Sự Kiện Bồ-Tát Thành Đạo Và Những Ngày Đầu Tiên Sau Khi Thành Đạo
Đức Bồ-tát rải tám nắm cỏ xuống đất và ngồi kiết già với mặt hướng về phía đông, sau lưng là cội assattha to lớn che chắn cho ngài rồi phát lời đại nguyện: Dầu cho da, dây gân và xương có khô héo, dầu thịt và máu có héo tàn trên thân tôi, cái gì có thể lấy sức lực của người, tinh tấn của người, nỗ lực của người có thể đạt được; nếu chưa đạt được, thời tinh tấn sẽ không bao giờ dừng nghỉ.
Sáng sớm ngày trăng tròn tháng Tư, Bồ-tát tắm rửa sạch sẽ rồi đi đến một cội cây to và ngồi tại nơi đây, mặt xoay về hướng đông. Bấy giờ thân Ngài bỗng rực sáng như tỏa hào quang quanh người, xung quanh cũng rực sáng do ảnh hưởng hào quang từ thân của Bồ-tát.
Bấy giờ, tại thị trấn Senānī có một người con gái của vị trưởng giả Senāni, tên nàng là Sujātā, khi được 16 tuổi nàng Sujātā di du ngoạn trong rừng Uruvelā, khi đi đến cội cây này, nhìn thấy cây đại thọ to lớn, nàng Sujātā suy nghĩ: “Lẽ thường những cây đại thọ như vầy, có thần cây ngụ trong đó” nên nàng đã đi đến đảnh lễ cội cây đó và phát nguyện rằng: “Kính thưa thọ thần, nếu con được gả vào một gia đình giàu có cùng giai cấp có được con trai đầu lòng, hằng năm con sẽ đến đây cúng lễ đến Ngài món cơm sữa Ghana.” Lời cầu nguyện của nàng Sujātā được thành tựu. Về sau nàng thành tựu ý nguyện nên cứ đến ngày rằm tháng tư hằng năm thì nàng Sujātā đem món cơm sữa đến cúng dường vị thọ thần như lời hứa đáp lễ với ngài. Và từ đó đến nay, nàng đã cúng lễ trả ơn đến thọ thần 19 lần.
Rồi tình cờ đức Bồ-tát đi đến và ngồi dưới cội cây ấy thì cũng là ngày mà nàng Sujātā chuẩn bị lễ vật đem đến đáp lễ với thọ thần. Hôm ấy là lần thứ 20 nàng cúng lễ và lúc bấy giờ thì chàng quý tử Yasa của nàng cũng đã có vợ, đang thọ hưởng vinh hoa khoái lạc trong một gia đình giàu có.
Cúng dâng cơm sữa đề hồ
Nào hay lịch sử tới giờ sang trang
TRONG NGÀY BỒ TÁT THÀNH ĐẠO, BUỔI SÁNG ĐÓ NGÀI NHẬN MỘT BÁT CƠM ĐỀ HỒ DO SUJĀTĀ DÂNG CÚNG TẠI CỘI CÂY AJĀPĀLA
Sujātā lấy một cái bát bằng vàng trút hết nồi cơm sữa Ghana vào trong bát cho đến giọt cuối cùng. lượng cơm sữa nấu được cũng vừa đủ đến miệng bát, không hơn không kém. Rồi Sujātā để bát ấy trong một cái bát bằng vàng khác và đậy lên bằng một tấm vải trắng tinh. Sau đó nàng mặc vào bộ y phục lộng lẫy và trang sức rực rỡ, và khi đặt bát sữa lên đầu. Nàng đi đến cội cây, trông thấy Bồ-tát đang ngồi dưới cội cây và rất đỗi vui mừng vì tưởng đó là thọ thần hiện thân để thọ nhận lễ phẩm cúng dường của nàng. nàng đến gần trong thái độ khiêm cung và tôn kính. Sau khi đã dừng lại ở một nơi phải lẽ và để xuống bát sữa mà nàng đang đội trên đầu, dở nắp khăn ra và mang một cái bình bằng vàng đựng nước thơm được ngâm bằng tất cả các loại hoa thơm, nàng tiếp tục đi đến Bồ-tát và đứng gần Ngài.
Cái bát bằng đất mà đại phạm thiên Ghaṭikāra đã dâng tặng Bồ-tát vào lúc Ngài xuất gia và đã theo Ngài suốt sáu năm thực hành khổ hạnh, bỗng biến mất[1] đúng vào lúc Sujātā đến dâng món cơm sữa ghana. Vì không trông thấy cái bát, Bồ-tát đưa bàn tay phải ra để nhận lấy nước. Nàng Sujātā bèn dâng cúng bát cơm sữa ghana và đặt nó trong đôi tay của Bồ-tát. Sau khi phát nguyện và cúng dường xong, nàng cùng người nữ tỳ quay trở về tư gia mà không hề luyến tiếc chút ít về cái bát bằng vàng đắc giá ấy. Rồi Bồ-tát cũng đứng dậy, mang theo cái bát bằng vàng rời khỏi chỗ ngồi và đi tiếp đến bờ sông Nerañjara ở bãi tắm, sau khi tắm xong, Ngài đi đến và ngồi mặt ngó về hướng đông dưới bóng mát của một cội cây. Khi ấy, Ngài đem món cơm sữa vắt thành bốn mươi chín vắt[2] lớn bằng trái cau già và ăn hết những vắt cơm ấy mà không uống nước. Sau khi độ xong món cơm sữa Ghana do Sujātā dâng cúng, Bồ-tát cầm lên cái bát bằng vàng và phát nguyện rằng:
Sacāhaṃ, ajja buddho bhavituṃ sakkhissāmi, ayaṃ pāti paṭisotaṃ gacchatu, no ce sakkhissāmi, anusotaṃ gacchatu – Nếu ta thành Phật trong ngày hôm nay thì xin cho cái bát bằng vàng này hãy trôi ngược dòng nước; Nếu ta không thành Phật ngày hôm nay thì cái bát này hãy trôi xuôi dòng nước.[3]
Rồi Ngài quăng cái bát ra giữa dòng sông Nerañjara, cái bát bằng vàng kia đã cắt ngang dòng nước và đi vào giữa con sông, rồi trôi ngược dòng với tốc độ của một con ngựa đang phi nhanh, xa khoảng tám mươi hắc tay[4], rồi chìm xuống trong một luồng nước xoáy. Khi chìm xuống đến cung điện Mañjerika của lòng vương Mahākāḷa, nó chạm vào ba cái bát của ba vị Phật quá khứ[5] tạo ra ba tiếng “keng” và rồi xuống nằm dưới ba cái bát bằng vàng kể trên.
Khi nghe tiếng ba keng, long vương bèn nói rằng: “hiyyo eko buddho nibbatto, puna ajja eko nibbatto – Chỉ một ngày hôm qua có một vị Phật xuất hiện, nay lại có một vị Phật khác xuất hiện nữa”.[6]
Bồ-tát vô cùng hoan hỷ khi thấy chiếc bát trôi ngược dòng sông vì biết chắc mình sẽ đắc quả vô thượng chánh đẳng giác, rồi ngài đi đến rừng cây Sālā đang nở rộ hoa, cạnh dòng sông Nerañjara để nghỉ trưa. Vào lúc xế chiều thì Bồ-tát đi xuống sông tắm rồi sang qua bờ sông, Ngài đi theo con đường đã được chư thiên cùng Phạm thiên trang hoàng xinh đẹp dẫn đến cội cây Assattha.[7] Khi ấy, các vị rồng, Dạ-xoa và Càn-thát-bà tôn kính cúng dường Ngài bằng các loại hương liệu và hoa thơm của chư thiên. Họ cũng trổi lên những khúc ca và tiếng nhạc đầy hân hoan và khả ái. Toàn thể mười ngàn thế giới hầu như được phủ đầy hương liệu và hoa của chư thiên, không trung vang dội tiếng tung hô của chư thiên và phạm thiên.
BỒ-TÁT CHIẾN THẮNG MA VƯƠNG
Lúc bấy giờ, có một người cắt cỏ thuộc dòng Bà-la-môn tên là Sotthiya trên đường ngược chiều với Bồ-tát cũng vừa đi đến đó, Bồ-tát đưa mắt nhìn người cắt cỏ. Hiểu được ý muốn của Bồ-tát, Sotthiya cúng dường đến ngài tám bó cỏ, Bồ-tát cầm tám bó cỏ đi đến chỗ cao ráo ở gốc cây Assattha.
