Phật giáo-Một sự nghiệp tinh thần của người Việt Nam
Phỏng dịch bài pháp của Đại Đức NARADA Maha Thera thuyết tại Kỳ Viên Tự
Đức Phật GOTAMA, vị Thuỷ Tổ của Phật Giáo, ra đời tại xứ Ấn Độ năm 623, trước Dương lịch. Sau 45 năm khai đạo hoằng pháp, Ngài nhập Niết Bàn năm 543.
Thủ tướng NEHRU thường nhắc đi lập lại rằng Đức Phật là người con cao quý nhất của xứ Ấn Độ.
Để tỏ lòng sùng kính Đức Phật, SRI RADHAKRISHNA viết: “Nơi Đức Phật GOTAMA ta nhận thấy một tinh hoa toàn thiện của người Đông Phương. Ảnh hưởng Ngài trong tư tưởng và đời sống nhân loại là một kỳ công hy hữu, không thua kém ảnh hưởng của vị Giáo chủ nào trong lịch sử. Mọi người đều sùng kính, tôn Ngài là một bậc vĩ nhân đã dựng nên một hệ thống tôn giáo vô cùng sâu sắc. Ngài là một nhân vật tối cao của lịch sử tư tưởng thế giới, một cộng đồng di sản dành cho các bậc thiện hữu trí thức và hẳn thật là một Đấng Thánh nhân tối thượng của lịch sử.”
Trong quyển “Ba bậc Vĩ nhân cao quý nhất của nhân loại”, nhà học giả H. G. VELLS viết: “Đức Phật là nhân vật giản dị, có tâm đạo nhiệt thành, tự lực phát huy ánh sáng tươi đẹp, một con người như mọi người, không phải một nhân vật thần thoại ẩn hiện trong nhiều truyện thuyết hoang đường, như người đời thường hay lầm tưởng, tôi chỉ thấy Ngài là một con người. Như bao nhiêu vị Giáo chủ khác, Đức Phật cũng lưu truyền một nền đạo pháp, một hệ thống giáo lý rộng rãi, rất thích hợp với toàn thể nhân loại. Bao nhiêu quan niệm của thế hệ tân thời đều tương hợp với giáo lý ấy. Đức Phật dạy rằng tất cả những gian lao sầu khổ của chúng sinh là do lòng ích kỷ sanh ra, nên Ngài nhất định sống cho kẻ khác. Từ đó Ngài sống một cuộc đời siêu nhân, vượt lên trên tất cả mọi người. Xuyên qua nhiều ngôn ngữ khác nhau, năm trăm năm trước Gia-Tô, Ngài đã khuyên nhân loại lấy đức TỪ - BI - HỈ - XẢ đối đãi với nhau. Đứng về một phương diện, ta có thể cho rằng giữa ta, là người Âu, với những nhu cầu của tâm trí ta, và Đức Phật, có nhiều quan điểm gần nhau. Đối với đời sống thực tại của ta, cũng như đối với học thuyết trường tồn bất hoại của kiếp nhân sinh, Đức Phật đã tỏ ra sáng suốt, không lúng túng, không quanh quẩn trong biện thuyết mập mờ”.
Một triết học gia Đan Mạch, Ông FAUSBOLL có nói rằng : “Càng hiểu Đức Phật, tôi càng yêu mến Ngài; càng yêu mến Ngài, tôi càng hiểu Ngài.”.
Đức Phật khởi đầu sứ mạng lịch sử của Ngài với năm vị đệ tử.
Với ý chí cương quyết, trí tuệ viên thông, đức từ bi vô lượng, lòng bác ái vô biên, tinh thần duy tha phục vụ, với tư cách thoát tục hy hữu, khi Ngài rời bỏ cuộc đời vương giả để bước chân trên đường đạo hạnh, với đức độ trọn lành, tâm lực thanh tịnh, với những phương pháp gương mẫu áp dụng trong sự hoằng dương giáo lý và sự thành công của Ngài, với bao nhiêu đức tính tốt đẹp ấy, Đức Phật đã được một phần năm nhân loại ngày nay tôn trọng như một Đấng Giáo chủ tối thượng.
