Cội Giác Ngộ Huyền Thoại
Dưới cội cây nào mà đức Bồ-tát chứng đắc thành bậc Chánh Đẳng Giác thì cây ấy đều được gọi là Bodhirukkha. Mỗi một vị Phật sẽ có một cây Bồ-đề khác nhau. Theo bộ Buddhavaṃsa (Phật sử), có 24 vị Phật được ghi nhận lại thì cội Bồ-đề của các vị ấy được ghi nhận, nhưng ngoài ra còn có ba vị Phật quá khứ trước thời đức Phật Dīpaṅkara, như là đức Phật Taṇhaṅkara, đức Phật Medhaṅkara và đức Phật Saranaṅkara.
Sau sáu năm tầm đạo, Bồ-tát Gotama khám phá ra con đường Trung đạo – Majjhimapatipadā, con đường có tám chi phần có thể đưa chúng sanh thoát ly dòng sanh tử. Dưới cội cây Assattha, Bồ-tát ngồi yên lặng trên bồ-đoàn, Ngài chứng đắc Túc mạng minh (Pubbenivāsānussatiñāṇa) vào canh đầu, Thiên nhãn minh (Dibbacakkhuvijjjā) vào canh giữa và Lậu tận minh (Āsavakkhayañāṇa) vào canh cuối của đêm trăng tròn tháng Vesākha. Như vậy là vào canh cuối, khi trăng sắp lặn, sao mai vừa mọc, tháng Vesākha, dưới cội cây Assattha, bên sông Nerañjarā, gần Uruvelā, đức Bồ-tát Gotama đã chứng đắc quả vị Chánh Đẳng Giác; lúc ấy Ngài vừa đúng ba mươi lăm tuổi. Từ đấy về sau, cội cây Assattha được gọi là Bodhirukkha – cây Giác ngộ (Bồ-đề). Được biết, dưới cội cây nào mà đức Bồ-tát chứng đắc thành bậc Chánh Đẳng Giác thì cây ấy đều được gọi là Bodhirukkha. Mỗi một vị Phật sẽ có một cây Bồ-đề khác nhau. Và trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ trình bày về những cội Bồ-đề của chư Phật từ quá khứ đến hiện tại này.
Theo bộ Buddhavaṃsa (Phật sử), có 24 vị Phật được ghi nhận lại thì cội Bồ-đề của các vị ấy được ghi nhận, nhưng ngoài ra còn có ba vị Phật quá khứ trước thời đức Phật Dīpaṅkara, như là đức Phật Taṇhaṅkara, đức Phật Medhaṅkara và đức Phật Saranaṅkara.
Đức Phật Taṅhaṅkara có tuổi thọ là 100 ngàn năm, Ngài thực hành 30 pháp Ba-la-mật suốt thời gian là 16 a-tăng-kỳ và 100 ngàn kiếp trái đất. Ngài thực hành khổ hạnh 7 ngày, chứng đắc Vô thượng Chánh giác nơi cội cây Sattapanna. Đây là cây hoa sữa (Alstonia scholaris).
Đức Phật Medhaṅkara có tuổi thọ là 90 ngàn năm, Ngài thực hành 30 pháp Ba-la-mật suốt thời gian là 8 a-tăng-kỳ và 100 ngàn kiếp trái đất. Ngài thực hành khổ hạnh 15 ngày, chứng đắc Vô thượng Chánh giác nơi cội cây Kiṃsuka. Đây là cây Gièng gièng hay giềng giềng, lâm vố, chan một hột (Butea monosperma).
Đức Phật Saranaṅkara, Ngài thực hành 30 pháp Ba-la-mật suốt thời gian là 8 a-tăng-kỳ và 100 ngàn kiếp trái đất. Ngài thực hành khổ hạnh 30 ngày, chứng đắc Vô thượng Chánh giác nơi cội cây Pātalī. Đây là cây phượng tím (Jacaranda minosifolia).
- Đức Phật Dīpaṅkara dưới cội cây Pipphalī.
Đức Phật Dīpaṅkara xuất hiện trên thế gian vào thời kỳ con người có tuổi thọ khoảng 100 ngàn năm. Và chính vào kiếp này, tiền kiếp của đức Phật Gotama, khi ấy là vị đạo sĩ Sumedha lần đầu tiên được đức Phật Dīpaṅkara thọ ký chắc chắn sẽ trở thành đức Phật Chánh Đẳng Giác sau bốn a-tăng-kỳ[1] và 100 ngàn đại kiếp trái đất[2]. Vào thời kỳ này, cội Bồ-đề của đức Phật Dīpaṅkara tên thật là Pipphalī[3].
Cây Pipphalī tên là Sung dị hay Sung rừng quả nhỏ (Ficus lacor). Ở Ấn Độ, nước sắc từ vỏ cây dùng làm thuốc rửa mụn loét, và dùng thụt trong bệnh bạch đới và làm nước súc họng khi ra nhiều nước bọt. Các chồi non dùng để chế cary.
- Đức Phật Koṇḍañna dưới cội cây Sāla.
Sau khi Giáo pháp của đức Phật Dīpaṅkara tiêu hoại, trải qua một a-tăng-kỳ kiếp không có vị Chánh Giác nào hiện khởi trên thế gian, gọi là kiếp trống (suññakappa). Kế đến trái đất được hình thành, đức Phật Koṇḍañña xuất hiện trên thế gian, trong kiếp trái đất gọi là Sārakappa[4], vào thời kỳ con người có tuổi thọ khoảng 100 ngàn năm. Cội Bồ-đề vào thời kỳ của đức Phật Koṇḍañna tên là Sāla, hay còn gọi là Sālakalyāṇika[5].