Dưới cội cây Assattha, Bồ-tát đứng ở hướng Đông nhìn về hướng Tây, Ngài có cảm giác đất ở hướng Đông lún xuống, đất ở hướng Tây trồi lên, Ngài suy nghĩ: “Đây không phải là nơi chứng đắc Phật trí”. Rồi Ngài đi quanh cây Assattha tuần tự theo chiều kim đồng hồ, lần lượt đứng tại các hướng Đông nam, Nam, Tây nam, Tây, Tây bắc, Bắc; tất cả hướng ấy Ngài có cảm giác “đất ở nơi đó lún xuống, đất ở hướng đối diện trồi lên”. Khi Bồ-tát đến hướng Đông bắc mặt nhìn về hướng Tây nam thì “đất đứng yên”. Đây được xác định là nơi xuất hiện “Bảo tọa giác ngộ” (bodhipallaṅka) của ba vị Phật trong quá khứ.[8]
Đức Bồ-tát rải tám nắm cỏ xuống đất và ngồi kiết già với mặt hướng về phía đông, sau lưng là cội assattha to lớn che chắn cho ngài rồi phát lời đại nguyện:
Kāmaṃ taco ca nhāru ca aṭṭhi ca avasissatu, sarīre upassussatu maṃsalohitaṃ, yaṃ taṃ purisathāmena purisavīriyena purisaparakkamena pattabbaṃ na taṃ apāpuṇitvā vīriyassa saṇṭhānaṃ bhavissati.
Dầu cho da, dây gân và xương có khô héo, dầu thịt và máu có héo tàn trên thân tôi, cái gì có thể lấy sức lực của người, tinh tấn của người, nỗ lực của người có thể đạt được; nếu chưa đạt được, thời tinh tấn sẽ không bao giờ dừng nghỉ.[9]
Sau lời đại nguyện của Bồ-tát, tấm nệm cỏ tầm thường bây giờ đã biến thành bồ đoàn chiến thắng (aparājatapanllaṅka) to lớn, cao mười bốn hắc tay.[10] Khi đức Bồ-tát đã yên vị trên bảo tọa quý báu với lời phát nguyện vĩ đại, vua trời Đế-thích đã rời khỏi ngai vàng của mình, cùng đi với thiên tử Pañcasikkha mang cây đàn beḷuva xuống tại nơi ấy để gãy đàn và thôi tù và cúng dường đến Bồ-tát. Vua trời Suyāma ở cõi Yama và vua trời Santusita ở cõi Tusita cũng bay xuống cầm quạt đứng hầu hai bên. Phạm thiên Sāhampati thì cầm chiếc lọng trắng, đứng trang nghiêm che mát cho ngài. Còn Long vương Kāḷanāga thì dẫn một hội chúng gồm tám mươi ngàn long nữ đến và ngâm lên nhiều bài kệ bày tỏ sự tôn kính đến Bồ-tát. Tất cả chư thiên và phạm thiên khắp mười ngàn thế giới đều đến bày tỏ sự tôn kính bằng những loại hương hoa thơm ngát, những loại hương liệu, bột thơm và ca lên hằng ngàn bài ca tán dương Bồ-tát.
Cúng dâng cơm sữa đề hồ
Nào hay lịch sử tới giờ sang trang
TRONG NGÀY BỒ TÁT THÀNH ĐẠO, BUỔI SÁNG ĐÓ NGÀI NHẬN MỘT BÁT CƠM ĐỀ HỒ DO SUJĀTĀ DÂNG CÚNG TẠI CỘI CÂY AJĀPĀLA
Về phần ma vương, sau bao lần dụ dỗ làm cho đức Bồ-tát thối chí nhưng đều thất bại, hắn luôn âm thầm theo dõi những tư tưởng, hành động của ngài để tìm ra những tà tâm của ngài để có dịp tấn công. Sau khi biết Bồ-tát phát lời đại nguyện tinh tấn đến chết như thế, hắn đã dẫn hàng hàng binh ma cùng vô số vũ khí hình thù quái dị khiến ai cũng kinh khiếp đến cội assattha hòng làm lay chuyển khiến cho Bồ-tát khiếp sợ mà thối lui chí nguyện giải thoát.
Ác ma hoá ra hàng ngàn cánh tay cầm khí giới, cỡi voi Girimekhala cầm đầu đoàn thiên ma rầm rộ hiện xuống vây quanh cội Assattha, kéo dài 12 do tuần. Bên trên hư không, chúng thiên ma dày đặc 9 do tuần, la hét âm thanh vang dội làm chấn động khắp mọi nơi, quyết tranh giành ngôi bồ đoàn của đức Bồ-tát. Các vị Phạm thiên, Long vương, và các vua trời Sakka, Suyāma, Santusita đứng hầu xung quanh bồ đoàn, thoáng thấy ác ma với thiên binh, vũ khí hình thù quái dị, đằng đằng sát khí đều bay xa, trở về trú xứ của mình, chỉ còn một mình đức Bồ-tát vẫn ngự trên bồ đoàn không một chút sợ hãi hay kinh hoàng nào cả. đơn thân một mình không ai bên cạnh cũng chẳng có một thứ vũ khí nào chống chọi lại với kẻ bạo tàn, Bồ-tát khởi lên ý nghĩ: “Giờ đây tại chỗ này, không có mẹ ta cũng không có cha ta, anh em hay quyến thuộc của ta cũng không có; Chỉ có mười pháp Ba-la-mật (Pāramī) mà ta đã ta đã tu tập và nuôi dưỡng từ lâu đời lâu kiếp, là những người bạn sát cánh và những người hầu trung thành đối với ta. Chúng sẽ là những thuộc hạ thân tín mà ta đã dày công vun bồi trải qua vô sốkiếp. Chúng sẽ bảo vệ ta một cách an toàn”. Ngài quán tưởng đến 30 pháp Ba-la-mật xong, Ngài vẫn điềm tỉnh ngự trên ngôi bồ đoàn quý báu một cách kiên định, vững vàng như núi chúa Sineru – chờ đợi sự tấn công của bọn ác ma.
Sự tự tại của đức Bồ-tát làm cho ma vương càng căm tức xua binh đến gần quyết giết cho được Ngài, nhưng binh ma không dám đến gần vì bị binh tướng của Ngài chận lại. Ma vương tận dụng tất cả tài năng và phép thuật của mình đã có, nhưng không có món phép nào làm hại đức Bồ-tát được, trái lại những món ấy hóa thành hoa đẹp mùi thơm bay ra rất xa để cúng dường cho vị sắp Giác Ngộ thôi.
Bọn binh ma cùng với chủ tướng ma vương của chúng đã thua cuộc, nhưng tính háo chiến vẫn còn, y liền dõng dạc quát to trước mặt Bồ-tát:
– Này Sa-môn Gotama, sao ngươi còn ngồi trên đó. Hãy rời khỏi chỗ này, hãy trả bồ đoàn lại cho ta.
– Này ác ma, ai là chứng nhân để xác nhận bồ đoàn này là của ngươi?.
– Binh tướng của ta là nhân chứng cho lời nói của ta.
Chúng thiên ma đồng thanh đáp:
– Ðúng thế! Ngôi bồ đoàn kia là của đức vua chúng tôi.
Ác ma bèn hỏi Bồ-tát rằng:
– Sa-môn Gotama, Ngài tuyên bố ngôi bồ đoàn quý báu ấy thuộc về của Ngài, vậy ai làm chứng cho Ngài?
Samantā dhajiniṃ disvā, yuttaṃ māraṃ savāhanaṃ; Yuddhāya paccuggacchāmi, mā maṃ ṭhānā acāvayi. Thấy khắp quân đội dàn, ác ma trên lưng voi, Ta bước vào chiến trận, không để ai chiếm đoạt. Yaṃ te taṃ nappasahati, senaṃ loko sadevako; Taṃ te paññāya bhecchāmi, āmaṃ pattaṃva asmanā. Ðội ngũ quân nhà ngươi, đời này và chư thiên, Không một ai thắng nổi, Ta đến ngươi với tuệ, Như hòn đá dập nát, chiếc bát chưa nung chín.[11]Bồ-tát vẫn an nhiên, Ngài tin vào oai lực pháp Ba-la-mật của mình, nên Ngài chỉ tay xuống đất, tuyên bố bằng lời chân thật:
– Ta có ba mươi Pāramī, đó là điều chắc thật. Riêng bố thí thì ta cũng đã tròn đủ năm đại thí.[12] Tuy ở đây chẳng có chúng hữu tình nào làm chứng cho ta điều ấy. Nhưng còn có quả đất. Quả địa cầu này dẫu không có tâm thức, nhưng nó cũng có thể chấn động, rung động bảy lần để làm chứng cho lời nói chân thật của ta!