Mặc dầu hơn 2.500 năm đã trôi qua từ khi Đức Phật nhập Niết Bàn, giáo pháp cao siêu của Ngài vẫn hoàn toàn được bảo tồn nguyên vẹn trong các quốc gia Phật Giáo. Năm 83 trước D.L. nhiều vị A la hán đã kết tập và bắt đầu ghi chép ra Ba Tạng (Tipitaka) những lời kim ngôn của Ngài đã truyền dạy khi còn tại tiền. Ba Tạng Kinh ấy được toàn vẹn lưu truyền đến nay, và nếu kể về lượng, ước độ bằng mười một lần quyển Thánh Thư Cựu Ước.
Chính giáo pháp cao siêu ấy của Đức Phật, phối hợp với Nho giáo, đã góp phần cương lĩnh lớn lao trong sự phát triển nền văn hoá Việt Nam. Thật vậy, cũng như bao nhiêu quốc gia Phật Giáo khác trong cõi Á Đông, dân tộc Việt Nam đã trưởng thành dưới bóng từ bi của Đức Phật.
Vậy bổn phận của chúng ta ngày nay là phải tiếp tục duy trì nền Phật Giáo nước nhà, như một di sản tinh thần của tổ tiên đã dày công xây dựng, hầu gìn giữ cho nguyên vẹn và đượm nhuần bầu tư tưởng từ bi bác ái và khuếch trương tinh thần cố hữu tương thân tương ái.
Cho được toại nguyện, ta nên thực hành giáo lý của Đức Phật theo đường lối thực tiễn, không căn cứ trên những thuyết học thần quyền mà luôn luôn chủ trương áp dụng kinh nghiệm.
Ta có thể xác nhận rằng nền văn hoá của các xứ Phật Giáo Á Đông được phát triển mạnh mẽ, là nhờ ảnh hưởng tốt đẹp của Phật pháp.
Ông RUSSEL cũng có nói : “Trong các đại tôn giáo trên hoàn cầu, tôi chọn Phật Giáo ...”. Một lúc khác, ông viết rằng : Hiện giờ tôi không theo một tôn giáo nào, nhưng vạn nhứt, nếu tôi phải theo một tôn giáo, tôi sẽ chọn Phật Giáo.
Phật Giáo thích hợp với tất cả mọi người. Có thể nói rằng trong Phật Giáo có sữa cho các trẻ em và cũng có thức ăn đầy đủ cho người lớn; có những giáo lý đơn giản cho người kém học mà cũng có những triết lý uyên thâm cho hàng trí thức.
Đã nói rằng Phật Giáo nước nhà là một di sản tinh thần của tổ tiên lưu truyền cho đoàn hậu tấn Hồng Lạc, vậy Phật Giáo là gì?
Phật Giáo là một hệ thống triết học, đạo đức chủ trương hoà bình, khoan hồng đại độ và xây dựng nền tảng trên lý trí. Phật Giáo không đòi hỏi một đức tin mù quáng, không đặt ra những tín điều để bắt buộc con người phải nhắm mắt tin theo. Phật Giáo không dạy những tín ngưỡng dị đoan, không khuyến khích những việc cúng tế cầu khẩn, không nhìn nhận một tha lực nào, dầu người hay thần thánh, có quyền xá tội ban phước cho ai. Trái lại Phật Giáo chỉ dẫn cho những người vui lòng nghe theo, một phương pháp quý báu để tự tạo những tư tưởng trong sạch, hầu tiến tới chỗ hoàn toàn trong sạch, chỗ phát sanh trí tuệ siêu việt và sau cùng giải thoát khỏi vòng luân hồi khổ não.
