Xuân Mậu Tuất nói về loài chó

TT Thiện Minh giảng ngày mùng 1 tết Mậu Tuất (16/2/2018) tại tổ đình Bửu Quang.

Kính thưa toàn thể đại chúng, hôm nay là ngày mùng 1 tết năm Mậu Tuất 2018. Cũng như hằng năm, vào ngày này, gia đình của tu nữ Quang Chánh và gia đình cô Huỳnh Thiện Nhân thiết lễ trai tăng cúng dường đến chư đại đức tăng. Và chùa cũng có lễ đặt bát hội đến tăng ni tại bổn tự. Và trong đại lễ hôm nay cũng là ngày lễ mùng 1 tết thì các Phật tử ở xung quang chùa Bửu Quang đến để thắp hương, lạy Phật và cầu nguyện dịp đầu năm. Trong dịp này, chúng tôi cũng có thời pháp thoại ngắn gửi đến cho toàn thể Tăng, Ni và Phật tử xem như là món quà lì xì đầu năm. Năm nay là năm Mậu Tuất, là năm con chó cho nên chúng tôi nói về con chó. 
Đặc tính của con chó là trung thành với chủ và ngủ thì rất tỉnh thức. Người ta nói muốn sống lâu thì đi như gà, ngủ như chó. Đi như gà là khoan thai, không vội vã, ngủ như chó là ngủ tỉnh thức. Chó phải canh ăn trộm nên ngủ nhiều quá không được. Cho nên quý vị thấy con chó đang ngủ mà nghe tiếng động thì thức liền. Trong những bộ kinh mà nói về con chó, như trong Kinh Nhật Tụng của HT Hộ Tông nói Đức Phật Thích Ca có tuổi Tuất. Và trong kinh Pháp Cú có đề cập đến một câu chuyện mà nó liên quan đến con chó đó là một hôm, Đức Phật đi ngang qua nhà ông bá hộ thì có một con chó chạy ra sủa. Đức Phật nói: Mi ngày xưa là bá hộ, mi keo kiệt, bỏn xẻn, rồi bây giờ do keo kiệt bỏn xẻn nên trước khi chết luyến tiếc của cải, do nhiều quá, sanh làm chó giữ của cải, không biết ăn năn hối cải mà còn sủa Như Lai. Con chó nghe xong tỉnh thức, vô nhà nằm buồn rầu ủ rủ. Ông bá hộ con thấy con chó hồi xưa giờ năng động, siêng năng, người lạ đến thì sủa mà hồi sáng ông Sa-môn Cồ Đàm nói gì mà giờ nó im lặng. Ông bá hộ con đến chùa Kỳ Viên gặp Đức Phật hỏi: lúc sáng, Ngài đi qua nhà con nói gì mà giờ nó không ăn, không sủa. Đức Phật kể lại ngày xưa con chó này chính là cha ổng. Ông ta có tài sản nhiều nhưng lại có tâm bỏn xẻn, thậm chí ăn không dám ăn, bỏn xẻn với người xung quanh, ích kỷ với con cháu nên tài sản dư nhiều quá, sợ mất, tiếc nuối nên chết sanh làm chó. Và khi ông chết, ông có để lại một kho vàng chôn ở dưới giường ông ta nên con chó này hay ngủ dưới giường. Ông bá hộ con nghe vậy, về đào giường lên thì quả thật thấy vàng. Thời gian sau, con chó chết, rồi sanh thiên. Sanh thiên vì khi nó nghe Đức Phật nói ‘do tâm ông bỏn xẻn, không rộng lượng nên chết sanh làm chó, giờ lại ở lại giữ kho vàng nên cứ sủa quanh năm suốt tháng’, cho nên chó ngộ. Vì hoan hỷ lời Đức Phật giáo giới dạy như vậy nên chết sanh thiên. Qua câu chuyện đó dạy cho chúng ta một bài học là cuộc sống chúng ta có quỹ thời gian không nhiều, mỗi người chúng ta già, chết, bịnh kề bên nên người Phật tử ta phải hối hả làm việc thiện, hối hả tu tâm dưỡng tánh, hối hả làm việc lành. Tất cả những gì chúng ta có, đến lúc 100 tuổi cũng bỏ lại tất cả, không đem theo được gì ngoài việc thiện và ác. Nếu chúng ta làm nhiều việc thiện thì sanh làm chư thiên, làm người. Nếu chúng ta làm nhiều việc ác thì sa đọa khổ cảnh. 