Lạ lùng thay, Bồ-tát vừa dứt lời, lập tức địa cầu chuyển động dữ dội, rung động bảy lần, phát ra âm thanh đì đùng như bão nổi tự trong lòng địa cầu. Nước biển đột ngột như long vương quẫy mình, sùng sục, ì ầm dâng lên cao, hất tung những quả núi sóng lên không gian. Mưa ào ào như trút nước. Toàn thể mười ngàn thế giới đều quay cuồng những âm thanh kinh hồn và rùng rợn, nổ lách tách, ầm ầm. Toàn thể bầu trời không mây cũng phát ra tiếng nổ vang rền. những tia lửa rơi xuống, tung toé như khối than hồng cháy đỏ, và sấm sét nổ ầm ầm, đầy kinh sợ. Ác ma không tìm đâu ra nơi nương tựa và sự trợ giúp, bèn quăng bỏ cờ trận rồi bỏ chạy nhanh, bỏ lại tất cả vũ khí. Thấy ma vương bỏ chạy, bọn binh ma cũng cắm đầu bỏ chạy tán loạn. Cuối cùng tất cả bọn chúng đều trở về cõi tha hoá tự tại thiên.
Satta vassāni bhagavantaṃ; anubandhiṃ padāpadaṃ, otāraṃ nādhigacchissa; sambuddhassa satīmato. Bảy năm của Thế Tôn; ta từng bước theo chân. Không tìm thấy lỗi lầm; từ ý niệm Chánh giác. Medavaṇṇaṃ va pāsānaṃ; vāyaso anupariyagā, Apettha muduṃ vindema; api assādanā siyā. Tảng đá vàng như mở; quạ bay lượn chung quanh. Hy vọng tìm vật mềm; hay tìm được chất ngọt. Aladdhā tattha assādaṃ; vāyasetto apakkami, Kākova selamā sajja; nibbijjāpema gotamaṃ. Vị ngọt không nhận được; từ đó quạ bay đi. Như quạ mổ trúng đá; Ta gặp phải Gotama. Tassa sokaparetassa; vīṇā kacchā abhassattha, Tato so dummano yakkho; tatthevantaradhāyathāti. Vị ấy bởi sầu muộn; đàn trong nách rơi xuống, Dạ-xoa đầy ác ý; biến mất tại nơi ấy.[13]Bồ-tát ngự trên bồ đoàn quý báu dưới cội cây Assattha đã toàn thắng ác ma cùng vơi đội binh ma vừa lúc mặt trời sắp lặn hướng Tây, mặt trăng ló dạng hướng Ðông. Khi ấy mười ngàn thế giới chư thiên, chư Phạm thiên, Long vương… vui mừng reo hò vang dội khắp các cõi trời, tán dương ca tụng oai lực Ba-la-mật của đức Bồ-tát. Do đó, ngôi bồ đoàn quý báu này gọi là “Aparājitapallaṅka – ngôi bồ đoàn chiến thắng”. Chư thiên, chư Phạm thiên đem những đóa hoa trời xinh đẹp, hương thơm đến cúng dường, tán dương ca tụng oai lực Ba-la-mật của Ngài.
BỒ-TÁT CHỨNG ĐẮC TAM MINH
Sao mai ló dạng lưng trời
Vô biên chánh trí đến thời mãn khai
NĂM 35 TUỔI ĐỨC THÍCH CA MÂU NI THÀNH ĐẠO DƯỚI CỘI BỘ ĐỀ TẠI BODHGĀYĀ.
Sau khi toàn thắng ác ma, vào canh đầu đêm rằm tháng tư âm lịch, Ngài tiến hành thiền định với đề mục niệm hơi thở vô – ra (anāpānasati) tuần tự chứng đắc bốn bậc thiền hữu sắc.
Bồ-tát ngồi yên lặng trên bồ đoàn, Ngài chứng đắc Túc mạng minh (Pubbenivāsānussatiñāṇa) vào canh đầu. Ngài biết rõ tất cả các tiền kiếp của mình, ở thời đại nào, tên gì, sanh trưởng trong gia đình nào, giai cấp nào, sinh sống ra sao, vui thích và đau khổ thế nào, chết cách nào, rồi tái sanh vào cảnh nào…
Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, hành giả hướng tâm, dẫn tâm đến túc mạng thông. Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều thành kiếp, nhiều hoại kiếp, nhiều hoại kiếp và thành kiếp. Vị ấy nhớ rằng: ‘Tại chỗ kia ta có tên như vậy, dòng họ như vậy, giai cấp như vậy, thọ lạc khổ như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra ở chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, giai cấp như thế này, dòng họ như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây.’ Như vậy, vị ấy nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với những nét đại cương và các chi tiết.[14]
Vào canh hai Ngài chứng đắc Thiên nhãn minh (Dibbacakkhuvijjjā).[15] Ngài biết rõ tất cả sự biến chuyển của vạn vật qua các giai đoạn thành, trụ, hoại, không; và biết rõ chúng sanh ở thời đại nào, tên gì, sanh trưởng trong gia đình nào, giai cấp nào, sinh sống ra sao, vui thích và đau khổ thế nào, tạo nghiệp gì, chết cách nào, rồi tái sanh vào cảnh nào… Ngài biết rõ tất cả nhân duyên nghiệp báo của chúng sanh.
Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến trí biết việc tử sanh của các chúng sanh. Với thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, vị ấy thấy các chúng sanh chết và tái sanh lại, tùy theo nghiệp của họ mà trở thành hạ liệt hoặc cao sang, xinh đẹp hoặc xấu xa, hạnh phúc hoặc khổ đau. Vị ấy thấy rõ những chúng sanh kia là những người phỉ báng các bậc Thánh, là những người có tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến, vào lúc thân hoại mạng chung phải sanh vào cõi dữ, địa ngục. Ngược lại, những chúng sanh nọ làm những thiện hạnh về thân, khẩu và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến, vào lúc thân hoại mạng chung, được sanh lên các cõi vui, thiên giới.[16]
Vào lúc giữa canh ba Ngài chứng đắc Lậu tận minh (Āsavakkhayañāṇa). Do đã biết rõ tất cả các tiền kiếp của chính bản thân mình và của mỗi chúng sinh, nên Ngài nhận thấy rõ ràng đâu là khổ, đâu là nguyên nhân của khổ, đâu là hạnh phúc chân thật vĩnh cửu, và làm thế nào để đạt được hạnh phúc chân thật vĩnh cửu đó. Ngài đã tìm ra Tứ diệu đế.
Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến lậu tận thông (trí). Vị ấy biết như thật “đây là khổ”, biết như thật “đây là nhân sanh của khổ”, biết như thật “đây là khổ diệt”, biết như thật “đây là con đường đưa đến khổ diệt”. Vị ấy biết như thật “đây là những lậu hoặc”, biết như thật “đây là nhân sanh của lậu hoặc”, biết như thật “đây là sự diệt trừ các lậu hoặc”, biết như thật “đây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc”. Nhờ hiểu biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết: Ta đã giải thoát. Vị ấy biết: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa.[17]
Sau khi chứng đắc Lậu tận minh, Ngài quán xét lại toàn bộ “quá trình thực hành pháp Ba-la-mật” của mình, cùng với những Thánh quả đã chứng đắc, nương theo đó Ngài quán xét “Lý duyên khởi – Paṭiccasamuppāda” và chứng đắc quả vị Chánh Đẳng Giác (Sammāsambuddha) với Nhất thiết chủng trí (Sabbaññutañāṇa). Ngài đã trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác cao thượng trong toàn cõi thế giới chúng sinh dưới cội cây Assattha. Do đó, cây Assattha còn gọi là Bodhirukkha – cây Bồ-đề[18], nơi đức Bồ-tát đạt thành Chánh giác.
Như vậy là vào canh cuối, khi trăng sắp lặn, sao mai vừa mọc, tháng Vesākha, dưới cội cây Assattha, bên sông Nerañjarā, gần Uruvelā, đức Bồ-tát Gotama đã chứng đắc quả vị Chánh Đẳng Giác; lúc ấy Ngài vừa đúng ba mươi lăm tuổi.
