Tiểu Sử Ngài Hòa Thượng Trì Giới

Cố đại lão Hoà Thượng Trì Giới, thế danh là Võ Dinh, sinh ngày 1/5/1914, nguyên quán - Thừa Thiên Huế được sanh trong một gia đình địa chủ thời bấy giờ, ông thân của Ngài là cụ ông Võ Văn Đường, thân mẫu cụ bà Phan Thị Chùa, gia đình có 6 anh chị em, Ngài là người con thứ tư trong gia đình.

TIỂU SỬ HÒA THƯỢNG TRÌ GIỚI
[Guttasilo Mahāthero] (106 tuổI)
Biên soạn: ĐĐ Thiện Ngọc. Trụ Trì Chùa Đại Phước Myanmar
Ủy viên BHP Hải Ngoại.GHPGVN
Thành viên BBT.Phatsuonline

Cố đại lão Hoà Thượng Trì Giới, thế danh là Võ Dinh, sinh ngày 1/5/1914, nguyên quán - Thừa Thiên Huế được sanh trong một gia đình địa chủ thời bấy giờ, ông thân của Ngài là cụ ông Võ Văn Đường, thân mẫu cụ bà Phan Thị Chùa, gia đình có 6 anh chị em, Ngài là người con thứ tư trong gia đình.

tri gioi 1.jpg (74 KB)

Đại lão HT Trì Giới

tri gioi 3.jpg (95 KB)

Hòa Thượng Trì Giới chụp hình luu niệm với TT. Tường Quang & Cố TT. Thiện Minh

tri gioi 4.jpg (115 KB)

HT. Trì Giới thăm  ngài Tam Tạng VII và ĐĐ Thiện Ngọc Trụ Trì Chùa Đại Phước Myanmar đảnh lễ ra mắt

tri gioi 7.jpg (64 KB)

Ngài Tam Tạng thăm viếng HT

Tuổi thơ Ngài là một cậu bé hiếu học, hiền lành rất hiếu hạnh với cha mẹ, từ nhỏ Ngài đã sớm tự lập, biết yêu thương mọi người, xóm giềng cần phụ giúp gì Ngài đều rất nhiệt tình và được mọi người yêu thương quý mến.

Khi còn nhỏ Ngài đã được học chữ Nho, chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp.

Năm 22 tuổi cậu thanh niên Võ Dinh thành lập gia đình, kết duyên cùng cô Lê Thị Chì (sinh năm 1912) và từ đó yên bề gia thất được bảy người con.Năm 27 tuổi, Ngài được duyên lành gặp Ngài Hòa thượng Giới Nghiêm và được nghe Pháp, từ đó chàng trai Võ Dinh cùng gia đình phát tâm trong sạch nơi Tam Bảo và quy y Tam Bảo, đánh dấu cột mốc gặp Phật pháp.Kể từ đó, gia đình của Võ Dinh thường hộ độ Tam Bảo và được duyên lành thường xuyên tiếp cận Ngài HT Giới Nghiêm học hỏi Kinh Tạng, trau dồi kiến thức Phật Pháp và tu tiến tại gia.Từ năm Ngài 33 tuổi trở về sau, lúc này đất nước đang trong thời loạn lạc do Pháp, Mỹ đô hộ. Vì Ngài có tâm yêu chuộng hòa bình dân chủ nên cả gia đình của Ngài đều tham gia hoạt động cách mạng, trong đó có 3 người con lớn - con đầu là Võ Sơn Cao (thương binh), người con thứ tư là bà Võ Thị Hoa Hồng (thương binh), người con thứ năm Võ Trọng Đức (liệt sĩ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ nhằm ngày 20/12/1967). Lúc bấy giờ cụ Võ Dinh trong vai trò vận động cung cấp vật thực cho bộ đội và chính Ngài cũng bị lính Mỹ bắn bị thương tật ở chân, là một sự đóng góp to lớn của gia đình cùng với dân tộc để có ngày độc lập hôm nay. Năm 1969 xuất gia tu học. Khi ấy Ngài Hòa thượng Trì Giới 55 tuổi, do đã thấm nhuần đạo Pháp từ trước Ngài xin phép gia đình đi xuất gia tu học và đã đến gặp Ngài Đại lão HT Giới Nghiêm (nguyên:- Tăng Thống Giáo Hội Tăng Già Phật Giáo Nguyên Thủy (Theravàda) Việt Nam.- Thành viên Hội Đồng Chứng Minh Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.- Phó Chủ tịch Hội Đồng Trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam.- Phó Chủ tịch Hội Hữu Nghị Việt Nam - Campuchia)

tri gioi 10.jpg (83 KB)

tri gioi 9.jpg (102 KB)

tri gioi 12.jpg (89 KB)

tri gioi 13.jpg (72 KB)

