trọng và vui mừng về việc chùa Đại Lộc do một vị sư người Việt Nam khởi tâm được xây dựng ở Ấn Độ đã hoàn thành và tổ chức Lễ khánh thành chùa, lễ bổ nhiệm trụ trì. Rất tiếc do công việc tôi không thể trực tiếp tới dự, qua thư này thay mặt Lãnh đạo Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nhân danh cá nhân, tôi xin gửi lời chúc sức khỏe, tinh tấn và an lạc tới toàn thể quý vị quan khách và chư vị Tăng, Ni, Phật tử.
Mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Ấn Độ được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharal Nehru đặt nền móng. Trải qua hơn 50 năm kể từ khi cây Bồ Đề lấy từ cội Bồ Đề - nơi Đức Phật Thích Ca giác ngộ hơn 2500 năm về trước, được Tổng thống Ấn Độ Prasat trao tặng tận tay Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 21/3/1959, hiện trồng tại ngôi chùa ở Thủ đô Hà Nội mang tên Trấn Quốc cổ tự, từ đó quan hệ Việt Nam - Ấn Độ luôn là mối quan hệ đặc biệt chân thành, thắm thiết, sâu sắc nghĩa tình, xanh tươi và phát triển.
Giờ đây Chùa Đại Lộc là ngôi chùa Việt Nam được xây dựng tại Sarnath cách thánh tích Đức Phật Chuyển Pháp luân không xa. Đây là một công trình Phật giáo được xây dựng với sự ủng hộ của chư Tăng và Phật tử Việt Nam, Ấn Độ và khắp nơi trên thế giới. Là kết quả của tinh thần đoàn kết, hòa hợp cùng chung tay góp sức vì giá trị tốt đẹp của Phật giáo.
Tôi tin rằng vị sư trụ trì với uy tín, đạo hạnh sẽ cùng các chư Tăng, Phật tử nỗ lực không ngừng để hoạt động Phật giáo ở đây đi vào ổn định và phát triển, duy tu bảo dưỡng ngôi chùa lúc nào cũng đẹp đẽ dưới hào quang của Đức Phật, tỏ rõ giá trị văn hóa của Phật giáo Việt Nam.
Đây cũng là dịp đặc biệt khi vị sư trụ trì chùa Đại Lộc được công nhận là công dân Ấn Độ. Như vậy, với tư cách là một công dân Ấn Độ, sư trụ trì chùa càng phải nỗ lực để hoàn thành trách nhiệm công dân Ấn Độ, vừa là người đưa văn hóa Phật giáo Việt Nam đến gần với người dân Ấn Độ cũng như tăng, ni, Phật tử nước ngoài tu học tại đây, góp phần để xiển dương giá trị Phật giáo ngay trên quê hương của Đức Phật, làm cho tình đoàn kết hữu nghị của các dân tộc gắn bó trong Hòa bình, An lạc.
Một lần nữa tôi trân trọng gửi tới thầy trụ trì chùa Đại Lộc và toàn bộ các quý vị lời chúc tốt đẹp trong tình đoàn kết. Chúc cho tình đoàn kết Việt Nam - Ấn Độ mãi mãi vững bền và phát triển.
Trân trọng.


PHẠM DŨNG
Thứ Trưởng Bộ Nội vụ
Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ

---------


NGÔI CHÙA NAM TÔNG ĐẦU TIÊN CỦA GHPGVN TẠI ẤN ĐỘ


Nhân dịp khánh thành chùa Đại Lộc tại Sarnath, Varanasi, Andhra Pradesh (Ấn Độ), chư tôn đức Hội đồng Chứng Minh và Hội đồng Trị sự GHPGVN, Hệ phái Phật giáo Nam tông đã cung thỉnh đoàn 180 chư tôn đức giáo phẩm GHPGVN và Phật tử tham dự lễ khánh thành và hành hương các thánh tích Phật giáo tại Ấn Độ, Nepal từ ngày 4-12 đến ngày 12-12-2014.
Đoàn tham dự Đại lễ Khánh thành do HT. Thích Thiện Nhơn, Quyền Chủ tịch HĐTS. GHPGVN làm Trưởng đoàn, Hòa thượng Thích Thiện Tâm Phó đoàn thường trực. Tạp chí Phật giáo Nguyên Thủy đã ghi lại những cảm tưởng của chư tôn đức giáo phẩm GHPGVN và Quý quan khách nhân sự kiện này.