Cây Sāla tên là Shorea Robusta, là một loài cây gỗ trong họ Dipterocarpaceae. Đây là một loại cây ở Ấn Độ, vùng miền nam dãy núi Hy Mã Lạp. Về sau Sāla được trồng nhiều nơi ở Nam Á và Đông Nam Á, và ngày nay là một loại cây được trồng để cung cấp gỗ. Loại cây có hương hoa này, đôi khi còn được dùng làm vật thực. Cho đến giờ, cây Sāla vẫn là một nguồn thực vật cung cấp gỗ ở Ấn Độ. Tinh dầu từ hạt cây Sāla được sử dụng cho đèn và chất nhựa của nó còn được sử dụng như một loại thuốc, hoặc để tạo mùi thơm và một loại nước hoa gọi là dammar ở tiếng Hindi. Bơ làm từ Sāla được chiết xuất từ hạt, có thể được sử dụng thay thế ca cao trong sản xuất Chocolate.
Tuy nhiên, ngày nay đa phần chúng ta thường nhầm lẫn cây cây đầu lân, còn gọi là ngọc kỳ lân, hàm rồng (Couroupita Guianensis) mà mọi người thường gọi là Sa-la. Loại cây này phổ biến trong khu rừng tân nhiệt đới, đặc biệt là ở lưu vực sông Amazon. Nó có nguồn gốc ở Guyana (Nam Mỹ).
- Đức Phật Maṅgala dưới cội cây Nāga.
Đức Phật Koṇḍañña thọ 100 ngàn tuổi, rồi tịch diệt Níp-bàn và Giáo pháp của Ngài dần dần bị mai một hoàn toàn. Về sau, trái đất bị tiêu hoại và sau đó thời gian một a-tăng-kỳ trải qua vô số đại kiếp trái đất thành-trụ-hoại-không mà không có một vị Phật Chánh Đẳng Giác nào xuất hiện trên thế gian. Mãi cho đến kiếp trái đất gọi là Sāramaṇḍakappa[6] mới có bốn vị Phật: đức Phật Maṅgala, đức Phật Sumana, đức Phật Revata và đức Phật Sobhita tuần tự xuất hiện cùng trong kiếp trái đất ấy. Một điều đặc biệt nữa là cây Bồ-đề của cả bốn vị Phật đều cùng một loại cây.
Đức Phật Maṅgala xuất hiện trên thế gian trong thời kỳ con người có tuổi thọ khoảng 90 ngàn năm. Vào thời kỳ này, cội Bồ-đề của đức Thế Tôn Maṅgala có tên là cây Nāga[7].
Cây Nāga chính là cây Vắp hay Vấp (tên khoa học của cây vấp là Mesua coromandelina, Mesua ferrea, Mesua nagassanium…), thuộc gia đình Clusiaceae hay Guttiferae. Loại thảo mộc nầy có nhiều ở Ấn Độ, Sri Lanka và các quốc gia Đông Nam Á. Người Ấn Độ gọi là nagkesa; tiếng Sanskrit: nagakesara; Khmer: bos neak. Người Anh gọi là Cobra Saffron vì theo tiếng Phạn Nāga có nghĩa là con rắn và chữ saffron gợi lên màu vàng của cây Vấp. Tiếng Anh cũng gọi cây Vấp là Ironwood Tree hay Ceylon Ironwood (thiết mộc Tích Lan). Tên thật cây này là Vắp nhưng vì người Nam chúng ta đọc trại ra thành Vấp riết thành quen. Và tại thành phố Hồ Chí Minh của chúng ta cũng có một địa danh gọi là Gò Vấp, vì ngày xưa vùng đất gò này có rất nhiều loại cây mang tên này. Như vậy, chúng ta rất tự hào vì có địa danh này mà không ai biết loại cây này gắn liền với bốn đời Phật quá khứ.
Cây Vấp cao từ 15 – 20m. Gỗ màu vàng rất cứng, ngâm duới nước không bị rã mục. Lá cây Vấp nhọn, thon, dài trông rất đẹp. Lá non màu đỏ bầm. Hoa to, màu trắng bốn cánh với nhụy vàng. Hoa có hương thơm. Trái có hột dùng để lấy dầu. Gỗ cây Vấp dùng để làm nhà, ngạch đường rầy xe lửa rất tốt. Dầu lấy từ hột cây Vấp dùng để thắp đèn. Người ta dùng hoa, rễ và hột cây Vấp để làm thuốc trị bệnh. Hoa được dùng để trị táo bón, đau bụng, phong hủi, ho, sốt, bất lực sinh lý. Dầu dùng để trị các chứng bệnh ngoài da, trị ghẻ, tê thấp. Hoa khô dùng để trị bịnh trĩ, kiết lỵ. Hoa tươi trị ngứa, kinh nguyệt, khát nước quá độ, ra mồ hôi. Rễ dùng để trị rắn cắn.
Vào ngày 26/02/1986, chính phủ Sri Lanka quyết định chọn cây Nāga (Vấp) để làm quốc mộc của xứ đảo này.[8]
- Đức Phật Sumana dưới cội cây Nāga.
