Mahāpajāpatī Gotamī (Kiều Đàm Di) Tỳ khưu ni đầu tiên của Phật giáo

Mahāpajāpatī Gotamī – em gái của Hoàng hậu Mahāmāyā Gotamī, dì ruột và là dì mẫu của đức Phật Gotama.

Mahāpajāpatī Gotamī (Kiều Đàm Di) Tỳ khưu ni đầu tiên của Phật giáo

Mahāpajāpatī Gotamī (Kiều Đàm Di)
Tỳ khưu ni đầu tiên của Phật giáo

Giảng sư: TT. TS. Thiện Minh
Giảng đường: Tổ đình chùa Hội Quang, Bình Dương
Ghi lại bài giảng: Phật tử Quang Đức
Chủ nhật, ngày 23 tháng 1 năm Đinh Dậu, PL: 2560

 

Nhân Đại lễ tưởng niệm công đức Đại Thánh Ni Mahāpajāpatī Gotamī (Kiều Đàm Di) - được đăng cai và tổ chức tại Thành phố mới tỉnh Bình Dương vào ngày 8 tháng 2 năm Đinh Dậu; TT.TS. Thiện Minh thuyết giảng bài pháp về cuộc đời và thân thế của Tỳ khưu ni Mahāpajāpatī Gotamī. Bài pháp như là một thước phim quay chậm sâu lắng giúp đạo tràng Phật tử tỉnh Bình Dương hiểu rõ hơn về vai trò hộ pháp và đức hi sinh vĩ đại của bà Mahāpajāpatī Gotamī đối với cuộc đời của đức Phật Gotama (Thích Ca Mâu Ni) và sự ra đời của Hội chúng Ni trong Phật giáo. Bài pháp gồm 5 phần: 1, Sơ lược về thân thế của Tỳ khưu ni Mahāpajāpatī Gotamī; 2, Đức Phật dạy bài pháp Cúng dường không phân biệt thông qua hành động dâng y cúng dường của bà; 3, Tám giới luật (Bát Kỉnh Pháp /the Eight Garudhammas); 4, Những kệ ngôn mà bà đã ứng khẩu sau khi chứng đắc; 5, Ni chúng Việt Nam xây chùa mang tên bà tại Ấn Độ, ngay nơi mà những người nữ đầu tiên xuất gia.

 

1. Sơ lược về thân thế của Tỳ khưu ni Mahāpajāpatī Gotamī

Mahāpajāpatī Gotamī – em gái của Hoàng hậu Mahāmāyā Gotamī, dì ruột và là dì mẫu của đức Phật Gotama.

Mahāpajāpatī Gotamī được sinh ra ở Devadaha, phụ thân là Añjana Sakka và mẫu thân là Sulakkhanā theo kinh Appādana (Ap.ii.538), còn theo truyện kể (Mhv.ii.18) thì phụ thân và thân mẫu của bà là Añjana và Yasodharā.

Mahāpajāpatī Gotamī (Pajāpatī) và chị gái - Hoàng hậu Mahāmāyā Gotamī (Māyā) khi mới sinh ra đã được các nhà hiền triết tiên đoán rằng cả 2 chị em đều là những người có đại phúc tướng, phúc đức họ có được có tầm ảnh hưởng rất lớn tới một sự chuyển biến trọng đại.

Đến tuổi trưởng thành Pajāpatī và chị gái Māyā cùng lần lượt kết hôn với vua Suddhodhana (Tịnh Phạn) thuộc tộc Śākya (Thích Ca). Sau khi hạ sinh Thái tử Siddhatta (đức Phật Gotama) 7 ngày, Hoàng hậu Māyā qua đời, dì mẫu Pajāpatī tình nguyện nhận nuôi dưỡng Thái tử Siddhatta còn con ruột của mình là Nanda thì giao lại cho người vú chăm sóc.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao Hoàng hậu Māyā lại qua đời khi mới sinh được duy nhất một mình Thái tử và Thái tử cũng chỉ mới được 7 ngày? Nếu nói bà là người có Đại phúc tướng thì tại sao bà lại qua đời khi còn quá trẻ như vậy?

