Khi Thế Tôn vào cuộc

Mỗi người chúng ta không đủ khả năng như Đại đức Ānanda, lại càng không đủ uy lực như Đức Phật Gotama. Chúng ta chỉ có chút lòng từ để rải khắp nhà, khắp xóm. Vậy thì mỗi người một chút cộng lại sẽ thành nhiều chút mà lan rộng khắp quận, khắp thành phố, thậm chí khắp cả nước. Chúng ta rải lòng từ chứ đừng rải nước miếng mà lây nhiễm lung tung. Ngậm miệng lại, bớt nói, sẽ tránh được cô 19.

Hôm nay, người dân chúng ta có vẻ như náo loạn và giận dữ qua câu chuyện cô nàng 17. Con người mà. Nhiều tiền nhiều của nhưng không đồng nghĩa với việc nhiều trí tuệ. Ai cũng có sai lầm nhưng nếu ta nhìn ở góc độ khác thì sẽ dễ thở hơn. Ấy là góc độ của sự “cộng nghiệp”. Xét riêng về một cá thể cho đến một tập thể, phước ai cũng có và tội ai cũng có. Những người biết về nghiệp-quả phải hiểu được rằng phước ta có đó, nhưng nếu ta cứ xài hết phước đã tạo mà không lo tạo phước mới thì đến lúc quả xấu cũng đuổi theo kịp. Cái quả thiện trổ như quyển sổ tiết kiệm cần được tái tục vốn để lãnh lãi chứ không là ăn cụt gốc. Không ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời. Tại sao 49 tuổi lại gặp hạn. Vì tới đó ta xài hết phước rồi. Nghiệp thiện không đủ đè nghiệp ác. Thế giới cùng cộng nghiệp. Vậy thì hãy đủ từ, đủ bi chứ đừng chửi mắng để rồi lại gây thêm khẩu ác nghiệp. Câu chuyện đại dịch năm nay khiến liên tưởng đến câu chuyện đại dịch năm xưa ấy. Đối với người ngoại đạo, câu chuyện thành Vesālī có vẻ hoang đường và không thích ứng với thời đại ngày nay. Thế nhưng, ta cứ thử ngẫm lại, trong thời gian qua, chúng ta đã làm gì để rồi giờ phải chịu cái cảnh ‘cộng nghiệp’. Cái ác xảy ra, ta không ngăn. Cái xấu có đó, ta không tránh. Từ những chuyện nhỏ nhoi cũng khích bác, hô hào rủ rê chửi rủa nhau thì nói chi chuyện lớn khó quản. Thiên hạ đại loạn vì CôV nhưng không vì đó mà ta quên mất lòng từ.
Vào thời điểm xa xưa ấy, thành phố Vesālī của những người Licchavi là một thành phố phồn thịnh về của cải, đông đúc về con người. Nhưng sau một nạn hạn hán, mùa màng thất bát, cư dân thành phố ấy phải chịu cảnh đói. Những người nghèo chết trước rồi lần lượt đến những người giàu. Xác người vứt đầy ngoài thành khiến mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Sự ô nhiễm môi trường làm cho không ai muốn đến thành phố ấy nữa. Đường xá vắng vẻ, con người thưa thớt là cơ hội để phi nhân chiếm thành. Và rồi bệnh dịch hơi rắn (ahivātakaroga) xuất hiện tàn phá sanh linh. Đói + phi nhân + bệnh dịch hoành hành là cái thứ tam tai đổ lên đầu người dân. Cư dân thành phố cùng các vị quan họp lại để tìm ra nguyên nhân. Sau khi dò xét, họ nhận thấy không có sai phạm gì ở nơi nhà vua hay hoàng gia khiến cả thành lâm vào nguy khó. Cuối cùng, họ đã nghĩ theo một chiều hướng khác. Đó là 'phước'. Có người đã lên tiếng: “Hình như đã có một vị Toàn giác xuất hiện trên thế gian này”. Họ tin rằng khi Đức Thế Tôn đến tại Vesālī giảng Pháp sẽ đem lại phước đức cho chúng sanh. Ngài vô cùng quyền năng và dũng mãnh. Toàn bộ tai nạn sẽ giảm thiểu sau khi Ngài xuất hiện. Tìm ra giải pháp, họ vui mừng đi tìm Ngài.