Đức Phật Maṅgala thọ 90 ngàn tuổi, rồi tịch diệt Níp-bàn, và Giáo pháp của Ngài dần dần bị mai một hoàn toàn. Từ đó, ác pháp càng tăng trưởng, thiện pháp càng ngày càng suy thoái; do đó tuổi thọ con người càng giảm dần, đến tột cùng chỉ còn mười năm. Sau đó thế gian trở nên loạn lạc, con người chém giết lẫn nhau vô cùng tàn khốc, không phân biệt cha mẹ, con cái, anh em, bà con... một số người hoảng sợ chạy trốn trong rừng núi thoát thân. Khi biết nạn chém giết không còn nữa, số người ấy gặp lại nhau, cam kết không sát hại nhau nữa. Khi ấy, con người biết ghê sợ tội ác, tinh tấn tạo phước thiện; thiện pháp càng ngày càng tăng trưởng, cho nên, tuổi thọ con người càng ngày càng tăng lên dần, tăng lên dần cho đến tột đỉnh a-tăng-kỳ năm. Thời kỳ ấy, con người sống dể duôi, ác pháp phát sinh; do đó, tuổi thọ con người lại giảm xuống dần, giảm xuống dần cho đến thời kỳ con người có tuổi thọ khoảng 90 ngàn năm. Khi ấy, đức Phật Sumana xuất hiện trên thế gian. Và Bồ-tát Sumana đã ngồi dưới cội cây Nāga và chứng đắc được ngôi Chánh Giác vô thượng[9].
- Đức Phật Revata dưới cội cây Nāga.
Đức Phật Sumana thọ 90 ngàn tuổi, rồi tịch diệt Níp-bàn, và Giáo pháp của Ngài dần dần bị mai một hoàn toàn. Từ đó, mọi hiện tượng xảy ra cũng giống như sau thời kỳ đức Phật Maṅgala tịch diệt Niết Bàn. Tuổi thọ con người giảm xuống dần đến tột cùng chỉ còn 10 năm, rồi tăng lên dần đến tột đỉnh a-tăng-kỳ năm, rồi lại giảm dần, giảm dần cho đến thời kỳ con người có tuổi thọ 60 ngàn năm. Khi ấy, một đức Phật Revata xuất hiện trên thế gian. Cội Bồ-đề của Thế Tôn Revata cũng tên là Nāga[10].
- Đức Phật Sobhita dưới cội cây Nāga.
Sau khi đức Phật Revata viên tịch, tuổi thọ nhân loại giảm dần đến khi còn 10 năm rồi lại tăng dần đến atăngkỳ năm. Sau đó lại giảm xuống, khi nhân loại có tuổi thọ là 90 ngàn năm thì đức Thế Tôn Sobhita hiện khởi trên thế gian. Và cũng như ba vị Phật quá khứ, cội Bồ-đề trong Giáo pháp của Thế Tôn Sobhita cũng có tên là Nāga[11].
- Đức Phật Anomadassī dưới cội cây Ajjuna.
Đức Phật Sobhita thọ 90 ngàn tuổi, rồi tịch diệt Níp-bàn, và Giáo pháp của Ngài dần dần bị mai một hoàn toàn. Về sau, trái đất bị tiêu hoại và sau đó thời gian một a-tăng-kỳ trải qua vô số đại kiếp trái đất thành-trụ-hoại-không, mà không có một đức Phật Chánh Đẳng Giác nào xuất hiện trên thế gian. Mãi cho đến kiếp trái đất gọi là Varakappa[12] mới có 3 vị Phật: đức Phật Anomadassī, đức Phật Paduma và đức Phật Nārada tuần tự xuất hiện cùng trong kiếp trái đất ấy.
Đức Phật Anomadassī xuất hiện trên thế gian, vào thời kỳ con người có tuổi thọ khoảng 100 ngàn năm. Cội Bồ-đề trong thời kỳ Giáo pháp của Thế Tôn Anomadassī có tên thật là Ajjuna[13].
Cây Ajjuna có tên tiếng Việt là cây Bằng lăng khế (Terminalia alata Heyne ex Roth hoặc Terminalia arjuna, Pentaptera arjuna, Pentaptera glabra). Đây là một loài thực vật có hoa trong họ Trâm bầu (Combretaceae), thuộc chi Chiêu liêu hay chi Bàng (Terminalia).
- Đức Phật Paduma dưới cội cây Mahāsoṇa.
Sau khi đức Phật Anomadassī viên tịch, tuổi thọ nhân loại giảm dần đến khi còn mười năm rồi lại tăng dần lên đến a-tăng-kỳ năm. Sau đó lại giảm xuống cho đến thời tuổi thọ là 100 ngàn năm, khi ấy đức Phật Paduma xuất hiện trên thế gian. Lúc bấy giờ, cây Bồ-đề có tên là Mahāsoṇa[14].
Mahāsoṇa có tên là Cóc chuột (Lannea coromandelica) là một loài thực vật có hoa trong họ Đào lộn hột. Ở Ấn Ðộ, vỏ lá được sử dụng làm thuốc. Vỏ dùng dưới dạng nước xức rửa phát ban sinh chốc lở, loét do bệnh phong và những mụn loét ngoan cố. Lá dùng hơ nóng lên và áp vào những chỗ sưng và đau của cơ thể. Nước sắc vỏ dùng trị đau răng.[15]
- Đức Phật Nārada dưới cội cây Mahāsoṇa.