HT. THÍCH THIỆN NHƠN

Q. Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN
“Chùa Đại Lộc sẽ phát triển trong lòng của Giáo hội”.
Tại Ấn Độ hiện nay có 13 ngôi chùa của các nước Đông Nam Á, riêng chùa Phật giáo Việt Nam có 4 ngôi được xây dựng. Chùa Đại Lộc được Hệ phái Nam tông khởi công xây dựng vào năm 2009, đến tháng 12-2014 thì hoàn thành, đây là ngôi chùa Nguyên thủy đầu tiên được xây dựng tại Sarnath, Varanasi, Andhra Pradesh (Ấn Độ). Chùa được gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam và TƯGH đã bổ nhiệm ĐĐ.TS. Thích Thiện Minh đảm nhiệm Viện chủ; ĐĐ.TS. Thích Tường Quang, đảm nhiệm trụ trì chùa Đại Lộc. Sự có mặt của 4 ngôi chùa Việt Nam là cơ hội giao lưu giữa Phật giáo Việt Nam với nhiều truyền thống Phật giáo của cộng đồng Phật giáo tại Ấn Độ.
Nhân dịp khánh thành vào ngày 6-12-2014, đoàn dự lễ khánh thành chùa Đại Lộc gồm 180 thành viên, trong đó có 43 tu sĩ (chư Tăng Bắc tông, Nam tông Kinh, Nam tông Khmer, cùng đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ, 125 vị cư sĩ Phật tử) sẽ khởi hành đến Ấn Độ vào lúc 9 giờ 30 phút ngày 4-12-2014.
Tại Ấn Độ, có 4 ngôi chùa Việt Nam nhưng đây là lần đầu tiên GHPGVN dẫn đoàn chư tôn đức Tăng, tu nữ, Phật tử tham dự lễ khánh thành một ngôi chùa Việt Nam tại Ấn Độ. TƯGH tán thán công đức của chư tôn đức Hệ phái Phật giáo Nam tông trong 5 năm qua, đã nỗ lực vận động tài, lực kiến tạo ngôi chùa Đại Lộc. Chùa được TƯGH công nhận là cơ sở của Giáo hội và ban hành quyết định bổ nhiệm trụ trì.

HT. TIẾN SĨ THÍCH THIỆN TÂM
Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN
Tôi rất vui mừng vì thấy sau quá trình 5 năm xây dựng, ĐĐ Thiện Minh - Viện chủ và ĐĐ. Tường Quang - Trụ trì chùa Đại Lộc đã rất dũng cảm vượt qua rất nhiều khó khăn, gian khổ từ việc khắc phục bản thân đến những sự việc khó khăn về mặt tổ chức cũng như chuyên môn trong xây dựng. Có được thành quả này phải kể đến công sức của biết bao Phật tử trong và ngoài nước đã chung tay, chung sức bằng tài lực và vật lực để hôm nay Việt Nam hãnh diện với thế giới là tại Ấn Độ có đến 5 ngôi chùa và chùa Đại Lộc là chùa thuộc Hệ phái PGNT đầu tiên tại xứ Phật này. Tôi vô cùng tán thán những quyết định trí tuệ, những đóng góp thầm lặng và những sự ủng hộ từ trong nước cũng như ngoài nước. Dịp này GHPGVN cũng hoan hỷ công bố Quyết định Viện chủ và Trụ trì chùa Đại Lộc cho hai Tu sĩ Việt Nam là Đại đức TS Thích Thiện Minh, và Đại đức TS Thích Tường Quang. Tôi ngưỡng mong Chùa Đại Lộc sẽ phát triển bền vững trong tương lai.
Trong thời gian qua, bằng sự trợ giúp và sự can thiệp của GHPGVN thông qua Tòa Đại sứ nước CHXHCNVN tại Ấn Độ, việc chấp thuận của Chính phủ Ấn Độ cho phép và chấp thuận xây dựng chùa Đại Lộc tại Varanasi là một bước tiến quan trọng có lợi cho cả đôi bên trong quan hệ đối ngoại nhân dân: Việt Nam giúp Ấn Độ trong việc duy trì và phát huy Phật giáo và ngược lại mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước Ấn Độ - Việt Nam dần được củng cố nâng lên một bước. Vấn đề của chúng ta sắp tới là không ngừng giữ vững và phát huy mối liên hệ truyền thống giữa hai dân tộc, đồng thời Đoàn Việt Nam nên tham gia chung tay với chính quyền Ấn Độ trong việc xóa đói giảm nghèo trong xã hội Ấn. Phát huy các hoạt động văn hóa Phật giáo giữa hai nước về mọi mặt, đồng thời giữ gìn bản sắc Văn hóa Việt trong những hoạt động tâm linh ở nước ngoài.

