Đi Tìm Ngọn Đèn

Đức Thế Tôn dạy rằng: Nụ cười gì ở đây, tại sao có niềm vui, khi ở trong cõi đời luôn luôn bị thiêu đốt? Ở trong chỗ tối tăm, bưng bít, tại sao không tìm kiếm ngọn đèn? (Pháp cú kinh 146).

58443399_2223580331228611_5511660410593345536_n.jpg (43 KB)

Những ngày tháng cuối cùng trong chuyến du hành của đức Thế Tôn, Ngài đã trở bệnh nặng và thời gian ba tháng cuối cùng của Ngài cũng sắp đến. Theo như lời hứa với Ma vương tại ngồi đền thờ Cāpāla thì vào trăng tròn tháng Vesākha, Ngài sẽ viên tịch Níp-bàn, Thế Tôn đã từ bỏ thọ hành (āyusaṅkhāraṃ ossaji) nghĩa là không duy trì mạng sống lâu hơn nữa.[1] Trong hành trình đi đến Kusinārā – nơi mà Ngài sẽ xả bỏ tấm thân ngũ uẩn lần cuối cùng – Thế Tôn đã có rất nhiều lời dạy, ví như là những lời trăn trối sau cùng của một bậc Ðạo sư để nhắn nhủ và khích lệ đệ tử của mình về những gì các đệ tử cần phải tu tập, sau khi bậc Ðạo sư viên tịch:

Tasmātihānanda, attadīpā viharatha attasaraṇā anaññasaraṇā, dhammadīpā dhammasaraṇā anaññasaraṇā - Vậy nên, này Ānanda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một gì khác.[2]

Ở đây, dīpa trong lời dạy của đức Phật vừa có nghĩa là 'ngọn đèn', vừa có nghĩa là 'hòn đảo' nên có thể hiểu là: 'Tự mình làm hòn đảo cho chính mình' hoặc 'Tự mình là ngọn đèn cho chính mình'. Dù là ngọn đèn hay hòn đảo đi nữa thì đức Thế Tôn khuyên dạy chúng đệ tử phải tự tu cho bản thân mình, đừng tâm đi tìm những thú vui bên ngoài và phải tu cho chính mình chớ đừng tu cho ai khác.Đúng vậy, trong suốt 45 năm hoằng Pháp của đức Thế Tôn, Ngài đã tuyên thuyết Chánh pháp mà Ngài đã giác ngộ, đem pháp giác ngộ để chúng sanh cùng biết và cùng giác ngộ. Mặc dù Thế Tôn đã viên tịch, nhưng ánh hào quang của vị Đạo sư vĩ đại nầy soi sáng cái thế giới đau khổ và tối tăm, giống như ngọn hải đăng hướng dẫn và soi sáng cho nhân loại. Giáo lý của đức Phật tỏa sáng một cách công khai, rạng rỡ và rực rỡ như ánh sáng của mặt trời và mặt trăng, và còn hơn cả đôi vầng nhật nguyệt ấy nữa. Đức Phật và lời dạy của Ngài vẫn mãi là khuôn vàng thước ngọc dẫn dắt chúng sinh đi ra khỏi khổ đau của kiếp sống nhân sinh. Vì Ngài chính là "Người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đườngcho những người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích".[3]

Ngài đã thấy chúng sanh đau khổ nhưng vẫn không biết mình đau khổ, vẫn mải mê với những thú vui trần tục, với những dục lạc ngũ trần. Mặc kệ, cứ hưởng thụ trước đã, chỉ cần vui là đủ. Họ bất chấp hậu quả có ra sao, "dân chơi sợ chi mưa rơi". Bởi thế, đức Thế Tôn dạy trong kinh Pháp cú:

Ko nu hāso kimānando,              

Niccaṃ pajjalite sati;

Andhakārena onaddhā,              

Padīpaṃ na gavesatha.