Sau khi đức Phật Paduma viên tịch, tuổi thọ nhân loại giảm dần đến khi còn mười năm, rồi tăng dần đến a-tăng-kỳ năm. Sau đó lại giảm xuống, đến thời nhân loại có tuổi thọ là 90 ngàn năm, bấy giờ đức Thế Tôn Nārada xuất hiện trong thế gian. Vào thời kỳ này, cội Bồ-đề của đức Thế Tôn Nārada cũng có tên là Mahāsoṇa[16].
- Đức Phật Padumuttara dưới cội cây Salala.
Sau khi đức Phật Nārada viên tịch, Giáo pháp của Ngài được kéo dài đến 90 ngàn năm rồi biến mất. Trải qua một a-tăng-kỳ trái đất không có vị Chánh giác nào xuất hiện trên thế gian, gọi là kiếp trống (suññakappa). Cách hiền kiếp này trở về trước là 100 ngàn kiếp trái đất, trong kiếp trái đấy này chỉ có một vị Chánh giác xuất hiện, gọi là sārakappa, đó là đức Chánh giác Padumuttara. Bồ-tát Padumuttara chứng đạt Chánh Đẳng Chánh Giác vô thượng dưới cội cây Salala[17].
Cây Salala có tên là thông Chir (Pinus roxburghii), là một loài thực vật hạt trần trong họ Thông.
- Đức Phật Sumedha dưới cội cây Nīpa.
Sau kiếp trái đất xuất hiện đức Chánh giác Padumuttara, trải qua 70 ngàn kiếp trái đất không có vị Chánh giác nào hiện khởi trong thế gian. Cách hiền kiếp này trở về trước 30 ngàn kiếp trái đất, có kiếp trái đất Maṇḍakappa[18] xuất hiện hai vị Chánh giác, đó là đức Phật Sumedha và đức Phật Sujāta.
Đức Phật Sumedha xuất hiện trên thế gian, vào thời kỳ con người có tuổi thọ khoảng 90 ngàn năm. Cội Bồ-đề lúc này có tên thật là cây Nīpa[19]. Cây Nīpa được gọi là cây Gáo trắng, cây Thiên ngân (Nauclea cadamba, Neolamarckia cadamba) thuộc họ Thiến thảo (Rubiaceae). Gáo trắng thuộc nhóm cây gỗ lớn, cây có thể cao tới 30-35m. Vỏ và lá cây gáo được chiết xuất để làm chất chống viêm. Hoa của nó có thể được dùng trong công nghệ tinh chiết các hoạt chất dùng là nước hoa.
- Đức Phật Sujāta dưới cội cây Veḷu.
Sau khi Đức Phật Sumedha viên tịch, tuổi thọ nhân loại giảm dần cho đến khi còn mười năm, rồi tăng dần lên đến a-tăng-kỳ năm. Sau đó giảm dần xuống, đến khi tuổi thọ nhân loại là 90 ngàn năm thì đức Phật Sujāta xuất hiện trên thế gian. Vào thời kỳ Giáo pháp của đức Thế Tôn Sujāta, cội Bồ-đề của Ngài có tên là Veḷu[20].
Veḷu được gọi là cây tre, thuộc bộ Hòa thảo, phân họ Tre, tông Tre (Bambuseae). Tre cũng là một loại thực vật có hoa, nhưng chỉ nở hoa một lần duy nhất vào lúc cuối đời. Thường thì tre có thời gian nở hoa trong khoảng 5 - 60 năm một lần. Tre nhỏ thì cao khoảng 2-3m còn có những cây già cao tới 5m. Lá tre nhỏ, thon, dẹp, thuôn nhọn về phía đầu, sắc. Tre rất dễ sống, không cần quá nhiều điều kiện. Tre được sử dụng làm các đồ vật gia dụng, nhà, vật dụng nông nghiệp. Măng tre làm thức ăn. Đôi khi tre còn được sử dụng để làm thành chiếc áo tơi hay để làm mái lợp nhà.
- Đức Phật Piyadassī dưới cội cây Kakudha.
Sau khi đức Phật Sujāta viên tịch, trải qua thời gian dài kiếp trống (suññakappa) là 28.200 kiếp trái đất không có vị Chánh Giác nào xuất hiện. Cách hiền kiếp này trở về trước 1.800 kiếp trái đất, trái đất này có ba vị Chánh giác xuất hiện (Varakappa) là: đức Phật Piyadassī, đức Phật Aṭṭhadassī và đức Phật Dhammadassī.
Đức Phật Piyadassī xuất hiện trên thế gian, vào thời kỳ con người có tuổi thọ khoảng 90 ngàn năm. Lúc bấy giờ, cội Bồ-đề mà đức Phật Piyadassī đã ngồi dưới cội cây và chứng đắc quả Vô thượng Chánh Đẳng Giác là cây Kakudha[21]. Kakudha có tên là Crateva hygrophila là một loài thực vật có hoa trong họ Capparaceae.
- Đức Phật Atthadassī dưới cội cây Campaka.
Sau khi đức Phật Piyadassī viên tịch, tuổi thọ nhân loại giảm dần xuống đến khi còn mười năm, rồi lại tăng dần đến a-tăng-kỳ năm, rồi lại giảm xuống đến khi còn 100 ngàn năm. Bấy giờ đức Phật Atthadassī xuất hiện trên thế gian. Cội Bồ-đề lúc này có tên là Campaka[22].