HT. THÍCH THIỆN TÁNH
Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN TP.HCM , Trưởng ban Kiểm soát T.Ư GHPGVN
“Việc làm của Phật giáo Nam tông hết sức được trân trọng”.
Hiện nay, tại Ấn Độ, Nepal có 4 ngôi chùa Bắc tông nhưng tất cả các ngôi chùa không mời Tăng Ni, Phật tử của Việt Nam đến Ấn Độ, Nepal để tham dự lễ khánh thành. Vừa qua, Hệ phái Phật giáo Nam tông lần đầu tiên kiến tạo một ngôi chùa Đại Lộc tại Ấn Độ với sự nỗ lực, cố gắng trong suốt 5 năm qua. Đây là việc làm hết sức được trân trọng.
Dù chỉ mới kiến tạo được một ngôi chùa Hệ phái Phật giáo Nam tông thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Ấn Độ nhưng chư tôn đức Hệ phái Nam tông đã cung thỉnh, mời chư tôn đức giáo phẩm TƯGH, đại diện các Hệ phái Phật giáo Bắc tông, Nam tông Kinh, Nam tông Khmer và Phật tử đến dự lễ khánh thành chùa Đại Lộc vào ngày 6-12-2014. Chuyến đi này gồm 180 chư tôn đức GHPGVN và Phật tử, Ban Tổ chức thuê hẳn một chiếc Airbus của hãng Vietnam Airlines bay thẳng đến Ấn Độ, đó là việc làm hết sức long trọng của chư tôn đức Phật giáo Nam tông.
Nhân dịp này, Tôi xin chúc mừng cho Phật giáo Nam tông có một ngôi chùa khang trang tại quê hương Đức Phật, đây là điều kiện ban đầu để Hệ phái có thể phát triển thêm nhiều ngôi chùa nữa tại Ấn Độ.

CẢM TƯỞNG CHƯ TÔN ĐỨC GIÁO PHẨM VÀ CƯ SĨ PHẬT TỬ VỀ VIỆC THAM DỰ ĐẠI LỄ KHÁNH THÀNH CHÙA ĐẠI LỘC VÀ HÀNH HƯƠNG TỨ ĐỘNG TÂM ẤN ĐỘ NĂM 2014

HÒA THƯỢNG VIÊN MINH
Thành viên HĐCM GHPGVN
Thầy rất hoan hỷ khi đi dự lễ khánh thành. Trước đây, thầy có đi Ấn Độ nhiều và cũng có ý định cùng với sư Giác Chánh lập một ngôi chùa. Sau này, nghe sư Tường Quang có ý nguyện lập chùa nên thầy rất hoan hỷ. Sư Tường Quang là đệ tử của sư Thiện Quang. Khi nhận sư Tường Quang, sư Thiện Quang có dẫn sư ấy qua Bửu Long học đạo. Pháp danh "Tường Quang" là do tôi đặt. Sau khi ở Bửu Quang một thời gian, sư Tường Quang qua Ấn Độ học. Sư Tường Quang là người học rất tốt, lại có thuận duyên đi học ở Ấn Độ và có bằng cấp cao nên có ý nguyện ở lại để lập chùa. Khi biết điều này, ai cũng rất hoan hỷ. Mặt khác, sư Tường Quang cũng ở bên chùa Bửu Quang nên cũng được sư Thiện Minh giúp đỡ nhiều để xây dựng chùa. Nói chung là thầy rất hoan hỷ về việc chùa được xây dựng thành công tốt đẹp và đến bây giờ đi đến giai đoạn khánh thành là điều đại hoan hỷ. Ngoài ra, việc Giáo hội ủng hộ, nhất là HT.Thiện Nhơn đã giúp đỡ cho sư Tường Quang được tiếp tục học và ở lại Ấn Độ để xây chùa đã thể hiện được tinh thần đoàn kết, là điều đáng tán dương và hoan hỷ.
Tham dự lễ khánh thành kỳ này có rất nhiều Chư tăng các nước, thầy cũng hy vọng đoàn Phật tử tham dự lễ khánh thành kỳ này thể hiện được tinh thần trang nghiêm, tôn trọng, trật tự để mang lại hình ảnh đẹp về Phật giáo Theravāda nói riêng và tinh thần Việt Nam nói chung.
Ngoài ra, sau chuyến đi này, thầy cũng dự định có những giúp đỡ cụ thể đến cho chùa Đại Lộc và các vị tu học bên Ấn Độ này.

