Ngọn đèn đất Vĩnh

Ở sư lúc nào cũng chỉ thấy nụ cười. Sư đi, sư đứng, sư ngồi, sư nói… trong bất cứ oai nghi nào nụ cười tươi tắn cũng sáng ngời trên gương mặt sư, giòn tan trong giọng nói, trong lời răn dạy và rạng ngời ngay cả khi cơ thể héo mòn vì hóa trị.

NGỌN ĐÈN ĐẤT VĨNH

Ngày Đức Phật Niết bàn, các cây sālā song thọ tự nhiên trổ hoa trái mùa tràn đầy cành lá, những đóa hoa này rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường. Những thiên hoa Mandārava từ trên hư không rơi xuống, rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường. Bột trời chiên đàn từ trên hư không rơi xuống, rơi lên, gieo khắp và tung vãi trên thân Như Lai để cúng dường. Nhạc trời trên hư không trổi dậy để cúng dường Như Lai. Thiên ca trên hư không vang lên để cúng dường Như Lai. Còn những vị tỷ kheo chưa giải thoát khỏi tham ái, những chư thiên có tâm thế tục và người dân Mallā “khóc than với đầu bù tóc rối, khóc than với cánh tay duỗi cao, khóc than thân bổ nhoài dưới đất, lăn lộn qua lại…”

Buổi chiều ngày 21 tháng 7, năm 2018, khi nghe tin sư ra đi, con ước chi mình có thể khóc than với đầu bù tóc rối, nước mắt đầy mặt, lăn lộn thở than nhưng con không khóc được. Nước mắt hình như đông lại, quyện thành một khối nghẹn cứng giữa tim. Cái cảm giác nghèn nghẹn cứ kéo dài, nhất là mỗi khi nhìn thấy môi cười của sư trên trang cáo phó, qua những giòng mực phân ưu, hay qua những bài giảng sau cùng của sư. Ở sư lúc nào cũng chỉ thấy nụ cười. Sư đi, sư đứng, sư ngồi, sư nói… trong bất cứ oai nghi nào nụ cười tươi tắn cũng sáng ngời trên gương mặt sư, giòn tan trong giọng nói, trong lời răn dạy và rạng ngời ngay cả khi cơ thể héo mòn vì hóa trị.

Hôm nay, thất đầu của sư,  khi những giòng thơ thương tiếc sư của chư Tăng và Phật tử đã nguội dần, khi những giọt lệ đã tạm khô trên đôi mắt mọi người con mới có thể tĩnh tâm ngồi trải lòng mình với một vị Thầy con hằng thương kính. Mỗi người đều có một sự thương kính riêng đối với sư nhưng ở con lòng thương kính đó không chỉ của riêng mình mà còn chứa chan trong gia đình bé nhỏ của bà giáo Chương. Chúng con, những người con may mắn được mẹ hiền dẫn dắt vào con đường chánh pháp của Phật giáo Nam Tông, được học hỏi giáo pháp chánh truyền từ nơi những vị trưởng lão như Ngài Hoà Thượng Thiện Luật, Ngài Hòa Thượng Kim Triệu, Ngài Hộ Giác … nhưng sư, một vị Tăng tài trẻ, đã rọi đến chúng con một ngọn đèn giáo pháp mới mẻ, cuốn hút chúng con vào đạo lộ mà không cảm thấy bị gò bó bởi những quy luật cổ truyền. Tu tập với sư chúng con luôn luôn cảm nhận một sự thong dong, tự tại trong chừng mực như con diều dù bay bổng trong bầu trời cao vẫn còn được nhắc nhở của một sợi dây mềm mại.

