Ba phúc lành cao thượng

Bài giảng do TT Thiện Minh giảng ngày mùng 5 tết Mậu Tuất (20/2/2018) tại Thiền viện Thiện Minh –Vĩnh Long

BA PHÚC LÀNH CAO THƯỢNG

Kính thưa toàn thể đại chúng. Hôm nay là ngày mùng 5 tết, tại thiền viện Thiện Minh, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long tổ chức lễ tưởng niệm 50 năm ngày liệt sĩ Trần Văn Đèo đã từ trần, là ngày họp mặt đầu năm của Tăng, Ni, Phật tử, và lễ đặt bát hội để người Phật tử đặt bát cúng dường Chư tăng, gieo duyên lành trong Chánh pháp. Sáng hôm nay, trong chương trình có thời thuyết pháp. Thời pháp này, trong chương trình, Ban Tổ chức thỉnh sư Liêm thuyết nhưng giờ cuối sư không đến giảng được. Chúng tôi định thỉnh các vị sư Tích Lan, hôm nay có khoảng 6 vị đến cùng tham dự đại lễ, nhưng lại không có thông dịch viên. Cuối cùng, chúng tôi phải bao chót là thuyết thời pháp khoảng một tiếng đồng hồ, sau đó quý vị sẽ dự lễ.

Ngày mùng 5 tết theo dân gian là xui, nghĩa là mùng 5 kỵ ra đường. Nhưng ngày mùng 5 ngoài đường vẫn đông cho nên ý niệm mùng 5 xui không còn nữa. Mùng 5, 8, 14, 23 được xem là ngày xui vì ngày này là ngày vua đi vi hành, cho nên, dân chúng cử ra đường vì vua đi mà mình đi nữa thì nguy. Đối với người Phật tử chúng ta, xui hay hên là do tâm của chúng ta, việc làm của chúng ta. Đối với người Phật tử không có ngày xấu cũng không có ngày tốt. Ngày nào mình làm lành lánh dữ là ngày tốt. Ngày nào mình làm ác đó là ngày xấu. Cho nên, không có ngày tốt và cũng không có ngày xấu mà chỉ có tâm tốt và tâm xấu. Vì vậy, người Phật tử phải thiết lập trong tâm mình tam nghiệp là thân, khẩu, ý tốt. Chẳng hạn như hôm nay, thân đi chùa gọi là thân tốt. Khẩu mình hôm nay mình đi chùa nên ăn nói đàng hoàng, lịch sự, lễ phép thưa dạ, chào hỏi lễ độ là khẩu tốt. Còn ý của mình hôm nay mình đi chùa nên suy nghĩ mình tốt, suy nghĩ trong tâm mình hướng thiện. Như vậy, cả ngày hôm nay, hành động, lời nói và ý nghĩ của mình tốt nên thân khẩu ý hôm nay ở chùa sẽ tốt đẹp. Nếu trường hợp hôm nay mình không ở chùa, mình ở nhà thì muốn ăn mặc sao cũng được, nhưng đi chùa ăn mặc lịch sự. Thân của mình nhiều khi không gọn gàng, ở nhà muốn nằm đâu nằm, gặp salon nằm cũng được, còn ở chùa không phải muốn nằm đâu cũng được. Khẩu mà nếu ở nhà thì nhiều khi con của mình làm không đúng ý mình thì mình la rầy, chửi. Cho nên, ở nhà không khéo tu thì khẩu ô nhiễm, ngôn từ lung tung, lời nói không có chánh ngữ, không có chánh mạng. Trong tâm mình, ý nghĩ mình hay suy nghĩ những chuyện không tốt đẹp. Ý nghĩ của mình sai lầm, hoài nghi của mình quá lớn, hoài nghi người thân, hoài nghi chồng vợ mình nên ý mình bị ô nhiễm. Mình ở chùa, mình đi chùa là một dịp để mình tiếp cận thiện pháp. Cho nên, dịp đầu xuân có nhiều gia đình tổ chức đi thập tự là đi 10 kiểng chùa. Việc đi 10 kiểng chùa là mình lạy được 10 ông Phật, bố thí được 10 cở sở, lạy được 10 ông tăng. Mình lên chánh điện, mỗi chánh điện một ông Phật. Rồi quý vị bỏ phong bì cúng dường trong thùng phước điền là làm phước được 10 cơ sở. Tức là mình tạo được phước cung kính, bố thí, nghe thuyết pháp, nghe lời chúc tụng của chư tăng. Do đó, mình đi như vậy là mình tạo được phước duyên, phước công đức. Mà mình có nhiều công đức, có nhiều thiện sự thì phước báo của mình gia tăng, còn con người kém phước, kém đức thì mình đi đâu, mình làm gì cũng dễ bị thất bại. Cho nên, quý vị phải tạo phước nhiều.