THƯỢNG TỌA THÍCH HUỆ THÔNG
- Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó Văn phòng II Trung ương
- Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Dương
Có thể nói, chúng tôi rất xúc động và hoan hỷ khi tham gia đoàn chư tôn giáo phẩm HĐTS dự lễ khánh thành chùa Đại Lộc và hành hương về đất Phật. Chúng tôi đã đi nhiều lần, nhưng chuyến đi này rất đặc biệt, đó là chúng tôi được Hòa thượng Q. Chủ tịch HĐTS cử đi với tư cách đại biểu tham dự Đại lễ khánh thành ngôi chùa Việt Nam tại đất Phật, đó là một niềm hoan hỷ thật sự của tôi.
Lời phát biểu của Hòa thượng Q. Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN trong buổi họp mặt đoàn tham dự Đại lễ Khánh thành chùa Đại Lộc đã tạo nên sức mạnh rất lớn đối với những người con Phật nói chung, và những tông phái Phật giáo Việt Nam nói riêng trên mảnh đất Ấn Độ. Chính lời phát biểu đó như một lời tâm huyết chỉ đạo và điều đó sẽ tạo nên một sức mạnh tinh thần rất lớn cho sự hòa hợp. Chuyến đi này không chỉ là một dịp để trở về cội nguồn của những người con Phật, mà còn là sứ mệnh hoằng pháp ngoại giao giữa hai dân tộc Việt Nam và Ấn Độ.
Trong chuyến đi này, chúng tôi có giới thiệu thí chủ của Công ty Địa ốc Kim Oanh tại tỉnh Bình Dương phát tâm ủng hộ 100.000.000 đồng cho việc làm từ thiện đóng góp vào quỹ người nghèo của Ấn Độ, sẽ được trao vào ngày 6 tháng 12 cho ông Thống đốc Tiểu ban Utta Pradesh, TP. Varanasi.

THƯỢNG TỌA ThS. GIÁC TRÍ
- Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN
- Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Q.Trưởng ban Văn hóa Tỉnh hội Bà Rịa - Vũng Tàu
Đạo Phật được hình thành tại Ấn Độ và phát triển trên toàn thế giới hơn 2.500 năm qua, vào thế kỷ thứ III trước Tây lịch, dấu ấn vàng son đánh dấu sự phát triển và truyền bá Phật giáo, đó là các phái đoàn truyền giáo do đại đế Asoka cử đi trong chín phái đoàn được cử đi truyền bá Phật giáo, trong đó có phái đoàn do ngài Uttara và Sona truyền đến xứ Suvanbhumi vùng đó có Việt Nam ngày nay (Phù Nam – Luy Lâu).
Sau hơn 2000 năm phát triển cùng văn hóa dân tộc Việt Nam, đây là một dấu mốc lịch sử đánh dấu sự trở về nguồn, chúng tôi hết sức vui mừng cho sự phát triển đoàn kết với sự quan tâm đặc biệt của Ban Tôn giáo Chính Phủ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho việc xây dựng ngôi chùa Đại Lộc (Sivali Temple) một cách tốt đẹp.
Đây là một sự kiện lịch sử đáng nhớ đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo Nguyên thủy nói riêng khi được trở về với cội nguồn của đạo pháp, đặc biệt, đây là một vinh dự cho Phật giáo Nam Tông, khi được Hội đồng Trị sự GHPGVN, Ban Tôn giáo Chính phủ công nhận đây là một ngôi chùa của GHPGVN, có bổ nhiệm trụ trì.
Phật giáo suy tàn ở Ấn Độ vào thế kỷ thứ XIII, đây là một sự trở về nguồn trong niềm hân hoan của tứ chúng. Đó cũng là nhờ sự quan tâm giúp đỡ của ngài Hòa thượng. Q Chủ tịch Thích Thiện Nhơn, Ban Tôn giáo Chính phủ, các ban ngành. Chúng tôi vô cùng xúc động khi được tham dự sự kiện lịch sử này với tư cách là đại biểu HĐTS GHPGVN. Hơn nữa đây là một sự hòa hợp của tứ chúng đồng tu, hưng thịnh của Phật pháp nhờ sự lãnh đạo khéo léo của GHPGVN, trong đoàn có chư tôn đức của nhiều tông phái Phật giáo.