Cười gì, hân hoan gì                   

Khi đời mãi bị thiêu

Bị tối tăm bao trùm                   

Sao không tìm ngọn đèn.[4]

Khi đọc bài kệ Pháp cú này, chúng ta sẽ cảm nhận như là được một sự sách tấn, răn dạy vô cùng quan trọng trực tiếp từ đức Bổn sư: Nụ cười gì ở đây, tại sao có niềm vui, khi ở trong cõi đời luôn luôn bị thiêu đốt? Ở trong chỗ tối tăm, bưng bít, tại sao không tìm kiếm ngọn đèn?Trong đời sống hàng ngày của chúng ta, kẻ phàm phu (puthujjana) khi chưa giác ngộ được pháp của bậc Thánh, có đôi lúc chúng ta sinh hoạt thật là nông nổi và cái nhìn của bậc Thánh, nhất là đức Phật xem đó là một sự phóng túng, quên mình. Ví như trường hợp nhóm những người bạn của bà Visākhā trong duyên sự của câu kệ này là một điển hình. Chú giải Pháp cú (Dhammapada-aṭṭhakathā) kể lại rằng: những người bạn của bà Visākhā, mặc dù thường đi chung với bà Visākhā thành một nhóm phụ nữ. Những người chồng của họ rất kính nể bà Visākhā, do vậy chỉ cho phép những người vợ của mình giao du và tháp tùng đoàn với bà Visākhā mà thôi. Nhưng vì bản chất của các bà này không phải là những người Phật tử thuần thành, không phải những người có ý thức cho nên các bà có sự dể duôi. Một lần nọ, các bà cùng với bà Visākhā đi đến chùa để đảnh lễ đức Phật và nghe Pháp. Những bà bạn của bà Visākhā có mang theo một ít rượu, họ nghĩ rằng ở nhà bị những ông chồng rầy la và đánh đập nên họ không dám uống rượu, bây giờ họ được tự do nên họ tìm cách nhấm nháp một chút cho vui. Nhưng khi say rượu, họ không còn kiềm chế, không còn tự chủ được hành động của mình. Họ đã múa tay múa chân, ca hát và cười nói huyên thuyên. Lúc đó Ác ma tìm cách nhập vào những người phụ nữ say khướt này, làm cho họ có những cử chỉ không được tốt đẹp trước mặt đức Thế Tôn hầu để làm nhục Ngài. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn quán xét, thấy vậy mới phóng hào quang làm cho thế gian này sáng chói và ánh mặt trời tắt mất, khiến cho những người phụ nữ này cảm thấy hốt hoảng sợ hãi và tỉnh rượu, không còn say sưa nữa. Lúc đó, đức Thế Tôn mới thuyết lên bài kệ trên để giáo dục những người phụ nữ ấy.[5]

Trong cuộc sống, có những khi chúng ta gặp những cảnh thuận lòng, chúng ta có được những cuộc vui, hạnh phúc. Lúc bấy giờ, những kẻ phàm phu chúng ta vui cười hân hoan, chúng ta không thể tự chủ được, không thể kiềm chế được. Cũng đúng thôi, trong cơn say thì bản thân mình còn không biết mình là ai thì kiềm chế sao được. Hoặc đang trong ngày lễ tân hôn thì không có chú rể cô dâu nào nghĩ đây là khổ, đây là dây trói buộc cả. Chúng ta quên đi rằng cuộc đời mãi bị thiêu, bị tối tăm bao trùm, chúng ta quên điều đó. Sự thật đây là một điều mà kẻ phàm phu chúng ta đã dể duôi, hết sức nguy hiểm. 