Lật lại lịch sử để hiểu rằng Hoàng hậu Māyā là con người phạm hạnh, đạo đức và từ bi. Bà kết hôn với vua Suddhodhana đã lâu mà vẫn chưa có con. Một hôm vua Suddhodhana trở về từ chuyến đi dẹp biên thùy, ngày trở về của nhà vua cũng trùng với ngày bà thọ Bát quan trai giới. Do đó, bà giữ thân thể hoàn toàn trong sạch, không thị phạm với đức vua.

Trong đêm thọ Bát quan trai giới này bà nằm mộng thấy 4 vị chư thiên nâng 4 góc giường của bà đưa lên đỉnh núi Himavā, đặt dưới gốc cây sāla tại Manosilātala. Tiếp đó họ dùng cánh nâng bà lên, tắm cho bà tại hồ nước Anotatta Lake. Họ thay cho bà một bộ trang phục tuyệt đẹp rồi lại đưa bà vào một cung điện bằng vàng, đặt bà nằm trên một chiếc giường lộng lẫy. Tại đây, Bodhisatta (Bồ tát) trong hình dạng là một con voi trắng ngậm một đóa sen trắng đi vào từ hông phải của bà. Thời khắc đó là ngày cuối cùng của lễ hội Uttarāsālhanakkhatta – lễ hội kéo dài 7 ngày mà bà đã tham gia trong giấc mơ của mình.

Hoàng hậu tỉnh giấc, cảm thấy trong người mát mẻ, dễ chịu, tinh thần sảng khoái. Ngay lúc đó bà đã thọ thai. Kể từ ngày thọ thai, Hoàng hậu được bảo vệ bởi 4 vị chư thiên và bà không muốn gần gũi với người khác giới. Bà giữ thân tâm trong sạch, ngồi thiền và bố thí.

Đến cuối tháng thứ 10, bà muốn quay về quê hương Devadaha để sanh nở theo phong tục của người Ấn Độ. Trên đường trở về nhà cha mẹ ruột, bà dừng nghỉ chân tại gốc cây sāla ở Lumbinī (Lâm Tỳ Ni) và sinh hạ Thái tử Siddhatta. 7 ngày sau sinh, Hoàng hậu qua đời và tái sanh là một thân nam ở Tusita world (Cung trời Đao Lợi), tên gọi là Māyādevaputta.

Điều này cho thấy rằng phước đức của Hoàng hậu quá lớn để được chọn cho việc thọ thai và hạ sanh một vị Phật tổ. Do đó, ngay sau khi sanh bà đã sớm được sanh thiên. Một điều quan trọng không kém nữa là từ các đời chư Phật trong quá khứ thì bất cứ người mẹ nào sanh ra một vị Phật cũng đều qua đời sau khi sanh 7 ngày và hiện thân của vị Phật tổ cuối cùng phải là một ông vua, có lập gia đình, có con rồi mới xuất gia.

Còn dì mẫu Pajāpatī cũng là người dì có đại phúc tướng vì bản chất là người có đại hồng tâm nên đã được chọn để có cơ hội gần gũi, chăm sóc và nuôi nấng một vị Phật tổ.

2. Dệt Y cúng dường

Dì mẫu Pajāpatī đã tự tay mình nuôi nấng Thái tử như con đẻ. Chăm sóc và lo lắng cho Thái tử chu đáo cho tới tận ngày Thái tử rời bỏ hoàng cung tìm đạo.

Sau khi Thái tử ra đi, bà ở lại Kinh thành nhưng lòng không nguôi thương nhớ Thái tử, bà dõi theo tin tức của Thái tử, đồng cảm cùng con đường Thái tử đã chọn và đồng thời bà cũng một lòng tu tập, hành thiền.