THƯỢNG TỌA TIẾN SĨ BỬU CHÁNH
- Ủy viên Thường trực HĐTS GHPGVN
Ngày 26/11/1995, tôi có duyên lành rời Việt Nam để đến học tại phân khoa Phật học ở Đại học Delhi - Ấn Độ. Ở đây, tôi đã tiếp nhận được nhiều kiến thức mới, nhất là nền văn hóa Ấn Độ và cổ ngữ Pāli. Từ đó, tôi có suy nghĩ phải khuyến khích những Tăng sinh Việt Nam sang Ấn Độ du học để mở mang trình độ và có dịp trải nghiệm trên đất nước tâm linh Ấn Độ. Trong bốn Thánh tích: Đản sanh, Thành đạo, Chuyển Pháp luân và Níp-bàn, chỉ có Thánh tích Chuyển Pháp luân (Sanarth - Varanasi) là chưa có ngôi chùa Việt Nam nào. Tôi suy nghĩ cần phải có một ngôi chùa Việt Nam tại Thánh địa linh thiêng này. Tuy nhiên, đó chỉ là một mong ước nhỏ bé của mình mà thôi.
Năm 1997, một số Tăng sinh Phật giáo Nguyên Thủy đã có duyên lành đến học tại Ấn Độ như ĐĐ. Tường Quang, ĐĐ. Chánh Định, ĐĐ.Trí Quảng, ĐĐ. Huệ Đức. Sau đó, có TT. Giác Trí, ĐĐ. Chánh Kiến, ĐĐ. Tâm Quang, ĐĐ. Phước Định, ĐĐ. Pháp Tấn, ĐĐ. Tâm Bình, ĐĐ. Phước Toàn, SC. Liễu Pháp, SC. Diệu Thiền... Trong số các vị Tăng sinh Nam Tông du học tại Ấn Độ, đến nay, ĐĐ. Tường Quang là người có đại duyên trụ lại Ấn Độ và phát tâm xây dựng chùa Đại Lộc tại Varanasi. Với sự trợ duyên của Tăng, Ni và Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước, đặc biệt, là sự hỗ trợ tích cực của ĐĐ. Thiện Minh, các đại thí chủ như cô Diệu Nghĩa, gia đình Nhân Thủy mà tâm nguyện của ĐĐ đã được thành tựu viên mãn. Tôi vô cùng hoan hỷ và xúc động được tham gia phái đoàn Phật giáo Việt Nam tham dự Đại lễ khánh thành chùa Đại Lộc và hành hương bốn chỗ động tâm từ ngày 4/12 đến ngày 12/12/2014.
Tôi xin cầu nguyện cho chùa ngày càng phát triển, cầu nguyện cho Đại lễ khánh thành và chuyến đi chiêm bái lịch sử bốn chỗ động tâm có một không hai này được thành công viên mãn.
“Trầm hoa Ấn Độ còn đây
Đạo tràng nghiêm tịnh hương đầy thiền môn
Mai sau còn biết chi còn
Mang theo phước tội sắc son để lòng”.
(Thơ Minh Đức - Triều Tâm Ảnh).