Trong 38 pháp an lành Đức Phật dạy:

‘Xả ly tâm niệm ácChế ngự không say sưaTinh cần trong thiện phápLà phúc lành cao thượng.’

Xả ly tâm niệm ác là mình buông bỏ những tâm niệm ác. Con người mình thường sống buông lung gọi là tà kiến, tà tư duy, tà ngữ và tà niệm. Tâm của mình sống trong bất thiện pháp, cho nên, Đức Phật dạy mình phải xả ly. Tức là mình buông bỏ những tâm bất thiện. Những gì là cái ác bất thiện pháp trong tâm thì chúng ta phải buông bỏ, chúng ta phải sống vui vẻ thoải mái, hài hòa, thích nghi. Mình giữ trong tâm của mình một chữ thiện pháp. Ca dao tục ngữ có câu:

‘Ai ơi phải ráng làm lànhKiếp này không được để dành kiếp sau.’

Cho nên, mình sống phải làm việc thiện, việc lành và buông bỏ tâm bất thiện pháp. Cuộc đời tu của chúng ta chỉ làm hai việc đó là học Pháp và hành Pháp. Học Pháp là học lời dạy của Đức Phật, nghe băng thuyết Pháp và tụng kinh để thâm nhập những lời dạy của Đức Phật. Thời buổi khoa học hiện đại bây giờ, quý vị lên mạng sẽ nghe được nhiều bài Pháp của nhiều vị giảng sư giảng thuyết khắp nơi. Quý vị lên youtube là có tất cả. Quý vị muốn nghe giảng sư nào, quý vị gõ tên vào sẽ nghe được hết. Có rất nhiều video giảng hay. Quý vị sẽ nghe được pháp thoại, nghe được lời hay, nghe được Phật ngôn mà vị giảng sư đó trao truyền. Thời buổi này là thời buổi tốt nhất để chúng ta học Pháp. Không cần tốn tiền, chỉ cần trả tiền internet để nghe nhiều vị giảng sư giảng Pháp. Quý vị càng nghe càng thâm nhập lời Phật. Mỗi vị giảng sư có mỗi hình thái. Mình nghe có thể thay đổi tâm tánh. Mình nghe vị giảng sư giảng Pháp, mình hiểu được những lời dạy thâm thúy có thể cải tà quy chánh. Cho nên, mình càng nghe thì mình càng thay đổi tri kiến của mình, mình càng nghe càng thâm nhập được lời dạy của Đức Phật, mình càng nghe thì tri kiến càng mở trộng. Đức Phật dạy trí tuệ có ba hình thái: trí văn, trí tư và trí tu. Con người phát sanh trí tuệ là trí văn phải học mới giỏi ở nhiều lãnh vực khác nhau. Trí tư là mình phải nghe xong rồi mình xuy nghĩ mới phát sanh trí tuệ. Trí cuối cùng là trí tu, người mà ngồi thiền nhập định phát sanh trí tuệ. Đức Phật dạy trí tuệ phát sanh ở chỗ trí văn, trí tư, trí tu. Quý vị ngồi nghe thuyết Pháp một cách chăm chú, mình nghe mình suy gẫm, mình hiểu thì phát sanh trí tuệ. Mỗi người có nhận thức phát sanh khác nhau. Mình nghe Pháp là hình thức loại trừ niệm bất thiện. Mình nghe Pháp cũng là hình thức mình xả ly ác bất thiện pháp. Mà nghe Pháp là hình thức mình buông bỏ những gì đáng buông bỏ, là hình thức vun bồi tâm từ, bi, hỷ, xả, là hình thức tăng trưởng thiện pháp, là hình thức mình tiến bộ trên con đường Phật đạo. Cho nên, Đức Phật nói: xả ly tâm niệm ác. Còn con người mình ôm ấp những ác bất thiện pháp trong tâm mình là trước nhất mình đau khổ. Một con người sống ích kỷ, hẹp lượng; rồi tham, sân, si; rồi bất kính với cha mẹ; thân, khẩu, ý luôn bị ô nhiễm thì tự mình đau khổ cho mình và tự mình chuốc lấy những đau khổ cho những người xung quanh mình. Phật dạy 38 pháp an lành là xả ly tâm miện ác. Cho nên, đối với tâm bất thiện, mình phải buông bỏ.