Phật Giáo không phải là một hệ thống chủ trương tôn sùng một Đấng Thiêng liêng nào. Trong Phật Giáo, đức tin mù mờ được thay thế bằng một niềm tin tưởng căn cứ trên suy luận xác lý. Niềm tin tưởng mà người Phật tử thành kính đặt nơi Đức Phật chẳng khác nào niềm tin tưởng của một bịnh nhân đối với vị bác sĩ, của trò đối với thầy. Đã nương tựa dưới bóng của Đức Phật và sùng kính Ngài như Đấng Tôn Sư vô thượng, hướng dẫn trên con đường duy nhất đến nơi hoàn toàn sáng suốt, người Phật tử chẳng hề bó tay qui hàng, chịu làm nô lệ cho một lý thuyết nào và luôn luôn dùng lý trí suy xét để phân biệt chánh tà. Người Phật tử chân chánh không bao giờ nghĩ rằng chỉ cần phải đặt đức tin nơi Đức Phật mà được trở nên trong sạch sáng suốt. Trong sạch, sáng suốt hay không là tuỳ nơi ta, do nơi ta thôi. Người Phật tử không làm nô lệ cho một quyển sách hoặc một nhân vật nào, và khi bước theo dấu chân Đức Phật họ vẫn giữ trọn quyền tự do tư tưởng cho đến khi chính họ trở thành một vị Phật, bởi mỗi người đã sẵn có trong tâm một khả năng chứng đạt quả vị Phật. Người Phật tử hoàn toàn tự do rèn đúc ý chí và phát triển trí tuệ mình.
Đối với những người muốn tìm chân lý, Đức Phật thường khuyên chẳng nên chấp nhận một điều nào, chỉ vì điều ấy do một nhân vật quan trọng hoặc có uy quyền đề xướng, mà phải luôn luôn dùng lý trí xét đoán, để phân biệt chân giả, chánh tà, rồi mới quyết định phải tin theo cùng không.
Điều quan trọng đệ nhứt của Phật Giáo là đặt tất cả sự hiểu biết trên lý trí và khi nhận thức được lẽ phải thì mau mau đem ra thực hành.
Mặc dầu người Phật tử luôn luôn nghiêm trì đạo hạnh đúng theo tinh thần đạo giáo mình và xem đó là hoàn toàn hợp lý và cao đẹp hơn đường lối khác, nhưng vẫn trung thành với tôn chỉ Phật Giáo, họ chẳng hề bài xích việc thờ phượng, lễ bái, khẩn cầu. Đối với hạng người kém học thức, lòng tin tưởng nượng tựa nơi vật hữu hình và nghi thức bề ngoài sẽ làm dịu bớt phần nào sự khô khan của lý trí. Trong Phật Giáo có phần dạy về luân lý đơn giản, dễ hiểu cho quãng đại quần chúng mà cũng có phần cao siêu cho hàng trí thức bồi đắp nền văn hoá cho thêm phong phú.
Du khách đến viếng một cảnh chùa ở Á Châu, nếu không kịp quan sát kỹ càng, có thể có những cảm tưởng sai lạc và cho rằng Phật Giáo chỉ gồm những nghi thức lễ bái, hoặc là một lối sống dị đoan theo tập tục thờ phượng sùng kính những tượng đá, hình nộm, lầu kho, cây cối, v.v..
Thật ra, đã chủ trương khoan hồng quãng đại, Phật Giáo không hoàn toàn bác bỏ những hình thức bề ngoài vì nó cần thiết cho đại chúng. Không cần phải tìm hiểu đâu xa, trong mỗi buổi lễ thường ở các chùa, chỉ nhìn dáng điệu tín đồ thành tâm tôn kính Đức Phật với niềm tin tưởng bộc lộ trên gương mặt, ta cũng có thể đoán được họ sẽ thất vọng, nếu họ không được trải lòng ra trong những nghi thức cụ thể ấy. Cũng nhờ lễ bái cúng dường mà đức tin của họ bền vững hơn.
