Chùa Tâm Thành nôi tu tập thầm lặng PGNT

phatgiaonguyenthuy.com In trang
Với sở nguyện là hộ trì chư tăng không phân biệt quốc tịch hay màu da tôi luôn cảm thấy hoan hỷ vì chúng tôi có sẵn pháp nhân hợp pháp được tổ chức sinh hoạt tôn giáo và hộ trì tăng; hơn nữa chùa được sự ủng hộ của GHPGVN-Tỉnh Bến Tre nên Bà Kim Thoa ( Trưởng ban Hộ Tự chùa Tâm Thành) không thấy trở ngại trong việc hộ trì cho quý sư mặc dù ở một phạm trù nào đó do ngôn ngữ có bất đồng nhưng chúng tôi đều đươc sự hỗ trợ của phiên dịch nên mọi việc đều suông sẻ. Phục vụ chúng sanh là cúng dường chư Phật

CHÙA TÂM THÀNH
(Nôi tu tập thầm lặng của PGNT)

Bài & Ảnh : Chơn Minh&Chánh Tín

Dưới ánh nắng ban mai trải vàng trên đường dẫn vào chùa rợp mát bóng cây từ màu vàng của hàng mai ngoài ngõ nhà ai đến hàng cau và dừa xanh cao vút đón chào nắng xuân  ấm áp, xe chúng tôi rong ruổi trên con đường làng dẫn sâu vào sân chùa Tâm Thành, một ngôi chùa duy nhất theo hệ phái Nam Tông ở Bến Tre nép mình yên lặng dưới bóng mát hàng cây Hoa đầu lân và hàng cây Sakê. Lối vảo chánh điện rực rỡ màu vàng hoàng hậu các chậu cúc vạn thọ, xen lẫn màu đỏ thắm của vài chậu hoa mồng gà. Thấp thoáng xa xa bóng y vàng của vài vị sư và tu nữ PGNT đang đi kinh hành chậm rãi trong chánh niệm tỉnh thức thật là một bức tranh tâm linh tuyệt đẹp trong tĩnh lặng xa rời cái ồn ào của phố thị.

Cư sĩ Tâm Uyên, Trưởng ban Hộ Tự chùa đón tiếp đoàn với nụ cười thân thiện, lần thăm này chúng tôi tranh thủ phỏng vấn bà về sinh hoạt tôn giáo của chùa, nơi hội ngô của khá nhiều vị tăng, tu nữ thuộc nhiều quốc tịch khác nhau xuất thân từ các thiền đường các nước quốc giáo vùng Đông Nam Á hay các nước Âu châu cùng vân tụ về đây tu tập hành thiền.

chua-tam-thanh-noi-tu-tap-tham-lang-pgnt-0015.JPG (164 KB)
Phóng viên Tạp Chí PGNT phỏng vấn Trưởng Ban Hộ Tự

1. PV: Xin Bà giới thiệu đôi nét về chùa Tâm Thành?

Bà Kim Thoa, Trưởng Ban Hộ Tự (TBHT): Hai chị em tôi (Kim Thoa và Kim Tiên ở Mỹ) có ý định về quê lập một ngôi chùa theo hệ phái Nam Tông Theravada vì nhận thấy ở Tỉnh Bến Tre chưa có một ngôi chùa tu theo Phật Gíao Nam Tông (PGNT) do vậy chị em tôi phát tâm mua đất lập một Thiền viện tu theo Hệ phái Nguyên Thủy thời Đức Phật và từ lúc khởi đầu xây dựng năm 2004 đến nay chùa đã được 14 năm thuộc GHPGVN. Chùa Tâm Thành thường xuyên tổ chức những khóa thiền tập do các Vị Tam Tạng làu thông kinh điển bên Myanmar, các Thiền sư nước ngoài hay trong nước được chúng tôi thỉnh mời về hướng dẫn với sự cho phép của Ban Tôn Giáo Chính phủ. Các khóa Thiền dành cho Thiền sinh khắp nơi không phân biệt tôn giáo, màu da hay quốc tịch. v...v.. Nhờ chùa tọa lạc trên một khu đất tốt, thông thoáng, cảnh vật hữu tình, quang cảnh tĩnh lặng nên chùa là một địa điểm khá tốt dành cho việc tu tập thiền Tứ Niệm Xứ. Ước nguyện của chúng tôi khi luống tuổi là dâng cơ sở này cho hệ phái Theravadà và cho Tứ phương Tăng chúng.