Khi đức Bồ-tát chứng đắc quả Chánh đẳng giác, có nhiều hiện tượng phi thường, kỳ diệu đã xảy ra như ba mươi hai hiện tượng kỳ diệu đã được mô tả trong sự kiện Bồ-tát đản sanh. Ngoài ra đó, tất cả những loại cây ra hoa ở trong mười ngàn thế giới đều đồng loạt nở hoa. Tất cả những loại cây cho trái cùng đồng loạt ra trái trĩu cành. Các loại hoa cũng nở ra một cách khác thường trên thân, cành và trên những cây leo. Những chùm hoa hiện ra lủng lẳng trong không trung. Các loại hoa sen nở hoa một cách kỳ diệu trên thân không lá, mỗi bông hoa có bảy tầng, xuyên qua những tảng đá lớn và mọc ra thành những dãi hoa. Đúng như vậy, mười ngàn thế giới của sanh đản sát thổ đều chuyển động nhẹ vào lúc ấy và trông như khối hoa khổng lồ được thổi tung lên hoặc như những luống hoa được khéo sắp đặt.
Đặc biệt nhất, ở địa ngục Lokantarika rộng lớn tối tăm, nơi giáp ranh với 3 thế giới, dành cho những chúng sinh có tà kiến cố định (niyatamicchāditthi) hoàn toàn không tin nghiệp – quả. Ở địa ngục rất tối tăm đó, dầu ánh sáng của bảy mặt trời mọc lên cùng một lúc, cũng không thể chiếu thấu đến tận nơi; nhưng ánh sáng hào quang của Đức Phật tỏa khắp mười ngàn thế giới, chiếu sáng đến tận địa ngục Lokantarika. Cho nên, những chúng sinh ở nơi đó có thể nhìn thấy lẫn nhau.
Khi ấy, Ðức Thế Tôn tự thuyết ở trong tâm với hai bài kệ, xem như là khúc Khải hoàn ca:
Anekajātisaṃsāraṃ, sandhāvissaṃ anibbisaṃ. Gahakāraṃ gavesanto, dukkhājāti punappunaṃ. Lang thang bao kiếp sống, Ta tìm nhưng chẳng gặp, Người xây dựng[19] nhà[20] này, khổ thay, phải tái sanh. Gahakāraka! diṭṭho’si, puna gehaṃ na kāhasi. Sabbā te phāsukā[21] bhaggā, gahakūtaṃ[22] visaṅkhataṃ. Visaṅkhāraṃ gataṃ cittaṃ, taṇhānaṃ khayamajjhagā”. Ôi! Người làm nhà kia, nay Ta đã thấy ngươi! Người không làm nhà nữa, đòn tay ngươi bị gẫy, Kèo cột ngươi bị tan, tâm Ta đạt tịch diệt, Tham ái thảy tiêu vong.[23]Hai bài kệ cảm hứng tự thuyết chính là Phật ngôn đầu tiên của đức Phật (Paṭhamabuddhavacana).
Vào buổi sáng trước ngày thành đạo, lúc Bồ-tát đã thọ dụng bát cơm sữa do nàng Sujātā cúng dường. Ngài chia bát cơm sữa ấy thành bốn mươi chín vắt và sau khi thọ xong bữa ăn có nhiều chất dinh dưỡng ấy, đức Phật nhịn đói luôn suốt bảy tuần lễ. Ngài trải qua thời gian bốn mươi chín ngày quanh quẩn tại bảy nơi xung quanh cội Bồ-đề, Ngài suy niệm và an hưởng hương vị giải thoát.
TUẦN THỨ NHẤT: NGỰ TẠI BỒ ĐOÀN CHIẾN THẮNG
Từ ngày 16 đến ngày 22 tháng tư, bảy ngày đầu tiên sau khi thành đạo, đức Phật ngồi không lay động dưới tàng cây của cội Bồ-đề để chứng nghiệm hạnh phúc giải thoát (Vimuttisukha). Trong đêm cuối tuần, vào lúc đầu hôm, Ngài xuất thiền và suy niệm về Thập nhị nhân duyên (Paṭiccasamuppāda) theo chiều xuôi (anuloma) như sau:
Iti imasmiṃ sati idaṃ hoti, imassuppādā idaṃ uppajjati – Do cái này có mặt, cái kia hiện hữu. Do cái này sanh, cái kia sanh. Avijjā paccayā saṅkhārā: Do duyên vô minh, hành sinh khởi. Saṅkhāra paccayā viññānaṃ: Do duyên hành, thức sinh khởi. Viññāṇa paccayā nāmarūpaṃ: Do duyên thức, danh – sắc sinh khởi. Nāmarūpa paccayā saḷāyatanaṃ: Do duyên danh – sắc, sáu xứ sinh khởi. Saḷāyatana paccayā phasso: Do duyên sáu xứ, xúc sinh khởi. Phassa paccayā vedanā: Do duyên xúc, thọ sinh khởi. Vedanā paccayā taṅhā: Do duyên thọ, ái sinh khởi. Taṅhā paccayā upādāna: Do duyên ái, thủ sinh khởi. Upādāna paccayā bhavo: Do duyên thủ, hữu sinh khởi. Bhava paccayā jāti: Do duyên hữu, nên có sinh. Jāti paccayā jarāmaraṇaṃ sokaparideva dukkha domanassasupāyāsā sambhavanti: Do duyên sinh nên già, chết, buồn rầu, khóc than, khổ, phiền muộn, đau đớn cũng phát sinh. Như vậy là sự tập khởi của khổ uẩn này.Lúc bấy giờ, Thế Tôn đã thốt lên bài kệ cảm hứng:
Yadā have pātubhavanti dhammā, Ātāpino jhāyato brāhmaṇassa; Athassa kaṅkhā vapayanti sabbā, Yato pajānāti sahetudhammaṃ. Quả vậy, khi các pháp hiện rõ đến vị Bà-la-môn tinh cần đang tham thiền thì tất cả điều nghi hoặc của vị ấy được rũ sạch, từ đó nhận biết rằng (mọi) việc là có nguyên nhân.[24]Khoảng canh giữa đêm đó, đức Phật suy luận theo chiều nghịch (paṭiloma) như sau:
Iti imasmiṃ asati idaṃ na hoti, imassa nirodhā idaṃ nirujjhati – Do cái này không có mặt, cái kia không hiện hữu. Avijjhāya tve’va asesavirāga nirodhā saṅkhāra nirodho: Vô minh diệt, hành cũng diệt. Saṅkhāra nirodhā viññāṇa nirodho: Do hành diệt, thức diệt. Viññāṇa nirodhā nāmarūpa nirodho: Do thức diệt, danh-sắc diệt. Nāmarūpa nirodhā saḷāyatana nirodho: Do danh -sắc diệt, sáu xứ diệt. Saḷāyatana nirodhā phassa nirodho: Do sáu xứ diệt, xúc diệt. Phassa nirodhā vedanā nirodho: Do xúc diệt, thọ diệt. Vedanā nirodhā taṅhā nirodho: Do thọ diệt, ái diệt. Taṅhā nirodhā upādāna nirodho: Do ái diệt, thủ diệt. Upādāna nirodhā bhava nirodho: Do thủ diệt, hữu diệt. Bhava nirodhā jāti nirodho: Do hữu diệt, sinh diệt. Jāti nirodhā jarāmaranaṃ soka parideva dukkha somanassupāyāsā nirujjhanti: Do sinh diệt nên già, chết, buồn rầu, khóc than, sầu muộn, đau đớn cũng diệt. Như vậy là đoạn diệt của khổ uẩn này.Khi đức Thế Tôn thấy rõ các pháp tùy thuộc vào nhau diệt tắt một cách rõ ràng, Ngài hoan hỷ thốt lên cảm hứng ngữ rằng:
Yadā have pātubhavanti dhammā, Ātāpino jhāyato brāhmaṇassa; Athassa kaṅkhā vapayanti sabbā, Yato khayaṃ paccayānaṃ avedī. Quả vậy, khi các pháp hiện rõ đến vị Bà-la-môn tinh cần đang tham thiền thì tất cả điều nghi hoặc của vị ấy được rũ sạch, từ đó đã hiểu được sự tiêu hoại của các duyên.[25]Đến canh cuối của đêm, Thế Tôn đã suy niệm theo chiều chiều xuôi và ngược (anulomapaṭiloma) như sau:
Avijjā paccayā saṅkhārā: Do duyên vô minh, hành sinh khởi… Như vậy là sự tập khởi của khổ uẩn này. Avijjhāya tve’va asesavirāga nirodhā saṅkhāra nirodho: Vô minh diệt, hành cũng diệt… Như vậy là đoạn diệt của khổ uẩn này.Rồi Thế Tôn nói bài kệ cảm hứng sau đây:
Yadā have pātubhavanti dhammā; Ātāpino jhāyato brāhmaṇassa; Vidhūpayaṃ tiṭṭhati mārasenaṃ; Sūriyova obhāsayamantalikkhaṃ. Quả vậy, khi các pháp hiện rõ đến vị Bà-la-môn tinh cần đang tham thiền, trong khi đánh tan binh đội của ma vương, (vị ấy) hiển hiện tựa như ánh mặt trời đang rọi sáng không gian.[26]Điểm dưới cội Bồ-đề nơi thành đạo và tọa thiền trong trong tuần lễ đầu tiên sau khi giác ngộ được gọi là Bodhimaṇḍa; về sau, tại nơi này cũng được xây dựng một Tịnh-xá có tên là Bodhimaṇḍavihāra.