Khi khấu đầu chiêm bái một tượng Phật, người Phật tử chân chánh thành kính ngưỡng vọng tinh thần siêu việt của Đức Phật mà tượng ấy chỉ là một tượng trưng thôi, và chẳng hề khấn vái, cầu xin một ân huệ tinh thần hay vật chất nào. Trước pho tượng, người Phật tử cảm tưởng mình đương quỳ trước mặt Đức Phật, đương chiêm ngưỡng ân đức cao dày quý báu của Đức Phật, hoài tưởng đến gương sáng của Ngài và lấy đó làm mục tiêu cứu cánh mà mình phải quyết tâm tiến đạt cho kỳ được.
Bá tước KAISERLING, một tư tưởng gia trứ danh Đức quốc có viết : Trên đời, tôi chưa từng thấy cái chi vĩ đại và hiền minh bằng chân dung của Đức Phật. Thật triệt để là một thần thể tính toàn thiện toàn mỹ được cụ thể hoá trong giới hữu hình.
Cây bồ đề tượng trưng sự giác ngộ.
« « «
Đức Phật không mong được lễ bái cúng dường, trái lại Ngài tha thiết ước ao các tín đồ đem giáo lý của Ngài ra thực hành. Đã có lần Ngài nói rằng người đệ tử tốt nhứt của Ngài không phải là người tôn sùng bản thân Ngài, mà là người hành đúng theo lời chỉ dạy của Ngài.
Ta có thể thực hành giáo lý của Đức Phật mà khỏi phải khép mình trong hình thức nghi lễ bề ngoài. Trong Tam Tạng không thấy chỗ nào dạy phải cầu khẩn, van vái để xin một điều gì. Đức Phật thường khuyên ta nên tinh tấn chuyên trì thiền định, vì nhờ thiền định mà ta có thể chinh phục được bản thân để khép mình vào nếp sống có kỷ cương, tự kiểm soát lấy thâm tâm để dọn mình cho trong sạch. Cũng nhờ thiền định mà ta được giác ngộ hoàn toàn. Thiền định không phải là đặt mình vào một trạng thái mơ màng yên lặng, hoặc một tâm trạng rỗng không, mà lại là một cố gắng linh động tích cực. Thiền định là một phương dược tẩm bổ cho tâm lẫn trí, là phần tinh tuý của Phật Giáo. Thiền định cùng với ý chí phục vụ là hai đặc tính cụ thể của Phật Giáo.
Nhiều người, vì không thấu được tầm quan trọng của pháp Thiền định, quá vội vã cho rằng Phật Giáo là một tôn giáo tiêu cực và thụ động. Những lời phê bình vô căn cứ ấy trái hẳn với sự thật.
Đức Phật là nhà truyền giáo đầu tiên trên thế gian có những hành động cực kỳ tích cực và các đệ tử Ngài cũng đã noi gương Ngài. Không có nhứt hào dính túi, chư vị A la hán xưa kia cũng như các vị đệ tử trung thành hiện nay của Đức Phật đã nhẫn nại đi đây đi đó, cùng khắp phương trời xa lạ để hoằng dương Chánh Pháp và không hề mong được đền ơn đáp nghĩa.
“Hãy cố gắng, cố gắng lên, tích cực hoạt động”, đó là lời di chúc tối hậu của Đức Phật.
Ngài khuyên ta ba điều : “Không làm ác”, có nghĩa là làm thế nào cho ta khỏi phải là một gánh tội khổ cho ta và cho kẻ khác; “Hãy làm lành”, là làm thế nào cho ta trở thành một nguồn phước báu cho ta và cho kẻ khác; và sau cùng “Hãy giữ tâm luôn luôn trong sạch”, là một lời khuyên vô cùng khẩn yếu.
Một giáo lý như thế, có thể nào gọi là thụ động, tiêu cực chăng?