Lúc ấy, Đức Phật đang ở thành Rājagāha, nơi vua Bimbisāra trị vì. Khi những người Licchavi gặp được Thế Tôn, họ trình bày sự việc và thỉnh Ngài về thành. Ngài tập trung quán xét và nhận ra rằng: “Khi nào kinh Châu báu được công bố tại thành phố Vesālī thì an toàn sẽ lan rộng khắp thế giới và khi kết thúc công bố bài kinh đó sẽ có 84.000 sanh linh chứng đắc Pháp”. Thế rồi, Ngài đồng ý đến Vesālī.
Được sự hộ tống của đoàn tùy tùng vua Bimbisāra, Đức Phật cùng 500 ngàn vị tỳ khưu từ thành Rājagāha đến bờ sông Hằng sau 5 ngày đi đường bộ. Trên đường đi, Tăng đoàn nhận được sự tiếp rước, cúng dường long trọng của người dân địa phương, của chư Thiên các cõi, của Kambala và cả Long vương Naga Assanta. Tại sông Hằng, Ngài cùng các vị tỳ khưu lên tàu để đến thành của những người Licchavi bằng đường thủy. Khi tăng đoàn vừa đến biên giới thành Vesālī, trời bắt đầu đổ mưa to xuống khắp 4 phương thiên hạ. Khi Thế Tôn vừa đặt chân xuống bờ sông thì một trận mưa hoa sen đổ xuống. Tất cả các xác chết được cuốn trôi xuống sông cho đến khi mặt đất được sạch sẽ. Đức Phật tiến vào thành, chư Thiên các nơi cũng tiến vào thành. Với uy lực của Ngài, tăng chúng và chư Thiên khiến phi nhân sợ hãi bỏ chạy. Dừng lại nơi cổng thành, Đức Phật nói với Đại đức Ānanda: “Hỡi Ānanda, hãy lắng nghe kinh Châu báu này, và cùng với các vị hoàng tử Licchavi hãy thực hiện một nghi lễ cầu an trong cuộc rước quanh trong khoảng cách 3 vòng tường thành”. Và rồi Ngài công bố kinh Châu báu. Sau khi học bài kinh, Đại đức Ānanda đã tụng lên bài kinh này như một nghi lễ cầu an. Đại đức đã đựng nước trong bát khất thực của Thế Tôn và rảy chung quanh thành phố. Sau khi Đại đức Ānanda tụng bài kinh Châu báu và thực hiện rảy nước khắp thành Vesālī, phi nhân bỏ đi, dịch bệnh tan biến. Và đương nhiên người dân sẽ bắt đầu lại những ngày lao động để có thực phẩm.
Đó là câu chuyện về nạn tam tai của Vesālī. Ai muốn tìm hiểu kỹ hơn hãy đọc Chú giải Tiểu tụng, phần Kinh Châu báu (dịch giả: TK Siêu Minh).
Mỗi người chúng ta không đủ khả năng như Đại đức Ānanda, lại càng không đủ uy lực như Đức Phật Gotama. Chúng ta chỉ có chút lòng từ để rải khắp nhà, khắp xóm. Vậy thì mỗi người một chút cộng lại sẽ thành nhiều chút mà lan rộng khắp quận, khắp thành phố, thậm chí khắp cả nước. Chúng ta rải lòng từ chứ đừng rải nước miếng mà lây nhiễm lung tung. Ngậm miệng lại, bớt nói, sẽ tránh được cô 19.
http://phatgiaonguyenthuy.com/blog/kinh-tung/page-3.html

FB: Minh Hà

 

Bình luận
| Mới nhất