Và được Ngài Giới Nghiêm cho thọ Sadi giới ở chùa Tăng Quang Tự, phường Phú Hiệp, Thừa Thiên Huế. Sau khi thọ giới Sadi, Ngài Giới Nghiêm ban cho pháp danh là Trì Giới (Guttasilo) và Sadi Trì Giới lúc bấy giờ tinh tấn, trau dồi giới luật, cùng với Tăng đoàn trì bình khất thực nuôi mạng chân chánh và siêng năng tu tập Thiền định, Thiền tuệ. Khoảng thời gian này Sadi Trì Giới và sư Viên Minh, hai huynh đệ đã cùng nhau hành pháp ở đó. Năm 1970 - 1972, Ngài HT Giới Nghiêm bảo Sadi Trì Giới về trụ trì trông coi chùa Thiền Viện Phước Sơn (Biên Hoà, Đồng Nai ngày nay), lúc này trên mảnh đất Thiền Viện Phước sơn có một cốc nhỏ 6m2 bằng xi măng, lợp tôn, ở trong có thờ tượng Phật Thích Ca và ĐĐ. Trì Giới đã tu học và nghỉ ngơi tại đó. ĐĐ Trì Giới đã tu tập rất tinh cần theo Pháp hạnh Đầu đà, sống bằng hạnh khất thực, chỉ mỗi tam y quả bát, đầu trần chân đất trên ngọn đồi sỏi đá rộng hơn 30 mẫu rất heo hút. Ở được 2 năm tại Thiền Viện Phước Sơn, do tuổi già sức yếu cộng thêm việc đi trì bình khất thực rất ít thí chủ hộ độ cho nên ĐĐ Trì Giới về lại chùa Phật Bảo và lúc bấy giờ Sadi Chánh Kiến đang đảm trách giảng dạy lớp 3 trường văn hoá Bồ Đề Ananda phải nghỉ dạy để về trông coi Thiền Viện Phước Sơn theo chỉ định của Ngài HT Giới Nghiêm. Vào ngày 5/7/1973, Sadi Trì Giới thọ đại cụ túc giới trở thành một vị Tỳ khưu tại Sima Tam Bảo Thiền Viện, TP. Vũng Tàu lúc 11h, PL 2518, Thầy tế độ là Hòa Thượng Giới Nghiêm (lúc này đang giữ chức vụ phó Tăng Thống Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam), Thầy yết ma là ĐĐ. Duyên Hạnh và chư Tăng tham dự có 9 vị. Cũng trong năm đó Ngài HT Giới Nghiêm gọi ĐĐ. Trì Giới vào Sài Gòn ở chùa Phật Bảo, quận Tân Bình và người con của Ngài tên Võ Khinh Tài cũng xuất gia tại đây. Từ năm 1973 đến 1974, ĐĐ. Trì Giới ra hành đạo ở TP Vũng Tàu, an trú tại chùa Phước Hải và Thích Ca Thiền Viện. Năm 1975, ĐĐ. Trì Giới về lại chùa Phật Bảo ở một thời gian ngắn rồi được cử về trụ trì trông coi ngôi chùa Huệ Giác ở Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Tại đây, ĐĐ Trì Giới vẫn tinh tấn tu học theo pháp hạnh đầu đà và miên mật pháp môn thiền định. Cho đến năm 1990 ngôi chùa này bị giải tỏa và ĐĐ. Trì Giới được Phật tử cúng dường miếng đất và xây dựng một cái cốc nhỏ ở Vĩnh Lộc - Bình Chánh, Ngài Trì Giới an cư tại đây cho đến năm 2010 và có một khoảng thời gian Ngài ra một nghĩa trang đến một ngôi mộ có mái che và Ngài hành thiền ba tháng tại tha ma mộ địa này. Trong thời gian ở Vĩnh Lộc HT Trì Giới tế độ cho một nhóm Phật tử trong đó có gia đình ông Lý Ngọc Thanh là một doanh nghiệp lúc bấy giờ làm ăn rất khó khăn, sau khi gặp Ngài gia đình ông Thanh dần được cải thiện và khấm khá lên. Để tỏ lòng tri ân HT Trì Giới, họ đã âm thầm mua đất ở Long An và cất cốc thỉnh Ngài về ở với tên gọi là chùa Trì Giới từ 2010 – 2020 và thường xuyên hộ độ cho Ngài. Đến khi Ngài HT Trì Giới tuổi cao sức yếu thì Ngài làm di chúc để lại đất chùa Trì Giới cho ông Lý Ngọc Thanh tiếp quản để ông Thanh tiếp tục xây dựng ngôi chùa Trì Giới thật khang trang, rồi sau đó cúng lại cho chư Tăng là đệ tử của cố TT. Thiện Minh chùa Bửu Quang tiếp quản theo tâm nguyện của Ngài. Năm 2009, Ngài HT Trì Giới cùng với cố TT. Thiện Minh và phái đoàn bay sang Ấn Độ để chủ trì buổi lễ động thổ xây dựng chùa Đại Lộc. Năm 2014, Ngài HT Trì Giới cùng với Ngài HT Thích Thiện Nhơn - chủ Tịch HĐTS.TW.GHPGVN, phái đoàn chức sắc của Giáo hội và đông đảo chư Tăng, Ni, Phật Tử Việt Nam trên chuyên cơ riêng bay sang Ấn Độ để tham dự đại lễ khánh thành chùa Đại Lộc.Năm 2016, Hòa thượng Trì Giới cùng với Ngài HT Thích Thiện Tâm - Phó chủ tịch HĐTS GHPGVN, cố TT.GS.TS. Thích Thiện Minh và đông đảo Tăng, Ni Phật tử hơn 500 người bay qua Yangon, Myanmar tham dự đại lễ khởi công