Campaka chính là cây Ngọc lan (Magnolia champaca, Michelia champaca). Hoa và lá, rễ ngọc lan đem phơi khô hoặc để tươi dùng làm thuốc chữa nhiều bệnh. Ngọc lan hoa trắng có vị đắng cay, tính hơi ấm, tác dụng lợi tiểu, long đờm, chữa ho, ho gà, đau đầu, chóng mặt, viêm phế quản, đau ngực, viêm tuyến tiền liệt, bạch đới…
- Đức Phật Dhammadassī dưới cội cây Bimbijāla.
Sau khi đức Phật Atthadassī viên tịch, tuổi thọ nhân loại giảm dần xuống còn mười năm, lại tăng dần đến a-tăng-kỳ năm, rồi lại giảm xuống. Đến khi tuổi thọ nhân loại là 100 ngàn năm, bấy giờ đức Phật Dhammadassī xuất hiện trên thế gian. Và cội cây Bimbijāla[23] vào thời kỳ này chính là cội Bồ-đề của đức Thế Tôn Dhammadassī.
Theo chú giải, cây Bimbijāla còn gọi là cây Kuravaka màu đỏ - Rattakuravaka (ApA43; Ja.i.39; v.155). Và trong Thiên nhiên và môi trường trong Phật giáo sơ thời của Tỳ-khưu S. Dhammika, cây Kuravaka chính là cây Hoa chông (Barleria cristata) là một loài thực vật có hoa trong họ Ô rô; là một loại cây bụi nhỏ với những bông hoa màu đỏ-hồng tươi đẹp, và đôi khi hoa cũng có màu trắng.[24] Loài cây này thuộc loại cây thảo, có chiều cao 0,5-2m, được phân bố nhiều nơi như Ấn Độ, Myanmar, Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia. Loại cây này có nhiều tính dược, có tác dụng trị bệnh như rắn cắn, tê thấp, đau tai, đau mắt và sưng phổi. Tuy nhiên, với loại cây này thì khó có khả năng là cây Bồ-đề được vì đây không phải là loại cây mộc, chỉ là cây nhỡ, thấp.
Theo tài liệu của Thái Lan, Bimbijāla là cây Thị dẻ (Diospyros Castanea) là một loài thực vật có hoa trong họ Thị. Đây là loại cây gỗ nhỏ, có vỏ đỏ, nâu nâu.
- Đức Phật Siddhattha dưới cội cây Kaṇikāra.
Sau khi đức Thế Tôn Dhammadassī viên tịch, trải qua 1.706 kiếp trái đất không có vị Chánh Giác nào xuất hiện trên thế gian. Cách hiền kiếp này trở về trước 94 kiếp trái đất, trong kiếp trái đất ấy chỉ xuất hiện một vị Chánh Giác (sārakappa), đó là đức Phật Siddhattha. Đức Phật Siddhattha xuất hiện trên thế gian, vào thời kỳ con người có tuổi thọ khoảng 100 ngàn năm. Và cội Bồ-đề có tên là Kaṇikāra[25].
Kaṇikāra hay Kannikāra được biết đến là cây Lòng mán lá phong (Pterospermum acerifolium) là một loài thực vật có hoa trong họ Cẩm quỳ. Theo trong kinh mô tả, hoa Kaṇikāra có màu vàng - kaṇikārapupphaṃ pītaṃ.[26] Và màu vàng này còn được ghi nhận là còn dùng để nhuộm y ca-sa cho chư Tăng.[27] Có một câu chuyện tiền thân ghi lại, công chúa Pabhāvatī khi hay tin mình sẽ bị chặt ra thành bảy mảnh, liền đi đến mẫu hậu của mình và xin rằng: nếu các vị vua đã lấy đi phần thịt của mình, xin mẹ hãy nhặt lại phần xương và hỏa táng chúng, sau đó dùng tro cốt ấy để trồng hoa Kaṇikāra tại các thửa ruộng. Vào mùa xuân, khi hoa Kaṇikāra nở, mẫu hậu có thể nhớ đến người con gái với màu da vàng đẹp như hoa Kaṇikāra.[28]
- Đức Phật Tissđa dưới cội cây Asana.
Đức Phật Siddhattha thọ 100 ngàn tuổi, rồi tịch diệt Níp-bàn và Giáo pháp của Ngài dần dần bị mai một hoàn toàn. Về sau, trái đất bị tiêu hoại và sau đó thời gian trải qua hai đại kiếp trái đất không có đức Chánh Đẳng Giác nào xuất hiện trên thế gian. Mãi cho đến kiếp trái đất gọi là Maṇḍakappa mới có hai vị Phật: đức Phật Tissa và đức Phật Phussa tuần tự xuất hiện cùng trong kiếp trái đất ấy.
Đức Phật Tissa xuất hiện trên thế gian, vào thời kỳ con người có tuổi thọ khoảng 100 ngàn năm. Cội cây mà đức Thế Tôn ngồi dưới cây đó để chứng đắc Chánh Đẳng Giác là cây Asana[29].
Cây Asana có tên là Cẩm lai Ấn Độ hoặc Hồng mộc Ấn Độ - Indian Rosewood (Dalbergia sissoo) là một loài thực vật có hoa trong họ Đậu. Gỗ cây này thường dùng để làm thân đàn Ghitar.
- Đức Phật Phussa dưới cội cây Āmaṇḍa.