Các bậc xuất gia bị ràng buộc trong giới luật Tăng già, nhưng chỉ phải tích cực tuân hành trong phạm vi đạo hạnh mà thôi. Bên ngoài, hàng tại gia cư sĩ có thể phục vụ tôn giáo và quốc gia cùng toàn thể chúng sinh theo tôn chỉ hoà bình bác ái của Phật Giáo.
Giới luật trong Phật Giáo có quy định một lối sống cho các bậc xuất gia và một lối khác cho hàng tại gia. Nhưng theo một nhận thức khác, toàn thể Phật tử phải là những chiến sĩ can đảm. Người Phật tử cũng chiến đấu, nhưng không phải bằng súng đạn. Họ cũng chém giết sát hại, nhưng họ không chém giết sát hại những sanh linh vô tội, những đứa trẻ ngây thơ.
Người Phật tử chiến đấu với bản thân mình, vì chính con người của mình là kẻ thù nguy hiểm độc nhứt của mình. Tâm người là kẻ thù lợi hại nhứt mà cũng là người bạn tốt nhứt. Không dung túng cũng không mảy may mến tiếc, người Phật tử tiêu diệt, bứng xới tận gốc tất cả dục vọng đương chế ngự cõi lòng mình, và phương pháp hữu hiệu nhứt là vun trồng bồi đắp đức hạnh.
Trong hàng Phật tử, ai thích tranh đấu lẻ loi, được hoàn toàn tự do chọn lấy đời sống độc thân yên tịnh, để lặng lẽ diệt lần dục vọng của mình. Các bậc xuất gia xa lánh phồn hoa đô thị là một thí dụ. Đối với hạng người biết tri túc, đời sống cô độc quạnh hiu là một diễm phúc. Kẻ nào thích tìm thú vui trong sự chiến đấu của đời sống thế tục cũng có thể lãnh lấy trách nhiệm gánh vác quyền lợi nước nhà. Mục đích của họ là tạo một xã hội tốt đẹp, để mọi người chung sống trong hoà bình, trong tình huynh đệ, sống một đời sống của người công dân lý tưởng.
Phật Giáo ra đời không phải để cho con người phục vụ. Chính Phật Giáo đã đề khởi mục đích phục vụ con người.
« « «
Phật Giáo không dạy ta phải phục tùng sợ sệt một vị Thần linh nào. Phật Giáo không xác nhận thần quyền. Như vậy, là Phật tử, ta không lệ thuộc một thần lực nào ngoài ta, trên ta, có thể kiểm soát đời sống ta, và nắm trọn quyền thưởng phạt ta. Phật Giáo cũng không bao giờ hô hào rằng chỉ có mình nắm được chân lý. Phật Giáo cũng không bao giờ chống đối tôn giáo khác. Đức Phật đã nâng cao phẩm giá con người, thay vì đặt trên đầu con người một vị thần linh tối thượng.
Không chủ trương sợ sệt một thần lực huyền bí, Phật Giáo đặt nền tảng trên những sự kiện thực tế hằng ngày mà mọi người có thể chứng nghiệm và kiểm soát. Tứ Diệu Đế: Khổ, nhân sanh khổ, diệt nhân khổ và con đường diệt khổ là cốt tuỷ của Phật Giáo.
Đức Phật không lý trí hoá cái khổ, không đem cái khổ ra để phân tích, suy luận, giải thích. Ngài nhận cái khổ như một sự kiện sẵn có trong đời sống, rồi vạch ra con đường thoát khỏi đời sống, vượt ra ngoài vòng khổ. Và như vậy, ta thấy rằng Phật Giáo không bi quan cũng không lạc quan.
Ba chân lý đầu của Tứ Diệu Đế là phần triết lý. Chân lý thứ tư là phần thực hành, phần phương châm thực nghiệm triết lý ấy trong đời sống hằng ngày.
Ngoài Tứ Diệu Đế còn một học lý căn bản nữa là “Nghiệp báo và Tái sanh” liên quan mật thiết với nhau, mà ta có thể chứng minh được một cách hiển nhiên.