Nhân một dịp nghe tin đức Phật sẽ về thăm quê hương, chính dì mẫu Pajāpatī đã ngày đêm tự xe chỉ, dệt vải rồi tự mình may y để dâng cúng đến đức Phật. Sau khi may y xong, bà dâng đến đức Phật. -Bà bạch với đức Phật rằng: Tôi tự xe chỉ, tự dệt rồi tự mình may bộ y này, xin Đức Thế Tôn nhận lãnh.

-Đức Phật từ chối, nói: Hãy dâng cúng y này đến Chư tăng. Nếu dì cúng đến Chư tăng, thì chính Như Lai cũng được dâng cúng.

-Bà thỉnh cầu đức Phật lần thứ hai, đức Phật lại cũng từ chối. Bà thỉnh cầu lần thứ ba, đức Phật cũng từ chối.

-Ananda thấy thế không cầm lòng được bèn thưa: Bạch Ngài, xin Ngài nhận lãnh y do dì mẫu Pajāpatī dâng cúng. Dì mẫu Pajāpatī có rất nhiều ân đức với Ngài. Khi Phật mẫu mất, lúc bấy giờ Ngài chỉ mới được sinh ra bảy ngày. Dì mẫu đã dùng sữa của mình để nuôi dưỡng Ngài, và giao con mình cho người khác chăm sóc. Dì mẫu đã có nhiều công đức với Ngài. Xin Ngài hãy nhận y do dì mẫu dâng cúng. Thêm vào đó cũng do nhờ Ngài thuyết pháp mà dì mẫu đã đắc quả Tu Đà Hườn.

Nhưng đức Phật vẫn không chấp nhận. Cuối cùng bà dâng y đến Chư tăng. Tuy vậy, khi bộ y dâng lên các đại đệ tử của đức Phật thì các vị này cũng tiếp tục từ chối. Không ai dám thọ nhận bộ y quá quí giá, được dệt với cả tấm lòng của dì mẫu.

Tấm y cứ vậy mà được từ chối lần lượt từ trên xuống dưới cho đến vị sadi cuối cùng. Vị này vừa mới học tu và đã được thọ nhận tấm y đó.

Tại sao đức Phật bảo bà Pajāpatī đừng dâng y cho Ngài mà hãy dâng cúng đến Chư tăng? Câu trả lời là đức Phật muốn bà Pajāpatī được phước báu nhiều hơn. Nếu bà dâng cúng đến đức Phật thì bà chỉ được một ít phước báu. Nhưng dâng y đến Chư tăng trong đó có cả đức Phật bà được phước báu nhiều hơn. Để dì mẫu Pajāpatī gặt hái được nhiều phước báu, đức Phật dạy bà dâng cúng y đến Chư tăng.

Trong câu đức Phật nói: "Hãy dâng cúng y đến Chư tăng. Nếu dì mẫu dâng cúng y đến Chư tăng thì Như Lai cũng được dâng cúng." Đức Phật muốn nhắn dạy rằng tất cả tăng đoàn ai cũng cần phải được kính trọng như nhau, người cúng dường không nên phân biệt, kính trọng tăng này hơn tăng kia. Cúng dường cần phải được thực hiện với cái tâm trong sạch không đo đếm thì phước báu càng tăng trưởng. Bởi vì, khi chúng ta cúng dường đến cá nhân vị Tăng mà ta lựa chọn, thì chúng ta thường nghĩ hay kỳ vọng một điều gì đó nơi vị Tăng, như đức hạnh chẳng hạn, vì nghĩ rằng cúng đến vị sư có đức hạnh sẽ có quả báu lớn. Giống như trường hợp chúng ta trồng cây vào nơi đất màu mỡ. Bởi vì, ở đất có nhiều màu mỡ thì cây sẽ phát triển tốt đẹp. Cũng vậy, khi bố thí cúng dường bạn cũng phải chọn người nhận lãnh cúng dường có giới luật trong sạch thì kết quả sẽ được dồi dào hơn. Nhưng có một thực tế là làm sao biết được tâm của người khác. Bạn có thể kính trọng vị nào đó, hài lòng với một cá nhân nào đó, nhưng bạn làm thế nào để đi vào tâm vị đó để biết vị đó thật sự như thế nào?