Sau khi đức Phật Tissa viên tịch, tuổi thọ nhân loại từ 100 ngàn năm giảm dần xuống còn mười năm, rồi lại tăng dần đến a-tăng-kỳ năm. Rồi lại giảm dần xuống đến khi còn 90 ngàn năm, bấy giờ Đức Phật Phussa xuất hiện trên thế gian. Khi ấy, cội Bồ-đề có tên là Āmaṇḍa[30].
Cây Āmaṇḍa tên là Me rừng (Phyllanthus emblica hay Embellica officinallis), còn được gọi là chùm ruột núi. Cây me rừng là cây thân gỗ lớn, có thể cao tới 5m. Quả và rễ me rừng là những bộ phận được sử dụng làm thuốc. Trong những ngày thời tiết nắng nóng sử dụng quả me rừng làm đồ uống sẽ rất mát, bổ, đặc biệt rất tốt cho tiêu hóa. Quả me rừng có vị chua ngọt, hơi chát, tính mát có công năng sinh tân, chỉ khát, lợi tiểu, hạ nhiệt, tiêu viêm, nhuận phế hóa đờm… Ở Ấn Độ cũng sử dụng nó làm thuốc mát, lợi tiểu, nhuận tràng.
- Đức Phật Vipassī dưới cội cây Pāṭalī.
Sau khi đức Thế Tôn Phussa viên tịch, kiếp trái đất sau đó chỉ xuất hiện một vị Chánh giác (sārakappa) có Hồng danh là Vipassī. Đức Phật Vipassī xuất hiện trên thế gian, vào thời kỳ con người có tuổi thọ khoảng 80 ngàn năm. Cội cây Pāṭalī[31] trong kiếp này chính là cội Bồ-đề của đức Thế Tôn Vipassī.
Cây Pāṭalī tên là Phượng tím (Jacaranda mimosifolia), là một loài cây gỗ lớn (cao 10–15 m), tán lá tỏa rộng (7–10 m) nhưng cành lá thưa. Hoa hình ống dài 4–5 cm, từng chum màu tím, hình chuông, cánh hoa mềm mại, dễ bị dập nát, không hề giống hoa phượng vĩ.
- Đức Phật Sikhī dưới cội cây Puṇḍarīka.
Sau khi đức Phật Vipassī viên tịch, trải qua 59 kiếp trái đất không có vị Chánh giác nào xuất hiện trên thế gian (suññakappa). Mãi cho đến kiếp trái đất gọi là Maṇḍakappa mới có hai vị Phật: đức Phật Sikhī và đức Phật Vessabhū tuần tự xuất hiện cùng trong kiếp trái đất ấy.
Đức Phật Sikhī xuất hiện trên thế gian, vào thời kỳ con người có tuổi thọ khoảng 70 ngàn năm. Cội Bồ-đề lúc ấy có tên là Puṇḍarīka[32]. Cây Puṇḍarīka tên là Xoài rừng hay xoài lá nhỏ (danh pháp khoa học: Mangifera minutifolia) là một loài thực vật thuộc họ Anacardiaceae.
- Đức Phật Vessabhū dưới cội cây Sāla.
Sau khi đức Thế Tôn Sikhī viên tịch, tuổi thọ nhân lọai giảm dần đến khi còn mười năm, rồi tuổi thọ nhân loại tăng dần đến vô lượng năm. Rồi lại giảm xuống cho đến khi tuổi thọ nhân loại là 60 ngàn năm. Khi ấy, đức Thế Tôn Vessabhū xuất hiện trên thế gian và cội Bồ-đề của Ngài có tên là Sāla[33].
- Đức Phật Kakusandha dưới cội cây Sirīsa.
Sau khi đức Thế Tôn Vessabhū viên tịch, trải qua 29 kiếp trái đất không có vị Chánh Giác nào xuất hiện, gọi là kiếp trống (suññakappa). Đến kiếp trái đất hiện tại có năm vị Chánh giác xuất hiện, gọi là hiền kiếp (bhaddākappa[34]), đó là đức Phật Kakusandha, đức Phật Konāgamana, đức Phật Kassapa, đức Phật hiện tại là Gotama và vị Chánh giác tương lai là đức Phật Metteyya.
Đức Phật Kakusandha xuất hiện trên thế gian, vào thời kỳ con người có tuổi thọ khoảng 40 ngàn năm. Cội cây tên Sirīsa[35] vào thời ấy chính là cội Bô-đề của đức Thế Tôn Kakusandha.
Cây Sirīsa tên là Bồ kết tây (Albizia lebbek Benth hoặc Acacia sirissa), là loại cây gỗ trung bình, cao 10-15m. Hoa tự chùm viên chùy - đầu trạng mọc ở nách lá hay đầu cành nhỏ. Hoa lưỡng tính mẫu năm, đài nhỏ, cánh tràng 4-5 màu trắng vàng, nhị nhiều chỉ nhị dài vươn dài hơn cánh hoa trông rất đẹp.
- Đức Phật Koṇāgamana dưới cội cây Udumbara.
Sau khi đức Thế Tôn Kakusandha viên tịch, tuổi thọ nhân loại giảm dần xuống còn mười năm, rồi lại tăng dần đến a-tăng-kỳ năm, rồi giảm dần xuống đến thời điểm 30 ngàn năm. Khi ấy, đức Thế Tôn Koṇāgamana xuất hiện trên thế gian. Cội Bồ-đề của Ngài tên là Udumbara[36].