Tuần lễ đầu tiên, đức Thế Tôn ngồi trên bồ đoàn suốt bảy ngày để chiêm niệm về pháp thập nhị nhân duyên nên tuần lễ này còn được gọi là Tuần lễ bồ đoàn chiến thắng – Pallaṅkasattāha.
TUẦN THỨ HAI: TRI ÂN CỘI BỒ-ĐỀ
Từ 23 đến ngày 29 tháng tư, đức Phật trải qua tuần lễ thứ hai một cách bình thản, Ngài đứng cách cây Bồ-đề khoảng 100m về hướng bắc của cội Bồ-đề, chăm-chú nhìn cây Bồ-đề trọn một tuần không nháy mắt, hồi tưởng lại cuộc trường kỳ chiến đấu cam go, gian khổ, với tự thân, tự tâm, trong vô lượng kiếp, cho đến ngày nay thành đạo dưới cội Bồ-đề, để rút tỉa kinh nghiệm hầu tìm ra một con đường giải thoát cho chúng sanh khỏi luân hồi đau khổ. Hiện nay nơi đây còn có tháp kỷ niệm do vua Asoka dựng lên, tên là Animisacetiya – Bảo tháp không nháy mắt. Và tuần lễ thứ hai này được gọi là tuần lễ không nháy mắt – Animisasattāha.
TUẦN THỨ BA: CON ĐƯỜNG KINH HÀNH CHÂU BÁU
Đến tuần lễ thứ ba, từ ngày 30 tháng tư đến ngày 6 tháng năm, chư Thiên và Phạm thiên hóa ra con đường kinh hành bằng bảy loại ngọc báu chạy từ hướng Đông sang hướng Tây ở khoảng giữa của Bảo tọa chiến thắng (aparajitapallaṅka) và nơi Đức Phật nhìn không chớp mắt để cúng dường đến Thế Tôn. Ngài đi kinh hành trên con đường châu báu này, rồi an trú tâm trong quả định (phalasampatti).
Nơi đức Phật đi kinh hành, sau này được thành lập một bảo tháp có tên là Ratanacaṅkamacetiya và tuần lễ thứ ba này được gọi là Tuần lễ kinh hành – Caṅkamasattāha.
TUẦN THỨ TƯ: BẢO ĐIỆN CHÂU BÁU
Kể từ ngày 7 đến 13 tháng năm, Thế Tôn đi đến hướng Tây bắc cội Bồ-đề, chư Phạm thiên và chư Thiên cúng dường đến Thế Tôn tòa bảo điện bằng bảy loại ngọc báu. Ngài ngự trong bảo điện và suốt tuần lễ này để quán xét về Vi diệu pháp – Abhidhamma.
Khi Ngài bắt đầu quán, hào quang sáu màu của phát ra sáu màu rực rỡ nhu là: xanh dương (nīla), vàng (pīta), đỏ (lohita), trắng (odata), cam (mañjittha) và màu chói sáng (pabhassarā).
Về sau nơi Đức Phật ngồi quán xét Thắng Pháp, được xây dựng ngôi tháp châu báu – Ratanacetiya. Và tuần lễ này được gọi là Tuần lễ bảo điện châu báu – Ratanagharasattāha.
Từ hào quang sáu màu này, một Đại tá Hải quân người Mỹ tên Henry Steel Olcott nảy ra sáng kiến tạo ra lá cờ Phật giáo. Ông thảo luận cùng ngài Đại trưởng lão Sumaṅgala của xứ Tích Lan để phác họa ra lá cờ Phật giáo gồm sáu màu. Lá cờ này được Tích Lan công nhận và được treo tại các tự viện vào ngày lễ Tam hợp (Vesak) từ năm 1889.
Năm 1950, tại Đại hội Phật giáo Thế giới lần đầu tiên tổ chức ở Colombo thủ đô Tích Lan, toàn hội nghị đã thống nhất chọn lá cờ ấy làm lá cờ Phật giáo toàn thế giới.
TUẦN THỨ NĂM: CỘI CÂY NIGRODHA – MA NỮ QUẤY RỐI
Tự tâm chẳng chút não phiền
Ngoại ma chẳng thể làm điên đảo lòng
SAU KHI THÀNH ĐẠO ĐỨC THẾ TÔN AN NHIÊN DƯỚI CỘI BỒ ĐỀ BẤY GIỜ MA NỮ ĐẾN QUẤY PHÁ NGÀI NHƯNG CHẲNG LÀM GÌ ĐƯỢC.
Từ ngày 14 đến ngày 20 tháng năm, đức Phật đi đến hướng Đông của cội bồ-đề, tọa thiền dưới bóng cây si của những người chăn dê – Ajapālanigrodha[27] để thọ hưởng hạnh phúc vô vi, giải thoát. Vào ngày cuối, có một người Bà-la-môn ngã mạn tên Huhuṅka[28] đi ngang, dừng lại hỏi:
– Thưa ngài Gotama, cho đến như thế nào là Bà-la-môn, và những pháp nào tác thành Bà-la-môn?
Hiểu được ý nghĩa sự việc ấy, đức Thế Tôn đã thốt lên lời cảm hứng này:
Yo brāhmaṇo bāhitapāpadhammo, Nihuṃhuṅko nikkasāvo yatatto; Vedantagū vūsitabrahmacariyo, Dhammena so brahmavādaṃ vadeyya; Yassussadā natthi kuhiñci loke.Vị Bà-la-môn nào có ác pháp đã được ngăn trừ, là vị không làm tiếng ‘hum hum,’ đã thoát khỏi điều ô nhiễm, có bản thân đã được thu thúc, là vị thông thạo các bộ Vệ Đà, sống theo đời Phạm hạnh, vị ấy có thể thuyết giảng một cách đúng đắn lời nói của Phạm Thiên, vị ấy không có khuyết điểm về bất cứ điều gì ở trên thế gian.[29]
Và cũng trong tuần lễ thứ năm này có một sự kiện khác đã xảy ra với Thế Tôn đó là ác ma và ba người con gái đã đến phá rối sự an tịnh của Ngài nơi cội cây Ajapālanigrodha này.
Ác ma đã theo sát đức Phật suốt bảy năm để chờ có dịp tìm thấy lỗi lầm nơi Ngài, nhưng không thể có được cơ hội như vậy dầu nhỏ nhặt nhất. Do đó, y đi đến đức Phật khi Ngài đang ngồi dưới gốc Ajapālanigrodha và nói lên câu kệ sau đây:
Sokāvatiṇṇo nu vanamhi jhāyasi, Vittaṃ nu jīno uda patthayāno; Āguṃ nu gāmasmimakāsi kiñci, Kasmā janena na karosi sakkhiṃ; Sakkhī na sampajjati kenaci te. Với tâm tư sầu muộn, Ngài Thiền tư trong rừng, Vì tài sản hao mòn, Hay vì thèm tài sản? Có thể tại xóm làng, Ngài đã gây tội phạm. Sao Ngài không làm thân, Với bà con xóm giềng? Sao Ngài không có thể, Làm bạn với một ai?Thế Tôn:
Sokassa mūlaṃ palikhāya sabbaṃ, Anāgu jhāyāmi asocamāno; Chetvāna sabbaṃ bhavalobhajappaṃ, Anāsavo jhāyāmi pamattabandhū. Mọi sầu căn nhổ sạch, Không tội phạm, Ta Thiền, Không sầu muộn, Ta Thiền. Mọi hữu ái, đoạn tận, Vô lậu, Ta Thiền định, Này Bà con phóng dật!Ác ma:
Yaṃ vadanti mama yidanti, ye vadanti mamanti ca; Ettha ce te mano atthi, na me samaṇa mokkhasī. Sự vật được Ngài nói: “Cái này là của tôi”. Và những người đã nói: “Cái này chính là tôi”. Nếu ở đây móng ý, Ðối với sự vật ấy, Như vậy, này Sa-môn, Ngài không thoát khỏi ta.Thế Tôn:
Yaṃ vadanti na taṃ mayhaṃ, ye vadanti na te ahaṃ; Evaṃ pāpima jānāhi, na me maggampi dakkhasī. Sự vật được ông nói: “Cái này không của tôi” Và những người đã nói: “Họ không phải là tôi”. Hãy hiểu biết như vậy, Này kẻ Ác ma kia! Cho đến Ông không thấy, Con đường của Ta đi.Ác ma:
Sace maggaṃ anubuddhaṃ, khemaṃ amatagāminaṃ; Apehi gaccha tvameveko, kimaññamanusāsasī. Nếu Ngài chứng ngộ được, Ðường an toàn bất tử, Ngài hãy đi một mình. Sao lại dạy người khác?Thế Tôn:
Amaccudheyyaṃ pucchanti, ye janā pāragāmino; Tesāhaṃ puṭṭho akkhāmi, yaṃ saccaṃ taṃ nirūpadhiṃ. Người đi đến bờ kia, Họ hỏi nước bất tử, Ðược hỏi, Ta trả lời, Cảnh giới vô dư y.Khi nghe vậy, Ma-vương đã hết phương quanh co như con cua bị bọn trẻ trong làng đập gãy càng, bèn nói lên hai câu kệ chấp nhận thất bại:
– Bạch Thế Tôn, ví như một hồ nước không xa làng hay thị trấn. Tại đấy có một con cua. Rồi bạch Thế Tôn, nhiều người con trai hay người con gái, từ làng ấy đi ra, đi đến hồ nước ấy. Sau khi đến, họ kéo con cua ấy lên khỏi nước và đặt nó trên đất liền. Bạch Thế Tôn, khi nào con cua ấy thò ra cái càng nào, những người con trai hay những người con gái ấy, lấy gậy hay lấy miểng sành chặt đứt, bẻ gãy hay đập nát cái càng ấy. Như vậy, bạch Thế Tôn, con cua ấy, với mọi càng bị chặt đứt, bẻ gãy, đập nát, không thể bò xuống hồ nước ấy nữa. Ví như lúc trước có những lộn xộn, mâu thuẫn, xuyên tạc gì đã được Thế Tôn chặt đứt, bẻ gẫy, đập nát. Và nay, bạch Thế Tôn, với hy vọng tìm cho được lỗi lầm, con không thể đến gần Thế Tôn được.