Do đó, “bố thí không tham ái” chính là lời dạy mà đức Phật ban cho chúng sanh qua hành động cúng dường y của dì mẫu. Bài pháp được thể hiện rõ trong bài Kinh Phân biệt cúng dường sau đây.

Kinh Phân biệt cúng dường (Dakkhinàvibhanga sutta)

Trung Bộ Kinh (Majjhima Nikaya)

Ai đầy đủ giới luật, Bố thí cho ác giới;

Vật thí được đúng pháp,

Với tâm khéo hoan hỷ,

Với lòng tin vững vàng

Vào quả lớn của nghiệp,

Sự cúng dường như vậy,

Thanh tịnh bởi người cho.

Ai không giữ giới luật,

Bố thí cho thiện giới;

Vật thí không đúng pháp,

Với tâm không hoan hỷ,

Không lòng tin vững vàng,

Vào quả lớn của nghiệp,

Sự cúng dường như vậy,

Thanh tịnh bởi người nhận.

Ai không giữ giới luật,

Bố thí cho ác giới;

Vật thí không đúng pháp,

Với tâm không hoan hỷ,

Không lòng tin vững vàng,

Vào quả lớn của nghiệp,

Sự cúng dường như vậy

Cả hai không thanh tịnh.

Ai đầy đủ giới luật,

Bố thí cho thiện giới;

Vật thí được đúng pháp,

Với tâm khéo hoan hỷ,

Với lòng tin vững vàng,

Vào quả lớn của nghiệp,

Ta nói bố thí ấy

Chắc chắn có quả lớn.

Ai xuất ly tham ái

Bố thí không tham ái,

Vật thí được đúng pháp.

Với tâm khéo hoan hỷ,

Với lòng tin vững vàng,

Vào quả lớn của nghiệp,

Ta nói bố thí ấy

Là quảng đại tài thí.

3. Tám giới luật

Sau 29 năm sống trong cung vàng điện ngọc, có kẻ hầu người hạ. Thái tử Siddhatta rời cung, bỏ hết vật chất thế gian, sống đời sống phạm hạnh của người tu hành nghèo nàn. Không có gì hết ngoài một bộ y được chắp vá từ những mảnh vải vụn dùng để che thân và một chiếc bình bát dùng để khất thực một số vật thực nhất định đủ để sống qua ngày. Thời gian và năng lực còn lại Ngài vận dụng để tìm kiếm, khám phá chân lý.

Trải qua bao nhiêu lần thất bại, thậm chí còn suýt mất mạng bởi con đường tu khổ hạnh, Ngài nhận ra rằng với thân thể mòn mỏi thì tâm cũng không thể hoàn toàn sáng suốt. Từ đó, Ngài chọn con đường độc lập, tức con đường trung đạo (middle way), không lợi dưỡng cũng không khổ hạnh, Ngài nhận ra, mình phải biết quí cái thân này để mượn nó mà tu.

Sau 49 ngày đêm lần lượt nhập sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền dưới gốc cây Pipphala (Bồ Đề) to lớn tại Bodh Gaya, India (Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ), Ngài phá tan được lớp vô minh, tự mình nhìn ra được vô số kiếp của mình. Bây giờ Ngài hướng tâm về tri giác hiện tượng Sanh, Diệt của chúng sanh. Với huệ nhãn tinh khiết và siêu phàm, Ngài thấy rõ được sự diệt – sanh, sanh – diệt; sự phân tán và cấu hợp lại của chúng sanh. Với tuệ tri hiểu biết như thật, Ngài thấy rõ nguyên nhân của phiền não, sự chấm dứt phiền não, con đường đưa đến sự chấm dứt của phiền não, … màn vô minh đã vén, trí tuệ đã phát sanh, đêm tối đã tan và ban mai đã rạng. Nhà tu hành Siddhatta đã chứng ngộ thực tướng của vạn pháp và trở thành một vị Phật lịch sử năm Ngài 35 tuổi.

