Giải về cõi trời

Biên soạn tập sách: “Giải về Cõi Trời” này, tuy chưa đầy đủ lắm, song cũng có thể là chút ít tư liệu cho những ai muốn tìm hiểu về Cõi Trời một cách đúng đắn và chính xác hơn. Dường như trước đây ai cũng hiểu khái quát, rằng là Cõi Trời là nơi đẹp lắm, tuyệt mỹ lắm, kỳ thú lắm, hạnh phúc và an lạc lắm! Thế thôi! có người lại hiểu lầm, cứ đinh minh Cõi Trời chỉ có 1 ông, một vị thần hay một vị thượng đế nào đó; và mọi quyền tài phán, định đoạt vận mệnh vui khổ, hèn sang, phước tội của con người đều ở trong tay ông ta cả

Hòa thượng GIỚI NGHIÊM THITASĪLO

  GIẢI VỀ CÕI TRỜI

(SAGGA KATHĀ)

 

LỜI GIỚI THIỆU

            Một trong những chương trình hoạt động của Ban Phật giáo Nam tông Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, là sưu tập và xuất bản lại những tác phẩm, dịch phẩm của chư vị Trưởng lão tiền bối có công khai sơn Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam như Ngài Hộ Tông, Ngài Bửu Chơn, Ngài Giới Nghiêm, Ngài Tịnh Sự, Pháp sư Thong Kham v.v…

            Có một số kinh sách đã được chính thức xuất bản trước năm 1975, nhưng vì thời đó phương tiện in ấn còn thô sơ nên có nhiều sai sót. Một số khác còn là bản thảo, hoặc chỉ mới quay roneo, in lụa để kịp thời phát hành nội bộ trong các dịp lễ, chưa có ý định nhuận sắc để xuất bản. Vì vậy Ban Phật giáo Nam Tông cần phải tu thư và nhuận sắc lại trước khi xin xuất bản.

            Riêng về các dịch phẩm của Ngài Giới Nghiêm, Thượng tọa Giới Đức đã tự nguyện dành nhiều thời gian và công sức để nhuận sắc cuốn Mi Tiên Vấn Đáp và Giải Về Cõi Trời. Bản thân tôi cũng đã nhuận sắc cuốn Tứ Niệm Xứ và Giải Về Bạn. May mắn thay lúc còn sanh tiền, Ngài thường giao cho chúng tôi nhuận sắc hầu hết những tác phẩm của Ngài. Nhờ được sống nhiều năm gần gũi bên Ngài nên chúng tôi dễ dàng thưa hỏi lại những đoạn văn khó hiểu, những ngôn từ trong cách dụng ngữ riêng của Ngài nên chúng tôi đã làm quen được với cốt cách, ý tứ và văn phong trong các tác phẩm của Ngài. DO đó, bây giờ chúng tôi mới dám tự nguyện thực hiện công việc khó khăn này, sợ rằng người khác khó có thể nắm bắt được những chỗ khúc mắc về căn ngôn, ngữ nghĩa trong các bản thảo này.

            Vì việc làm khó khăn như vậy, chúng tôi chân thành mong được sự cộng tác và góp ý của chư Tăng, Tu nữ, và Phật tử để cho chương trình giới thiệu lại các tác phẩm của chư Tôn đức tiền bối được hoàn chỉnh và hiệu quả hơn.

            Trân trọng,

Trưởng Ban Phật giáo Nam Tông

Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam

Hòa Thượng Viên Minh

 

TIỂU SỬ CỐ HÒA THƯỢNG THIỀN SƯ GIỚI NGHIÊM

            HÒA THƯỢNG THIỀN SƯ GIỚI NGHIÊM, thế danh Nguyễn Đình Trấn, sanh ngày 05-05-1922 (nhằm ngày 09-04 Nhâm Tuất) tại làng Giạ Lê Thương, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Đình Tải. Thân mẫu là cụ bà Huỳnh Thị Thành.