Rồi ác ma, trước mặt Thế Tôn, trong nỗi niềm thất vọng, nói lên bài kệ này:
Medavaṇṇañca pāsāṇaṃ, vāyaso anupariyagā; Apettha muduṃ vindema, api assādanā siyā. Aladdhā tattha assādaṃ, vāyasetto apakkame; Kākova selamāsajja, nibbijjāpema Gotama. Như quạ liệng hư không, Thấy đá như miếng mỡ, Tưởng rằng sẽ tìm được, Miếng gì mềm và ngon. Không tìm được gì ngon, Liền từ đó bay đi, Như quạ mổ hòn đá, Thất vọng ta bỏ đi, Giã từ Gotama.[30]Sau đó, ác ma ngồi trầm ngâm suy nghĩ như vầy: “Dầu ta đã theo sát đức Phật để tìm lỗi vị ấy, nhưng ta không thể tìm thấy nơi Ngài ấy một lỗi nhỏ nào đáng để chê trách. Giờ đây, Ngài đã thoát khỏi quyền kiểm soát của ta trong ba cõi”. Như vậy, ác ma đã ngồi ủ rủ và buồn bã trên con đường chính, cách không xa đức Phật và gạch xuống đất mười sáu vạch sau khi xuy xét mười sáu vấn đề còn thua đức Phật như là:
- Ta chưa thực hành viên mãn Bố thí Ba-la-mật trong những kiếp quá khứ của ta.
- Ta chưa thực hành viên mãn Trì giới Ba-la-mật trong những kiếp quá khứ của ta.
- Ta chưa thực hành viên mãn Xuất gia Ba-la-mật trong những kiếp quá khứ của ta.
- Ta chưa thực hành viên mãn Trí tuệ Ba-la-mật trong những kiếp quá khứ của ta.
- Ta chưa thực hành viên mãn Tinh tấn Ba-la-mật trong những kiếp quá khứ của ta.
- Ta chưa thực hành viên mãn Nhẫn nại Ba-la-mật trong những kiếp quá khứ của ta.
- Ta chưa thực hành viên mãn Chân thật Ba-la-mật trong những kiếp quá khứ của ta.
- Ta chưa thực hành viên mãn Chí nguyện Ba-la-mật trong những kiếp quá khứ của ta.
- Ta chưa thực hành viên mãn Từ Ba-la-mật trong những kiếp quá khứ của ta.
- Ta chưa thực hành viên mãn Xả Ba-la-mật trong những kiếp quá khứ của ta.
- Ta chưa thực hành viên mãn mười pháp Ba-la-mật trong những kiếp quá khứ của ta để có được Căn thượng hạ trí (Indriyaparopariyattiñāṇa).
- Ta chưa thực hành viên mãn các pháp Ba-la-mật trong những kiếp quá khứ của ta để có được ý lạc Tuỳ miên trí (āsayanusayañāṇa).
- Ta chưa thực hành viên mãn mười pháp Ba-la-mật trong những kiếp quá khứ của ta để có được Đại bi định trí (mahākarunasamāpattiñāṇa).
- Ta chưa thực hành viên mãn mười pháp Ba-la-mật trong những kiếp quá khứ của ta để có được Song thông trí (Yamakapāṭihāriyañāṇa).
- Ta chưa thực hành viên mãn mười pháp Ba-la-mật trong những kiếp quá khứ của ta để có được Vô chướng trí (anāvaraṇañāṇa).
- Ta chưa thực hành viên mãn mười pháp Ba-la-mật trong những kiếp quá khứ của ta để có được Nhất thiết trí (sabbaññutañāṇa).[31]
Lúc bấy giờ, ba người con gái của ma vương (māradhītu): Taṅhā, Arati và Ragā thấy cha của mình đang ngồi ủ rủ, gạch những đường kẽ trên mặt đất, chúng vội vã đi đến và hỏi rằng:
Kenāsi dummano tāta, purisaṃ kaṃ nu socasi; Mayaṃ taṃ rāgapāsena, āraññamiva kuñjaraṃ; Bandhitvā ānayissāma, vasago te bhavissati. Cha thân yêu, sao cha, Lại thất vọng như vậy? Vì ai, vì người nào, Khiến cha phải sầu muộn? Chúng con với ái dục, Sử dụng như bẫy mồi, Sẽ buộc chặt họ lại, Như buộc chặt voi rừng, Và dẫn họ đến cha, Khiến họ quy phục cha.Ác ma:
Arahaṃ sugato loke, na rāgena suvānayo; Māradheyyaṃ atikkanto, tasmā socāmahaṃ bhusaṃ. Bậc La-hán, Thiện Thệ, Bậc Chánh Giác ở đời, Không dễ dùng ái dục, Khéo nhiếp phục vị ấy. Vị ấy đã vượt qua, Lãnh vực của Ác ma, Do vậy, ta sầu não, Buồn phiền đến cực độ.[32]Biết được như vậy, ba nàng ma nữ đi đến trước mặt đức Phật và nói lời dụ dỗ với Ngài rằng:
– Thưa Sa-môn, chúng con xin hầu hạ dưới chân Ngài.
Tuy nhiên, Đức Phật không để tâm đến chúng. Mắt vẫn khép lại và đang nhập thiền quả, thọ hưởng sự an lạc của Níp-bàn. Rồi ba người con gái của Ma vương lại bàn bạc với nhau như vầy: “Sở thích của con người cao thấp khác nhau. Vậy chúng ta biến hình thành một trăm thiếu nữ khác nhau”.
Bởi vậy, ba ma nữ hoá làm các nữ nhân đủ loại tuổi tác và trổ ra nhiều trò để chiêu dụ đức Phật. Bọn họ hoá ra một trăm nữ nhân: một số mang tướng mạo những cô gái trẻ, một số mang tướng mạo những cô gái chưa sanh con, một số mang tướng mạo những thiếu phụ một con, một số mang tướng mạo những thiếu phụ hai con, một số mang tướng mạo những công nương ở tuổi trung niên, và một số mang tướng mạo của những mệnh phụ phu nhân lớn tuổi. Tất cả đều có vẻ đẹp riêng của từng lứa tuổi.
Rồi chúng đi đến Đức Phật và nói lời mê hoặc như trước. Cũng như những trường hợp trước, đức Phật không để ý đến chúng mà vẫn ngồi nhắm mắt, nhập thiền quả định và thọ hưởng sự an lạc của sự giải thoát. Sau đó, đức Phật nói rằng:
– Các ngươi hãy đi đi, các ngươi tìm được lợi ích gì mà cố gắng làm như thế chứ. Việc làm của các ngươi chỉ có thể quyến rũ được người còn ái dục thôi. Như Lai đã tận diệt mọi tham ái phiền não rồi. Các ngươi mong Như Lai rơi vào quyền lực của các ngươi do nhân nào được chứ.