Từ đây, Ngài rong ruổi khắp mọi nẻo đường, thu nhận đệ tử, truyền giảng đạo pháp, giúp chúng sanh chuyển mê khai ngộ, giảm khổ sanh thiên. Sau 7 năm hoằng dương chánh pháp từ vùng này qua vùng nọ, đất nước này tới đất nước kia. Một ngày, hay tin vua cha bệnh nặng, đức Phật về thăm và ở lại Kapilavastu cho đến khi đức vua băng hà. Cũng trong thời gian này, Ngài truyền dạy đạo pháp cho những người thân tín, các bậc vương tôn quí tộc chốn kinh thành.

Dì mẫu Pajāpatī là một trong những thính giả nắm bắt và vận hành nhanh các giáo pháp của đức Phật giảng dạy. Bà được đức Phật tán thán và cũng từ đây bà nương nấu ý định từ bỏ đời sống thế gian, xin xuất gia và tu tập trong hội chúng của đức Phật. Bà bắt đầu chuẩn bị mọi việc để chờ đợi thời cơ đề đạt mong muốn của mình với Ngài.

Dẫu dì mẫu Pajāpatī đề đạt tâm nguyện nhiều lần nhưng đức Phật vẫn luôn từ chối vì hơn ai hết Ngài hiểu những khó khăn mà người nữ xuất gia sẽ phải đương đầu. Người xuất gia ngoài việc phải sống đời sống vật chất đơn giản, tu tập ẩn dật nơi chốn rừng thiêng nước độc, vắng vẻ hoang vu thì tài sản kèm theo chỉ bao gồm tấm y che thân và chiếc bình bát khất thực. Điều này khó phù hợp với nữ giới vì thể trạng và cơ địa của nữ giới vốn khác biệt với người nam. Người nữ ngoài thân thể mỏng manh yếu đuối ra họ còn kèm theo rất nhiều các yếu tố khác mà nếu phải sống trong cảnh tạm bợ đó đây thì e thân thể không thích ứng nổi.

Ngoài ra, trên chặng đường hoằng pháp còn có thể gặp rất nhiều rủi ro có thể ảnh hưởng đến sự trong sạch tiết hạnh của họ. Do đó, dù rất nhiều lần nhận được lời thỉnh nguyện xuất gia của dì mẫu nhưng đức Phật vẫn nhất mực chối từ.

Sau ba lần đề đạt tâm nguyện mà vẫn không nhận được sự đồng thuận, dì mẫu vẫn không nản chí. Bà và 500 người phụ nữ hoàng thân quốc thích, quí tộc trong thành tự xuống tóc, đắp y giản dị của người tu, chân đất đi bộ từ kinh thành Kapilavastu đến Jetavana (khoảng 357 dặm, tương đương 576 km) để được gặp đức Phật.

Với quãng đường rất xa, dì mẫu và những người phụ nữ này lại chưa từng đi chân đất, nay đi bộ trên đường đất đá nên họ đi tới đâu cũng làm khuấy động chỗ đó. Tới nơi dì mẫu và 500 người phụ nữ còn lại đều rất mệt, chân sưng bỏng rát, y phục lấm lem. Đại đức Ananda nhìn thấy cảnh này đã không cầm lòng nổi. Đại đức bèn mời dì mẫu và 500 người phụ nữ ngồi nghỉ ngơi rồi đại đức vào bạch với đức Phật thỉnh cầu Ngài.