            Ngài sanh ra trong một gia đình theo đạo Phật lâu đời. Năm 09 tuổi, Ngài vào một ngôi chùa hẻo lánh ở làng Bãng Lãng – Huế, để tu học và thọ giới Sa di. Năm 1942, Ngài thọ Tỳ kheo giới tại chùa Phổ Đà – Đà Nẵng thuộc hệ phái Bắc truyền. Năm 1944, Ngài du học tại Campuchia và năm 1947, Ngài được Hòa thượng Niếp-Tích truyền giới tỳ kheo và theo học đạo với Vua Sãi Campuchia là Trưởng lão Hòa thượng Chuon-Natch. Các năm kế tiếp, Ngài du học tại Thái Lan, Miến Điện và được Hòa thượng thiền sư Mahasi Sayadaw truyền thọ pháp hành Tứ Niệm Xứ.

            Năm 1954, Ngài dự hội nghị kết tập Tam tạng kinh điển (Pāḷi) lần thứ VI tại Rangon, Miến Điện.

            Trở về quê hương 1957, Ngài cùng các vị cao tăng thành lập Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam.

            Từ 1964-1974, Ngài liên tục giữ chức vụ Tăng thống GHTGNTVN nhiều nhiệm kỳ.

            Năm 1979, được sự cung thỉnh của Mặt Trận Đoàn Kết Dân Tộc Cứu Nước Campuchia, Ngài cùng phái đoàn Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam qua Campuchia để truyền Cụ Túc giới cho 07 vị sư sãi lãnh đạo, phục hồi Phật giáo Campuchia sau pháp nạn. Tại Giới đàn này, Ngài được cung thỉnh làm Đàn đầu Hòa thượng.

            Năm 1980, Ngài tham gia Ban vận động thành lập GHPGVN và được suy cử chức Phó Chủ tịch Thường trực Hồi đồng Trị sự GHPGVN.

            Hơn nửa thế kỷ xuất gia hành đạo, hoằng pháp và phục vụ cho xã hội, Ngài đã để lại cho hậu thế nhiều công đức và nhiều công trình Phật sự to lớn.

            Ngài là vị thiền sư đầu tiên tạo được nhiều thiền viện, trong đó có thiền viện Phước Sơn và nhiều ngôi Tam Bảo trên toàn quốc. Ngài cũng đã trước tác nhiều kinh sách có giá trị, và đào tạo nhiều đệ tử trở thành tằng tài cho Giáo hội.

            Ngày 09-08-1984, Ngài giã từ cõi thế, an nhiên thị tịch lúc 10 giờ 30 tại chùa Phật Bảo. Thọ mạng được 63 tuổi, 38 hạ lạp.

            Hằng năm vào ngày 13-07 Âl, lễ tưởng niệm Hòa thượng được long trọng tổ chức tại chùa Phật Bảo – Tân Bình, TPHCM.

 

 

 

------------

Tham khảo Danh Tăng Việt Nam, tập I, Thích Đồng Bổn biên soạn, Thành Hội Phật giáo xuất bản năm 1997 và Bia Tưởng niệm tại Tháp Báo Ân, Phước Sơn thiền viện, Đồi Lá Giang, Long Thành, Đồng Nai.

 

LỜI TỰA

 

Biên soạn tập sách “Giải về Cõi Trời” này, chúng tôi có nhã ý cúng dường pháp thí trong ba ngày 24, 25, 26 tháng 3 năm 1961 (tức ngày 8, 9, 10 năm Tân Sửu) tại Tam Bảo Tự - Đà Nẵng để cầu quốc thái dân an và và kỷ niệm “Đệ bát chu niên” ngày Phật giáo Việt Nam truyền bá đến Trung Việt.

Toàn thể Tăng và cư sĩ Phật tử thuộc Tổng hội Phật giáo Nguyên thủy Trung phần[1], sau khi nghe đại đức Hộ Tông – Tăng thống Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy Việt Nam – tại Sài Gòn quang lâm về đây, đã giảng giải ý nghĩa trọng đại của buổi lễ, đồng thời đã từ tâm ban rải một thời pháp sách tấn, khuyến hóa mọi người tinh cần tu tập. Đại Đức Tăng thống cũng kêu gọi tài thí rất trọng thể để hoàn thiện quy mô ngôi chùa có tính lịch sử, là dấu ấn hoằng pháp đầu tiên tại đất miền trung.