xây dựng chùa Đại Phước (30/4/2016). Năm tháng sau cũng tại chùa Đại Phước (Myanmar), Ngài tiếp tục tham dự đại lễ Dâng y Kathina. Ngày 4/8/2016 Ngài HT Trì Giới cùng với Ngài Thích Thiện Nhơn - chủ tịch HDTS.GHPGVN, cố TT.GS.TS. Thích Thiện Minh và đông đảo chư Tăng, Ni, Phật tử sang Campuchia tham dự đại lễ khánh thành chùa Đại Hạnh, ngôi chùa PGNT VN đầu tiên tại Campuchia. Năm 2017, Ngài HT Trì Giới tham dự đại lễ Dâng y Kathina tại chùa Đại Phước (Myanmar) và chùa Đại Lộc (Ấn Độ). Năm 2018, Ngài HT Trì Giới an cư kiết hạ ở Thái Lan, chùa của Ngài phó Tăng Trưởng thành phố Băng Cốc. Ra hạ Ngài về lại Việt Nam và bay sang dự lễ Dâng y Kathina chùa Đại Phước - Myanmar để cầu nguyện phước báu và cho khởi công xây dựng chánh điện, diện tích 26m x 35m vào tháng 11/2018. Năm 2019, Ngài Hòa thượng tiếp tục sang Ấn Độ để dự lễ Dâng y Kathina tại chùa Đại Lộc.  Suốt cả cuộc đời Ngài sống rất trọn vẹn nghĩa tình giữa đời và đạo. Lúc làm con thì là người con ngoan, có hiếu với cha mẹ. Làm trò, là một học trò giỏi. Khi lập gia đình thì có trách nhiệm chăm lo cho gia đình, Ngài đã hướng gia đình nương theo Tam Bảo. Lúc chiến tranh loạn lạc Ngài là người xung phong theo phong trào cách mạng, yêu chuộng hòa bình, xung phong canh tác và vận động lương thảo để nuôi bộ đội cách mạng lúc bấy giờ. Khi các con khôn lớn Ngài khuyến khích các con tham gia kháng chiến chống Mỹ và đã hy sinh một người, thương binh hai người và thậm chí cả Ngài cũng bị thương, quyết tâm cùng dân tộc giành lại độc lập. Khi xuất gia tầm đạo thì Ngài yêu mến huynh đệ đồng tu, kính trọng Thầy tổ và thường xuyên lui tới chăm nom các ngôi chùa, thiền viện của Sư phụ Ngài là cố Đại lão Hòa thượng Giới Nghiêm sáng lập. Ngài luôn tinh tấn tu tập và hành trì giới luật, nghiêm túc thực hành thiền định, thiền tuệ và đặc biệt suốt cả đời tu của Ngài cũng như khi tuổi xế chiều, sức tàn lực kiệt, Ngài vẫn không ngừng tinh tấn tu theo pháp hạnh Đầu đà. Khi tuổi đã cao, Ngài đại lão HT Trì Giới vẫn luôn quan tâm cho sự hưng thịnh của Phật giáo Việt Nam, Ngài sách tấn cố TT.GS.TS Thích Thiện Minh cùng các đệ tử của Thượng tọa thành lập các ngôi chùa ở nước ngoài như chùa Đại Lộc - Ấn Độ (TT.TS Thích Tường Quang trụ trì), chùa Đại Phước - Myanmar (ĐĐ. Thích Thiện Ngọc trụ trì), chùa Đại Hạnh - Campuchia (ĐĐ. Thích Thiện Ngọc trụ trì), chùa Đại Thọ - Phần Lan (ĐĐ. Thích Minh Tấn trụ trì). Lúc này dù đã hơn trăm tuổi nhưng Ngài vẫn duy trì hàng năm bay qua các nước tham dự và chứng minh các đại lễ nhằm gặp gỡ, sách tấn ủng hộ tinh thần các đệ tử TT. Thiện Minh xây dựng thành công các ngôi chùa Việt Nam tại hải ngoại, để mai sau thuận lợi các công tác đối nội, đối ngoại và có nơi cho chư Tăng, Ni và Phật tử về sinh hoạt văn hóa hoặc tu học lâu dài.  Huynh đệ của Ngài HT Trì Giới là đệ tử của Cố Đại lão Hòa Thượng Giới Nghiêm. Một số du học ở nước ngoài đã thành danh Tăng đang hoằng pháp ở Mỹ, Pháp, như Hòa thượng Tiến sĩ Pháp Nhẫn, Hòa Thượng Tịnh Đức, Hòa Thượng Chơn Trí, Hòa Thượng Đức Minh v.v... Một số khác ở trong nước, hiện nay dù đang còn hay đã mất thì các Ngài cũng đã là những bậc trưởng lão đạo cao đức trọng, tài đức uyên thâm, hoặc thâm niên cao hạ... đáng cho hàng tứ chúng y chỉ, như Hòa thượng Hộ Nhẫn ở Huế, cố Hòa thượng Pháp Tri ở Sài Gòn, Hòa Thượng Viên Minh ở Bửu Long, Hòa Thượng Tâm Hỷ, Hòa Thượng Hộ Chơn, Hòa Thượng Bửu Chánh trụ trì Thiền Viện Phước Sơn v.v... Tháng 6 năm 2020, vì tuổi già sức kiệt Ngài lâm bệnh và đã được gia đình thân quyến cùng các đệ tử tận tình cứu chữa nhưng vẫn không qua khỏi. Ngày 21/6/2020 (nhằm ngày 1/5 năm Canh Tý) vào lúc 11 giờ 50 phút Ngài đã an nhiên tự tại theo lẽ vô thường thu thần viên tịch tại Thừa Thiên Huế (quê hương của Ngài) hưởng thọ 106 tuổi và 46 hạ lạp.

