Phỏng vấn Tiến sĩ - Thượng tọa Thích Tường Quang trụ trì chùa Đại Lộc
1/ Xin Sư hoan hỷ cho biết nguyên do nào sư biết đến Phật Giáo Nguyên Thủy và xin tóm tắt quá trình tu học của sư từ lúc xuất gia cho tới nay?
Thượng tọa Tường Quang: Cha mẹ sư có cho biết, bà thân của Sư thường xuyên đi chùa Bửu Quang khi sư còn trong bụng mẹ. Gia đình có 7 người con thì sư là người duy nhất được đi chùa Phật giáo nguyên thủy ngay khi chưa sanh ra đời. Tổ đình Bửu Quang là do ông cố Bùi Ngươn Hứa cúng dường đất xây chùa. Hòa Thượng Hộ Tông đại diện Phật giáo nguyên thủy nhận phần cúng dường đất. Nhà sư ở gần chùa Bửu Quang nên thuở nhỏ thường vào chùa xách nước, chẻ củi, quét lá … sư làm tất cả các việc giúp đỡ quý cô tu nữ và chư tăng trong chùa. Do đó từ nhỏ đã gần gũi với Phật giáo nguyên thủy. Ngoài ra cha mẹ sư còn cho phép sư đến Tổ Đình Bửu Quang tu học vào chiều ngày Rằm tháng Bảy với sự hướng dẫn của cố Thượng tọa Thích Thiện Quang. Sư nhớ đó là vào khoảng năm 1983.
2/ Xin Sư vui lòng kể lại quá trình học MA và Phd ở Ấn Độ?
Thượng tọa Tường Quang: Năm 1993 sư trúng tuyển vào Học viện Phật giáo khóa 3, sau khi hoàn tất chương trình Học viện. Năm 1997, sau khi hoàn tất chương trình tại Học viện, sư sang Ấn Độ du học tại Trường Đại Học New Delhi. Đến năm 2007 sư về Việt Nam. Trong suốt 10 năm miệt mài đèn sách tại đất nước Ấn Độ, sư đã nhận được 7 văn bằng thuộc nhiều lãnh vực khác nhau.
3/ Nguyên do Sư xây chùa Đại Lộc ở Ấn Độ, những thuận lợi và khó khăn trong thời gian thực hiện như thế nào, thưa Sư?
Thượng tọa Tường Quang: Trước năm 2005 sư đã nhiều lần đi tham quan tứ động tâm tại Ấn Độ và cũng đã khởi ý xây dựng chùa Phật giáo nguyên thủy tại Sarnath, Varanasi. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy mình tài hèn đức kém, rồi nghĩ tiền đâu mà làm. Sau này sư gặp Thượng Tọa Thiện Minh tại 242 TAGORE PARK, New Delhi, Ấn Độ sư có đặt vấn đề này. Thượng Tọa Thiện Minh nói: "Đệ làm đi, huynh ủng hộ". Là một sinh viên như bao sinh viên khác, cầm bút thì dễ mà cầm cuốc thì khó. Nhưng đối với sư, cả hai việc này sư có thể làm được. Vì sư vốn là con nhà nông, thuở nhỏ đã làm rất nhiều việc. Nếu về làng Tam Bình hỏi chú Tấn ai cũng biết.
Trong suốt 5 năm xây dựng chùa Đại Lộc tại Ấn Độ, những người buôn bán vật liệu xây dựng nói, trong công việc xây dựng họ có thể gian dối với bất cứ ai tại Sarnath, ngoại trừ ông thầy trụ trì chùa Đại Lộc - Việt Nam. Sư cũng có thuận lợi là hiểu biết chú ít trong xây dựng và cả trong tính toán sổ sách. Tuy nhiên một công trình xây dựng quá lớn như chùa Đại Lộc mà chỉ có duy nhất sư quán xuyến nên nhiều khi sư phải đi mua vật liệu, về đến chùa thì thợ thầy công nhân ra về hết. Đức Bổn Sư và Ngài thánh tăng Sivali vẫn ngồi đó. Còn nữa, trong sân chùa có hai chú chó trung thành cứ nằm ở cổng chùa chờ sư phụ về.
Có thể nói 5 năm qua, công việc xây dựng ngôi Tam Bảo tại xứ Phật thật vô vàn khó khăn. Nhiều khi sư nghĩ hiện tại không cha, không mẹ, không anh em, không thầy, không trò, không phật tử nào ở bên cạnh... cũng chạnh lòng. Sư luôn cảm ơn long thần hộ pháp chùa Đại Lộc đã trông coi chùa những lúc sư đi vắng. Cũng thầm cảm ơn chư thiên trong vùng thánh tích Chuyển Pháp Luân đã gia hộ 5 năm qua sư không đau bệnh dù nặng hay nhẹ. Vì vậy mà các thầy trụ trì ở vùng thánh tích Sarnath đã cho sư một biệt hiệu là IRON MONK.
4/ Thưa Sư, xin Sư cho biết vài nét về bố cục xây dựng các công trình hạng mục và kiến trúc chùa Đại Lộc?