Điều thứ hai là chế ngự không say sưa. Trong giới thứ năm của ngũ giới là không được uống rượu và các chất say. Đức Phật thấy mầm mống sâu xa của con người là hay say sưa, đó là dùng rượu, dùng bia để say sưa, để giải trí. Đức Phật dạy là trí tuệ của con người mình không có sáng suốt khi dùng rượu, dùng bia nhiều quá. Trong những ngày tết này, các thanh niên thậm chí thiếu nữ cũng uống rượu quá nhiều. Ở Việt Nam chúng ta, quán rượu, quán bia quá nhiều. Mà chúng ta có văn hóa hình như là lên chức cũng uống rượu, xuống chức cũng uống rượu, tân gia cũng uống rượu. Nói chung các lễ hội dùng rượu bia nhiều quá. Người nào đi làm mà không uống rượu thì phân loại ra một bên. Cho nên, rượu bia quá nhiều và thuốc lá cũng quá nhiều. Một số xã hội tây phương thì rượu bia và thuốc lá là một sự chướng ngại. Nếu mình quen uống rượu bia, quen dùng thuốc lá, khi mình đi ngoại quốc, nhất là đi máy bay thì quý vị thấy là một hình khổ. Ở thành phố Hồ Chí Minh, ngày 27 tết xảy ra một vụ án kinh hoàng. Một người làm trong nhà mà giết 2 vợ chồng, 2 đứa con. Nhưng mà chúng tôi đọc một số tin tức là ông chủ nhà chết do chống cự không lại là tại vì lúc đó là tất niên nên dùng rượu bia nhiều quá, nên nằm kháng cự không được. Chứ một anh chàng 18 tuổi mà ông chủ nhà tỉnh táo thì cũng khó mà giết ổng. Có lẽ do ngày tất niên sử dụng rượu bia quá nhiều, nằm la liệt nên anh đó ra tay. Một số bài viết trên báo do sự hiềm khích bà chủ nhà hay chửi bới, la rầy, nhục mạ anh ta nên anh ta xin ngủ lại đêm đó để ra tay. Qua câu chuyện đẫm máu kinh hoàng đó cho chúng ta hai vấn đề suy gẫm. Một là tâm bất thiện con người. Nhiều khi mình làm chủ mà mình có những lời nói quá khó nghe và có những lời nói nhục mạ, xúc phạm đến người làm. Chính vì vậy, người làm không đủ sáng suốt, không đủ bình tĩnh nên ra tay trả thù một cách rất kinh khủng. Điều thứ hai, chúng ta suy nghĩ đó là ông chủ có khả năng uống quá nhiều rượu bia nên trong lúc người làm ra tay thì ông này không đủ nghị lực, sáng suốt, tỉnh thức để kháng cự. Và trong xã hội Việt Nam, chúng ta có rất nhiều gia đình mà chồng vợ ly dị do tật uống rất nhiều bia rượu. Việt Nam thống kê một năm có khoảng 120 ngàn người chết vì tai nạn, vì bịnh ung thư. Bịnh ung thư cũng xuất phát từ bia rượu. Có nhiều người sử dụng bia rượu quá nhiều cũng là một trong những trạng thái trở thành bị ung thư. Có nhiều người sản xuất bia rượu do lợi nhuận nên sử dụng pha những loại mà con người uống nhiều có khả năng sẽ bị bịnh. Và Việt Nam có thống kê có khoảng 40 ngàn người chết vì trầm cảm, tự tử, quyên sinh. Mà đa số những người nhảy cầu, uống thuốc độc để chết, dùng sợi dây oan nghiệt để chết thì trước khi làm việc đó có uống rượu bia. Cho nên, rượu bia là hình thức không tốt cho người Phật tử. Mình xa lánh rượu bia nhiều chừng nào, đó là một trong những nguyên nhân phát sanh trí tuệ. Mình càng uống rượu bia nhiều chừng nào, thì theo Đức Phật dạy, mình sanh con ra khả năng thông minh rất kém. Quý vị để ý những người mà họ thường xuyên uống rượu bia, nhìn cái mặt họ rất lừ đừ, nhìn họ hay nói nhảm, nhìn họ hay mơ mơ màng màng. Có nhiều người sáng uống, chiều uống, nhất là dưới quê, hôm qua chúng tôi đi từ Vũng Tàu về mà ngó hai bên đường nhìn thấy ngồi đông là biết rồi, đi trên đường quốc lộ thì ít thấy nhưng đi vô miệt Bến Tre dài dài trên này mà thấy tụ họp đông, lại ‘vô vô’ là biết đang nhậu rồi. Con người của mình càng uống thì men rượu càng lên, càng lên thì uống hoài không biết mệt mỏi. Khổ nổi người mà không biết uống rượu mà ngồi vô bàn rượu thì từ từ sẽ biết uống. Những người xung quanh kích động, hô hào, khuyến khích là mình có hưng phấn để uống. Uống để mà giải sầu, uống để mà vui, uống để qua cơn mê, cho nên, con người mình là uống. Vì vậy, Đức Phật dạy tự chế không say sưa. Mình ở chung với người say sưa mà mình sống không say sưa. Mình ở chung với người hút thuốc, nghiện rượu mà mình làm chủ không nghiện rượu, không hút thuốc là mình tự chế. Nếu mình không tự chế thì mình thành quá độ, mà từ quá độ sẽ đau khổ. Mình sử dụng nhiều quá thì chuốc lấy những bịnh trong thân chúng ta. Mình không tự chế được, mình sử dụng quá nhiều rượu bia sẽ đau khổ, nhất là tốn tiền, hai là làm khổ vợ, làm khổ con và những người xung quanh. Và tai hại là có người uống rượu bia, thường ngày, quý vị thấy họ hiền lành nhưng mà khi họ uống rượu bia vào là họ nói quá nhiều, họ uống rượu bia vào họ lại la lối um sùm, chửi vợ con, đánh đập.

