Đi xin phước

Thứ gì ta không có thì đi xin cho có. Thứ gì ta chưa đủ thì cũng đi xin cho đủ. Cần cứ xin, còn cho hay không thì kệ người ta, mình cứ xin cái đã. Ta cần phước, ta thiếu phước, ta không có khả năng tạo phước thì ta đi xin. Nhưng, phước có xin được không?

Thứ gì ta không có thì đi xin cho có. Thứ gì ta chưa đủ thì cũng đi xin cho đủ. Cần cứ xin, còn cho hay không thì kệ người ta, mình cứ xin cái đã. Ta cần phước, ta thiếu phước, ta không có khả năng tạo phước thì ta đi xin. Nhưng, phước có xin được không?
“Sadhu, sadhu” - từ này là từ thông dụng đối với Phật tử Nam Tông. Nó là từ của Ấn Độ. Sadhu dịch sang Việt là: tốt lành, có lợi ích, giỏi, dạ, vâng. Sadhu dịch theo tiếng Anh là: good, well, thoroughly, yes, alright. Từ Ấn đến Tích Lan, Thái, Miến, Lào, Cam, Việt, khi đồng tình, vui mừng hay thể hiện ý chúc tụng, chúc mừng đến phước của người khác đều nói ‘sadhu’. Trong văn viết, để kết thúc một câu, ta thường sử dụng dấu chấm câu. Trong xả giao hằng ngày của người Phật tử, thì từ sadhu được dùng để kết thúc một ý niệm vui vẻ, cám ơn, hay chúc mừng. Đây là một từ rất quan trọng đối với người nào có ý định đi xin phước.
Ta đi chùa, thấy thiên hạ làm việc thiện, tức là họ đang tạo phước cho bản thân họ, ta cũng vui mừng với họ mà nói lời ‘sadhu, sadhu’. Điều này có giúp ta có phước như họ không? Không. Đó chỉ sanh ra sự hân hoan giống như mừng ké việc thiện của người khác. Phước họ tạo được ví như cái bánh bao. Họ ăn bánh là họ đang hưởng phước ấy. Ta nhìn thấy họ ăn cái bánh bao, ta vui nhưng ta không thể no như họ được. Nếu có ai nghĩ rằng, mình không làm gì hết, người khác làm rồi mình vui theo, mình cũng sẽ có phước thì hãy bỏ cái suy nghĩ này đi. Đó chỉ là sự vui mừng ăn theo thôi giống như là chỉ ngửi thấy mùi thơm của cái bánh bao người ta đang ăn làm cho bụng mình cồn cào thêm chứ không no được. Vậy thì, khi ta không có khả năng làm phước như họ, làm sao để có được phước như họ? Đi xin. Chỉ có cách đó thôi. Đến gặp họ, mỉm cười rồi nói: bạn chia phước cho mình đi. Đơn giản. Thấy đơn giản nhưng phải có nghệ thuật đi xin tức phải có đủ thân, khẩu, ý thiện thì phước mình nhận được mới trọn vẹn. Bằng không thì chỉ là hình thức bên ngoài, cho dù người ta có cho thì mình cũng không nhận được. Khi ta nhận được sự chia phước của ai, ta cũng nên nói lời ‘sadhu’ hay ‘cám ơn’, hay ‘lành thay’. Sự vui mừng nhận phước phải được thể hiện trong thân mỉm cười, khẩu thốt lời, và ý hân hoan. Những điều ấy có được do sở hữu tư hợp tâm đại thiện câu hành hỷ thì phước được trọn vẹn. Còn nếu miệng sadhu mà mặt lạnh lùng tức là câu hành xả thì phước ấy như cái bánh bao không nhân vậy, ăn lạt lẽo, chẳng no.
Cũng vậy, khi ta làm phước, ta muốn chia phước đến chúng sanh nào đó thì ta sẽ hướng tâm về chúng sanh đó, về tên của chúng sanh đó rồi nguyện chia phước đã làm được đến họ. Khi người nhận được phước đó biết được việc chia phước của ta, họ sẽ vui vẻ rồi nói ‘sadhu’. Như vậy, họ đã nhận được phước ấy một cách trọn vẹn.
Trong thập thiện có tùy hỷ phước. Tùy hỷ phước ở đây không phải là việc mình vui vẻ, đồng tình với việc làm lành của người khác mà là việc mình vui vẻ, hân hoan khi nhận phần phước mà người khác chia cho mình. Đây là cách mình có phước một cách thụ động vì mình phải phụ thuộc vào sự hào phóng của người khác. Để có được cái nhân cho quả tùy hỷ phước này thì ta phải dẹp lòng ghanh tỵ, đố kỵ để cùng chung vui với điều thiện mà người khác làm. Đồng thời cũng dẹp luôn cái ngã ‘ta đây’ để mở miệng ra xin phước của người khác. Lúc đó, thân tâm mình mới thoải mái đón nhận phước lành được chia. Như vậy, đi xin phước nghe chừng dễ làm nhưng rất khó vì thân tâm phải thực sự rộng mở để đón cái phước được chia chứ nếu không thì người ta có cho nhưng mình cũng chẳng nhận được là bao.
Hy vọng với bài viết ngắn này, mọi người sẽ hiểu thêm được thế nào là tùy hỷ phước để mạnh dạn đi xin phước cho mình chứ đừng có vui vẻ suông mà bỏ phí cơ hội. Xin bánh bao nhiều khi còn bị nặng nhẹ chứ xin phước thì chắc người ta sẽ vui vẻ mà cho thôi.

05/03/2018. Út Hà.

Bình luận
| Mới nhất