Thượng tọa Tường Quang: Nếu ai bước vào cổng chùa Đại Lộc tại Ấn Độ trước tiên sẽ thấy bên tay phải là Chùa Một Cột (Gác Chuông) nơi đây biểu tượng cho tinh thần Phật giáo Việt Nam và bên trái là Quốc Tử giám (gác trong) biểu tượng cho tinh thần văn hóa và dân tộc Việt Nam. Kế đến là công trình tượng Đức Bổn Sư Chuyển Pháp Luân cao 24 mét được kết cấu với 660 khối đá khác nhau. Khối đá nặng nhất là 5 tấn và nhỏ nhất là 1 tấn rưỡi. Tượng Đức Bổn Sư nặng 700 tấn, phần bê tông cốt sắt nặng 500 tấn. Giàn móng có thể chịu lực nặng 1.900 tấn. Chùa Đại Lộc đã được đánh gía cao bởi tính lịch sử đầy đủ ý nghĩa nhất. Đức Bổn sư Chuyển Pháp Luân đang giảng kinh Chuyển Pháp Luân cho 5 anh em Kiều Trần Như. Ở 5 người bạn này cũng được thể hiện rất rõ hai trường phái lớn tại Việt Nam. Ba anh em mặc y Theraveda và hai anh em mặc y hậu theo trường phái Mahayana. Vào thời kỳ 5 anh em Kiều Trần Như chưa có sự phân chia bộ phái. Tuy nhiên tại chùa Đại Lộc đã thể hiện tinh thần hợp nhất trong giáo lý Đức Bổn Sư. Cả hai phái đều công nhận bài kinh Chuyển Pháp Luân là bài pháp thuyết giảng đầu tiên tại vườn Lộc Uyển. Và từ cổng vào chánh điện cũng thể hiện giáo lý đặc trưng của Đức Bổn Sư với bánh xe tám cánh và hình ảnh biểu tượngThập Nhị nhân duyên. Nếu ai đã dự lễ khánh thành chùa Đại Lộc thì đã nhìn thấy rất rỏ ở bàn tay bắt ấn của Đức Phật có hình Bát Chánh đạo. Đức Phật đã xác nhận giáo lý nào có chánh kiến, chánh định … giáo lý đó sẽ đưa đến sự giải thoát tuyệt đối.
5/ Xin Sư cho biết tổng kinh phí xây dựng công trình chùa Đại Lộc và nguồn kinh phí này được vận động từ đâu?
Thượng tọa Tường Quang: Năm 2010, sư được chính phủ Việt Nam mời về dự lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Sau đó, nhiều người ở hải ngoại gọi điện chỉ trích sư. Sư nói với họ rằng, xây dựng ngôi tam bảo ở Ấn Độ là cho người Việt Nam, sư không làm cho riêng một cá nhân, một tổ chức, một đảng phái nào hết. Nếu ai có lòng cúng dường công trình được hoàn thành, sư chân thành cảm ơn và nếu không ủng hộ cũng cảm ơn nữa.Nên tịnh tài xây dựng hầu như không được sự giúp đỡ của các vị ở nước ngoài. Cho nên sự đóng góp tịnh tài của các vị ở Việt Nam cũng có hạn. Vì sự an toàn cho tượng Đức Phật Bổn Sư, chánh điện chùa Đại Lộc chỉ mở cửa vào ngày trăng tròn cho dân chúng lễ bái mà thôi. Cổng chính của chùa mở bình thường. Số tiền tổng chi phí bao nhiêu xin vui lòng coi trang web….
6/ Những hoạt động trong tương lai của chùa Đại Lộc
Chùa Đại lộc rất hoan hỷ đón chào tất cả chư tăng ni và phật tử Việt Nam đến tu học dài hạn hoặc ngắn hạn. Không thu lệ phí ở bất cứ công dân nào là người Việt Nam đến ở tại đây. Chùa Đại Lộc đủ lo cơm nước và thuốc uống khi có ai đau bệnh. Chùa Đại Lộc cũng đang tìm đất tại Sarnath xây Buddha Mahasivsali Hospital miễn phí 100% cho tất cả tăng ni không phân biệt quốc gia, tôn giáo, chủng tộc. Miễn có giấy chứng nhận là tu sĩ. Riêng người nghèo lấy mức lệ phí tối thiểu tượng trưng mà thôi.
Chủ trương chùa Đại Lộc là phụng sự chúng sanh, đền ơn Cha Mẹ, Thầy Tổ, Da Na, Tổ Quốc và cúng dường công đức đến chư Phật.
Xin chân thành cảm ơn Tạp chí Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam đã dành cho sư có dịp tâm sự với bạn đọc.
P/V: Xin cảm ơn Sư. Kính chúc Sư sức khỏe, an vui, mọi sự như nguyện.
- [12/12/2020] Tu nữ Nam Tông đầu tiên nước Việt
- [21/07/2020] Lễ Thành lập Trung tâm Unesco Nghiên cứu & Ứng dụng Phật học Việt Nam
- [05/07/2020] Tiểu Sử Ngài Hòa Thượng Trì Giới
- [11/07/2019] Những hoài niệm trải lòng qua lễ Lạc Thành Tháp Thờ Ân Sư Thiện Minh
- [06/01/2019] Phỏng vấn HT Minh Châu
- [13/08/2017] Trại hè Asoka: 5 năm nhìn lại
- [20/07/2017] 12 thiên tài thông minh và thành công nhất mọi thời đại
- [01/06/2017] Phỏng vấn Đại đức Minh Tấn – Trụ trì Chùa Đại Thọ Phần Lan
- [18/03/2016] TỪ BÁC SĨ TRỞ THÀNH THIỀN SƯ
- [01/10/2012] Tâm tư Du học Tăng Việt Nam