Xa quê hương đã lâu, con chỉ biết đến sư Thiện Minh hay sư Sáu, qua người thân ở Việt Nam. Do sự nối kết của chị em và của đường truyền Internet, gần 20 năm trước đây con được sư đặt cho pháp danh Như Quang. Sinh hoạt với các chùa ngoại quốc tại Canada, con được chư Tăng các nước đặt cho nhiều pháp danh như Sumanā, Suñāna, Dāna … nhưng cái tên Như Quang gắn bó với con trong nhiều năm như nhắc về một nhà sư trẻ đã khai sanh cho mình, đã truyền trao cho mình một chút ánh sáng chân như. Trong khi sư ban cho con một pháp danh khá mỹ miều, dễ nghe, dễ nhớ, thì người chị của con lại được sư đặt cho một “nick name” vô cùng đời thường là “Cô Chín cô đơn” vì chị khi đi chùa chỉ biết có việc đi chùa, lễ bái Tam bảo, tụng kinh, nghe pháp … xong là ra về, không trò chuyện, tán gẫu với ai, nhất là không trò chuyện riêng với chư Tăng. Tuy không phải là một pháp danh ấn tượng nhưng chị hài lòng với sự định danh của sư vì cái tên này nói lên đúng cá tính của chị. Cũng chính sư đã tạo thuận duyên cho người em rể của con được đi hành thiền tại Miến Điện để rồi sau đó trở thành một nhà sư chuyên về pháp hành. Và trước khi sư ra đi, trong những ngày chống chỏi với bệnh tật, sư đã từ bi làm Thầy tế độ cho cô em Út của con trở thành cô tu nữ Quang Thức. Cô đã có cái may mắn được làm người đệ tử của sư. Đau đớn thay ngày Thầy mình ra đi cô đã không có đủ duyên lành về chít lên đầu một mảnh khăn tang vàng tưởng nhớ. Dù con và cô tu nữ Quang Thức không đủ duyên lành để chít khăn tang trong ngày đại tang nhưng Cô Chín cô đơn cũng đã thỉnh dùm chúng con mảnh khăn vàng để tưởng nhớ về sư. Tang phụ mẫu là đại tang nhưng tang Thầy dạy cho mình pháp bất tử cũng là đại tang.

Cũng nhân ngày thất đầu của sư, tổ đình Bửu Quang đã làm lễ dâng y tắm mưa chuẩn bị cho mùa an cư kiết hạ. Mùa an cư năm nay sẽ thiếu vắng sư vì sư đã vĩnh viễn về nhập thất tại cổ lầu Thiền viện Thiện Minh để hưởng sự an lành bên giòng Cổ Chiên thơ mộng. Đất Vĩnh của một thời làm cô giáo tỉnh lẻ của con giờ đây có thêm một địa danh, một chốn động tâm: Long Hồ. Những người dân đất Vĩnh giờ đây có một niềm tự hào về vùng đất đã sản sanh một vị Tăng tài, một ngọn đèn rực rỡ đã vụt tắt khi chưa tròn nửa kiếp nhân sinh. Điều kỳ diệu là ngọn đèn này trước khi tắt đã lưu lại ánh sáng cho vô lượng ngọn đèn khác trong nước cũng như ngoài nước để cùng tỏa sáng trong bầu trời Phật giáo Nam Tông. Và con cũng đủ duyên may nhận được chút ánh sáng từ ngọn đèn đất Vĩnh cháy mãi trong tên gọi Như Quang. Có lẻ con sẽ không có cơ hội đến đảnh lễ tháp thờ sư cũng như không còn dịp trở lại tổ đình Bửu Quang nơi gần 20 năm trước lần đầu tiên con đến đảnh lễ sư và đứng hầu quạt sư trong một buổi trưa hè nóng bức nhưng tất cả những thiện pháp con tạo được con đều luôn tưởng nhớ, hồi hướng đến sư. Do lời chân thật này nguyện sư được thành tựu những ước nguyện nào mà sư đã dưỡng nuôi.

Sadhu! Sadhu! Sadhu!

Như Quang (Canada)

(27/07/2018)

Bình luận
| Mới nhất