Tuy nhận thấy được sự kiên định của dì mẫu và 500 người phụ nữ nhưng đức Phật vẫn từ chối cho dù đại đức Ananda thỉnh cầu nhiều lần. Đến lúc này đại đức hỏi đức Phật: “Thế Tôn không cho phép vì nữ giới nếu tu thì không chứng đắc đạo quả được phải không?” Đức Phật trả lời: “Không, Ananda, nữ giới nếu tu thì vẫn chứng đắc đạo quả được như nam giới.” Đại đức Ananda rất hoan hỷ với câu trả lời của đức Phật, Ananda lại tiếp tục thỉnh cầu và cuối cùng đức Phật đã đồng ý kèm theo 8 giới luật dành thêm cho nữ giới.

Như vậy so với Tỳ kheo thì Tỳ kheo ni ngoài việc tuân thủ các giới của Tỳ kheo thì còn có thêm 8 giới luật hay còn gọi là Bát kỉnh giới. 8 giới luật đó lần lượt là:

1, Tỳ kheo ni, dầu có trăm tuổi hạ khi gặp thầy Tỳ kheo mới thọ giới Cụ túc cũng phải chào hỏi, đảnh lễ và thực hành tất cả những bổn phận thích nghi đối với vị Tỳ kheo.

2, Tỳ kheo ni không được an cư kiết hạ ở một nơi riêng rẽ, không có Tỳ kheo đủ phạm hạnh hướng dẫn.

3, Mỗi tháng 2 lần Tỳ kheo ni phải tham dự lễ Uposatha (sám hối) để nghe Tỳ khưu hướng dẫn tu tập, giữ giới.

4, Khi an cư xong, phải đến chỗ Tỳ kheo cầu ba sự tự tứ: thấy, nghe và nghi.

5, Tỳ kheo ni phạm lỗi lớn phải được trình bày và “xử lý” trước đại hồi đồng tăng ni. Chỉ có những lỗi nhỏ hoặc riêng tư thì ni chúng mới được tự giải quyết.

6, Sa di ni phải trải qua 2 năm tu học và nếu tiến bộ mới có thể thọ giới Tỳ kheo ni, muốn thọ trì Cụ túc giới phải thông qua hai bộ Tăng: Tỳ kheo ni và Tỳ kheo. Trong khi đó nam giới khi quyết tâm xuất gia, có thể được truyền giới Sa di và Tỳ kheo cùng một ngày, khi giáo hội nhận thấy vị này đủ yếu tố nhập chúng.

7, Tỳ kheo ni không được khiển trách hay nặng với một vị Tỳ kheo với bất cứ lý do gì. 8, Dù cho Tỳ kheo phạm lỗi thì Một tỳ kheo ni cũng không được quở trách, bàn tán, hay dạy dỗ. Việc ấy chỉ thực hiện giữa hội chúng Tỳ kheo mà thôi.

Thời gian trôi qua, có rất nhiều tranh luận xung quanh 8 giới luật này. Một số quan điểm cho rằng 8 giới luật này không phải do đức Phật chế định, 8 giới luật này đang làm khó khăn, hạn chế, và kìm hãm sự phát triển của Ni chúng. Là sự phân biệt nam nữ, trọng tăng áp đặt ni … Có những đề xuất là cần gỡ bỏ 8 giới luật.

Tuy nhiên cách suy nghĩ, đánh giá, so sánh này còn nhiều phần hạn hẹp. 8 giới luật này chế ra tưởng dành cho Tỳ kheo ni nhưng nghĩ cho cùng thì cũng là để khuyến tấn Tỳ kheo. Tỳ kheo ni phải tu học dưới sự hướng dẫn của Tỳ kheo, do đó, Tỳ kheo phải trang nghiêm giữ giới, có tinh tấn, có hiểu biết, làm gương cho tỳ kheo ni học tập.

Ngoài ra, 8 giới luật cũng nhằm phòng ngừa giúp Tỳ kheo ni được an toàn trong con đường xuất gia tu tập.