Udumbara là tên của cây sung (Ficus racemose) hoặc phiên âm là Ưu-đàm, là loại thân cây gỗ lớn, mọc nhanh, thuộc họ Dâu tằm (Moraceae). Cây thân gỗ cao tới 25–30 m, đường kính thân cây tới 60–90 cm; quả mọc thành chùm trên các cành nhỏ ngắn trên thân cây già. Quả sung mọc thành từng chùm ở thân cây có thể ăn được, người ta hay muối như muối dưa để ăn trực tiếp hoặc kho với thịt, cá. Lá sung non cũng thường được sử dụng trong ẩm thực Nhựa sung được sử dụng để chữa các vết thương xây xát ngoài da, chữa đau đầu, áp xe vú, nhọt độc, hen, chốc lở, ghẻ ngứa.
- Đức Phật Kassapa dưới cội cây Nigrodha.
Đức Phật Koṇāgamana thọ 30 ngàn tuổi, rồi tịch diệt Níp-bàn, và Giáo pháp của Ngài cũng dần dần bị mai một hoàn toàn. Về sau, mọi hiện tượng xảy ra tương tự cũng giống như sau khi đức Phật Kakusandha tịch diệt Níp-bàn. Tuổi thọ con người giảm xuống dần đến tột cùng chỉ còn mười năm; rồi tuổi thọ lại tăng dần lên đến tột đỉnh a-tăng-kỳ năm; rồi lại giảm xuống dần đến thời kỳ con người có tuổi thọ khoảng 20 ngàn năm. Khi ấy, Đức Phật Kassapa xuất hiện trên thế gian, vào thời kỳ con người có tuổi thọ khoảng 20 ngàn năm. Cội Bồ-đề trong thời kỳ Giáo pháp đức Thế Tôn Kassapa có tên là Nigrodha[37].
Nigrodha là cây Đa (Ficus bengalensis), một loài cây thuộc họ Dâu tằm (Moraceae), nó có thể phát triển thành loài cây khổng lồ mà tán của nó che phủ đến một vài nghìn mét vuông.
- Đức Phật Gotama dưới cội cây Assattha.
Đức Phật Kassapa thọ 20 ngàn năm tuổi, rồi tịch diệt Níp-bàn, và Giáo pháp của Ngài cũng dần dần bị mai một hoàn toàn. Và trong kiếp hiện tại này, chúng ta đang trong thời kỳ Giáo pháp của đức Phật Gotama. Cội Bồ-đề của Ngài có tên là Assattha[38].
Assattha, trong thời hiện tại này mọi người đều gọi là cây Bồ-đề, và đã trở thành phổ biến đến nỗi không biết gọi là tên nào khác. Tên khoa học là Ficus religiosa, đây là một loài cây thuộc chi Đa đề (Ficus). Lá của cây Bồ-đề có hình tim với phần chóp kéo dài đặc biệt.
Như vậy, qua 28 vị Phật từ quá khứ đến hiện tại này, chúng ta đã tìm hiểu về những cây Giác ngộ của các vị Thế Tôn ấy, dù mỗi vị có mỗi cây Giác ngộ khác nhau nhưng trí tuệ Giác ngộ của các Ngài chỉ có một, ví như biển chỉ có chung một vị mặn. Tùy theo từng giai đoạn, từng quả đất mà mỗi vị ngồi dưới cội cây khác nhau, nhưng thời gian đó đều được gọi là cây Bồ-đề.
Bhik. Samādhipuñño Định Phúc
___________________________________________
[1] A-tăng-kỳ (asaṅkhyeyya) là khoảng thời gian không thể tính bằng số. Cứ trải qua vô số đại kiếp trái đất (mahākappa) thì tính là một a-tăng-kỳ.
[2] Đại kiếp là khoảng thời gian trái đất trải qua 4 a-tăng-kỳ thành-trụ-hoại-không, là thời gian rất lâu. Đức Phật có ví dụ: một tảng đá đặc hình khối, mỗi chiều một do-tuần (khoảng 16 km), cứ 100 năm một vị thiên lấy tấm vải mịn và mỏng quét nhẹ qua một lần cho đến khi mòn hết tảng đá ấy, thời gian ấy tạm được tính như một đại kiếp.
[3] “Bodhi tassa bhagavato, pipphalīti pavuccati - Cội cây Bồ-đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là Pipphalī” (Bu.iii.25).
[4] Sārakappa là kiếp trái đất chỉ có duy nhất một vị Phật Chánh Giác xuất hiện.
[5] “Sālakalyāṇiko bodhi, koṇḍaññassa mahesino - Cội cây Bồ-đề của vị đại Ẩn sĩ Koṇḍañña là giống cây Sāla tốt lành (sālakalyāṇika)” (Bu.iv.31).
[6] Sāramaṇḍakappa là kiếp trái đất có bốn vị Phật Chánh Giác xuất hiện.
[7] “Bodhi tassa bhagavato, nāgarukkhoti vuccati - Cội cây Bồ-đề của đức Thế Tôn ấy được gọi là cây Nāga” (Bu.v.24).
[8] http://www.labour.gov.lk/web/index.php?option=com_content&view=article&id=192:customer-awareness-program-for-importers-of-chilled-canned-fish&catid=45:news&Itemid=166&lang=en
[9] “Sopi buddho amitayaso, nāgamūle abujjhatha - Đức Phật ấy, vị tương đương với các bậc không thể sánh bằng, cũng đã giác ngộ cũng ở cội cây Nāga” (Bu.vi.27).