Điều thứ ba là tinh cần trong thiện pháp. Đức Phật dạy thiện pháp là bố thí, trì giới, tham thiền, cung kính, phục vụ, nghe pháp, thuyết pháp, hồi hướng công đức, cải tà tri kiến. Hằng ngày chúng ta tụng kinh cũng là tinh cần trong thiện pháp. Hằng ngày chúng ta ngồi thiền, niệm Phật cũng là tinh cần trong thiện pháp. Hằng ngày đốt nhang cúng ông bà gia tiên cũng là tinh cần trong thiện pháp. Ngài dạy Phật tử chúng ta phải biết siêng năng, cần mẫn và làm những thiện sự trong thiện pháp. Người tu của chúng ta đắc đạo, chứng quả nhanh là mình học hạnh tinh tấn, còn nếu mình lười biếng xem như chúng ta sẽ khó mà đạt đến quả vị giải thoát. Cho nên, mình phải chuyên cần trong thiện pháp. Quý vị thấy cuộc đời của Đức Phật trong 45 năm chu du truyền đạo, mỗi đêm Ngài chỉ nghỉ hai tiếng đồng hồ, còn thời gian còn lại, Ngài phục vụ chúng sinh, hoằng dương chánh pháp. Ngài xem thiện pháp là điều mà ngài phải thực hành trong mỗi ngày. Lười biếng là con đường đi đến chỗ tử. Siêng năng là con đường tiến bộ. Lười biếng là con đường sa đọa. Cho nên, trong di chúc của Đức Phật dạy: ‘Này các thầy tỳ kheo, các pháp hữu vi là vô thường. Các thầy phải siêng năng trong thiện pháp, không dể duôi đó là con đường bất tử. Appamādo amatapadam – không dể duôi là con đường bất tử. Pamado namatapadam - dể duôi là con đường tử vong. Trong di chúc, Ngài dạy hai vấn đề đó là dể duôi và không dể duôi, siêng năng và lười biếng. Một người thành đạt phải biết siêng năng. Một người không thành đạt gọi là lười biếng. Một người sống không phóng dật sẽ dễ đến quả vị Niết-bàn. Người mà sống thành đạt thì gọi là biết siêng năng trong công việc.  