Câu mở đầu của bài kệ, Thế Tôn đã nói lên lời nhắc nhở: "Ko nu hāso kimānando - Cười gì? Hân hoan gì?" Vì quên mình, quên đi bản thân nên mình không nhận thức được thực trạng hiện tại mình đang như thế nào? Cơm áo gạo tiền bao vây, công danh sự nghiệp đeo mang, già bệnh chết bao trùm và sầu-bi-khổ-ưu-não bám níu, vậy có chi mà vui mà cười? Chúng ta đang bị thiêu đốt, nhiệt não mà nào có hay, giống như chúng sanh dưới địa ngục Hý tiếu (pahaso), họ cứ như đang nhảy múa, ca hát nhưng thực sự ra là đang đau đớn, rên khóc từng giây từng phút.Chúng ta bị thiêu đốt. Thiêu đốt bởi cái gì? Đó chính là lửa đang thiêu đốt chúng ta. Không phải là những thứ lửa củi, lửa ga, lửa điện đâu, mà đó là những thứ lửa kinh khủng hơn thế nữa. Có tất cả 11 thứ lửa được nói đến: lửa tham, lửa sân, lửa si, lửa sanh, lửa già, lửa chết, lửa sầu, lửa bi, lửa khổ, lửa ưu và lửa não. Thời tiết những ngày này oi bức, khó chịu nhưng dù sao cảm giác bị lửa thiêu cháy thì oi bức đó chẳng thấm vào đâu cả. Vậy mà, khi 11 thứ lửa này thiêu đốt, nó còn khổ sở hơn gấp trăm, gấp ngàn lần.

Lửa tham, lửa sân, lửa si là ba thứ lửa thuộc về phiền não. Ba thứ lửa này làm cho nội tâm bị nhiệt não và bị thiêu đốt, nó ảnh hưởng đến thân sắc pháp của chúng ta. Khi còn là phàm phu, chúng ta còn bị tham sân si chi phối. Chúng ta hằng có sự đau khổ quanh mình. Đừng nghĩ rằng chỉ khi nào chúng ta sân chúng ta mới khổ, chúng ta mới nóng nảy, ngay cả khi khởi lên sự ái tham quyến luyến cũng hằng có sự khổ, bị nhiệt não. Khi chúng ta luyến ái nặng, chính tâm luyến ái này làm cho tâm bị ràng buộc mới gọi là tham ái thân phược, giống như một vị vua tương tư nàng Ummadantī mà phải sanh bệnh mất ăn mất ngủ. Sau đó, vị quan đại thần hiểu được câu chuyện lập một mưu kế để đánh thức lương tâm của vị vua đó không nên tương tư không chính đáng như vậy bởi vì nàng Ummadantī là vợ vị quan đại thần. Nàng rất đẹp đến độ các vị Bà-la-môn xem tướng, bị sắc đẹp cuốn hút lòng ái tham sanh khởi, họ quên phận sự phải làm và đánh mất tư cách. Họ ăn họ uống mà họ không biết rằng họ đang ăn đang uống. Họ gắp vật thực không để vào miệng mà để trên môi hoặc trên mũi… Họ uống nước sặc sụa.[6] Như vậy chúng ta thấy lòng tham ái đối với chúng sanh không phải là chuyện đơn giản.

Còn những ngọn lửa như là sự sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não là những ngọn lửa căn bản trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Trong cuộc đời này không bao giờ chúng ta sống được an lạc, hạnh phúc. Cho dù một người có được tài sản, có được phước báu, tuổi thọ. Họ có đủ sự vinh hoa phú quý, có đủ quyền thế trong cõi đời này, nhưng họ cũng không thoát khỏi ngọn lửa thiêu đốt, tức là tuổi già, sự bệnh hoạn, sự chết chóc. Trong đời sống không tránh khỏi sự sầu muộn, sự ưu bi, sự nhiệt não. Cuộc sống là một chuỗi dài của sự hỷ, nộ, ái, ố, một chuỗi dài của những cảm thọ. Nếu như thân được an lạc, tâm được thoải mái thì chẳng có gì phải nói, chắc chắn ai ai cũng thích thú, tham đắm hưởng thụ cái cảm giác đó. Còn nếu như phải hứng chịu những cảm thọ khó chịu, bất lạc thì sẽ đau khổ, không vừa lòng. Chính do không nhận chân rõ được thực tướng của các pháp thế gian nên mãi mãi còn bám chấp, dính mắc vào những thứ giả tạo, phù du, giả cho là thật và thật cho là giả.