4. Những kệ ngôn mà bà đã ứng khẩu sau khi chứng đắc

Trong suốt cuộc đời tu tập của mình, dì mẫu Pajāpatī luôn thể hiện đúng vai trò là một bậc ni trưởng mô phạm, là kết tinh của phạm hạnh và đạo đức. Bà đắc quả Arahatta (A La Hán) và được phong bằng những danh hiệu cao quí như Thánh Ni hay Đại Thánh Ni Phật giáo. Ngay cả đức Phật cũng đã có lần tán thán dì mẫu Pajāpatī “không những là một người mẹ vĩ đại của Như Lai (đức Phật), một vị thánh ni nhiều thần thông lực, mà còn là bầu sữa mẹ cho ni giới, chăm sóc ni giới với tấm lòng bao dung, quảng đại, có kinh nghiệm đệ nhất trong việc lãnh đạo ni chúng”.

Trong những ngày tháng đó, Tỳ kheo ni Pajāpatī đã có nhiều ứng khẩu, kệ ngôn được truyền tụng lại như:

- “Kính bạch Đức Thế Tôn, pháp thể Ngài được tăng trưởng từ những giọt sữa của con, nhờ những giọt sữa nầy mà Ngài đã hết khát trong một lúc, còn tâm con được lớn mạnh từ dòng sữa Chánh Pháp của Ngài, nhờ dòng sữa nầy mà con vĩnh viễn chấm dứt mọi thèm khát.”

- "Các con ơi! Mẹ nhàm chán xác thân nầy, xác thân nầy như là chỗ ở của rắn độc, chỗ ngụ của bệnh hoạn, ngôi nhà của khổ, hành xứ của già và chết, đầy dẫy những bụi phiền, yếu đuối phải dựa vào người khác, chính vì vậy, Mẹ mới mong niết bàn. Các con ơi! Hãy hiểu cho Mẹ".

- "Các con ơi! Khi sầu muộn có nghĩa rơi vào cạm bẩy của ác ma, như vậy thật không nên, các pháp hữu vi là vô thường, mỗi con người cuối cùng rồi cũng phải biệt ly, các con chớ có sầu muộn làm gì".

- “Mắt của chúng con không bao giờ biết no đủ khi ngắm nhìn Ngài, tai của chúng con không bao giờ biết no đủ với kim ngôn của Ngài, tâm của chúng con duy nhất được no đủ với vị pháp của Ngài”.

- “Kính bạch bậc Cao Cả của muôn loài, khi Ngài tuyên thuyết Chánh Pháp để diệt trừ phiền não cho hội chúng, những người nào được diện kiến Ngài, những người ấy gọi là người có phước. Kính bạch bậc Thượng Đức, những người nào đảnh lễ dưới chân Ngài, những người ấy gọi là người có phước”.

- “Kính bạch bậc Thượng Nhân, những người nào được nghe pháp âm vi diệu của Ngài có công năng ly khổ đắc lạc, những người ấy gọi là người có phước".

5. Chùa Việt Nam mang tên bà tại Ấn Độ

Để tưởng nhớ ơn đức của dì mẫu Pajāpatī, Ni chúng Việt Nam đã quyết tâm xây dựng một ngôi chùa mang tên bà tại Vaishali, Ấn Độ. Vùng đất này chính là chiếc nôi của Giáo hội ni, là nơi mà dì mẫu Pajāpatī và 500 người nữ đầu tiên xuất gia.

Kết luận

Mahāpajāpatī Gotamī thực sự là một Tỳ kheo ni thánh hạnh và gương mẫu. Bà là tấm gương cho sự chuẩn mực và đạo đức. Bà là niềm tin, là điểm tựa vững chắc cho ni chúng Phật giáo nương vào.

 

Tài liệu tham khảo

Analayo (2011). Mahapajapati´s going forth in the Madhyama agama Anālayo,

Bhikkhu (2016). The Going Forth of Mahāpajāpatī Gotamī in T 60

Ānandajoti Bhikkhu. (2014). Three Discourses concerning Mahāpajāpatī Gotamī (AN 8.51-53)

Walters, Jonathan S. (1994). “The Buddha’s Mother’s Story.”

Bình luận
| Mới nhất