2. PV: Xin Bà cho biết những thuận lợi và khó khăn trong hoạt động của chùa?

Bà Kim Thoa (TBHT) vì đây là một công việc lớn lao mang tâm nguyện cả một đời người nên cũng có những mặt thuận lợi và khó khăn. Về thuận lợi thì chùa được bà con địa phương ủng hộ, nhà chùa đã nhận được sự  giúp đỡ của Chính quyền địa phương các cấp và GHPGVN-Tỉnh Bến Tre hỗ trợ nhiệt tình, tuy nhiên bên cạnh cũng có những khó khăn là vì chùa Tâm Thành tu theo hệ phái Nam tông (đạo phật Nguyên Chất) với những nghi thức và sinh hoạt biệt truyền của hệ phái khiến người dân cảm thấy xa lạ, và bỡ ngỡ vì tại Bến Tre chỉ có một chủa nguyên thủy này trong khi gia đình bên Nội, Ngoại tôi đều tu theo Tịnh độ và cũng có chùa riêng ở Phú Túc (Bến Tre) nhưng theo Bắc Truyền; hơn nữa sau một thời gian làm trợ lý cho cư sĩ Tống Hồ Cầm (Báo Giác ngộ) và tôi lại là đệ tử sau cùng của HT Thích Minh Châu đã được học tập và tiếp cận giáo lý nguyên thủy nên tôi hiễu rõ sự việc và quyết định xây chùa theo PGNT này.

3. PV: Xin Bà cho biết nguyên tắc tu tập của Thiền viện Tâm Thành?

TBHT:  Chùa Tâm thành tu tập theo những nguyên tắc cụ thể sau:

  1. Chùa được chị em chúng tôi dâng cho GHPGVN và dành cho Hệ Phái Nam Tông và cho Tứ phương tăng chúng hữu duyên đến để tu tập thiền quán (Vipassana) nên chùa không có trụ trì.

  2. Chư Tăng giữ trong sạch về giới và trì giới tinh nghiêm. Thực hành thiền tập với tất cả sự chân thành và quý trọng Pháp, tinh tấn, nỗ lực hết sức mình cùng duy trì chánh niệm trong từng sát na từ sáng sớm lúc 3g00 thức dậy cho đến khi đi ngủ vào buổi tối lúc 21g00.

  3. Chư Tăng không tự do trao đổi cá nhân, khi cần thiết thì trao đổi trong phiên họp có sự hiện diện của Trưởng Ban hộ tự.

  4. Chư tăng được phép nhận tứ vật dụng do phật tử cúng dường và không được nhận tiền như trong thời Đức Phật.(và tôi là Kappya của quý sư.)

  5. Mỗi sáng quý sư đi khất thực trong làng như thời đức Phật còn tại thế.

 Vì chủ trương lấy Pháp làm vị thầy để tu tập và bản thân chúng tôi nhận thấy là Thiền Vipassana (Thiền Tứ Niệm Xứ) là con đường đúng đắn trong  tu tập nên chùa Tâm Thành đã hình thành nguyên tắc tu tập theo pháp hành  này.    

4. PV: Xin bà cho biết tại sao Chùa Tâm thành là một chùa Nam tông thuộc vùng sâu vùng xa mà lại được chư tăng đa quốc tịch nhiều nước biết đến để tu tập?

TBHT:

      1. Tôi nghĩ nơi đây yên tĩnh, trống trài, và thiên nhiên hơn nên thích hợp với nhiều sư về đây để thực tập thiền sau khi hoàn tất pháp học tại các trường Thiền quốc tế tại Miến như Thiền Lâm Pa-Auk, Thiền Viện Shwe Oo Min, Thiền Viện Chanmyay, Thiền lâm Mahāsi Sāsanā Yeiktha Meditation Centre (Trung Tâm Hoằng Truyền Thiền Học Mahāsi), Thiền viện Panditaràma của HT.U Pandita Sayādaw, Trường Thiền  MOGOK, hay Trung tâm thiền Vipassana quốc tế ở Colombo Srilanka v..v..

chua-tam-thanh-noi-tu-tap-tham-lang-pgnt-2.jpeg (125 KB)
SƯ PABHASSARA ( Người Ba Lan) đang tu tập tại chùa Tâm Thành