Hai câu đầu bài kệ như là một lời trắc nghiệm tự thân. Nếu như một người nào khác họ tự hỏi chính mình, tự kiểm điểm lại chính đời sống này, mặc dầu mình sung sướng, hạnh phúc bên vợ, bên chồng, bên con cái, tài sản nhưng mình có thoát được sự già, sự bệnh, sự chết hay không? Thoát khỏi sự sầu, bi, khổ, ưu, não trong đời sống hằng ngày hay không?  Chưa thoát khỏi. Khi trả lời được như vậy, chúng ta thấy đây là vấn đề hết sức quan trọng. Hằng ngày chúng ta tu tập chúng ta phải tự hỏi lại như vậy.

Bị bao trùm bởi bóng tối, phải chăng các ngươi sẽ không tìm kiếm ngọn đèn? Khi ý thức được bản thân đang bị thiêu đốt, như vậy có gì vui cười mà phải hân hoan, đó là tự mình phản tỉnh bản thân và phải tìm đường giải thoát. Vị tướng lãnh tài ba, khi biết mình bị bao vây, phải biết tìm đường giải nguy cho toàn quân và bản thân. Cũng vậy đó, chúng ta phải biết mình đang bị bao phủ bởi bóng tối (andhakārena) thì mới biết đi tìm đường thoát khỏi bóng tối đó.Bóng tối ở đây chính là vô minh (avijjā), có nghĩa là không hiểu biết những pháp đáng hiểu biết. Pháp đáng hiểu biết ở đây như là chúng ta không hiểu biết về chân lý khổ, chân lý nguyên nhân sanh khổ, chân lý diệt khổ và chân lý về con đường đưa đến diệt khổ.  Bất tri khổ, bất tri tập, bất tri diệt, bất tri đạo bất tri tương sinh, như vậy gọi là vô minh. Hay còn định nghĩa nói rằng: không hiểu được bốn đế, bốn sự thật như vậy là vô minh. Đời sống của chúng sanh khi bị vô minh bao trùm, thì bấy giờ chúng ta sẽ bị chi phối nhiều sự khổ đau, vô minh là gốc.

Hễ khi nào bóng tối vô minh còn bao trùm, lúc bấy giờ chúng sanh không thoát khỏi cảnh luân hồi, không thoát khỏi sự kiềm toả của phiền não tham và sân. Ngày nào vô minh diệt thì tham, sân bị tắt mất, bị diệt và nếu như vô minh diệt tham ái không còn sân hận đã dập tắt thì không còn hiện hữu ở cõi đời này tức là không còn bị sự già, sự chết, chi phối, không còn sầu, bi, khổ, ưu, não nữa. Khi biết được đời sống của mình bị vô minh chi phối, bị bao trùm trong bóng tối, vô minh dày đặc, chúng ta không dễ dàng phá vỡ màn vô minh tăm tối đó. Trên thế gian này chỉ có một hạng người duy nhất có thể tự mình phá vỡ vô minh, đó là đức Phật. Ngài đã từ bỏ hoàng thành để đi xuất gia, tầm chân lý. Trong sáu năm khổ hạnh, Ngài đã đi tìm, thân cận với đạo sĩ này đạo sĩ kia, tìm con đường giải thoát, nhưng tất cả những họ cũng chỉ lập hạnh tu cao lắm là đắc thiền Vô sắc giới. Ngài nhận thức được rằng đối với loại thiền này, cảnh giới này chỉ đưa đến cảnh giới Phạm Thiên là cùng. Nếu như vậy vẫn không thoát được cảnh sanh tử luân hồi. Tự Ngài tìm ra con đường Trung đạo và khi ánh sáng chân lý đã xuất hiện thì vô minh tăm tối không còn nữa, Ngài trở thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác. Vị duy nhất trên thế gian này tự mình phá vỡ màn vô minh đó.Bây giờ, chúng ta hiểu được Phật Pháp, biết được pháp môn tu tập thì tự mình phải tinh tấn, như là tự mình phải thắp ngọn đuốc mà đi. Đức Thế Tôn từng dạy rằng:

Tumhehi kiccamātappaṃ,         

Akkhātāro tathāgatā.