Trong cuộc sống, mỗi người chúng ta đều hướng về Phật, hiểu được lời Phật dạy để chúng ta làm nhiều việc lành để mang theo trong đời này và trong đời sau. Nếu trong cuộc sống này, chúng ta cứ giận hờn, ích kỷ, nhỏ mọn, tật đố, kiêu căng thì chúng ta sẽ chuốc lấy đau khổ. Vì thời gian chúng ta không còn nhiều nên chúng ta phải tu tâm dưỡng tánh. Và Đức Phật dạy là già, bịnh, chết luôn kề một bên của chúng ta. Cho nên chúng ta phải hối hả làm việc lành, hối hả hành thiền, hối hả niệm Phật, hối hả tu tâm dưỡng tánh. Nếu chúng ta sống mà cứ giữ tâm tật đố, bỏn xẻn, tham lam, ích kỷ thì sẽ chuốc lấy đau khổ.
Hôm nay, mùng 1 tết, tất cả quý vị đến tổ đình Bửu Quang cầu nguyện, nghe kinh, cầu mong 365 ngày tới được hanh thông, may mắn, sẽ được nhiều điều tốt lành đến mình. Đức Phật dạy các pháp hữu vi đều vô thường. Đức Phật dạy mình phải quán chiếu trong cuộc sống này có sự già, bịnh và chết. Cho nên, nếu mình không quán chiếu già, bịnh, chết thì tâm hằng ngày chúng ta sẽ nóng nảy, bực tức, lo âu, buồn rầu. Nếu thấy có bịnh, có già, có chết thì đó là chuyện bình thường vì tất cả chúng ta đều phải hứng chịu. Đó cũng là quy luật sống trong cuộc sống này. Nếu chúng ta không quán chiếu vậy thì tâm chúng ta sẽ không có buông bỏ. Mình niệm già, bịnh, chết thì có nóng giận ai, hay người khác làm cho mình bực tức thì mình cũng có thể buông bỏ, tha thứ. Cuộc sống chúng ta lấy chung thủy, tin tưởng và tha thứ làm chất liệu. Chúng ta không có tha thứ lẫn nhau thì chúng ta sẽ đau khổ. Hằng ngày, chúng ta chấp vào lời nói thị phi, chấp vào sự bực tức, chấp vào những người xung quanh sẽ làm mình đau khổ. Cho nên có câu: 
Bớt đi lời nói thị phi
Bớt đi tội lỗi sân si đau buồn
Thêm câu niệm Phật nhiều hơn
Niết-bàn thêm lớn tâm hồn thêm vui.
Đối với những lời nói thị phi, chúng ta phải buông bỏ. Hằng ngày, chúng ta đau khổ vì tâm chúng ta, lời nói chúng ta đem lại thị phi, bực tức cho người xung quanh. Cho nên, chúng ta bớt đi vì nó không cần thiết. Mình phải niệm Phật nhiều, ngồi thiền nhiều, làm thiện nhiều thì sẽ giúp con người hân hoan. Trong cuộc sống, Đức Phật dạy nhận thức và tư duy của chúng ta phải quán sát và quán chiếu. Tâm chúng ta phải hay biết khi nào tâm chúng ta tham. Khi nào sân, khi nào si thì mình phải hay biết vì phiền não thị phi làm chúng ta đau khổ.