Rồi Ngài thuyết lên hai kệ ngôn rằng:
Yassa jitaṃ nāvajīyati, Jitaṃ yassa no yāti koci loke. Taṃ buddhamanantagocaraṃ, Apadaṃ kena padena nessatha. Vị chiến thắng không bại, Vị bước đi trên đời, Không dấu tích chiến thắng, Phật giới rộng mênh mông, Ai dùng chân theo dõi, Bậc không để dấu tích? Yassa jālinī visattikā, Taṇhā natthi kuhiñci netave; Taṃ buddhamanantagocaraṃ, Apadaṃ kena padena nessatha.” Ai giải tỏa lưới tham, Ái phược hết dắt dẫn, Phật giới rộng mênh mông, Ai dùng chân theo dõi Bậc không để dấu tích?[33]Ba nàng ma nữ quấy rối Thế Tôn thất bại và trợr về tìm ma vương, thấy các con của mình trong tình trạng như thế, ác ma nói lên bài kệ sau:
Bālā kumudanāḷehi, pabbataṃ abhimatthatha; Giriṃ nakhena khanatha, ayo dantehi khādatha. Selaṃva sirasūhacca, pātāle gādhamesatha; Khāṇuṃva urasāsajja, nibbijjāpetha gotama. Daddallamānā āgañchuṃ, taṇhā ca aratī ragā; Tā tattha panudī satthā, tūlaṃ bhaṭṭhaṃva māluto. Các ngươi thật kẻ ngu, Lấy cành sen phá đá, Lấy móng tay đào núi, Lấy răng nhai sắt thép. Các ngươi thật giống người, Lấy đầu húc đá tảng, Cố gắng tìm chân đứng, Trong vực thẳm thâm sâu. Các ngươi thật giống người, Lấy ngực đâm lao nhọn. Thất vọng, các ông đến, Giã từ Gotama. Trong áo xiêm lòe loẹt, Con gái ma, chúng đến, Khát ái và bất lạc, Cùng với nàng tham dục. Bậc Ðạo Sư quét sạch, Các con gái ác ma, Như thần gió quét sạch, Các cây lá rơi rụng.[34]Như vậy, trong tuần lễ thứ năm này, Thế Tôn đã ngự tại cội cây Ajapālanigrodha suốt bảy ngày, và chính vì thế tuần lễ thứ năm này còn được gọi là Tuần lễ tại cây Ajapālanigrodha – Ajapālasattāha
TUẦN THỨ SÁU: BỜ HỒ MUCALINDA
Sau bảy ngày thiền tịnh ở dưới cội cây Ajapālanigrodha, Thế Tôn xuất khỏi thiền tịnh. Ngài đi đến cội cây Mucalinda ở cạnh bờ hồ nằm về hướng Đông cội Bồ-đề. Từ ngày 21 đến ngày 27 tháng năm, Thế Tôn trải qua bảy ngày ngồi kiết già thọ hưởng sự an lạc của đạo quả giải thoát.
Lúc bấy giờ, một cơn giông tố lớn trái mùa khởi lên[35] và trong bảy ngày, trời mưa gió lạnh, bầu trời u ám. Rồi rắn chúa Mucalinda ra khỏi chỗ ở của mình, với thân cuốn vòng quanh bảy vòng thân của Thế Tôn, và đứng thẳng, vươn cao các mang lớn trên đầu Thế Tôn với ý nghĩ: “Mong Thế Tôn khỏi lạnh! Mong Thế Tôn khỏi nóng! Mong Thế Tôn khỏi xúc chạm với ruồi, muỗi, gió, sức nóng, các loài bò sát”.
Như vậy, đức Phật đã trú ngụ bên trong bảy vòng thân của long vương Mucalinda và trải qua suốt bảy ngày thọ hưởng sự an lạc của giải thoát tựa như Ngài đang ở trong một hương phòng không quá hẹp. khi long vương nhìn lên trời cao và thấy không còn những đám mây mưa, vị ấy bèn bỏ thân long vương và hoá ra một chàng trai trẻ tuấn tú, đứng chấp tay trước đức Phật.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
Sukho viveko tuṭṭhassa, sutadhammassa passato; Abyāpajjaṃ sukhaṃ loke, pāṇabhūtesu saṃyamo. Sukhā virāgatā loke, kāmānaṃ samatikkamo; Asmimānassa yo vinayo, etaṃ ve paramaṃ sukhaṃ. Viễn ly là an lạc, Với người biết tri túc, Với người có nghe pháp, Với người có chánh kiến Không sân là an lạc, Những ai ở trên đời, Ðối hữu tình chúng sanh, Biết tự chế, ngăn ngừa. Ly tham là an lạc, Vượt các dục ở đời, Ai nhiếp phục ngã mạn, Ðây an lạc tối thượng.[36]Suốt tuần thứ sáu, Thế Tôn an tịnh dưới cội cây Mucalinda nên Tuần lễ này gọi là Tuần lễ Mucalinda – Mucalindasattāha.
TUẦN THỨ BẢY: CỘI CÂY RĀJĀYATANA
Sau khi trải qua bảy ngày thọ hưởng sự an lạc của đạo quả A-la-hán dưới cội cây Mucalinda và đến tuần lễ thứ bảy, Đức Phật rời khỏi chỗ đó và đi đến cội cây Rājāyatana ở về hướng nam của đại thọ Bồ-đề và ngồi dưới cội cây ấy thọ hưởng sự an lạc của đạo quả A-la-hán trong bảy ngày, kể từ ngày 28 tháng năm đến ngày 5 tháng sáu.
Suốt 49 ngày này, đức Phật không làm công việc gì khác như súc miệng, rửa mặt, đại tiểu tiện, tắm, độ thực, uống nước và nằm. Ngài trải qua thời gian ấy chỉ thọ hưởng sự an lạc của thiền (jhāna) và quả.
Khi 49 ngày đã kết thúc, đến ngày mồng năm tháng năm, trong khi đức Phật đang trú ngụ ở Rājāyatana, vua trời Sakka đến và dâng đến Ngài trái thuốc Myrobalan vì vị ấy biết Đức Phật muốn rửa mặt và vệ sinh thân thể. Đức Phật nhận lấy trái Myrobalan.[37] Khi Ngài vừa độ xong trái Myrobalan thì Ngài đi đại tiện và tiểu tiện. Sau đó Sakka dâng cây chà răng lấy từ cõi rồng, và nước từ hồ Anotatta để rửa mặt. Đức Phật dùng cây chà răng, súc miệng và rửa mặt bằng nước ở hồ Anotatta và vẫn ngồi dưới cội cây Rājāyatana.
Tuần lễ thứ bảy này được gọi là Tuần lễ Rājāyatana – Rājāyatanasattāha.
Trích Cuộc Đời Và Những Lời Dạy Của Đức Phật
Bhik.Samādhipuñño Định Phúc
______________________________________________________
[1] Theo thông lệ của chư Phật, Bồ-tát trước khi chứng Vô thượng Chánh giác, Ngài thọ dụng cơm sữa trong chiếc bát bằng vàng cho nên chiếc bát do đại Phạm thiên Ghaṭikāra cúng dường khi Bồ-tát xuất gia đã biến mất.
[2] Bốn mươi chín vắt cơm ấy, sau khi được ăn vào biến thành chất dinh dưỡng để nuôi sống Ngài suốt bảy tuần sau khi chứng đắc Phật quả. Suốt bảy tuần này, đức Phật trú trong sự an lạc của quả giải thoát mà không dùng đến chút vật thực nào cả, không tắm, không rửa mặt và không chùi rửa tay chân.
[3] JA.i.69
[4] 80 hắc tay khoảng 40 mét.
[5] Ba vị Phật trong quá khứ là đức Phật Kakusandha, đức Phật Konāgamana và đức Phật Kassapa. Trước khi đắc thành Phật quả, ba vị Bồ-tát cũng đã phát nguyện và thả trôi mâm vàng tương tự như thế. Vì long vương có tuổi thọ dài trọn một kiếp trái đất, ông đã chứng kiến sự ra đời của bốn vị Phật trong kiếp trái đất hiện tại này, long vương nghe tiếng keng của bốn cái bát đụng nhau nên tưởng rằng vị Phật mới nhập diệt hôm qua và hôm nay lại có vị Phật mới ra đời.
[6] JA.i.69
[7] Tên thật của cây bồ-đề là Assattha, nhưng vì đức Bồ-tát đã đạt thành Phật quả dưới cội cây này nên sau đó cây assattha được gọi là cây Bồ-đề – Bodhirukkha.