       2. Tôi nghĩ chắc cũng do duyên và vì những nguyên tắc tu tập trên kèm với sở nguyện hộ tăng nên trong năm 2017 và đầu năm 2018 chùa Tâm thành đã đón tiếp ba vị Tôn Sư làu thông Tam Tạng và khoảng 20 sư thuộc nhiều quốc tịch như: Argentina, Mỹ, Ba Lan (Poland), Hàn Quốc,Thái, Ấn độ, Australia, Trung quốc (China). Rumani, Myanmar, Srilanka, Cambodia và cùng các tăng sĩ Việt Nam đang tu học tại các nước quốc giáo.

        3. Chùa Tâm Thành từ khi thành lập đến nay đã hộ trì cho khoảng 15 tăng đi tu học tại các nước như Myanmar, Thái, Ấn độ và Srilanka nên vì vậy chùa được chư tăng nhiều nước biết đến mà tu tập.

5. PV: Thưa Bà rào cản ngôn ngữ có gây khó khăn gì cho Bà trong việc hộ trì quý sư thuộc đa quốc tịch không?

TBHT: Với sở nguyện là hộ trì chư tăng không phân biệt quốc tịch hay màu da tôi luôn cảm thấy hoan hỷ vì chúng tôi có sẵn pháp nhân hợp pháp được tổ chức sinh hoạt tôn giáo và hộ trì tăng; hơn nữa chùa được sự ủng hộ của GHPGVN-Tỉnh Bến Tre nên tôi không thấy trở ngại trong việc hộ trì cho quý sư mặc dù ở một phạm trù nào đó do ngôn ngữ có bất đồng nhưng chúng tôi đều đươc sự hỗ trợ của phiên dịch nên mọi việc đều suông sẻ.     

6. PV: Xin Bà cho biết những dự định trong tương lai của Bà đối với chùa tâm Thành?

TBHT:  Tôi cầu nguyện Chư Thiên ban cho tôi đầy đủ sức khỏe và dân làng tôi có đầy đủ phước báu được thính pháp và tu tập theo chính pháp  của Như Lai Thế Tôn. Tôi chỉ muốn GHPGVN quan tâm giúp đỡ và tạo  điều kiện cho chủa Tâm Thành sớm được công nhận là thiền viện và là  ngôi chùa chính thức của Hệ phái Nam Tông. (Một nôi tu tập an lành của chư tăng PGNT các nước)   

Sau phần phỏng vấn Bà Kim Thoa (TBHT) chúng tôi đã phỏng vấn sư Giác Tuệ, một vị sư người Việt trong nhóm các sư về Việt nam tu tập.

7. PV: Thưa Sư , Trước hết xin sư tự giới thiệu sơ bộ về mình và quá trình tu tập ? cùng với các sư thuộc nhiều quốc tịch khác nhau tại đây?

Sư Giác Tuệ, Pd Bodhipanno (SGT). Đầu năm 2014 dưới sự dẫn dắt  của Sư Khánh Hỷ, Sư xuất gia Sadi và tu tập đầu tiên trong trường thiền Panditarama Forest Meditation Center, Bago. Myanmar. Sau đó tu học tại thiền viện Tharmaneykyaw Mahagandhayon, Hmawbhi. và thọ giới tỳ kheo với Pháp danh Bodhipanno (Giác Tuệ) tại  tu viện Tipitaka Mahagandarown và trải qua các nơi tu tập như Mahashi meditation center, Yangon. Pa auk chi nhánh Maymyo, Thiền viện Phước Sơn, Rừng Thiền Viên không, Tu viện Wat Marp Jan (truyền thống ngài Ahjan Chah) và hiện nay đang tu ở Thiền Viện Tâm Thành

chua-tam-thanh-noi-tu-tap-tham-lang-pgnt-0061.JPG (196 KB)
SƯ GIÁC TUỆ (BODHIPANNO) ĐẠI DIỆN CHƯ TĂNG TRẢ LỜI PHỎNG VẤN