Tất cả quý vị đến đây, ai cũng mặc áo đẹp, tư tưởng tốt, nhận thức mới nên dịp đầu xuân đi chùa cầu nguyện để gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Và mình cũng đi chùa lạy Phật để mọi việc được hanh thông trong 365 ngày. Đức Phật cũng dạy người Phật tử trong dịp đầu năm là mình phải làm điều phước thiện, điều lành như bố thí. Cho nên hôm nay quý vị đến chùa đặt bát cho chư tăng nhằm mục đích gieo duyên lành với Phật pháp, đi chùa lễ Phật đầu năm tạo công đức. Đức Phật dạy khi người làm bố thí có tâm phát nguyện đại tâm bố thí thì phước sẽ trổ. Cách đây hai hôm, chúng tôi có ghé thăm HT Thích Trí Quảng chúc tết. Hòa thượng có nói một chuyện mà chúng tôi tâm đắc. Khi xin phục hồi Việt Nam Quốc Tự phải xin khu đất rất khó khăn, rồi xin đất được lại lo không biết làm sao có tiền để xây dựng. Nhưng Hòa thượng nói là do chí nguyện của mình quyết tâm, và do tâm mình quá lớn nên có một Phật tử đại gia phát tâm 100 tỷ để xây lại và vận động hai mươi mấy quận huyện để toàn tâm xây dựng. Nhờ vậy, quý vị thấy xây chưa đầy một năm đã hoàn thiện một cơ sở lớn của giáo hội. Nhiều khi mình làm Phật sự không sợ không có tiền mà sợ cái tâm mình có lớn mạnh hay không, có quyết tâm thực hiện hay không. Cuộc sống mình cũng vậy, tâm lực phải lớn, càng bố thí chừng nào thì phước báu nhiều chừng nấy. Có nhiều người quan niệm bố thí thì sẽ hết nhưng không biết là càng bố thì thì phước càng lớn, tâm càng rộng. Cho nên mình phát đại tâm, nguyện bố thí, nguyện cúng dường thì phước báo vô lượng vô biên. Quý vị đi chùa đầu năm để cầu nguyện, để làm phước, làm lành, bố thí để tạo phước duyên cho gia đình chúng ta. Cha mẹ bịnh, thầy tổ bịnh và cuộc sống ta bấp bênh nên trong dịp đầu năm này, quý vị đến chùa làm phước, bố thí, đặt bát cúng dường thì phước sẽ gia hộ cho chúng ta. Đức Phật dạy: ‘phước là nơi nương nhờ của tất cả chúng sinh’ nên mỗi người chúng ta phải tạo phước. Tạo phước ở đây không phải mình bỏ tiền ra làm phước bố thí thì mới là tạo phước. Có rất nhiều việc có thể tạo được phước. Chúng ta ngồi niệm Phật cũng sanh phước, ngồi tham thiền cũng sanh phước. Chúng ta đặt bát cúng dường cũng sanh phước. Chúng ta có hiếu với cha mẹ cũng là sanh phước. Hay chúng ta vào chùa thấy chỗ nào không được sạch sẽ mà mình dọn dẹp lau chùi thì cũng sanh phước. Hay mình thấy chỗ nào chưa thuận lợi mà sang sửa thì cũng tạo phước. Chúng ta vào chùa quỳ xuống đảnh lễ Phật ba lạy cũng sanh phước cung kính. Chúng ta thấy vị sư, chắp tay cung kính đảnh lễ cũng là phước cung kính. Rồi quý vị vào chùa, chư tăng truyền cho mình 5 giới và mình giữ giới thì xem như có phước giữ giới. Cho nên, mình đi chùa thì dễ phát sanh phước. Có mười công đức: bố thí, trì giới, tu thiền, cung kính, phục vụ, nghe pháp, thuyết pháp, cải tạo tri kiến, hồi hướng, tùy hỷ. Chúng tôi ngồi đây thuyết pháp cho quý vị nghe cũng là phước. Quý vị ngồi với tâm cung kính, thành kính lắng nghe pháp mà một câu kinh, một bài tuyết pháp, một câu Phật ngôn mà mình nghe cảm thấy thích thú, hoan hỷ và thực hành theo thì cũng có phước gọi là phước nghe pháp. Con người chúng ta tu tâm dưỡng tánh là phải thay đổi tâm tánh của chúng ta. Nếu trường hợp tu tâm dưỡng tánh mà mình không thay đổi được tâm tánh thì không bao giờ thay đổi được con người của mình. Mình muốn thay đổi được tâm tánh thì phải chuyển hóa, thì phải đọc kinh, nghe pháp. Và từ đó mình nhận thức được, thay đổi được, hoán chuyển được thì con người mình mới thăng hoa.
Hôm nay mùng 1 tết, chúng tôi đại diện chư tăng có thời pháp thoại đầu năm. Nhân dịp đầu năm chúng tôi cũng kính chúc đến toàn thể Tăng, ni, Phật tử một mùa xuân Mậu Tuất 2018 hoan hỷ, vui vẻ, và có nhiều việc hanh thông trong cuộc sống, gia đình hạnh phúc, luôn hưởng được bốn pháp chúc mừng trong Phật giáo là sống lâu, sắc đẹp, an vui, sức mạnh và có trí tuệ sáng suốt.
Nam mô Phật, Pháp, Tăng Tam bảo.

Bình luận
| Mới nhất