* Còn đâu hỡi Ngài!

Còn nữa đâu một kiếp người

Ngài đến âm thầm và lặng lẽ ra đi

Để lại hình dáng, tấm gương đẹp cho đời

106 năm phong sương độ thế

Tướng mạo uy nghi khí phách hào hùng

Làm đời tu sĩ nhẹ bước làm sao

Ngao du thiên hạ giúp đời giúp đạo

Xuất hiện nơi đâu hạnh phúc đến người

Giọng nói trầm trầm người nghe thật sướng

Dứt khoát từng lời giản dị thâm sâu

Người hữu duyên gặp Ngài trong tâm ngưỡng mộ

Một bậc tiền bối khí thái hiên ngang

Danh lợi địa vị cần chi thứ đó

Có tình có nghĩa mới là an vui

Không tham sân si với người nào cả

Sống cả một đời trọn vẹn chữ tu

Trong nước ngoài nước người người thương mến

Lòng từ của Ngài lan toả đi xa

Làm cho chúng con vô cùng kính trọng

Ngài đi để lại bao niềm thương tiếc

Dẫu biết cuộc đời ai mà chẳng chết

Thế mà giờ đây vẫn buồn Ngài ơi!

Nhớ lúc đương thời tướng Ngài dũng mãnh

Trên tay phương trượng đầu rồng uy nghi

Bước đi thanh thoát hiện ra đức độ

Lòng từ bi mẫn ẩn hiện ra thân

Giờ này còn đâu dáng hình Ngài nữa

Giã từ vĩnh biệt cuộc sống trần gian

An nghỉ nghìn thu khép lại kiếp người!

(ĐĐ.Thiện Ngọc)

tri gioi 15.jpg (95 KB)

tri gioi 14.jpg (102 KB)

HT. Trì Giới chụp hình lưu niệm với các sư đệ tử

Xin cảm niệm và tri ân công đức của Chư vị tiền bối, các huynh đệ cùng thân bằng quyến thuộc, đệ tử của Ngài Hòa thượng Trì Giới đã kịp thời cung cấp thông tin về cuộc đời của Ngài và bản tiểu sử này sẽ là tấm gương sáng cho mọi người noi theo.

Nguyện cầu hồng ân đức Tam Bảo gia hộ cho Ngài siêu sanh nhàn cảnh, đủ đầy an vui.

Kính chúc toàn thể Chư quý vị pháp thể khinh an, bồ đề tâm viên đắc.

Nam Mô Phật Pháp Tăng Tam Bảo!

Đại Đức Thiện Ngọc-Myanmar

Nguồn:

Bình luận
| Mới nhất