8. PV: Xin sư cho biết tình hình của các sư thuộc nhiều quốc tịch về tu tập ở chùa Tâm Thành như thế nào?

(SGT)  lần này là lần thứ 2. Năm ngoái và năm nay số lượng tu sĩ  (Chư Tăng và Ni) tu tập tại Chùa Tâm Thành tăng khoảng trên dưới 10 vị thuộc nhiều quốc tịch. Các sư xuất thân từ nhiều trường thiền khác nhau trên thế giới cùng hữu duyên tập trung về tu tập tại chùa như Sư Pabhassara (người Ba Lan); sư Suppabuddho (người Argentina) giảng viên tiếng Anh đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương); sư Vinayananda (người Hàn quốc); Sư Subbadhammo (người Thái Lan), Sư Vayama ( người Mỹ gốc Việt); tu nữ Cettovimuti (người Rumani); tu nữ  Pamutta (người Trung quốc) và một số sư khác..... .

chua-tam-thanh-noi-tu-tap-tham-lang-pgnt-quy-su.jpg (239 KB)
CHƯ TĂNG ĐA QUỐC tỊCH ĐANG CÙNG NHAU TU TẬP TẠI CHÙA TÂM THÀNH

9. PV: Xin sư cho biết cách thức tu tập chung của quý sư trong thời gian tu tập tại Tâm Thành?

(SGT): Do mỗi người có những thế mạnh trong các pháp môn tu ở các trường Thiền khác nhau nhưng có một điểm chung là tu thiền theo PP Tứ niệm xứ (Vipassana), nên trong quá trình tu tập các sư có cơ hội học tập lẫn nhau trên tinh thần cởi mở và chân thành. Đề cao sự thực tập chánh niệm và sống tỉnh thức trong bất kỳ oai nghi nào khi đi, đứng, nằm, ngồi và trong các sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh sự hộ độ từ phía BHT nên đã tạo môi trường thanh tịnh để hành thiền, trì giới, mỗi sáng các sư đi khất thực trong làng và luôn tôn trọng nội quy của Chùa đề ra.    

10. PV: Xin sư cũng cho biết cảm tưởng chung của quý sư khi tu tập tại chùa Tâm Thành?

(SGT)  Trải qua một số lần tu tập các sư nhận thấy chùa Tâm thành là nơi lý tưởng cho pháp hành của quý sư, một nơi mà quý sư nhận thấy ít nhiều còn giữ được những quy định tu như thời Phật còn tại thế. Cô Kim Thoa trưởng Ban Hộ Tự (BHT) rất ân cần trong việc hộ trì chư tăng. Sư Pabhassara (người Balan) còn cho biết ” một trong những khía cạnh quan trọng nhất của đời sống Tỳ khưu là sự tách biệt. Các tu sĩ đã đặt hết tâm mình vào việc thực hành lời dạy của đức Phật. Và điều đó đòi hỏi một điều kiện thích hợp, giống như trồng lúa đòi hỏi đất thích hợp thế nên Tâm Thành được xem như là một khu đất tốt để ươm trồng hạt giống của Như Lai” tu nữ Cettovimuti (người Rumani) thì bày tỏ sự hoan hỷ khi được thực hành pháp tu tại đây trong không gian chùa khá yên tĩnh. Cô còn cho biết cô Kim thoa rất lich sự và hiếu khách. Nói chung tập thể chư tăng đều rất hoan hỷ khi tu tập ngắn hạn tại đây. 

Buổi phỏng vấn và giao lưu cùng quý sư với Bà Kim Thoa, Trưởng ban Hộ tự kết thúc vào 16g chiều ngày mùng 6 tết trong bầu không khí thắm tình đạo vị. Chùa Tâm thành trong tâm quý sư đã dần trở thành cái nôi tu tập lý tưởng của thời đại @, một nơi tương đối còn chung thủy với lề lối tu tập của đức Phật Gotama thuở xa xưa.

chua-tam-thanh-noi-tu-tap-tham-lang-pgnt-0034.JPG (267 KB)
Cổng chùa Tâm Thành những ngày đầu xuân Mậu Tuất 2018

Từng cơn gió mát thồi vào chánh điện vẳng nghe tiếng kinh Rải tâm từ. Các sư chuẩn bị vào giờ công phu tối cùng chia sẻ pháp thoại với Phật tử trong làng.

Không khí Tết chùa quê đã dần phai, ghi lại dấu son một Phật sự viên mãn của chùa Tâm Thành. Hàng cây xào xạc trong gió vẳng trên không trung nghe có tiếng Saddhu của Chư Thiên.