[8] Trong kiếp trái đất của chúng ta, có bốn địa điểm bất di bất dịch không bao giờ thay đổi được, đó là: -1. Địa điểm Bảo tọa giác ngộ tại Bồ-Đề đạo tràng. – 2. Địa điểm nơi đức Phật Chuyển Pháp luân ở vườn Lộc Uyển. – 3. Địa điểm ở chân thành Saṅkassa, nơi Đức Phật đặt chân đầu tiên khi Ngài từ cung trời Đạo-lợi ngự về nhân giới. – 4. Địa điểm đặt chiếc giường của đức Phật trong Hương thất (Gandhakuṭi) ở Kỳ-Viên.
[9] Tương ưng bộ kinh, thiên nhân duyên, tương ưng Tỳ-khưu, kinh cái ghè (S.ii.275)
[10] Một hắc tay hoặc một cubit là chiều dài khoảng 45cm, như vậy 14 hắc tay khoảng 6,3m. Đối với chư Phật Chánh đẳng giác, chiều cao Bồ-đoàn của các Ngài sẽ không giống nhau, như là: Bồ-đoàn của chư Phật Dīpaṅkara, Revata, Piyadassī, Atthadassī, Dhammadassī, Vipassī cao năm mươi ba hắc tay; Bồ-đoàn của chư Phật Koṇḍañña, Maṅgala, Nārada, Sumedha cao năm mươi bảy hắc tay; Bồ-đoàn của đức Phật Sumana cao sáu mươi hắc tay; Bồ-đoàn của các vị Phật Sobhita, Anomadassī, Paduma, Padumuttara, Phussa cao ba mươi tám hắc tay; Bồ-đoàn của đức Phật Sujāta cao ba mươi hai hắc tay; Bồ-đoàn của chư Phật Siddhattha, Tissa, Vessabhū cao bốn mươi hắc tay; Bồ-đoàn của đức Phật Sikhī là ba mươi hai hắc tay; Bồ-đoàn của đức Phật Kakusandha là hai mươi sáu hắc tay; Bồ-đoàn của đức Phật Koṇāgamana là hai mươi hắc tay; Bồ-đoàn của đức Phật Kassapa là mười lăm hắc tay. (BvA.297)
[11] Kinh tập, chương ba – đại phẩm, kinh tinh cần (Sn.77)
[12] Năm pháp đại thí: bố thí của cải, bố thí ngôi vua, bố thí vợ con, bố thí bộ phận trong thân thể và bố thí sinh mạng.
[13] Kinh tập, chương ba – đại phẩm, kinh tinh cần (Sn.78)
[14] Trường bộ kinh, kinh subha (D.i.210)
[15] Thiên nhãn minh (Dibbacakkhuñāṇa), thấy rõ, biết rõ sự sanh va chết của mỗi chúng sinh do bởi nghiệp – quả nào, còn gọi là Sanh tử minh (Cutūpapātañāṇa). Thiên nhãn minh có thể thấy rõ, biết rõ kiếp vị lai của mỗi chúng sinh, còn gọi là Vị lai kiến minh (Anāgatamsañāṇa), chư Phật thường thọ ký theo phước thiện cùng nguyện vọng của chúng sinh ấy bằng Vị lai kiến minh này.
[16] Trường bộ kinh, kinh subha (D.i.210)
[17] Trường bộ kinh, kinh subha (D.i.210)
[18] Dưới cội cây nào mà đức Bồ-tát chứng đắc thành Bậc Chánh Đẳng Giác thì cây ấy đều được gọi là Bodhirukkha – cây Bồ-đề, mỗi đức Phật có mỗi cây Bồ-đề khác nhau, ví dụ như: assattha (Gotama và Koṇḍañña), sirīsa (Dīpaṅkara), nāga (Maṅgala, Sumana, Revata, và Sobhita), ajjuna (Anomadassī), mahāsoṇa (Paduma và Nārada), salada (Padumuttara), nimba (Sumedha), velu (Sujāta), kakudha (Piyadassī), campaka (Atthadassī), bimbajalā (Dhammadassī), kaṇikāra (Siddhattha), asana (Tissa), āmaṇḍa (Phussa), pāṭalī (Vipassī), puṇḍarīka (Sikhī), sāla (Vessabhū), sirisā (Kakusandha), udumbara (Koṇāgamma), và nigrodha (Kassapa)…
[19] Người xây dựng nhà, tức là nguyên nhân chính dẫn tấm thân này đi tái sanh luân hồi đó là tham ái.
[20] Ngôi nhà chính là tấm thân ngũ uẩn. Trước khi thành Phật, Bồ-tát đã tứng suy tư về nguyên nhân khiên cho tấm thân này phải trôi lăn trong vòng sanh tử và chịu nhiều khổ đau, ai là kiến trúc sư đã xây dựng nhà này?
[21] Phāsukā: sườn nhà, tức là những phiền não (kilesas) như tham (lobha), sân (dosa), si (moha), ngã mạn (māna), tà kiến (diṭṭhi), hoài nghi (vicikicchā), hôn trầm (thīna), trạo cử (uddhacca), không hổ thẹn tội lỗi (ahirika), không ghê sợ hậu quả tội lỗi (anottappa).
[22] Gahakūtaṃ: nóc nhà, tức là vô minh, gốc rễ của phiền não.
[23] Kinh pháp cú, kệ 153-154 (Dhp.153, 154).
[24] Tạng luật, đại phẩm, chương trọng yếu, tụng phẩm thứ nhất (Vin.i.2)
[25] Tạng luật, đại phẩm, chương trọng yếu, tụng phẩm thứ nhất (Vin.i.2)
[26] Tạng luật, đại phẩm, chương trọng yếu, tụng phẩm thứ nhất (Vin.i.2)
[27] Ajapālanigrodha được giải thích như sau: 1. gốc cây si của những người chăn dê ngồi nghỉ ngơi; 2. cây si nơi những con dê đến để tránh nắng.
[28] Là một Bà-la-môn rất nóng tánh và tính tình kiêu ngạo về giai cấp của mình, ông thường phát ra âm thanh “hu-huṃ” như là một dấu hiệu được sinh ra từ Phạm thiên nên được gọi là Huhuṅka.
[29] Tạng luật, đại phẩm, chương trọng yếu, tụng phẩm thứ nhất (Vin.i.2)
[30] Tương ưng bộ kinh, thiên có kệ, tương ưng ác ma, phẩm thứ ba, kinh bảy năm (S.i.122)
[31] Theo bộ Vô ngại giải đạo (Paṭisambhidāmagga), sáu loại trí này chỉ bậc Toàn giác mới có. Ngay cả đức Phật Độc giác hay Thượng thủ thinh văn cũng không thể có sáu loại trí này.
[32] Tương ưng bộ kinh, thiên có kệ, tương ưng ác ma, phẩm thứ ba, kinh những người con gái (S.i.124ff)
[33] Pháp cú kinh, kệ 179,180 (Dhp.179, 180)
[34] Tương ưng bộ kinh, thiên có kệ, tương ưng ác ma, phẩm thứ ba, kinh những người con gái (S.i.128)
[35] Cơn mua lớn như vậy chỉ xảy ra trong hai trường hợp: trường hợp thứ nhất là khi vị chuyển luân vương xuất hiện và trường hợp thứ hai là khi đức Phật xuất hiện.
[36] Kinh Phật tự thuyết, phẩm mucalinda, kinh mucalinda (Ud.10)
[37] Trái Myrobalan dường như là một loại trái cây có tác dụng như là một loại thuốc xổ.
- [17/10/2023] Phật giáo Theravāda Việt Nam, những thay đổi hành pháp từ khi du nhập đến nay
- [15/07/2023] Mối Liên Hệ Giữa Bồ Tát Thích Quảng Đức và Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam Trong Phong Trào Phật Giáo Miền Nam 1963
- [11/06/2023] Từ pháp nạn 1963 nhìn về tinh thần bất hại (ahiṃsa) trong Phật giáo và các tôn giáo khác (Định Phúc Spuñño)
- [20/06/2021] Hình ảnh
- [02/11/2019] Lịch Sử Xá Lợi Của Đức Phật Gotama
- [21/05/2018] Sự Kiện Bồ-tát Đản Sanh Trong Kinh Tạng Nikāya
- [17/02/2018] Những ông vua lên ngôi vào mùng 1 Tết
- [26/05/2015] Phật Đản – Vesak, Đản Sanh Và Đức Phật Xuất Hiện
- [20/03/2013] Chữ Việt cổ đã được giải mã?