Nghiệp báo là luật nhân quả. Cái chi giống nhau thu hút lẫn nhau. Cái tốt sanh cái tốt; cái xấu sanh cái xấu. Đó là Nghiệp báo. Cũng như nước luôn luôn tìm mức quân bình của nó, nghiệp báo là một định luật, theo đó, một nhân như thế nào, nhứt định phải sanh ra một quả như thế ấy. Nghiệp báo không phải là một hình thức thưởng phạt, mà là một sự biến chuyển tự nhiên của nhân ra quả, cũng như khi ta gieo lúa thì ta sẽ gặt lúa, trong kiếp nầy hoặc trong một kiếp sau và ta chỉ gặt giống nào ta đã gieo. Nhờ định luật nghiệp báo mà ta giải thích được các vấn đề phiền não, đau khổ và những điều khó hiểu khác, mà vài hệ thống tín ngưỡng gọi là số mạng hoặc tiền định. Cũng nhờ nghiệp báo mà ta giải thích được những sự chênh lệch giữa loài người.
Tái sanh nối tiếp theo nghiệp báo.
Chính nghiệp báo là cái hợp thành lực của mọi hành động tạo điều kiện cho tái sanh. Tiền nghiệp tạo điều kiện cho kiếp sống hiện tại. Hiện nghiệp, phối hợp với tiền nghiệp, tạo điều kiện cho kiếp sống vị lai. Hiện tại, con đẻ của quá khứ, lại trở thành mẹ sinh của vị lai.
Nên nhấn mạnh rằng Nghiệp báo và Tái sanh không giống thuyết đầu thai hoặc thuyết thay hồn đổi xác của vài tín ngưỡng, bởi Phật Giáo phủ nhận thuyết chuyển kiếp của một linh hồn trường tồn bất biến. Thay vì một linh hồn trường cửu, Phật Giáo chỉ nhìn nhận có một nghiệp lực diễn tiến, hoặc sự nối tiếp liên tục của một thác hiện tượng tinh thần vật lý.
« « «
Nhà học giả T. H. HUXLEY viết : Phật Giáo là một hệ thống tín ngưỡng không tin có thần linh theo định nghĩa của Tây Phương, phủ nhận học thuyết chủ trương có linh hồn, coi sự trường tồn bất hoại của linh hồn là một ý niệm sai lạc, không tin rằng sự khấn vái, cầu khẩn, sự tế lễ, cúng bái có thể đem lại một lợi ích nào và khuyên con người không nên tin nơi nào khác hơn là tin nơi mình, nơi sự cố gắng của chính mình, để tiến đến mục tiêu cuối cùng. Trong hình thức sơ khai, Phật Giáo không hề đề cập đến sự cầu nguyện, sự ỷ lại phục tùng hay nương nhờ một quyền lực bên ngoài. Mặc dầu vậy, Phật Giáo được phổ cập nhanh chóng lạ thường trên phân nửa thế giới ngày nay và hiện là cương lĩnh cho đời sống một phần lớn nhân loại.
CẦU CHO TẤT CẢ CHÚNG SANH ĐƯỢC AN VUI HẠNH PHÚC
- [24/08/2021] Tứ diệu đế kinh
- [03/12/2020] Bản Chất Đời Sống
- [02/12/2020] Chỉ Dẫn Bản Đồ Cứu Cánh Níp-Bàn
- [04/11/2020] Thi hóa Trung bộ kinh
- [04/11/2020] Giới luật của hàng xuất gia-Bhikkhu Khantipālo
- [17/02/2018] Giới luật của hàng xuất gia
- [11/02/2018] Cuộc đời Ngài Rāhula
- [09/12/2017] Đại đệ tử Phật - bước thầy con theo
- [08/12/2017] Nghiệp báo và tái sanh
- [19/10/2017] Theo dấu chân xưa - Tập 2