[10] “Sopi buddho asamasamo, nāgamūle abujjhatha - Khi ấy, đức Phật ấy, vị tương đương với các bậc không thể sánh bằng, cũng đã giác ngộ ở cội cây Nāga” (Bu.vii.22).
[11] “Bujjhamāno ca so buddho, nāgamūle abujjhatha - Và khi ấy trong lúc giác ngộ, đức Phật ấy đã giác ngộ ở cội cây Nāga” (Bu.viii.22).
[12] Varakappa là kiếp trái đất có ba vị Phật Chánh Giác xuất hiện.
[13] “Bodhi tassa bhagavato, ajjunoti pavuccati - Cội cây Bồ-đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là Ajjuna” (Bu.ix.23).
[14] “Bodhi tassa bhagavato, mahāsoṇoti vuccati - Cội cây Bồ-đề của đức Thế Tôn ấy được gọi là Soṇa vĩ đại” (Bu.x.22).
[15] http://ydvn.net/contents/view/2041.cay-coc-chuot-lannea-coromandelica.html
[16] “Bodhi tassa bhagavato, mahāsoṇoti vuccati - Cội cây Bồ-đề của đức Thế Tôn ấy được gọi là Soṇa vĩ đại” (Bu.xi.24).
[17] “Bodhi tassa bhagavato, salaloti pavuccati - Cội Bồ-đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là Salala” (Bu.xii.25).
[18] Maṇḍakappa là kiếp trái đất có hai vị Phật Chánh Giác xuất hiện.
[19] “Bodhi tassa bhagavato, mahānīpoti vuccati - Cội cây Bồ-đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là cây Nīpa vĩ đại” (Bu.xiii.24).
[20] “Bodhi tassa bhagavato, mahāveḷūti vuccati - Cội cây Bồ-đề của đức Thế Tôn ấy được gọi là Mahāveḷu (cây tre vĩ đại)” (Bu.xiv.26).
[21] “Bodhi tassa bhagavato, kakudhoti pavuccati - Cội cây Bồ-đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là Kakudha” (Bu.xv.21).
[22] “Bodhi tassa bhagavato, campakoti pavuccati - Cội cây Bồ-đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là Campaka” (Bu.xvi.20).
[23] “Bodhi tassa bhagavato, bimbijāloti vuccati - Cội cây Bồ-đề của đức Thế Tôn ấy được gọi là Bimbijāla” (Bu.xvii.19).
[24] Dhammika S., Nature and Environment in Early Buddhism, (Singapore: Nature and Environment in Early Buddhism, 2015), p.71.
[25] “Bodhi tassa bhagavato, kaṇikāroti vuccati - Cội cây Bồ-đề của đức Thế Tôn ấy được gọi là Kaṇikāra” (Bu.xviii.19).
[26] D.ii.111; A.v.61.
[27] JA.ii.25.
[28] J.v.302 (Kusajātaka).
[29] “Bodhi tassa bhagavato, asanoti pavuccati - Cội cây Bồ-đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là Asana” (Bu.xix.22).
[30] “Bodhi tassa bhagavato, āmaṇḍoti pavuccati - Cội cây Bồ-đề của đức Thế Tôn ấy được gọi là Āmaṇḍa” (Bu.xx.20).
[31] “Bodhi tassa bhagavato, pāṭalīti pavuccati - Cội cây Bồ-đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là Pāṭalī” (Bu.xxi.30).
[32] “Bodhi tassa bhagavato, puṇḍarīkoti vuccati - Cội cây Bồ-đề của đức Thế Tôn ấy được gọi là Puṇḍarīka” (Bu.xxii.21).
[33] “Bodhi tassa bhagavato, mahāsāloti vuccati - Cội cây Bồ-đề của đức Thế Tôn ấy được gọi là Sālā” (Bu.xxiii.24).
[34] Bhaddākappa là kiếp trái đất có năm vị Phật Chánh Giác xuất hiện.
[35] “Bodhi tassa bhagavato, sirīsoti pavuccati - Cội cây Bồ-đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là Sirīsa” (Bu.xxiv.21).
[36] “Bodhi tassa bhagavato, udumbaroti pavuccati - Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi là Udumbara” (Bu.xxv.23).
[37] “Bodhi tassa bhagavato, nigrodhoti pavuccati - Cội cây Bồ-đề của đức Thế Tôn ấy được gọi là Nigrodha” (Bu.xxvi.39).
[38] “Ahaṃ assatthamūlamhi, patto sambodhimuttamaṃ - Ta đã đạt đến quả vị Toàn Giác tối thượng ở cội cây Assattha” (Bu.xxvii.20).
- [15/07/2023] Mối Liên Hệ Giữa Bồ Tát Thích Quảng Đức và Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam Trong Phong Trào Phật Giáo Miền Nam 1963
- [11/06/2023] Từ pháp nạn 1963 nhìn về tinh thần bất hại (ahiṃsa) trong Phật giáo và các tôn giáo khác (Định Phúc Spuñño)
- [20/06/2021] Hình ảnh
- [02/11/2019] Lịch Sử Xá Lợi Của Đức Phật Gotama
- [19/06/2019] Con người đến từ đâu?
- [21/01/2019] Xá Lợi của Đức Phật
- [21/01/2019] Ấn Độ huyền bí
- [21/01/2019] Ngược dòng thời gian
- [17/01/2019] Đại giới đàn Trí Đức 2015
- [17/01/2019] Myanmar ánh đạo ngàn năm