Đức Phật dạy:

‘Xả ly tâm miện ácChế ngự không sayTinh cần trong thiện phápLà phúc lành cao thượng.’

Hạnh phúc cao thượng không phải do mình cầu khẩn van xin mà do mình biết tu tập. Người nào biết xả ly tâm niệm ác, tự chế không say sưa, tinh cần trong thiện pháp thì đó là người có hạnh phúc cao thượng. Chúc mừng quý vị ngày hôm nay đến thiền viện Thiện Minh để tham dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày mất của liệt sĩ Trần Văn Đèo, tham dự lễ họp mặt đầu năm, tham dự lễ đặt bát hội để cúng dường chư tăng để gieo duyên lành trong ngày đầu xuân. Đây là một việc làm, nghĩa cử xem như là hạnh phúc cao thượng. Ngày hôm nay quý vị hướng về thiện pháp. Hướng về việc làm bố thí, việc phước thiện xem như là hạnh phúc cao thượng. Hạnh phúc là do mình làm những gì thiện sự, hạnh phúc là do mình biết tu tập, hạnh phúc là do mình biết làm phước thiện trong cuộc sống.

Xin chúc mừng quý vị đã bỏ thời gian quý báu, có người ở thành phố Hồ Chí Minh về dự lễ, có người ở thành phố Cần Thơ, Vĩnh Long, thậm chí có người từ Phần Lan xa xôi cũng về tham dự. Xin tán dương công đức của tất cả quý vị hôm nay. Và cũng cầu nguyện hồng ân Tam bảo, Đức Phật, giáo pháp và tăng già gia hộ cho quý vị luôn an vui, hạnh phúc và luôn gặp được nhiều may mắn trong suộc sống. Và cầu nguyện phước thanh cao hôm nay, cầu siêu đến cửu quyền thất tổ, ông bà cha mẹ nội ngoại song phương của quý vị đã quá vãng được lãnh pháp thí hôm nay để an vui nơi nhàn cảnh. Và chúc quý vị có được năm pháp chúc mừng: sống lâu, sắc đẹp, an vui, sức mạnh và có trí tuệ sáng suốt.

Nam mô Phật, Pháp, Tăng - Tam bảo.

TT Thiện Minh

Bình luận
| Mới nhất