THƯỢNG TỌA TĂNG ĐỊNH
- Phó ban Nghi lễ TƯGHPGVN
- Trụ trì chùa Kỳ Viên, Q. 3
Chùa Đại Lộc - Ấn Độ sẽ cử hành Đại lễ Khánh thành và kết giới Sima vào ngày 6/12/2014, do Trung ương Giáo Hội PGVN kết hợp cùng Chư Tăng Giáo phẩm Phật giáo Nguyên Thủy tổ chức. Vì bận Phật sự nơi quê nhà và bổn phận làm con đối với thân mẫu, nên rất tiếc tôi không thể tham dự Đại lễ được.
Dịp này, tôi xin gửi lời Chúc mừng Đại lễ Khánh thành chùa Đại Lộc thành công tốt đẹp nhất là đối với ĐĐ.TS.Tường Quang đã thực hiện được một Công đức thiện hạnh vô cùng trọng đại này giúp cho Phật giáo hai nước Việt Nam - Ấn Độ thắt chặt thêm nữa tình cảm và sự quan hệ về tôn giáo, ngoại giao, văn hóa và xã hội.
Vào năm 1991, trong Đại Giới Đàn thọ Cụ Túc giới tổ chức tại chùa Kỳ Viên do Hòa thượng Siêu Việt làm Đàn Đầu, tôi có duyên lành được làm Thầy Yết Ma cho Sư Tường Quang khi ấy đang tu học tại Tổ đình Bửu Quang, đến nay Đại đức đã trưởng thành và là một vị sư Việt Nam du học tại Ấn Độ hoàn tất nhiều học vị nhất, với 3 bằng Tiến sĩ và 4 bằng Thạc sĩ ở nhiều lãnh vực nghiên cứu khác nhau.
Nguyện cầu Hồng ân Tam bảo luôn gia hộ cho Đại đức có nhiều sức khỏe để tiếp tục sự nghiệp Hoằng dương Chánh pháp tiêu biểu cho Phật giáo Việt Nam ngay trên chính quê hương của Đức Phật Tổ Thích ca Mâu Ni.

ĐẠI ĐỨC TIẾN SĨ THIỆN MINH
- Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó ban Từ thiện Trung ương GHPGVN
- Viện chủ chùa Đại Lộc - Ấn Độ.
Tôi rất vui mừng được tham dự đoàn khánh thành chùa Đại Lộc ở Ấn Độ do Trung ương GHPGVN tổ chức. Đoàn do HT. Thích Thiện Nhơn - Quyền Chủ tịch HĐTS làm Trưởng đoàn và HT. Thích Thiện Tâm - Phó đoàn Thường trực. Tôi càng hoan hỷ hơn được thuê chiếc máy bay chuyên cơ Vietnam Airline 180 chỗ để cung đón chư tôn đức tăng ni và Phật tử tham dự lễ khánh thành chùa Đại Lộc. Điểm đặc biệt là chiếc chuyên cơ này bay thẳng đến sân bay Varanasi và không ghé bất cứ nơi nào. Theo hãng Hàng không quốc gia Việt Nam cho biết, đây là chiếc máy bay chuyên cơ đầu tiên ở các tỉnh phía Nam do Phật giáo tổ chức đi dự lễ khánh thành chùa Đại Lộc. Sở dĩ làm như vậy là nhằm tôn vinh ngày đại lễ khánh thành chùa Đại Lộc, tôn vinh các vị lãnh đạo cấp cao của GHPGVN và tôn vinh các vị khách quý đại diện cho Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Ở Ấn Độ, đã có bốn ngôi chùa Việt Nam, nay có thêm một ngôi chùa thứ năm nằm ở vùng thánh địa nơi Đức Phật Chuyển Pháp luân. Hiện nay, chùa Đại Lộc là ngôi chùa duy nhất được GHPGVN bổ nhiệm cho ĐĐ. Tường Quang làm trụ trì. Về mặt kiến trúc nhìn tổng thể ngôi chùa, chúng ta thấy có một ngôi chùa Một Cột, một ngôi Quốc Tự Giám lấy mẫu kiến trúc ở Thủ đô Hà Nội, nhằm để nhắc nhở chúng ta nhớ về quê hương ngàn năm của Việt Nam. Đến chùa Đại Lộc, chúng ta sẽ không bao giờ quên một pho tượng Phật Chuyển Pháp luân cao 18m chất liệu bằng đá cẩm thạch hồng, nặng 700 tấn, có 660 khối đá. Chùa Đại Lộc có được như ngày hôm nay xin được tán dương công đức các đại thí chủ, các mạnh thường quân và chư Phật tử trong nước cũng như ngoài nước đã liên tục ủng hộ trong 5 năm qua. Xin cảm tạ Chư tôn đức lãnh đạo GHPGVN, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam ở tại Ấn Độ đã ủng hộ cho chùa Đại Lộc về nhiều phương diện trong thời gian qua.