Xét thấy đây là cơ hội tốt để tôi ấn hành tập sách bé nhỏ này, để góp phần pháp thí cho trọn vẹn ý nghĩa lời pháp trong câu: “Tài, Pháp – nhị thí thỉ thành công, phước huệ song tu phương tác Phật”; giả nghĩa cho rõ là tài thí pháp thí mà đầy đủ, trọn vẹn; phước huệ mà cùng tu mới mong thành Phật!

Biên soạn tập sách: “Giải về Cõi Trời” này, tuy chưa đầy đủ lắm, song cũng có thể là chút ít tư liệu cho những ai muốn tìm hiểu về Cõi Trời một cách đúng đắn và chính xác hơn. Dường như trước đây ai cũng hiểu khái quát, rằng là Cõi Trời là nơi đẹp lắm, tuyệt mỹ lắm, kỳ thú lắm, hạnh phúc và an lạc lắm! Thế thôi! có người lại hiểu lầm, cứ đinh minh Cõi Trời chỉ có 1 ông, một vị thần hay một vị thượng đế nào đó; và mọi quyền tài phán, định đoạt vận mệnh vui khổ, hèn sang, phước tội của con người đều ở trong tay ông ta cả! Đọc tập sách này, mọi người mới thấy ra rằng, hóa ra Cõi Trời không chỉ có “một ông”, “một ngài”  mà có vô lượng chúng hữu tình cộng cư ở đấy. Và Cõi Trời chẳng ai chiếm lấy một mình được. Bất cứ ai, bất cứ  “nhân loại” nào, chúng sanh nào, hữu tình nào có tu hành, biết làm phước, biết trì giới, có tham thiền, có đức tin, biết làm lành, lánh ác đều có thể hóa sanh lên Cõi Trời  này để thọ hưởng phước quả mỹ diệu, thắng xa cõi Người. Đành rằng, các Cõi Trời chưa phải là cứu cánh cho những người hành đạo giải thoát; nhưng cũng là nơi xứng đáng cho chúng ta “nhàn cư”, “an cư”, “lạc cư” tạm thời khi chưa hành trì, công phu đến chổ rốt ráo! Nó như là phần thưởng khuyến khích, an ủi cho những kẻ khởi tâm tu tập về giai doạn sơ thiện, hướng thiện trên lộ trình bỏ mê tầm giác. Chư vị Bồ tát có đại nguyện Chánh Đẳng Giác trong nhiều kiếp miệt mài bồi bổ công hạnh Ba la mật, đôi khi mệt mỏi – các ngài đều lựa chọn các Cõi Trời  Dục giới, thường là Đẩu suất đà thiên để nghỉ ngơi một thời gian! Vậy Cõi Trời  là cõi của phước quả; ai tích lũy được nhiều tín, thí, giới  - thì được hóa sanh lên 6 Cõi Trời  Dục giới để thọ hưởng phước báu của mình như định luật nhân quả tự nhiên – chứ chẳng có ai mời, ai rước, ai đưa cả! Nếu ai tu tập đắc định, đắc thiền thì hóa sanh các Cõi Trời cao hơn, có thể là trời Sắc giới hoặc Vô sắc giới – tùy đề mục quán tưởng, định thiền.

Cuối cùng, tôi và toàn thể thí chủ nhất tâm hồi hướng phần phước của tài thí và pháp thí thanh cao này đến cho tất cả chúng sanh, nhất là ân nhân nhiều đời của chúng ta được an sinh, hạnh phúc và tấn hóa.

Nguyện cầu cho quốc dân, đất nước Việt Nam được thanh bình an lạc.

Nguyện cầu Tam Bảo chứng minh và chư thiên hộ trì cho tất thảy thí chủ, kẻ công người của, đã thành tâm và hoan hỷ phần phước sự hôm nay sớm thoát ly sinh tử luân hồi, chứng quả Vô sanh bất diệt Đại Niết bàn!

Mong thay,

Tỳ Kheo Giới Nghiêm

Tam Bảo Tự - 1961

 

[1] Đây là một tổ chức ph trước 1975. Nay tổ chức này không còn vì đã gia nhập vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Giải về cõi trời - icon-pdf-2.jpg (28552 KB)

Bình luận
| Mới nhất