Ngươi hãy nhiệt tình làm,         

Như Lai chỉ thuyết dạy.[7]

Padīpa chính là ngọn đèn, là ánh sang. Khi ánh sáng xuất hiện thì bóng tối biến mất. Chỉ có ánh sáng trí tuệ có thể phá vỡ được màn đêm vô minh, chính là tuệ quán thấu triệt được lý Tam tướng Vô thường - Khổ - Vô ngã của danh và sắc. Chỉ có trí tuệ đạo quả mới có thể vẹt màn vô minh tăm tối, chỉ có trí tuệ đó, trí tuệ bậc Thánh A-La-Hán mới phá tan được vô minh.Không phải đợi đến lúc đắc A-la-hán mới gọi là tu, mà tự mình phải tu từ bây giờ, chưa có trí của đạo quả thì mình phải tạo trí văn (sutamayapaññā) - trí tư (cintāmayapaññā) - trí tu (bhāvanāmayapaññā)[8] ngay từ chính trong đời sống tu học của mỗi người chúng ta. Ba loại trí này xem như là ngọn đèn để chúng ta thắp lên mà đi. Mặc dầu trong đêm tối chưa có thể có được ánh mặt trời để xua tan bóng tối nhưng chúng ta có ba ngọn đèn hay ba cây đuốc nho nhỏ này cũng có đủ ánh sáng soi đường đi mà không bị lầm đường lạc lối. Cũng vậy, trong đời sống tu tập của chúng ta mặc dầu chúng ta chưa được ánh sáng trí tuệ đạo quả nhưng chúng ta có được ba loại trí văn, trí tư, trí tu. Tương đối trong đời sống hằng ngày chúng ta có thể chánh niệm - tỉnh giác có thể tự chủ, vậy thì ta hãy cố gắng tu tập và đi tìm ngọn đèn cho chính mình. Hãy tự thắp đuốc mà đi, điều đó chúng ta cũng đã biết. Vì đối với Phật giáo sự tu tập không nhờ cậy vào một tha lực khác. Chúng ta không ngồi lại chỉ nguyện suông, mà phải ý thức được bản chất của cuộc đời như thế nào, khổ đau là như thế nào. Khi đã nhàm chán chúng ta bắt đầu tìm ngọn đèn và ngọn đèn trí tuệ đó chỉ có trong nội tâm của chúng ta thôi. Chúng ta hãy cố gắng tu tập như vậy. Chính sự tu tập trong đời sống hằng ngày được xem như là loại trí tuệ đặc biệt, nó sẽ giúp chúng ta có thể có đủ mãnh lực để xua tan bóng tối được.

Tóm lại bài kệ pháp cú 146 không phải là bài kệ nói về lý thuyết suông, mà có giá trị trong việc tu tập, mang tính cách như là một lời cảnh báo mà đức Thế Tôn nhắn nhủ, đã gởi đến cho tất cả chúng ta. Chúng ta có thể tự mình tuỳ theo hoàn cảnh, tuỳ theo trình độ tu tập, cố gắng để vươn lên, thoát khỏi bóng tối.

Vui cười thích thú lẽ nào

Khi đời mãi bị phủ bao lửa hồng

Trong đêm tối có hay không

Sao chưa tìm ánh sáng hồng thoát ly.

Bhik. Samādhipuñño Định Phúc

____________________________________

[1] D.ii.107 (Mahāparinibbānasutta).

[2] D.ii.101 (Mahāparinibbānasutta).

[3] S.i.70 (Daharasutta).

[4] Dhp.146.

[5] DhpA.iii.100ff (Visākhāya sahāyikānaṃ vatthu).

[6] J.527; JA.v.213ff (Ummadantījātaka).

[7] Dhp.276.

[8] D.iii.219 (Saṅgītisutta).

Bình luận
| Mới nhất