ĐẠI ĐỨC TIẾN SĨ TƯỜNG QUANG
Trụ trì chùa Đại Lộc - Ấn Độ
Tôi vô cùng xúc động nghe tin Chư tôn đức lãnh đạo GHPGVN, quý vị đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ và Chư tăng, Phật tử đã tổ chức họp đoàn tham dự Đại lễ khánh thành chùa Đại Lộc, tại Văn phòng 2 Trung ương vào ngày 23/11/2014. Tôi cảm động vì được sự quan tâm chiếu cố, ủng hộ cho chương trình khánh thành chùa Đại Lộc vào ngày 6/12/2014. Trải qua 5 năm xây dựng chùa Đại Lộc, nay đã hoàn thành 5 hạng mục: thứ nhất là chánh điện, pho tượng Phật Chuyển Pháp luân cao 18m, thứ hai là tăng xá, thứ ba là nhà bếp, nhà ăn, hội trường và thư viện; thứ tư là Quốc Tự Giám; thứ năm là chùa Một Cột. Còn lại cổng tam quan và lót gạch sân chùa sẽ thực hiện sau khi khánh thành. Lợi ích của chùa Đại Lộc:
1. Đóng góp văn hóa và dân tộc Việt Nam tại quê hương xứ Phật, đặc biệt nơi đức Phật Chuyển Pháp luân ngày xưa, có dòng sông Hằng linh thiêng cổ kính.
2. Nơi đáp ứng nhu cầu hành hương của các phái đoàn tham quan thánh địa, tham quan đại tháp nơi đức Phật Chuyển Pháp luân cho năm vị Kiều Trần Như.
3. Là nơi lưu trú và giới thiệu cho sinh viên học chương trình Thạc sĩ, Tiến sĩ ở Đại học Varanasi và Đại học quốc tế Theravāda.
Nhân đây, con cũng báo một tin mừng cho Chư tôn đức và quý vị, con đã được Chính phủ Ấn Độ chấp thuận cho nhập quốc tịch Ấn Độ cách đây 2 tuần. Đây là dấu hiệu tốt để con gìn giữ ngôi chùa Đại Lộc và sẽ bảo vệ các ngôi chùa Phật giáo Việt Nam trên đất Ấn Độ sau này. Con nguyện sẽ làm gạch nối cho GHPGVN ở tại quê hương Đức Phật.
Một lần nữa, con cúi đầu đảnh lễ Chư tôn giáo phẩm lãnh đạo GHPGVN, Chư tôn đức Tăng ni trong nước và hải ngoại đã đến tham dự đại lễ khánh thành chùa Đại Lộc vào ngày 6/12/2014. Vô vàn ghi ơn Nhà nước Ấn Độ, Nhà nước Việt Nam đã cử đại diện đến cắt băng khánh thành chùa Đại Lộc chúng con. Vô vàn ghi ơn chư Tăng Ni, các đại thí chủ, mạnh thường quân, và chư Phật tử trong nước cũng như hải ngoại đã cúng dường xây dựng hoàn thành ngôi chùa Đại Lộc.
Cầu nguyện Tam bảo gia hộ cho quý ngài và quý vị sức khỏe đầy đủ, thân tâm an lạc, cát tường như ý.

ÔNG NGUYỄN THANH XUÂN
Chuyên viên Vụ Phật giáo - Ban Tôn giáo Chính phủ.
Tôi rất vui mừng và vinh dự khi được Ban Tôn giáo Chính phủ cử tôi và cô Nguyễn Thị Lan Anh đi Ấn Độ để dự lễ khánh thành chùa Đại Lộc, một ngôi chùa PGNT Việt Nam đầu tiên được xây dựng nơi đất Phật. Đoàn đại biểu PGVN đến đất nước Ấn Độ lần này là thể hiện tình cảm quý báu giữa nhân dân hai nước và làm tăng thêm mối quan hệ gắn bó sâu sắc giữa hai dân tộc và sự giao hảo giữa Phật giáo của hai nước Việt Nam - Ấn Độ ngày càng lợi lạc và viên mãn.
Việt Nam và đất nước Ấn Độ có mối quan hệ liên kết lịch sử lâu đời về Văn hóa và Tôn giáo góp phần hình thành mối quan hệ hữu nghị gắn bó từ xa xưa đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru đặt nền móng và các thế hệ lãnh đạo kế tiếp cùng nhân dân hai nước đang dày công vun đắp và phát triển bền vững.
Tôi đánh giá cao sự quan tâm sâu sắc của hai chính phủ Việt Nam và Ấn Độ cùng hai Giáo hội Phật giáo Việt - Ấn đã tạo điều kiện thuận lợi cho phép xây dựng ngôi chùa Phật giáo Nguyên thủy (Nam tông) Việt Nam đầu tiên trên đất nước Ấn Độ (Quê hương Đức Phật Thích Ca Mâu Ni), nhằm đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tâm linh của đồng bào Phật tử Việt Nam khi hành hương đến đất Phật nói chung và giúp đỡ các du học Tăng Việt Nam có chỗ lưu trú khi học Phật tại Ấn Độ nói riêng.
Chúng tôi hy vọng và cầu chúc chùa Đại Lộc (The Sivali Vietnamese Theravāda Trust) phát triển bền vững và sẽ được xem là hình ảnh Tôn giáo và Văn hóa Việt trên đất nước đa tôn giáo vùng Nam Á này.

TRẦN THANH TÂM, PD TÂM HIỀN
- Giám đốc Chi nhánh, Công ty Cổ phần Cung ứng và Xuất nhập khẩu Lao động Hàng Không.
Con vô cùng hoan hỷ khi được Đại đức Thiện Minh tin cậy và cho phép Công ty chúng con tham gia, thực hiện dịch vụ thuê máy bay của Vietnam airlines bay thẳng từ TP. HCM đi Ấn Độ và đặc biệt con thấy rất là may mắn và hạnh phúc khi được tham gia cùng đoàn đi lần này. Đây không những là một chương trình đi chiêm bái tứ động tâm Thánh tích Phật giáo tại Ấn Độ mà con đã từng tham gia, mà đây còn là chương trình Đại lễ Khánh thành chùa Đại Lộc, ngôi chùa đầu tiên của Phật giáo Nam tông Việt Nam tại Ấn Độ. Đây là một chương trình mang tính chất lịch sử, đánh dấu cho một sự phát triển và trường tồn của Phật giáo Nam tông cũng như của Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra thế giới.
Theo kinh nghiệm cá nhân, khi tham gia vận chuyển bằng phương tiện Hàng không, thì có rất nhiều quy định cần phải lưu ý, nhưng quan trọng nhất là hành khách cần phải nhớ:
- Hành khách phải có giấy tờ tùy thân khi đi quốc tế là Hộ chiếu và Visa của nước nhập cảnh.
- Không mang những vật dụng nhọn bằng kim loại như dao, kéo… và chất lỏng dưới 100ml theo hành lý xách tay mà phải được đóng gói cẩn thận và cho vào hành lý ký gửi.
- Cấm không mang theo vật liệu nổ, vũ khí và các vật liệu bị cấm khác lên máy bay.
- Mỗi hành khách được miễn cước 7kg hành lý xách tay + 25 kg hành lý ký gửi.
- Số tiền tối đa quý khách được mang theo không phải khai báo với hải quan là 5.000 USD
- Mọi vật dụng cá nhân có giá trị nên để trong hành lý xách tay.
- Quý khách tuyệt đối không nhận gửi hoặc giữ hành lý của người lạ.

NHÀ BÁO NGUYỄN THANH TÙNG
Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất chương trình An Viên chi nhánh Hồ Chí Minh.
Chúng tôi được Truyền hình An Viên cử đi tham dự sự kiện khánh thành chùa Đại Lộc bên Ấn Độ và tham gia hành hương cùng với các Chư tôn đức thuộc GHPGVN. Đó là sự kiện rất lớn. Thật ra, trong đời phóng viên, tôi rất nhiều lần đi nước ngoài kể cả Ấn Độ nhưng lần này có ý nghĩa riêng vì là lễ khánh thành ngôi chùa Việt Nam ở tại Ấn Độ với sự đóng góp công sức của rất nhiều Chư tôn giáo phẩm và người quan tâm Phật giáo. Đây là một ngôi chùa ngay tại quê hương Phật giáo nên có ý nghĩa rất lớn và khi tham dự sự kiện này, tôi cảm thấy rất vinh dự.
Hơn nữa, trong chuyến đi này, chúng tôi được tham quan một số Thánh tích của Phật giáo ở Ấn Độ. Đối với các Phật tử, đặc biệt, đối với người làm việc trong Phật giáo, mỗi lần trở lại ngàn năm, tìm về xứ sở đạo Phật, được tiếp xúc với các Thánh tích, được ngắm nhìn những di tích gắn liền với cuộc đời đức Phật với sự phát triển Phật giáo thì đó là một ân điển mà chúng tôi lấy làm vinh dự và tự hào.

Bình luận
| Mới nhất